Trùng tang là gì? Cách tính ra sao? Gia đình bị trùng tang nên làm thế nào để hóa giải?

Thứ Ba, 11/02/2020 13:43 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Trùng tang là hiện tượng tâm linh đáng sợ trong dân gian và là nỗi lo lắng của các tang gia. Vậy trùng tang là gì? Có cách nào để hóa giải trùng tang hay không?
Mục lục (Ẩn/Hiện)

 

1. Trùng tang là gì?

 
 
Trùng tang hay còn gọi là chết trùng là hiện tượng một người thân trong gia đình qua đời và sau đó là những cái chết liên tiếp của những người khác là anh em, họ hàng hoặc cùng dòng tộc. Điều đặc biệt là tất cả những cái chết này xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn.

Thời điểm xảy ra trùng tang có thể bắt đầu sau 3 ngày an táng người chết hoặc có hiệu lực trong vòng 49 ngày hoặc hơn cho đến khi xả tang.

Thường là trong thời gian chưa mãn tang (3 năm) lại có thêm tang, đặc biệt là đại tang - người mất là ông, bà, cha, mẹ, con cái, anh chị em ruột.

Hoặc có thể gọi trùng tang là tang chủ phải mang ít nhất 2 vòng khăn tang trong cùng một thời điểm.

Hiện tượng này là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình khi chứng kiến sự ra đi của nhiều người thân thiết trong thời gian ngắn. Lúc này, người trong nhà lo lắng và đi xem lại ngày giờ mất của người chết đầu tiên để xem có phạm phải điều gì hay có sai căn sai số hay không để phòng bị, hóa giải, tránh những cái tang tiếp theo.
 

2. Các loại trùng tang

 
Trùng tang có nhiều loại khác nhau, có loại gây thiệt hại nhiều về mạng người, có loại lại nhẹ. Trong số đó, nặng nhất là trùng tang liên táng, có thể khiến một dòng họ đông đúc thiệt hại nhiều nhân khẩu, trở nên suy tàn.

Phân loại trùng tang theo mức độ nặng nhẹ mà dân gian thường hay áp dụng theo thứ tự ngày, tháng, giờ năm. 
  • Trùng tang ngày: Tam xa - là trùng tang nặng nhất, trong họ 3 đời có 7 người chết theo.
  • Trùng tang tháng: Nhị xa - là trùng tang nặng nhì, là hiện tượng trong họ 2 đời có 5 người chết theo.
  • Trùng tang giờ: Nhất xa - là hiện tượng trùng tang nặng thứ ba, trong họ một đời có 3 người chết theo.
  • Trùng tang năm là nhẹ nhất.

3. Cách tính trùng tang

 
Có nhiều cách tính trùng tang, nhưng có 2 loại phổ biến mà dân gian vẫn hay thường sử dụng:
 

3.1 Thời gian trùng hợp


Trùng tang được tính là đúng thời gian lúc mất:
  • Trùng năm (như người tuổi Dần mất năm Dần)
  • Trùng ngày (như người tuổi Sửu mất ngày Sửu)
  • Trùng giờ (như người tuổi Ngọ mất giờ Ngọ). 

3.2 Tính trùng tang theo Địa Chi 


Để tránh hiện tượng trùng tang cũng như để xác định người chết có phải trường hợp trùng tang hay không, gia đình có thể tự tính theo cách tính như sau:
 
+ Đàn ông: Tính từ cung Dần khởi thuận chiều kim đồng hồ tính theo thứ tự Dần – Mão – Thìn – Tỵ – Ngọ – Mùi – Thân – Dậu – Tuất – Hợi – Tý – Sửu.

Nghĩa là: 10 tuổi tại cung Dần, tiếp 20 tuổi tại Mão, 30 tại Thìn, 40 tại Tỵ, Ngọ: 50 tuổi, Mùi: 60 tuổi, Thân: 70 tuổi, Dậu: 80 tuổi, Tuất: 90 tuổi…
 
+ Nữ giới: Từ cung Thân khởi đi theo chiều ngược kim đồng hồ, theo thứ tự sau: Thân – Mùi – Ngọ – Tỵ – Thìn – Mão – Dần -Sửu – Tý – Hợi – Tuất – Dậu.

