Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tư thế ngủ của Đức Phật có ý nghĩa gì mà Ngài chỉ ngủ suốt đời mãi một kiểu

Thứ Hai, 25/05/2020 10:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tư thế ngủ của Đức Phật không phải ngẫu nhiên, cũng không phải gượng ép để có được mà đó là một quá trình chọn lọc để tìm ra cách nằm ngủ vừa có lợi cho thân và tâm của Ngài.

Nếu có cơ hội thăm thú các nơi có để tượng phật trong tư thế ngủ, bạn sẽ thấy chúng có điểm chung là Người nằm nghiêng bên phải, một tay kê đầu, tay kia duỗi thẳng dọc thân.

Chắc bạn sẽ tò mò không biết vì sao tư thế ngủ của Đức Phật lại như vậy, có vẻ như chúng không tự nhiên như cách chúng ta có thể nằm ngủ với đủ tư thế khác nhau khi đi ngủ. 

tu the ngu cua Duc Phat
 

Ý nghĩa về tư thế ngủ của Đức Phật


Nằm ngủ là việc quá quen thuộc mỗi ngày, quen thuộc tới nỗi chúng ta không quá quan tâm tư thế của mình đã đúng chưa hay có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không. Không phải ai cũng biết được rằng cách nằm của mình có liên hệ rất nhiều đến sự an ổn thân tâm và sức khỏe.
 
Thực ra, nằm ngủ cũng là một cách tu. Tư thế nằm phản ánh tâm trạng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự an tịnh của thân tâm của người nằm. Muốn có được một giấc ngủ ngon, sâu thì việc chọn tư thế ngủ là rất quan trọng. 

Trong Luật tạng Phật giáo, đức Phật dạy các đệ tử nên chọn thế ngủ bên phải mà không được ngủ với các tư thế khác. “Ngọa tu hữu hiếp, danh cát tường thụy, bất đắc ngưỡng ngọa, phúc ngọa, cập tả hiếp ngọa.”  (Nằm phải nằm nghiêng hông bên phải gọi là ngủ “kiết tường”. Chẳng đặng nằm ngữa, nằm sấp, cùng nằm hông bên trái.)

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita, dạy các Tỳ kheo:
 
“Này các Tỳ kheo, có bốn cách nằm này. Thế nào là bốn? Cách nằm của ngạ quỷ, cách nằm của kẻ hưởng thọ dục vọng, cách nằm của sư tử và cách nằm của Như Lai.
 
Thế nào là cách nằm của ngạ quỷ? Này các Tỳ kheo, phần lớn các ngạ quỷ nằm ngửa.
 
Này các Tỳ kheo, thế nào là cách nằm của người hưởng thọ các dục vọng? Phần lớn những người hưởng thọ các dục vọng nằm nghiêng phía bên trái.
 
Thế nào là cách nằm của sư tử? Này các Tỳ kheo, sư tử, vua các loài thú nằm nghiêng về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau.
Và này các Tỳ kheo, thế nào là cách nằm của Như Lai? Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo ly dục… chứng đạt và an trú Tứ thiền, đây là cách nằm của Như Lai.
 
Này các Tỳ kheo, có bốn cách nằm này.

Những người tu hành nên nằm như “Sư tử vương” xuôi thân nghiêng bên phải sát chiếu chồng hai chân, ngậm miệng tay bên phải gối đầu, duỗi tay bên trái để xuôi mình, tâm tưởng nghỉ nhớ, chớ quên niệm huệ.  

Sở dĩ mà gọi thế ngủ như Sư tử vương là thế ngủ Cát tường vì ta sẽ chỉ ngủ vừa đủ, không mê, và tránh mơ thấy ác mộng trong khi các tư thế ngủ khác. Cùng lắng nghe lời Phật dạy về các tư thế ngủ để ứng dụng hàng ngày cải thiện sức khỏe.
 

1. Nằm ngửa


Thể hiện nỗi khát khao, phản ánh tâm khát ái, hay vọng tưởng, thậm chí dễ tạo ra sự hớ hênh.

Theo góc nhìn khoa học: Tư thế nằm ngửa để hai chân duỗi thẳng dễ gây ra áp lực lên các cơ, khớp xương, dây chẳng ở lưng và cổ, dễ gây ra chứng đau lưng. 

Người lớn tuổi, béo phì nếu nằm ngữa dễ gây ngáy. Tuy nhiên, tư thế này tốt cho trẻ nhỏ, người bị cao huyết áp, tai biến mạch máu não vì rất có lợi cho tuần hoàn máu não và cơ thể. 
 

2. Nằm sấp


Tư thế ngủ này phản ánh sự dằn vặt, đau khổ, có sự khó chịu trong tâm, dễ gặp ác mộng.

Theo góc nhìn khoa học, tư thế này, ngực sẽ bị ép vào, tim, phổi, các nội tạng cũng bị ảnh hưởng dễ gặp ác mộng hơn. 

Do nằm sấp thì đầu sẽ phải nghiêng sang trái hoặc phải. Điều này ảnh hưởng tới sự lưu thông máu ở da mặt khiến da bị lão hóa nhanh, da cổ cũng bị nhăn do nghiêng đầu sang một bên. Bạn cũng dễ bị vẹo cổ, đau gáy, chảy nước miếng…
 

3. Nằm nghiêng trái


Phản ánh tâm trạng của phần lớn những người ưa thích thọ hưởng dục vọng. 

