Tu tại gia có được yêu không? Nếu kết hôn và có con có bị phạt không?

Thứ Tư, 06/07/2022 14:53 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Vẫn nhiều người không biết: tu tại gia có được yêu không vì nói đến đi tu là mọi người lập tức cho rằng người đó phải tuân theo giáo lý nhà Phật, không được vướng bận chuyện tình cảm.


1. Tu tại gia có được yêu không?


Giáo lý nhà Phật không can thiệp, ngăn cấm hay bó buộc gì giữa tình cảm trai - gái. Vậy nên, người tu tại gia vẫn yêu, kết hôn, có con như những người bình thường khác.

Có thể mọi người hiểu nhầm, không biết rằng tu tại gia khác với xuất gia. Những người đủ duyên để xuất gia, trở thành những nhà sư, tu sĩ thì nguyện sống một đời sống không gia đình, chiếm một số lượng rất nhỏ trong số tín đồ Phật giáo. Họ tự nguyện xa rời cuộc sống thế gian, không vướng bận vào chuyện tình cảm, lấy vợ/chồng, sinh con. 

Trước khi xuất gia, họ có quyền có hôn nhân, gia đình, vợ con. Nhưng khi đã xuất gia thì họ phải toàn tâm toàn ý tu học Phật pháp để trở thành người giác ngộ và dành hầu hết thời gian đi giúp đỡ những người khác trong việc tu học. 

Những người tu tại gia cũng vì họ chưa đủ duyên để xuất gia, cư sĩ tại gia tin và làm theo giáo lý đạo Phật, sống cùng xã hội, tuân theo luật pháp và đạo lý con người.
 

Hiện nay vẫn nhiều người chưa biết tu tại gia có được yêu không?

Trong khi đó, Phật tử tại gia hay các cư sĩ tại gia khi đã có tình yêu thì người Phật tử có quyền tiến đến hôn nhân và lập gia đình, có con như bao người bình thường khác.

Đạo Phật là đạo từ bi, hỷ xả, không cố chấp vì thế cũng không đòi hỏi Phật tử của mình buộc người hôn phối phải từ bỏ đạo khác mới được kết hôn. 

Nhìn chung, đạo Phật không hề bác bỏ hay ngăn cấm người nam, nữ trưởng thành yêu nhau, cũng không ngăn cấm cư sĩ tại gia không được có tình yêu, hôn nhân và gia đình. 
 
Ở nước ta, từ xưa đến nay trong giới tu tại gia ở thời nào cũng rất đông đảo. Họ là những thường dân, là thương gia giàu có, nhà khoa học, những nghệ sỹ tài năng và có cả những danh tướng, quân vương…

Một số cái tên quen thuộc hiện nay có thể kể đến như ca sĩ Thủy Tiên, diễn viên Angela Phương Trinh, shark Việt, hay ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Thái Hà Books... họ vẫn có chồng/vợ, con cái, gia đình nhỏ của mình bên cạnh cố gắng duy trì việc tu tập như những Phật tử xuất gia khác.
 
Tìm cách hóa giải ác duyên theo lời Phật để vợ chồng hạnh phúc bền lâu
Không nên nóng vội trong mọi tình huống nhất là khi muốn hóa giải ác duyên theo lời Phật để vợ chồng hạnh phúc bạn phải hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề

2. Hôn nhân, hạnh phúc của người Phật tử tại gia

 
Tình yêu giữa người nam và và người nữ hoàn toàn không có gì là xấu xa. Đó là quy luật phát triển tự nhiên của con người. Không ai có thể ngăn cấm tình yêu trai và gái. Tuy nhiên, Đức Phật khuyên dạy con người từ lúc yêu thương nhau đến lúc chung sống với nhau phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, phải hợp với đạo lý làm người.
 
Dù yêu thương hay xây dựng cuộc sống hôn nhân, gia đình là phải mang lại hạnh phúc, niềm vui cho nhau chứ không phải mang lại nỗi đau.

Trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật đã dạy: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người chồng, người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”.

Như thế, theo lời Phật dạy về hôn nhân đã nêu rõ nền tảng của hạnh phúc gia đình là sự hiểu biết lẫn nhau và phù hợp với nhau. Điều này không có nghĩa là phân biệt kẻ sang, người hèn mà cùng chung giá trị, mục tiêu trong cuộc sống. 
 
Theo đó, họ có thời gian chín chắn tìm hiểu nhau về lý tưởng sống, tôn giáo, đạo đức, trước khi đính hôn, để đời sống hôn nhân được xây dựng trên tinh thần thương yêu có hiểu biết và trách nhiệm.

Tình yêu mà được xây dựng trên nền tảng của sự vị kỷ, của sự lợi dụng, của sự thỏa mãn nhục dục, thì tình yêu ấy không hiện hữu, đó chỉ là sự lầm tưởng và ngộ nhận mà thôi.
 
 
Để có cuộc sống hạnh phúc, người Phật tử tại gia cần phải thực hiện những nguyên tắc đạo đức của con người, sống và thực hiện các quy định của pháp luật, trên hết người Phật tử cần phải nhớ kỹ và thực hành những lời Phật dạy.

Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó. Ngay từ trong giai đoạn yêu đương, cũng phải học, tình yêu là phải biết thương. Tình yêu chân chính bao giờ cũng dẫn đến hôn nhân, tạo lập gia đình.

Như thế hôn nhân phải luôn đi đôi với gia đình. Tình yêu không đi đến hôn nhân thì thường là mang đến nỗi sầu khổ đôi khi mang đến hận thù.  Hai người nam nữ trưởng thành thương yêu nhau và tiến đến hôn nhân là một nhân duyên lớn. 
 
Theo lời Phật dạy về tình yêu thường hay đề cập đến 4 chất liệu chính của tình yêu chân thật là từ, bi, hỷ, xả: 
  • Từ (maitri): Dành tặng những điều tốt đẹp cho người mà họ yêu thương.
  • Bi (karuna): San sẻ, thấu hiểu mọi khổ đau của nhau.
  • Hỷ (mudita): Cầu chúc hạnh phúc cho niềm vui, thành quả của đối phương.
  • Xả (upeksha): Tha thứ, khoan dung, bỏ qua những thiếu sót hay lỗi lầm của người mình yêu thương. 
Vợ và chồng phải chung thủy, thương yêu, quý trọng, giúp đỡ nhau cùng nhau xây dựng gia đình. Vợ chồng tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Vơ chồng tạo điều kiện cho nhau trong việc chọn nghề, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội theo nguyện vọng và khả năng mỗi người.

Trước ngày lễ cưới, Phật tử tại gia nên đến chùa hay thiền viện, thưa thỉnh thầy bổn sư về việc tổ chức lễ cưới tại nhà chùa và thân mời chư huynh đệ pháp lữ gần xa, cùng gia đình người thân hai họ tham dự.
 
Trong ngày lễ cưới, hai đàng trai gái phải đến chùa hay thiền viện làm lễ hằng thuận trước sự chứng minh của chư Tăng ni nhằm để nghe lời chỉ dạy quý báu về cách giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc lứa đôi, hiếu dưỡng cha mẹ hai bên và trách nhiệm giáo dục con cái.

Khi có con, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, chăm lo việc học tập và giáo dục con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
 
Có thể thấy, những Phật tử tại gia đảm nhận rất nhiều trách nhiệm, nếu họ phấn đấu tu học làm một việc hết sức khó khăn
  • Trách nhiệm đối với xã hội: làm công dân gương mẫu, làm người lao động tạo ra của cải cho xã hội.
  • Trách nhiệm đối với gia đình: làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ.
  • Trách nhiệm đối với bản thân: thường xuyên tu dưỡng đạo đức, làm gương sáng cho con.  
Một Phật tử tại gia xây dựng được mái ấm gia đình hạnh phúc, làm kinh tế đủ sống hoặc dư giả, nuôi dạy con nên người, đồng thời vẫn có thời gian đến chùa nghe pháp, tu học thì đúng là đáng nể vì họ quá "đa năng".