Nghĩa là : 10 tuổi vào cung Thân, tiếp cung Mùi: 20 tuổi, cung Ngọ: 30 tuổi, cung Tỵ: 40 tuổi, cung Thìn: 50 tuổi, Mão: 60 tuổi, Dần: 70 tuổi, Sửu: 80 tuổi, Tý: 90 tuổi…
 
+ Cứ mỗi cung Nhập mộ thì trừ được một cung Trùng tang, 2 cung Thiên di cũng trừ được 1 Trùng tang.

Ví dụ: Nam thọ 64 tuổi thì 10 tuổi cung Dần, 20 tuổi cung Mão, 30 tuổi cung Thìn, 40 tuổi cung Tị, 50 tuổi Ngọ, 60 tuổi cung Mùi, 61 tuổi cung Thân, 62 tuổi cung Dậu, 63 tuổi cung Tuất, 64 tuổi cung Hợi. Người này cung tuổi mất vào cung Hợi.
 
Tính tháng thì cung tháng sẽ nối tiếp với cung tuổi và theo quy tắc mỗi tháng là một cung. Ví dụ: Nam thọ 64 tuổi, cung tuổi là Hợi, mất vào tháng 3 thì cung tháng sẽ là Dần vì tháng 1 là Tý, tháng 2 là Sửu, tháng 3 là Dần.
 
Cung ngày sẽ nối tiếp cung tháng theo quy tắc mỗi ngày ứng với một cung. Ví dụ: Nam thọ 64 tuổi mất vào ngày 3, cung tháng đã tính trước đó là Dần thì tính cung ngày 1 sẽ là Mão, ngày 2 là Thìn, ngày 3 là Tị. Cung ngày của người này là cung Tị.
 
Cung giờ nối tiếp cung ngày theo quy tắc mỗi giờ ứng với một cung. Ví dụ: Nam thọ 64 tuổi mất vào giờ Tý (12 giờ đêm), cung giờ của người này là Ngọ.
 
Sau khi đã biết được cung tuổi, ngày, tháng, giờ của người mất, gia đình tiến hành xem xét 3 trường hợp như sau:

- Thiên di: (cung Tý, Dậu, Ngọ, Mão)
  • Người ra đi theo ý trời, do trời định đoạt nên thuận theo tự nhiên.
  • Dự báo con cháu trong gia đình sẽ tranh chấp kiện tụng, phân chia tài sản.
  • Trong nhà sẽ không thiệt hại về nhân khẩu.
- Nhập mộ: (cung Sửu, Tuất, Mùi, Thìn)
  • Người chết được yên nghỉ tốt, không phạm phải điềm hung.
  • Người mất ra đi đúng căn đúng số, an táng rồi sẽ trở về với đất, không còn liên quan tới dương gian.
  • Mãn kiếp ta bà, con cháu làm ăn thịnh vượng, phát tài, sai lộc.
  • Trong nhà sẽ không thiệt hại về nhân khẩu.
- Trùng tang: (cung Dần, Hợi, Thân, Tị)
  • Người mất không đúng căn số, không hợp mệnh nên còn lưu luyến dương gian, muốn kéo người đi cùng.
  • Dự báo sẽ có người thân chết theo, dễ thiệt hại về nhân khẩu.
  • Phải làm lễ trấn trùng tang. 
Sau khi tính xong thì kết luận là có trùng tang hay không.

4. Nguyên nhân dẫn đến trùng tang

 
Đến nay tuy chưa có cơ sở khoa học lý giải hiện tượng tâm linh này nhưng trong dân gian tin rằng có hai lý do gây chính gây ra hiện tượng trùng tang như sau:
 

4.1. Thần trùng sai vong bắt người thân
 

Theo quan điểm dân gian, khi một người qua đời vào thời gian không hợp tuổi sẽ rơi vào kiếp sát sẽ phải gặp thần trùng.

Sau đó thần trùng bắt vong đi để tra tấn bằng cách mổ vào trán khiến họ vô cùng đau đớn cho đến khi người này khai ra tên tuổi của người thân trong gia đình. Những người bị khai tên sẽ có quỷ bắt đi và trở thành người xấu số thứ hai.

Vì thế, người ta truyền miệng rằng chỉ nên khai trong nhà còn có con chó đen thì sẽ khiến thần trùng sợ hãi và không bắt thêm bất cứ ai nữa.
 

4.2. Vong linh nổi loạn
 

Một nguyên nhân khác được dân gian truyền miệng dẫn đến trùng tang có thể do vong hồn nổi loạn.

