(Lichngaytot.com) Tương truyền, bức tượng Phật khổng lồ này từng 4 lần rơi lệ khi dân chúng rơi vào cảnh khó khăn lâm nguy.
1. Ba thế hệ nỗ lực suốt hơn 90 năm mới hoàn thiện tượng Phật khổng lồ
Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất tại Trung Quốc phải kể tới di tích Lạc Sơn Đại Phật nằm ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Đây là bức tượng Phật Di Lặc được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nơi nằm ở điểm hợp lưu giữa 3 con sông là Dân Giang, Thanh Y và Đại Độ.
Bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới này cao hơn 70 m, được xây dựng từ đời Đường, vẫn giữ nguyên vẻ tinh xảo dù trải qua gần 1000 năm lịch sử.
Tài liệu cổ ghi lại, việc khởi công tạc tượng bắt đầu từ năm 713 thời Đường Huyền Tông do một nhà sư là Hòa thượng Hải Thông chỉ huy. Ông vốn là một lão hòa thượng tu tại chùa Lăng Vân thuộc dãy núi cùng tên.
Theo tương truyền, trước khi Lạc Sơn Đại Phật được xây dựng, nước sông ở khu vực này chảy rất xiết nên thường xuyên xảy ra tai nạn đắm tàu thuyền. Chứng kiến những cảnh tượng tai ương, Hòa thượng Hải Thông rất đau xót. Nhà sư đã phát nguyện xây dựng tượng Phật với hi vọng sức mạnh của Phật pháp sẽ giúp nước sông trở nên hiền hòa hơn, tạo điều kiện thuận lợi để tàu bè đi lại.
Bạn có biết về tạo hình của Phật Di Lặc: Tại sao Phật Di Lặc lại có tạo hình bụng bự, miệng cười tươi?
Bạn có biết về tạo hình của Phật Di Lặc: Tại sao Phật Di Lặc lại có tạo hình bụng bự, miệng cười tươi?
Ròng rã suốt hơn 20 năm, Hòa thượng Hải Thông đi khắp nơi gom góp được một khoản tiền để tạc tượng Phật. Khi công trình mới thực hiện được một nửa thì Hòa thượng viên tịch và mọi việc phải ngưng lại. 10 năm sau, Tiết độ sứ Kiếm Nam Tây Châu là Kiêm Quỳnh đã quyên góp hơn 200 ngàn lượng vàng để tiếp tục xây dựng. Do đây là công trình có quy mô cực lớn nên cần lượng kinh phí cao.
Nhờ có công trong việc xây dựng tượng Phật, Tiết độ sứ Kiêm Quỳnh sau này được bổ nhiệm vào kinh nhậm chức làm Thượng thư bộ hộ, việc tôn tạo một lần nữa phải dừng lại.
Mãi tới năm 788 thời Đường Đức Tông, công trình mới được tiếp tục. Nhờ sự nỗ lực của 3 thế hệ, sau hơn 90 năm, cuối cùng Lạc Sơn Đại Phật đã hoàn thành.
Do đây là bức tượng Phật tạc đá lớn nhất nên được người dân gọi là Lạc Sơn Đại Phật. Còn ngôi chùa Lăng Vân cũng được đổi tên thành chùa Đại Phật.
2. Từ khi tượng Phật xuất hiện, không còn xảy ra tai nạn đắm tàu thuyền
Một điều thú vị và kỳ lạ luôn được người dân địa phương kể cho khách phương xa, từ khi bức tượng Lạc Sơn Đại Phật xuất hiện, những vụ tai nạn đắm tàu thuyền ở khu vực này không còn xảy ra nữa.
Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng, trong quá trình xây dựng công trình khổng lồ này, các lớp đá được đẽo gọt bóc tách với khối lượng lớn, trầm lắng xuống dòng sông. Điều này khiến các dòng chảy bị biến đổi, vì thế giúp tàu thuyền đi lại an toàn hơn.
Được biết, công trình mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Đầu tượng cao 15 m, chỉ riêng phần lông mày của tượng Phật dài tới 5.5 m. Thậm chí, cả 100 nhà sư có thể cùng ngồi vừa lên một bàn chân của Đức Phật.
Điều khiến du khách kinh ngạc không chỉ bởi sự hoành tráng của pho tượng, từng chi tiết nhỏ trên công trình cũng được chạm khắc rất tỷ mỉ, công phu. Đặc biệt phần mái tóc của tượng Phật được chạm với 1.021 lọn tóc xoắn ốc rất chi tiết.
