I. Tứ diệu đế là gì?
Trong Phật giáo, Tứ diệu đế hay còn gọi là Tứ thánh đế (cattāra-ariya-sacca) có nghĩa là "những sự thật của bậc thánh", hay đơn giản hơn là 4 sự thật rốt ráo về Sự khổ, Sự thật về nguyên nhân khổ, Sự thật về diệt khổ; Sự thật về con đường diệt khổ. Phạn ngữ sacca có nghĩa là đế, sự thật, chân lý; tức là cái gì thực sự có, là sự thật không thay đổi.
- Khổ Đế (dukkha sacca): Sự thật khổ.
- Tập Đế (dukkha samudaya sacca): Sự thật nguyên nhân khổ.
- Diệt Đế (dukkha nirodha sacca): Sự thật diệt khổ.
- Đạo Đế (dukkha nirodhamagga sacca): Sự thật con đường diệt khổ.
Giáo lý Tứ diệu đế là nền tảng của hệ thống giáo lý đạo Phật. Ngay sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như với nội dung của Tứ diệu đế.
Trong "Tứ diệu đế" có "diệu" là cao quý màu nhiệm, "đế" là sự thật chân lý. Tứ diệu đế còn được gọi là tứ chân đế, tứ thánh đế và bốn chân lý mầu nhiệm. Giáo lý này được coi là pháp tối thắng đưa hành giả đến giác ngộ, giải thoát và niết bàn.
II. Chi tiết về 4 sự thật về nỗi khổ "Tứ diệu đế"
Tứ diệu đế là gì? |
1. Khổ đế
Dukkha thường được dịch là khổ. Nhưng chữ khổ không thể diễn tả trọn vẹn nghĩa của từ Dukkha như cách nghĩ thông thường của mọi người.
Khổ đế là bản chất của nỗi khổ, chúng ta ngày càng phụ thuộc vào cái gì thì càng khổ vì thứ đó. Khi bé phụ thuộc vào bầu sữa mẹ nên khi không có, ta sẽ khóc toáng lên vì đói.
Khi trưởng thành, ta phụ thuộc nhiều vào tiền bạc thì khổ vì tiền, nếu phụ thuộc nhiều vào tình cảm sẽ khổ vi tình... Nhìn chung ai cũng có nỗi khổ riêng tưởng không ai giống ai nhưng thực ra lại ngược lại. Thế nên có câu: "Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”.
Khổ đế tập trung vào sự thật khổ đau của chúng sinh, từ đó theo triết lý Phật giáo, có hai cách phổ biến hiện nay phân chia nỗi khổ của chúng ta đó là: Tam khổ hoặc bát khổ.
1.1 Tam khổ
Khổ phân thành 3 loại khổ: khổ sở, hoại khổ và hành khổ.
- Khổ sở là người nghèo khổ, không có tiền cho con học tới nơi tới chốn, bố mẹ bệnh cũng không có tiền chạy chữa, nhà cửa cũ hư hỏng nhưng không có tiền sửa chữa,…
- Hoại khổ là người phú quý khổ, ví như đang đỉnh cao sự nghiệp thì bị đuổi việc, đang giàu có tự nhiên phá sản, gặp trộm cắp cướp của giết người.
- Hành khổ là người không khổ vì nghèo hay giàu nhưng vẫn không thoát được cảnh già thì có nếp nhăn, lớn tuổi sẽ chậm chạp trong di chuyển,... nhìn chung không thoát ra khỏi được quy luật tự nhiên của cõi ta bà này.
Trong 3 loại khổ ấy thì lại có nỗi khổ phân chia tam giới, chúng sinh tầng lớp thấp có khổ sở, nỗi khổ nên trong khổ; chúng sinh ở tầng lớp cao hơn có hoại khổ, cơm áo đủ đầy, hưởng lạc nhưng không trọn vẹn, nhân sinh bi quan. Chúng sinh gặp hành khổ, tuy sướng khổ song song nhưng vẫn muốn loại bỏ được âm khổ, điều này là không thể.
1.2 Bát khổ
Theo cách phân chia về 8 nỗi khổ theo lời Phật dạy bao gồm:
- Sinh khổ: Bào thai sống trong bụng mẹ phải chịu sự chật chội, khó chịu, nhờ vào nguồn dinh dưỡng mà người mẹ cung cấp cũng là một nỗi khổ.
- Bệnh khổ: Mang thân người khó ai thoát khỏi việc bị vướng phải bệnh gì đó, có thể là bệnh lớn hay bệnh nhỏ.
- Lão khổ: Già yếu sẽ mắt mờ chân chậm, đầu óc không còn minh mẫn, không đủ sức khỏe được như thời son trẻ, đó cũng là một nỗi khổ mà ai cũng phải trải qua.
- Tử khổ: Nỗi khổ khi phải đối diện với cái chết nhưng trong lòng còn lưu luyến với nhân gian, ra đi không cam lòng.
- Ái biệt ly khổ: Người yêu thương nhưng không thể ở cạnh để chăm lo, săn sóc được như mong muốn.
- Oán tắng hội khổ: Những nỗi khổ xuất hiện khi ta không ưa thích việc gì, người nào đó. Ví dụ như ghét người ta mà vẫn phải mặt đối mặt, không thể chịu đựng được mỗi khi nghe giọng họ cất lên.
- Sở cầu bất đắc khổ: Mong cầu nhưng không đạt được như ý lại sinh ra đau khổ.
- Ngũ uẩn khổ: Những gì tác động tới năm ngũ quan đều ảnh hưởng tới chúng ta, từ đó chúng dẫn dắt tới các loại buồn phiền thống khổ khác nhau mà ta nghĩ rằng không thể nào kiểm soát được.
2. Tập đế
Lời Phật dạy cái khổ trong đời cho biết Tập đế là nguồn gốc của khổ đau, là nguyên nhân dẫn tới những nỗi buồn.
Tập Đế dạy rằng có căn nguyên của đau khổ, đó là sự ràng buộc của ba loại dục vọng (ái): dục ái (kama tanha), hữu ái (bhava tanha) và hủy ái (vibhava tanha).
Thế gian buồn phiền đau khổ cũng chỉ vì có tập đế tạo ra các ác nghiệp. Theo đó, thuyết Mười hai nhân duyên chỉ bày tiến trình của vô minh, là căn nguyên của mọi khổ đau và sinh tử luân hồi.
Mười hai nhân duyên giải thích tường tận guồng máy sinh diệt của hữu tình, chỉ rõ cho chúng ta thấy mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên giả hợp.
Yếu tố nhân (nguyên nhân), duyên (điều kiện) kết hợp là cơ sở sinh khởi các pháp, khi nhân, duyên lìa tan sẽ khiến các pháp diệt vong. Vô minh được đề cập đến đầu tiên bởi đó là nguyên nhân căn bản.
Theo thứ tự nhân duyên, Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thụ, Thụ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão, Lão duyên Tử.
2.1. Vô minh
Vô minh là sự hạn chế về khả năng hiểu biết, không rõ bản chất của mọi sự vật hiện tượng là khổ đau, vô thường, không thực hữu nên dẫn đến chấp ngã, từ đó phát sinh những hành động, tạo tác sai lầm. Như vậy gọi là “Vô minh duyên Hành”.
2.2. Hành
Hành được hiểu là hành động tác ý, có thể ở ba dạng thân, khẩu, ý. Hành là cơ sở tạo Nghiệp. Hành thân thanh tịnh hay ô nhiễm sẽ đi liền với thân nghiệp thanh tịnh hoặc nhiễm ô. Tương tự như vậy với hành khẩu hay hành ý.
Những hành nghiệp trong quá khứ là nguyên nhân của quả báo hiện tại. Và bất cứ hành vi nào trong hiện tại cũng sẽ đem lại quả báo trong tương lai. Tất cả những nghiệp nhân đã tạo đều được huân tập vào A lại da thức, năng lực nghiệp tiềm ẩn này có thể thúc đẩy tâm thức trong chiều sâu, dẫn dắt hành trình sinh khởi trong tương lai.
2.3. Thức
Thức là toàn thể tâm thức của chúng ta (tức Bát thức, gồm sáu thức đầu, Mạt na thức và Tạng thức).
Đó là sự hiểu biết phân biệt còn nằm trong trạng thái mê vọng sai lầm. Trong vòng quay sinh tử, dưới tác động của Nghiệp, thần thức đi tìm bụng mẹ, chịu quả báo tái sinh, như vậy gọi là “Hành duyên Thức”.
2.4. Danh sắc
Danh thuộc phần tâm lý, tinh thần. Sắc thuộc phần sinh lý, vật chất.
Trong hành trình tái sinh, thần thức hoan hỷ khi thấy hình ảnh cha mẹ tương lai giao hợp. Lúc đó, thần thức nhập mẫu thai, chấp trì vào giọt tinh cha hòa quyện cùng giọt huyết mẹ.
Thức tâm là Danh thuộc yếu tố vô hình và phôi thai từ tinh cha huyết mẹ là Sắc thuộc yếu tố hữu hình. Sự chấp trì này gọi là “Thức duyên Danh Sắc”.
2.5. Lục nhập
Sau khi hình thành bào thai tức Danh sắc, hình thành của sáu căn. Sáu căn này gọi là Lục nhập chỉ cho sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Như vậy gọi là “Danh sắc duyên Lục nhập”.
2.6. Xúc
Xúc chỉ sự tiếp xúc giữa con người với ngoại cảnh thông qua sáu giác quan. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tức sáu yếu tố ngoại cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chỉ cho màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon, sự xúc chạm, sau cùng là vạn pháp - đối tượng của ý căn) như vậy gọi là “Lục nhập duyên Xúc”.
2.7. Thụ
Sáu căn tiếp xúc với sáu trần sinh ra cảm thụ, gọi là “Xúc duyên Thụ”.
Cảm thụ bao gồm ba loại chính là lạc thụ (cảm giác vui sướng), khổ thụ (cảm giác đau khổ) và si thụ (cảm giác không vui không buồn, do tâm si mê đem lại).
2.8. Ái
Khi có cảm thụ buồn vui sẽ nảy sinh tâm ham muốn, luyến ái hay chối bỏ. Như thế được gọi là “Thụ duyên Ái”.
Nhiều người nói rằng cảm thụ cũng có thể sinh tâm ghét bỏ nếu đó là khổ thụ. Tuy nhiên, ghét bỏ chỉ là phạm trù đối lập với ái luyến, có ghét bỏ tức có ái luyến bởi khổ thụ thúc đẩy sự tìm cầu lạc thụ. Vì vậy, nói một cách khái quát nó vẫn không nằm ngoài nội dung của "Thụ duyên Ái".
12 nhân duyên trong Đạo Phật |
2.9. Thủ
Thủ có nghĩa là nắm chặt, giữ chặt, gây nên ràng buộc. Vì yêu thích, ái luyến nên sẽ sinh lòng bám giữ, tâm chấp thủ. Đó là “Ái duyên Thủ”. Tâm chấp thủ đó thể hiện rõ rệt nhất ở sự chấp ngã, yêu mến cái tôi, nhận ngũ uẩn là tôi.
2.10. Hữu
Hàm nghĩa của "Hữu" là có, là hiện hữu, tồn tại hay sự sống. Sự thủ chấp kiên cố là cơ sở cho sự hình thành, sự tồn tại, hay một đời sống mới.
Ham muốn dẫn đến chấp thủ, chấp thủ tạo thành động lực cho sự tái sinh. Tâm chấp thủ đã gieo vào Tạng thức một nhân là cơ sở cho sự hình thành ở đời sau. Do đó, gọi là “Thủ duyên Hữu”. Hữu là nhân được ví như cái thai sau này hình thành hài nhi.
2.11. Sinh
Vì đã có sẵn nhân nên khi gặp duyên tức các điều kiện chín muồi thì sẽ dẫn đến tái sinh. Vì vậy, gọi là “Hữu duyên Sinh”.
2.12. Lão, bệnh, tử
Đã có sinh khởi, hình thành một đời sống tức có lão, bệnh, tử, nên gọi là “Sinh duyên Lão, Bệnh, Tử”. Vòng quay không hề chấm dứt ở đây bởi yếu tố vô minh phát khởi dẫn đến tiếp theo chuỗi sinh diệt, biến đổi tương tục trong luân hồi.
Triết lý Mười hai nhân duyên không chỉ giải thích tiến trình sinh diệt của thân trong vòng quay sinh tử mà còn mô tả tiến trình tư tưởng. Triết lý này chỉ rõ, mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong vòng liên hệ qua lại, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, tạo thành một vòng liên tục với mười hai yếu tố không có điểm kết thúc cũng như bắt đầu. Đây chính là nguyên lý căn bản của sinh tử luân hồi, tức khổ đau.
3. Diệt đế
Diệt ở đây tức là chấm dứt, là dập tắt, diệt dục vọng mê mờ, phiền não. Ðế là lý lẽ chân thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu và thuyết minh.
Diệt đế còn đồng nghĩa là Niết bàn, không bị sinh tử luân hồi khổ đau ràng buộc thì chứng được Tứ quả Thanh văn và Niết bàn thanh tịnh. Trong đó, Hữu dư y niết bàn nghĩa là niết bàn chưa hoàn toàn, tuy đã đoạn trừ phiền não nhưng chưa tuyệt đối. Sự an vui chưa được hoàn toàn, phải chịu quả báo sanh tử trong năm, bảy đời. Nhưng không ràng buộc như chúng sanh.
Nhưng vì sự tu hành có thấp có cao, có rộng có hẹp, nên quả chứng tức là Niết bàn cũng có thấp có cao, có hoàn toàn, có chưa hoàn toàn.
Ðối với hàng Tiểu thừa, thì ba quả đầu: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm là thuộc về Hữu dư y Niết bàn, vì phiền não chưa hoàn toàn tuyệt diệu. Chỉ đến quả vị A la hán là quả vị mà mọi phiền não đã tuyệt diệt, mới thuộc về Vô dư y Niết bàn.
So với Ðại thừa, thì Niết bàn của A la hán cũng còn là Hữu dư y Niết bàn, vì các vị A la hán mặc dù phiền não đã dứt sạch, ngã chấp đã hết, nhưng pháp chấp hãy còn, thấy có pháp mình tu, có Niết bàn mình chứng, nên chưa có thể gọi là được Vô dư y Niết bàn. Chỉ có Niết bàn của Ðại thừa mới là Vô dư y Niết bàn, vì ở đây đã dứt sạch ngã chấp, pháp chấp, không còn thấy có pháp mình tu, Niết bàn mình chứng.
Niết bàn của Ðại thừa có hai loại: Vô trụ xứ Niết bàn của các vị Bồ tát, và Tánh tịnh Niết bàn là chân tánh bản lai thanh tịnh và sáng suốt của vũ trụ.
4. Đạo đế
Đạo đế là con đường, phương pháp giúp diệt trừ nỗi khổ, tất cả những giáo lý Phật giáo cũng chính là đạo đế, là cách để hưởng cuộc đời hạnh phúc an lạc. Mặc dù Đức Phật chia Đạo đế làm 7 phần nhưng tựu chung thì phần này có những điểm nằm trong phần kia và ngược lại.
Tổng cộng có 37 pháp: tứ niệm xứ, tứ chính cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác Bổ Đề và bát chính đạo.
Trong tứ diệu đế thì đạo đế là quan trọng nhất bởi nếu có thể tu đạo, tự nhiên đoạn tuyệt buồn phiền đau khổ, diệt sinh nguyên nhân gây khổ, chúng sinh lên cõi Niết Bàn an lạc. Người ngộ đạo cũng có nhiều loại, có người ngộ sâu, có người ngộ cạn, có người ngộ đến tột cùng, có người không ngộ đến tột cùng. Cùng là ngộ nhưng trình độ không giống nhau.
4.1 Tứ niệm xứ
Tứ là bốn. Niệm là nhớ, nghĩ đến. Vậy Tứ niệm xứ có nghĩa là bốn điều mà kẻ tu hành phải dụng tâm nghĩ đến. Đó là:
- Quán Thân bất tịnh
- Quán Tâm vô thường
- Quán Pháp vô ngã
- Quán Thọ thì khổ
Luôn luôn nhớ thân, cảm thọ, tâm và các pháp đều là vô thường, khổ và vô ngã. Nếu phân biệt thì quan sát thân là không trong sạch, mọi cảm thọ là khổ, tâm là vô thường, và mọi pháp là vô ngã, không thực thể.
Theo kinh tạng nguyên thủy, thì tứ niệm xứ là con đường độc nhất đưa người tu hành đến sự giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.
4.2 Tứ chánh cần
Trong Bát chánh đạo, gọi là Chánh tin tấn (sách Hán còn gọi là Tứ chánh đạo, tứ chánh thắng, tứ ý đoạn). Gồm có bốn mục là:
- Đoạn trừ điều ác đã khởi lên.
- Gắng sức để cho điều ác mới không sinh ra.
- Gắng sức để cho điều thiện mới được sinh ra.
- Nỗ lực để cho điều thiện đã khởi lên được tăng trưởng.
4.3. Bốn thần túc
Bốn thần túc hay còn gọi là tứ như ý túc, là bốn điều như ý được đầy đủ. Ý tứ là muốn có phép thần thông đầy đủ, thì học tập bốn phương pháp này, tức là:
- Dục thần túc: tức là lòng muốn có được thiền định.
- Tinh tấn thần túc: nỗ lực để có được thiền định.
- Tâm thần túc: tức là nhiếp tâm đầy đủ để có được thiền định.
- Tư duy thần túc: tức là để có thiền định, phải biết tư duy quan sát.
(Có sách gọi tứ như ý túc hay tứ thần túc là: Dục thần túc; Niệm thần túc; Tinh tấn thần túc; Tuệ thần túc.)
4.4. Năm căn
Tức là Tín, lòng tin. Cần là tinh tấn, Niệm là nghĩ nhớ điều phải (chơn lý), như lý vô thường, vô ngã... Định và Tuệ. Gọi năm mục này là năm căn tức là năm cái gốc để cho người tu tiến tới mạnh mẽ trên con đường đạo.
Trong năm cái gốc này thì tín đứng hàng đầu, vì lòng tin chân chánh và chân thành là động lực của mọi nỗ lực tu đạo và hướng thiện tránh ác.
Nên phân biệt năm căn tín ... với năm căn mắt, tai,.. (năm căn này thường gọi là năm căn năng).
4.5. Năm lực
Năm căn nói trên, khi được phát huy thì biến thành năm sức mạnh, tức năm lực.
4.6. Bảy giác chi
Thất giác chi hay còn gọi là Thất Bồ Đề phần, bảy phần Bồ đề, hay Thất giác phần, tức là bảy chi phần của giác ngộ.
- Niệm giác chi: biết chọn đúng chánh niệm.
- Trạch pháp giác chi: tức là biết lựa chọn phải, trái, chân ngụy, thiện ác...
- Tinh tấn giác chi: nỗ lực hướng tới giác ngộ.
- Hỷ giác chi: lòng hoan hỷ (trong tu đạo và độ sanh).
- Khinh an giác chi: Kinh A Hàm gọi là Ỷ giác chi, tức thân tâm nhẹ nhàng, thanh thoát.
- Định giác chi: Say mê trên thân hành của nó, không còn bung ra ngoài, ai làm gì cũng không còn lưu ý.
- Xả giác chi: Khi tâm giữ trong trạng thái thanh thản nhẹ nhàng.
4.7. Bát chánh đạo
Bát chánh dạo tức là tám con đường đạo hay là con đường đạo tám nhánh.
- Chánh kiến: Kiến giải chính xác, tín ngưỡng chính xác.
- Chánh tư duy: Tư duy và lập chí chính xác, đúng đắn.
- Chánh ngữ: Chỉ nói lời chân thực, lời dịu hiền, lời có ích đối với người nghe. Không nói dối, không nói lời ác, không nói chia rẽ, không nói lời vô nghĩa.
- Chánh nghiệp: Các hành vi không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm.... thực hành việc tôn trọng sự sống, bố thí, sống trong sạch không trái đạo lý.
- Chánh mạng: Sống bằng nghề nghiệp chính đáng lương thiện.
- Chánh tinh tấn: Người tu đạo nỗ lực chính đáng, hướng tới lý tưởng của đạo, siêng làm điều thiện, siêng trừ bỏ ác.
- Chánh niệm: Người tu đạo nghĩ nhớ không quên, lý tưởng tu đạo, tỉnh táo, cảnh giác dù là trong những việc nhỏ, đừng để phạm lỗi, vì những lỗi nhỏ có thể đem lại hậu quả tai hại lớn. Luôn luôn nghĩ nhớ: các pháp là vô thường, vô ngã, mọi cảm thọ đều là khổ, không được mê đắm.
- Chánh định: Người tu đạo hằng ngày có gắng giữ tinh thần an tịnh, tư tưởng tập trung không tán loạn thì mọi việc làm mới mong có kết quả như ý. Ngoài ra, người tu đạo cũng tu tập thiền định, mong đạt tới một nội tâm trong sáng thuần tịnh như gương, không còn niệm, không còn tưởng.