Một người có nhiều lòng thù hận khi qua đời họ vẫn nuôi dưỡng điều này, nhất là khi họ bị tra tấn ở dưới 18 tầng địa ngục. Vì quá căm phẫn nên khi có cơ hội họ liền quay lại dương gian bắt con cháu.

Trường hợp này thường phải hóa giải bằng cách nhốt vong, tránh cho vong về nhà để gỡ bỏ quỷ trùng. 
Vong hồn, cô hồn thực sự có hay không?
Theo truyền thống, cứ rằm tháng 7 chúng ta lại thực hiện nghi lễ cúng cho các vong hồn mong họ được siêu thoát, vậy đã bao giờ bạn đã tự hỏi cô hồn thực sự có

5. Trùng tang thường bắt ai?


Khi biết trùng tang là gì ta đã biết rằng việc này chỉ tính cho những người trong gia đình, họ hàng, dòng tộc. Thế nên trùng tang thường bắt những người thân thích trong gia đình, người này được cho là hợp với người chết.

Tuy nhiên, một số ít người hợp người qua đời đã từng rất ghét một người và người này cũng bị bắt.
 
Nói tóm lại, hiện tượng trùng tang thường xảy ra với người mà người chết có ấn tượng sâu sắc, có cảm xúc mãnh liệt bao gồm yêu hay ghét.
 

6. Trùng tang có thật không?


6.1 Theo quan điểm Phật giáo


Quan niệm của Phật giáo cho rằng không có hiện tượng trùng tang, theo đó, không có chuyện quỷ trùng hay Diêm Vương sai vong linh về bắt người sống, việc này là trái quy luật tự nhiên.

Tinh thần đạo Phật cho rằng việc sinh hay tử hoàn toàn do nghiệp của chính người này đã tạo ra ở những kiếp trước, không có ai có thể tác động được.

Hơn nữa, chết không phải là điều gì quá đáng sợ, ví như bậc thánh nhân đắc đạo, việc sớm thoát khỏi kiếp này để chuyển sang kiếp sống khác không phải là việc xấu.

Hầu hết chúng ta sống trong cõi ta bà này vẫn phải chịu kiếp luân hồi nên hay nghĩ tới chuyện sinh tử như là một việc to tát, đáng sợ. Trong khi đó, theo Đạo Phật thì việc một ai đó qua đời là thuận tự nhiên cho dù họ còn trẻ hay đã già.
 

6.2 Dưới góc nhìn khoa học
 

Khoa học đã chứng minh rằng, hiện tượng trùng tang chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bản chất của sự trùng hợp này là dựa theo xác suất thống kê.

Theo đó, khi ta xét trên lượng một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra. Hiện tượng trùng tang cũng dựa theo quy luật này mà xảy ra. Nhìn chung, mọi việc đều có thể xảy ra dựa theo quy luật này, không quá đặc biệt như cách chúng ta vẫn nghĩ.

Bách khoa thư các hiện tượng dị thường, xuất bản năm 1996 tại Mỹ, trong mục Trùng hợp nhấn mạnh: “Sự trùng hợp xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày".
 
Thế nhưng cho đến nay quan niệm về hiện tượng trùng tang cùng những câu chuyện kì bí đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt trong thời gian dài. Do vậy, theo truyền thống, mỗi khi gia đình có người qua đời vẫn rất kiêng kỵ việc trùng tang và làm đủ mọi cách để hóa giải.
  

7. Cách hóa giải trùng tang

 
 
Khi hiểu trùng tang là gì nhiều người cảm thấy lo lắng cho an toàn của bản thân và gia đình khi có hiện tượng này xảy ra. .

Theo dân gian tin rằng, người thân của họ nên tới chùa linh thiêng xin ít tro hóa vàng về rải đều thành lớp dưới huyệt mộ rồi mới đặt quan tài lêntro vàng ở chùa mang linh lực có thể trấn yểm vong hồn, không cho người chết quay về quấy nhiễu người sống.
 
Cho đến ngày nay, trong dân gian vẫn đang lưu truyền các bài thuốc trấn trùng với các vị thần sa, chu sa, địa liền hay sương luật,… buộc kín trong túi gấm để vào quan tài để trấn. Hoặc người nhà sử dụng linh phù đặt dưới gối người đã khuất, dùng bùa chú đặt ở ngực, giữa rốn, lót dưới quan tài để trấn tà.