Theo góc nhìn khoa học, tư thế này gây hại cho tim và nội tạng, vì tim nằm bên trái của lồng ngực, đầu ra của ruột non thông với ruột già đều nằm ở phía bên trái. 

Người thường xuyên ngủ tư thế này dễ mắc các bệnh lý liên quan tới dạ dày hoặc làm bệnh về tim và dạ dày nặng hơn. Nếu ai bị sỏi mật thì không nên chọn tư thế này vì sỏi sẽ bịt cuống mật gây đau đớn.
 
Theo các nghiên cứu khoa học thì nằm sấp, nằm ngửa và nằm nghiêng bên trái ảnh hưởng không tốt đến hệ tuần hoàn, nội tạng và xương khớp. Vì thế, người tu thường không nằm theo 3 tư thế này. Tốt hơn hết là nằm nghiêng phải:
 

4. Nằm nghiêng bên phải


Nằm nghiêng bên phải, hai chân gác lên nhau như sư tử là tư thế hội đủ oai nghi, một trong những tế hạnh của người tu, cũng chính là cách nằm của Đức Phật: Đây là tư thế nằm cát tường, tạo ra sự yên lành, an ổn cho thân thể và nhất là tâm luôn đạt được sự thức tỉnh.
 
Về mặt khoa học, ở tư thế này lục phủ, ngũ tạng sẽ nằm đúng vị trí giúp cho máu lưu thông tốt hơn, các bó cơ bắp trên toàn thân sẽ được thư giãn nhiều nhất, giúp bạn có giấc ngủ ngon, sâu hơn.

Đây là cách nhanh chóng xóa tan mệt mỏi và giúp bạn phục hồi được sức khỏe sau giấc ngủ ngon. Ngoài ra, tư thế này còn giúp cột sống được kéo giãn, giảm áp lực do sức nặng từ phần trên cơ thể đè lên.

Các nhà dưỡng sinh thời xưa cho rằng việc nằm nghiêng về bên phải và để cho hai chân, tay hơi co lại sẽ rất tốt cho cơ thể. Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng với tư thế này, .

Như vậy nằm nghiêng hông bên phải để ngủ theo Phật giáo gọi là thế ngủ Cát tường (Cát tường thụy). 

Duc Phat ngu trong tu the an yen cua Ngai
 

Đức Phật trả lời về tư thế ngủ của mình

 
Thời Đức Phật còn tại thế, có môn đồ Ananda là anh em họ, khá thân thiết với Ngài và tò mò khi suốt thời gian đi đây đi đó cùng Đức Phật thấy Ngài chỉ nằm ngủ đúng một tư thế nằm nghiêng phải, suốt cả đêm không thay đổi. 
 
Vì quá hiếu kỳ, một hôm Ananda lấy hết dũng cảm lại lay Đức Phật khi đang nằm ngủ để hỏi: 
 
"Thưa Đức Phật, con biết Ngài đã đi bộ, thuyết giảng cả ngày nên rất mệt nhưng con lại đánh thức Ngài dậy giữa đêm thế nhưng con có một câu hỏi thắc mắc mãi chưa tìm ra câu giải đáp. Con xin lỗi Ngài". 
 
Đức Phật gật đầu để nghe Ananda nói tiếp: "Theo Ngài hành pháp suốt 20 năm, con không hiểu vì sao Ngài có thể duy trì một tư thế ngủ như vậy và không thay đổi sang các tư thế khác. Xin hỏi, Ngài có ngủ thật không, hay chỉ đang cố giữ tư thế đó suốt đêm?
 
Vì với bản thân con, giữ nguyên một tư thế là điều không thể. Trong đêm con sẽ liên tục thay đổi từ tư thế hoặc vị trí này sang tư thế hoặc vị trí khác. Con không thể ngủ với một tư thế duy nhất trong cả đêm được". 
 
Nghe xong thắc mắc của Ananda, Đức Phật từ từ giải thích: "Trước ta cũng như con thôi, nhưng sau đó ta đã tìm được tế thế này là phù hợp nhất, giúp ta ngủ suốt đêm không bị trở giấc và từ đó ta không có ý định thay đổi.

Tâm trí của chúng ta vẫn thức khi ta ngủ, chỉ có cơ thể là hoàn toàn nghỉ ngơi mà thôi. Con không thể nằm im với một tư thế vì tâm vẫn đang bất an, hơn nữa chính con cũng đang đi tìm tư thế thích hợp cho mình. 
 
Vì thế, con không thể nằm im với một tư thế trong cả đêm, nhưng vấn đề không nằm ở việc thay đổi cách nằm ngủ mà vấn đề ở chỗ tâm của ngươi chưa thật sự an. Tâm chưa an thì thân chưa thể tĩnh. 
 
Ta hiện tại đã đủ an, vượt qua được quá trình đó nên khi ngủ, ta không còn nghĩ ngợi hay vướng bận bất cứ điều gì. Cơ thể này nằm xuống trông cũng chẳng khác gì một xác chết thì làm sao có thể di chuyển được". 
 
Ananda nghe xong, hoàn toàn bị thuyết phục trước lời giải thích của Đức Phật, mỉm cười và tự rút ra bài học cho bản thân mình.  
 

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X