Tượng Phật được khắc họa với khuôn miệng mỉm cười từ bi, ngồi ở tư thế khoan thai đặt hai tay lên đầu gối còn đôi mắt hiền từ nhìn xuống dòng sông phía trước. Hai bên tượng Phật là hai bức hộ pháp cao khoảng 16 m, rộng chừng 6 m, thân mặc chiến bào và tay cầm pháp khí.
3. Tới những bí ẩn về bức tượng từng 4 lần rơi lệ
Theo truyền thuyết dân gian, kể từ khi xây dựng, Lạc Sơn Đại Phật không chỉ bảo vệ dân chúng, mà còn có thể bộc lộ cảm xúc đau buồn khi tai họa giáng xuống. Phía sau công trình tôn giáo đáng kinh ngạc này còn lưu truyền những câu chuyện tâm linh bí ẩn, vẫn được truyền tụng cho tới ngày nay. Một vài lần trong lịch sử, người ta tin rằng đã nhìn thấy Đức Phật chảy lệ với đôi mắt nhắm lại. Trong đó, những lần "Phật khóc" được ghi lại lần lượt vào các năm 1962, 1963, 1976 và 1994.
Lần đầu tiên ghi nhận sự kiện này vào năm 1962. Đó là năm đỉnh điểm của nạn đói, thiếu lương thực trầm trọng kèm theo hạn hán xảy ra tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Tứ Xuyên.
Theo số liệu từ sử sách ghi lại, hàng vạn người chết đói, nằm la liệt xung quanh núi Dân Sơn. Chứng kiến cảnh những người sống sót lang thang, hai mí mắt của bức tượng nghìn năm tuổi dường như khép lại và có vệt đen như vệt nước chảy xuống từ đôi mắt. Người dân tin rằng, đó là lúc Đức Phật hiển linh, tỏ sự xót thương với dân lành.
Chỉ một năm sau, vào năm 1963, tình hình thiên tai vẫn không được cải thiện và số người chết vì đói tiếp tục gia tăng đặc biệt tại tỉnh Tứ Xuyên. Hiện tượng kỳ bí xảy ra tại bức tượng Đại Phật tương tự như năm 1962, khiến nhiều người kinh ngạc. Chính phủ Trung Quốc đã cử các nhà khoa học tới tìm hiểu và nghiên cứu nhưng chưa lý giải được.
Lần "Phật khóc" được kể nhiều nhất vào năm 1976 khi trận động đất với cường độ 7,8 độ richter xảy ra tại thị trấn Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Các chuyên gia đánh giá, đây là trận động đất gây thương vong nhiều nhất thế kỷ 20, hủy diệt gần như toàn bộ thành phố công nghiệp Đường Sơn - nơi sinh sống của 1,6 triệu người. Theo thống kê thời điểm đó, khoảng hơn 255.000 người đã thiệt mạng, ước tính hơn 164.000 người khác cũng bị thương nặng. Theo lời kể từ dân chúng, đó cũng là lần Lạc Sơn Đại Phật một lần nữa rơi lệ.
Tới năm 1994, khi đó, công trình đã trở thành điểm đến tham quan thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Vào tháng 7 cùng năm, khi các du khách ngồi thuyền đi trên sông, một số người kể lại họ đã chứng kiến cảnh tượng Phật nhỏ lệ. Lúc thuyền cập bến, họ lại thấy gương mặt pho tượng giãn ra như đang cười, dù vẫn còn nguyên hai hàng nước mắt.
Theo tờ Nhân Dân của Trung Quốc, vào lúc 9h43 sáng ngày 7/5/2002, khu vực núi Lăng Vân đã ghi nhận hiện tượng ngàn năm mới gặp. Dù những đám mây buổi sớm vẫn còn phủ quanh núi, nhưng trên đỉnh Lạc Sơn Đại Phật xuất hiện quầng mặt trời tỏa ánh hào quang - Phật Quang, trải rộng trên khắp núi Lăng Vân với đường kính lên tới 300 m.
Truyền thông nước này đánh giá, hai năm trước đó trùng hợp là "năm đại hỷ" của Trung Quốc. Cụ thể, năm 2000, Trung Quốc thành công khi được nhận đăng cai Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Năm 2001, quốc gia này chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đến nay, dù chưa chuyên gia nào lý giải được hiện tượng kỳ bí liên quan tới chuyện Đại Phật rơi lệ, tuy nhiên, địa danh này từ lâu đã trở thành điểm đến hành hương của người địa phương và Phật tử từ khắp nơi. Từ tháng 12/1996, khu vực Nga Mi Sơn bao gồm cả nơi có Lạc Sơn Đại Phật tọa lạc được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Tin cùng chuyên mục dành cho bạn: