Trùng tang liên táng - hiện tượng tâm linh đáng sợ mà ít người hiểu rõ

Thứ Tư, 20/05/2015 17:15 (GMT+07)
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Trùng tang liên táng là một hiện tượng được nhắc tới nhiều trong đời sống. Không có nhiều tư liệu viết về hiện tượng này, nhưng trong dân gian vẫn truyền tụng với nhau những trường hợp chết phạm vào Trùng tang liên táng hết sức đau thương, thậm chí có nhà nhân đinh đông đúc là thế mà chỉ vài ba năm phải chịu cảnh tuyệt tự.

 

1. Trùng tang liên táng là gì?

 
Hiện tượng trùng tang liên táng là hiện tượng người trong cùng một họ mất liên tục dẫn đến phải chôn liên hoàn. Có thể coi đây là vấn đề rất nghiêm trọng, khiến nhân khẩu gia đình từ đông đúc trở nên hiu quạnh, vắng vẻ chỉ trong một thời gian ngắn, đồng thời gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ và ám ảnh cho người trong dòng họ. 
 
 
Trường hợp này thường xảy ra với những người thân thích có quan hệ thân thiết với người chết. Tuy nhiên, một số ít người mà người chết ghét cũng gặp phải hiện tượng chết trùng. Nói tóm lại, hiện tượng này thường xảy ra với người mà người chết có ấn tượng, thường xuyên nhớ đến dù yêu hay ghét. 
 
Những câu chuyện về trùng tang dạng liên táng quả thực được lưu truyền rất nhiều trong dân gian và cho dù không thể giải thích dưới con mắt khoa học thì nó vẫn được coi là có thật. Những cái chết được cho là "trùng" khi cả nhà lần lượt hai, ba người chết, khi người đầu tiên chết chưa hết tang thì người tiếp theo lại chết và phải đem chôn liên tiếp, cho tới khi số người chết đủ 3, 5, 7 hay 9 người. 
 
Theo quan niệm dân gian, trùng tang hay trùng tang dạng liên táng xảy ra là do người chết "chết không nhắm được mắt", sau khi chết sẽ không yên lòng ra đi mà lại quanh quẩn, vương vấn nhân gian về bắt con, cháu, họ hàng đi theo.
 
Lại có quan điểm khác cho rằng hiện tượng trùng tang xuất hiện là do người quá cố ra đi vào thời điểm xấu nên không thể siêu thoát được, có thể không biết mình đã chết nên quay lại gọi những người thân của mình đi theo, gây nên cái chết cho những người thân, khiến người trong họ phải chôn cất liên tiếp. 

Xem thêm: Trùng tang là gì?
 

2. Các dạng trùng tang liên táng

 
Nhìn chung, dân gian chia hiện tượng trùng tang liên táng thành 3 dạng như sau:
 
Trùng 3 ngày: Tức là trong gia đình, họ hàng sẽ có người chết theo ngay trong vòng 3 ngày, tính từ lúc có người chết trùng, dẫn đến tình trạng nhiều khi người này chưa kịp chôn thì người tiếp theo đã chết. Đây được coi là trùng tang liên táng nặng nhất, làm cho gia đình không kịp trở tay vì cũng chưa biết là có chết trùng.
 
Trùng tuần đầu: Trong tuần đầu tiên kể từ khi có người chết thì có người tiếp theo qua đời phải đem chôn. Đây cũng là trùng tang liên táng khá nặng và có thể kéo dài đến 49 ngày.
 
Trùng xả tang: Đây là hiện tượng trùng tang nhẹ nhất vì gia đình có thời gian để hóa giải. Hiện tượng này có thể kéo dài đến 3 năm hoặc lâu hơn tùy vào thời gian bốc mộ. Nhiều khi sự việc xảy ra vào đúng ngày cuối cùng trước hôm bốc mộ do gia đình không kiêng khem cẩn thận.
 
Người ta cho rằng việc trùng nặng hay nhẹ do giờ của người chết trùng quyết định. Việc có phạm phải trùng tang liên táng hay không nên nhờ các ông thầy hoặc các nhà sư cao tay xem cho, như vậy thì gia đình mới kịp thời xoay xở.
 

3. Nguyên nhân dẫn đến trùng tang liên táng

 
Có nhiều quan niệm dân gian xoay quanh nguyên nhân gây ra hiện tượng trùng tang dạng liên táng. Tuy chưa có cơ sở khoa học lý giải hiện tượng tâm linh này nhưng người ta thường quan niệm có những nguyên do chủ yếu sau đây:
 
 

3.1. Do Thần Trùng sai khiến vong bắt người thân

 
Nhân dân ta cho rằng người chết chết vào những ngày giờ độc, linh hồn chưa kịp siêu thoát về âm phủ, vẫn còn quanh quẩn ở nhân gian sẽ bị Thần Trùng bắt về giam giữ. 
 
Khi đó, quỷ trùng sẽ tra tấn người chết bằng cách mổ vào trán khiến họ vô cùng đau đớn. Việc tra tấn sẽ kéo dài cho đến khi người chết khai ra tên tuổi của người thân trong gia đình. Những người bị khai tên sẽ có quỷ bắt đi và trở thành người xấu số tiếp theo.
 
Vậy Thần Trùng là ai? Theo quan niệm dân gian, Thần Trùng là một con quỷ mang hình dáng một con chim có mỏ màu đỏ chuyên đi hành hạ người chết vào ngày trùng hoặc bắt những người trong gia đình có người chết vào ngày trùng.
 
Lại có quan niệm khác cho rằng đây là một vị thần chuyên đi bắt những linh hồn lang thang để tra tấn, bắt khai ra tên họ người nhà, càng những trường hợp hợp tuổi hoặc mệnh với linh hồn thì càng dễ bị bắt.
 
Cội nguồn Thần Trùng liên quan đến một chuyện như sau: Thuở xưa, ở phương Bắc có 12 con quỷ dữ chuyên giết những người cùng họ với người chết “nhằm vào giờ độc”. 12 con quỷ đó được người Hán gọi là “Thập nhị thời thần”.
 
Để trừ hậu họa, dân chúng đã nhờ đến các đạo sĩ, trong đó có một đạo sĩ giở phép “thiên la địa võng”đã vây bắt được 12 con quỷ dữ. Sau đó, đạo sĩ đem nhốt chúng vào 1 cái hòm lớn, đậy nắp, dán bùa rồi thả bè trôi sông. 
 
Hòm trôi ra biển rồi dạt xuống vùng biển nước Nam. Bấy giờ ở làng nọ có một ngư dân tên Tín khi ngồi thuyền câu cá trên biển, trông thấy cái hòm tưởng là châu báu nên đã vớt lên và mở ra xem, khiến 12 con quỷ dữ được giải thoát, tràn vào nước Nam. Lũ quỷ hại người có thân nhân mất vào giờ độc được người Việt gọi là “Thần Trùng”.
 

3.2. Do vong hồn người đã chết nổi loạn

 
Nguyên nhân dẫn đến trùng tang dạng liên táng còn có thể do vong hồn của người chết nổi loạn. Những vong linh phải chịu oan khuất hoặc bị tra tấn ở dưới 18 tầng địa ngục trở nên căm phẫn sẽ quay lại dương gian bắt con cháu. 
 
Trường hợp này thường phải hóa giải bằng cách nhốt vong, tránh cho vong về nhà làm loạn. Hiện nay ở rất nhiều chùa có bùa giúp gia chủ tránh trùng tang trong 3 năm, nhưng đối với tín ngưỡng người Việt việc nhốt vong là việc không nên làm, bởi linh hồn cần phải được siêu thoát. Đặc biệt, nếu nhốt vong cha mẹ thì còn mang tội bất hiếu.

Xem thêm: Điềm báo tốt khi hạ táng.
 

4. Cách tính ngày phạm trùng tang liên táng

 

Trường hợp 1: 

 
Các trường hợp sau tính là phạm trùng tang liên táng:
  • Tuổi Thân - Tý - Thìn chết vào năm tháng ngày giờ Tị.
  • Tuổi Dần - Ngọ - Tuất chết vào năm tháng ngày giờ Hợi.
  • Tuổi Tị - Dậu - Sửu chết vào năm tháng ngày giờ Dần.
  • Tuổi Hợi – Mão - Mùi chết năm tháng ngày giờ Thân.
 
Chết ngày giờ trên gọi là ngày giờ kiếp sát (theo Tứ trụ). Dân gian gọi là Cướp Sát. Đồng thời, cũng cần tuyệt đối tránh an táng vào những ngày trên. Theo quan niệm dân gian, nếu chôn cất vào những ngày trùng tang này thì sau khi an táng xong, một thời gian ngắn sau có thể những người khác trong thân tộc sẽ chết theo, gây nên hiện tượng trùng tang liên táng.
 
 

Trường hợp 2: 

 
Ngoài ra, việc tính trùng tang liên táng phải xem người chết chôn vào ngày nào. Nếu:
  • Tháng giêng: Chôn ngày 7 - 19
  • Tháng 2, tháng 3 âm lịch: Chôn ngày 6 – 18 – 30.
  • Tháng 4 âm lịch: Chôn ngày 4 – 16 – 28.
  • Tháng 5, tháng 6 âm lịch: Chôn ngày 3 – 15 – 27.
  • Tháng 7 âm lịch: Chôn ngày 1 – 12 – 25.
  • Tháng 8, tháng 9 âm lịch: Chôn ngày 12 – 24.
  • Tháng 10 âm lịch: Chôn ngày 10 – 22.
  • Tháng 11 âm lịch, tháng chạp: Chôn ngày 9 – 21.
Thì bị tính trùng tang, cần phải giải ngay, nếu không dễ phạm vào trùng tang liên táng.
 

Trường hợp 3:

 
Mất vào ngày Thần Trùng. Tức là:
 
  • Tháng 1, 2, 6, 9, 12: Chết nhằm ngày Canh Thân hay Canh Dân là phạm Thần Trùng “Lục Canh Thiên Hình”. Nếu năm tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng. 
  • Tháng 3: Chết nhằm vào ngày Tân Hợi hay Tân Tị là phạm Thần Trùng “Lục Tân Thiên Đình”. Trường hợp nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì càng nặng hơn.
  • Tháng 4: Chết nhằm vào các ngày Nhâm Thân hay Nhâm Dần là phạm Thần Trùng “Lục Nhâm Thiên Lao”. Đặc biệt nếu gặp thêm năm tháng thì sẽ càng nặng.
  • Tháng 5: Chết nhằm vào các ngày Quý Hợi hay Quý Tị là phạm Thần Trùng “Lục Quý Thiên Ngục”. Đặc biệt nếu gặp thêm năm, tháng thì càng nặng.
  • Tháng 7: Chết nhằm vào các ngày Giáp Thân hay Giáp Dần là phạm vào Thần Trùng “Lục Giáp Thiên Phúc”. Hơn nữa nếu gặp thêm năm, tháng thì càng nặng. 
  • Tháng 8: Chết nhằm vào các ngày Ất Hợi hay Ất Tị là phạm Thần Trùng “Lục Ất Thiên Đức”. Hơn nữa nếu gặp thêm năm, tháng thì càng nặng.
  • Tháng 10: Chết nhằm vào các ngày Bính Thân và Bính Dần là phạm Thần Trùng “Lục Bính Thiên Uy”. Đặc biệt là nếu gặp thêm năm, tháng thì càng nặng.
  • Tháng 11: Chết nhằm vào các ngày Đinh Hợi hay Đinh Tị là phạm Thần Trùng “Lục Đinh Thiên Âm”. Và nếu gặp thêm năm, tháng thì càng nặng.
 

5. Cách hóa giải trùng tang liên táng

 
Người ta thường quan niệm rằng nhà có người chết trùng phải lập tức gửi người đó lên chùa, tuy nhiên không phải chùa nào cũng giữ được vong chết trùng. 
 
Nếu trùng nhẹ có thể gửi lên một ngôi chùa nào đó gần nhà, các nhà sư sẽ hàng ngày đọc kinh niệm phật cho vong hồn siêu thoát, hay nói đúng ra là nhốt vong vào trong ngục, không cho đi lung tung kẻo quỷ sứ bắt được sẽ tra tấn và bắt khai ra tên họ người nhà.
 
Nếu trùng nặng, phải gửi ngay vào chùa Hàm Long ở tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa cổ mấy trăm năm, địa thế rất đẹp, rất nổi tiếng trong việc nhốt vong. Hàng ngày vào buổi sáng các nhà sư sẽ tụng kinh niệm phật cúng vong.
 
Đồng thời, ở nhà người nhà cần thực hiện đúng các điều sau: 
  • Không được lập bàn thờ cho người chết, kể cả vào các ngày giỗ tết, vì chỉ cần đốt hương và đọc tên người chết thì coi như mở cửa ngục cho vong thoát ra ngoài.
  • Không nên bàn chuyện đưa tiễn vong lên chùa ở nhà người chết.
  • Khi đưa vong lên chùa phải nhờ người không phải là họ hàng hoặc ít nhất cũng phải là họ ngoại, nếu không vong thấy người quen thì sẽ đi theo về hoặc không đi theo lên chùa.
  • Đợi đến khi lên mộ tròn tức là người chết đã về với tổ tiên mới được thờ cúng lại bình thường.

Tuy nhiên, theo quan niệm Phật giáo thì nhân quả luân hồi, gia đình có người mất không nên xem bói mà nên thành tâm cúng dường, bố thí, làm việc thiện và tụng kinh sám hối, tạo phúc phần cho người mất, nhờ vậy thoát được khỏi hiện tượng trùng tang dạng liên táng.
 

6. Xem ngày tốt – xấu về mai táng

 
 

6.1 Những ngày Xấu cần tránh về mai táng

 
Xem ngày chôn cất, dưới đây là những ngày xấu về mai táng cần tránh để không vướng phải trùng tang hay trùng tang liên táng, theo Ngọc Hạp Thông Thư:
  • Ngày Thiên Ôn
  • Ngày Thổ Ôn
  • Ngày Trùng Tang
  • Ngày Trùng Phục
  • Ngày Thiên Tặc
  • Ngày Địa Phá
  • Ngày Đại Mộ
  • Ngày Nhập Mộ
Riêng trong bảng Nhị Thập Bát Tú còn có 14 vị sao xấu như sao Giác, Cang, Chẩn, Tâm, Nữ, Nguy, Khuê, Mão, Sâm, Chủy, Tỉnh, Liễu, Tinh, Dực. Gia chủ nên cân nhắc, nếu ngày được nhiều sao tốt át bớt mới tránh khỏi việc hung.
 

6.2 Những ngày Tốt cho việc mai táng

 
Theo Ngọc Hạp Thông Thư, những ngày có lợi cho việc mai táng có thể kể đến như:
 
Ngày Thiên Phước, ngày Thiên Quý, ngày Phước Hậu, ngày Thiên Xá, ngày Phổ Hộ, ngày Trường Sinh, ngày Ích Hậu, ngày Giải Thần, ngày Sinh Khí, ngày Cát Khánh, ngày Âm Đức, ngày Thiên Hỉ, ngày Thiên Quan, ngày Thiên Đức, ngày Thiên Thành, ngày Thiên Phú, ngày Thiên Bảo, ngày Thiên Y, ngày Ngọc Đường, ngày Dương Đức, ngày Nguyệt Đức, ngày Nguyệt Ân, ngày Thiên Đức hợp, Nguyệt Đức Hợp, Lục Hợp, Lục Nghi.
 
Xem ngày tốt xấu theo Trực, có 6 ngày hoàng đạo như: Trừ, Nguy, Định, Chấp, Thành, Khai.
 
Xem ngày tốt xấu theo Nhị Thập Bát Tú, các ngày có sao Phòng, Vĩ, Cơ, Đẩu, Thất, Bích, Vị, Tất, Chủy, Trương và Chẩn đều là những sao có ảnh hưởng mạnh, áp đảo các sao Xấu.
 
Ngoài ra, còn có 12 ngày tốt riêng cho mai táng là: Nhâm Dần, Bính Ngọ, Nhâm Ngọ, Bính Thân, Nhâm Thân, Canh Thân, Giáp Thân, Ất Dậu, Kỷ Dậu, Đinh Dậu, Tân Dậu và Quý Dậu theo luật thừa trừ những ngày cát hung, Dần, Thân mới cữ.
 

6.3 Ngày cữ đặc biệt về việc liệm và mai táng hoặc cải táng

 
Bất kể người chết tuổi gì và chết năm nào cũng cần tránh liệm và mai táng những ngày giờ như sau:
 
Ngày Dần, Thân, Tị, Hợi là bốn ngày rất xấu.
Giờ Dần, Thân, Tị, Hợi, chết bất cứ ngày nào cũng phải kiêng cữ.
 
4 ngày hoặc 4 giờ này thuộc Kiếp sát trùng tang. Như vậy trong 12 ngày Tốt Nhất ghi ở đoạn trên phải tránh Dần và Thân, theo luật thừa trừ.
 

6.4 Những tuổi kỵ liệm - chôn cần phải tránh trong gia đình

 
Gặp trường hợp cha hoặc mẹ tạ thế thì người trong gia đình có 3 tuổi dưới đây cần kiêng cữ:
  • Con trai trưởng tuổi Dần.
  • Con dâu trưởng tuổi Mão.
  • Cháu đích tôn tuổi Thìn.
 
Ngoài ra, cần tránh liệm hoặc làm lễ mai táng vào 3 giờ Dần, Mão và Thìn. Nếu có thể mai táng hoặc liệm giờ Ngọ, Mùi và Dậu thì Tốt.
 
Như người chết không có con hoặc còn là vị thành niên từ 10 tuổi trở lên thì chỉ tránh tuổi của cha, mẹ hoặc người anh trưởng có tuổi Dần, Mão hoặc Thìn. Nam hay Nữ cũng cùng kiêng cữ như trên.