Thế nhưng những cách này được đánh giá là chỉ mang tính tạm thời, phần nào giảm hung hiểm chứ không hóa giải được hoàn toàn.  

Cách hóa giải hiện tượng trùng tang hiện nay:
 

7.1. Nhốt vong vào chùa

 
Cách thức hóa giải trùng tang được xem là hiệu quả nhất và thường được sử dụng nhất là làm lễ trấn trùng tang và “nhốt trùng” lên chùa. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải ngôi chùa nào cũng có thể giữ vong chết trùng. Vì vậy, đầu tiên bạn cần chọn chùa nhốt vong theo sự linh thiêng của chùa và độ cao tay của các sư trụ trì. Ví dụ chùa Hàm Long ở Bắc Ninh được xem là ngôi chùa nổi tiếng về độ thiêng và có thể trấn trùng mạnh. Nơi đây ngày nào cũng cúng cháo thí thực cho vong hồn và cầu kinh siêu thoát.  

Với những hiện tượng trùng tang nhẹ, các nhà sư thường chỉ cần đọc kinh niệm Phật cho vong nghe, sau khi thấu hiểu họ sẽ bớt đi sự bám chấp với trần gian, hiểu rằng bản thân phải tuân theo sự luân hồi báo ứng. Nhờ đó giúp vong giảm gánh nặng trần tục và sớm siêu thoát, chuyển sang cảnh giới khác.

Khi áp dụng cách thức này, người nhà cần lưu ý:
  • Không được lập ban thờ tại gia, không được thắp hương cúng khấn kể cả trong ngày giỗ vì một khi khấn vái, đốt hương vong sẽ thoát ra khỏi chùa để về nhà. 
  • Chỉ nên nhờ người thân bên ngoại hay bạn bè đưa vong vào chùa vì nếu vong thấy người nhà sẽ theo về. 
  • Gia đình chỉ có thể thờ cúng người chết sau khi lập mộ tròn vì khi đó người mất đã quy thuật về với tổ tiên. 

7.3 Làm huyệt giả


Làm huyệt giả là cách du nhập từ Trung Quốc, ít được sử dụng cách này ở Việt Nam. 

Theo đó, chọn một mô đất trống, đào huyệt và đổ tỏi xuống, dùng thần chú, bát quái trận đồ trấn âm trạch rồi lấp đi.

Khi chôn người chết ở huyệt mộ chính không làm lễ lớn, tiến hành vào ban đêm thật lặng lẽ. 
 

7.2. Theo phương pháp Phật giáo

 
Quan niệm nhân quả luân hồi cho rằng sinh mạng của mỗi người là do mỗi cá nhận tạo ra. Vì vậy, số người trong nhà chết nhiều hay ít không phải là trùng tang, cũng không có gì phải hóa giải cả vì thực ra mỗi cá nhân đang tự chịu nghiệp quả của mình.

Riêng việc họ được sinh ra trong một nhà, một dòng tộc cũng đã là cộng nghiệp (có nghiệp tương đồng) nên việc xảy ra xác suất chết cùng một thời điểm nào đó cũng không có gì là lạ.

Hơn nữa, việc áp đặt việc trùng tang được xem như là một “bản án” vô tình kết tội người mới qua đời. Việc này chỉ gây thêm đau khổ cho người đã khuất là việc hoàn toàn không nên.
 
Trùng tang là một hiện tượng ngẫu nhiên trong cuộc sống, có sống có chết của con người. Nó chỉ nặng nề thêm trong góc nhìn của tín ngưỡng dân gian có từ xưa, nhất là ở miền Bắc Việt Nam, nhưng ít có tài liệu lưu bản.

Thay vì lo lắng thì người thân thành tâm cúng dường, bố thí, làm việc thiện và tụng kinh sám hối tạo phúc phần cho người mất. Nhờ vậy, người mất nhận được phước từ gia đình sẽ sớm được siêu thoát.
 
Những kiến thức trùng tang là gì và cách hóa giải trùng tang ở trên đều mang tính chất tâm linh dân gian, truyền miệng. Giống như mọi hiện tượng kì bí, khoa học hiện đại chưa xác thực sự tồn tại của trùng tang song vẫn nên thận trọng, có thờ có thiêng, không sợ vạn nhất chỉ sợ nhất vạn, bảo vệ an toàn cho cả gia tộc là quan trọng nhất.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: