Trình đồng mở phủ là gì? Nếu không mở phủ có được không?

Thứ Tư, 16/09/2020 16:15 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ít người tìm hiểu rõ về việc trình đồng mở phủ là gì nên chỉ cần một lời hối thúc, xúi giục là họ chạy vạy khắp nơi để vay tiền làm theo mà không suy nghĩ gì.

Ngày 1/12/2016, “Tín ngưỡng thờ mẫu” đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thế nhưng ít người hiểu đúng về căn đồng số lính, dẫn đến việc mê tín, dị đoan, ai nói gì tin và làm theo mà không có một chút cân nhắc nào.

Trình đồng mở phủ là gì



Lễ trình đồng mở phủ còn gọi là lễ mở phủ - lễ ra đồng của một người có căn đồng, số lính. Trong tín ngưỡng Đạo Mẫu thì việc trình đồng mở phủ là nghi thức tối cao nhất, là sự khẳng định sợi dây gắn kết giữa đồng nhân với thánh mẫu đình thần Tam - Tứ phủ.

Đó là nghi thức bắt buộc đối với một người muốn trở thành tín đồ của đạo Mẫu. Việc này đánh dấu việc người có căn chính thức thành một con đồng Tứ phủ (được làm con ông THÁNH)
 
Từ đây họ được gọ là TÂN ĐỒNG, sau 3 năm tân đồng làm lễ tạ đàn bốn phủ và được coi là đồng thuộc – tức là THANH ĐỒNG.
 
Những người có căn số làm thầy sẽ được phong quan (thanh đồng đạo quan) và họ có thể đi mở phủ cho người khác.

Để việc trở thành TÂN ĐỒNG trở thành việc ý nghĩa, giúp cho mình, cho đời được thì việc quan trọng nhất đó là phải tìm được Thầy có tâm vì Mọi sự chuẩn bị, hành lễ, ứng xử sau này đều dưới sự dìu dắt của Đồng Thầy.

Trước khi theo đồng thầy nào trước hết phải tỉnh táo suy nghĩ thực tế xem người thầy đó có đủ tư cách, đủ tâm, đủ tài để dẫn dắt mình không, những người thầy đã dẫn dắt hiện nay họ ra sao, cách thức, phong thái thầy làm việc như thế nào?

Thường là sau thời gian 3 năm thử lính, 9 năm thử đồng thì tiến tới 1 nghi thức đại đàn trong tứ phủ là lễ tạ ơn phật thánh tạ thầy, cấp sắc thành đồng. Từ đây các thanh đồng có thể đủ duyên để đi hành đạo, khai hồ, mở phủ, nhận đệ tử.
 
Thế nhưng ngày nay, nhiều người cô đồng, cậu đồng chưa đủ 3 năm thử lính, 9 năm thử đồng, chưa có lễ cấp sắc thành đồng đã khai hồ, mở phủ cho đồng nhân. Đây việc làm sai trái mà hàng mấy trăm năm qua không có, được xem là không lề lỗi giữ đạo, vì không trọng thánh, trọng thầy thì không làm được thầy.
 
 

Chuẩn bị gì cho lễ trình đồng mở phủ?


Tân đồng khi làm lễ mở phủ phải chuẩn bị rất nhiều thứ trong đó rất quan trọng là phải có:

- 1 khăn phủ diện

- 1 áo công đồng khăn tấu hương

- 4 cái khăn 4 màu xanh đỏ trắng vàng, tượng trưng làm cầu 4 phủ để thầy đồng trưởng có thể kéo cầu cho đệ tử qua cầu thoát nạn….
 
Khăn áo để hầu cũng rất nhiều tùy vào điều kiện họ phải sắm mỗi giá 1 bộ khăn áo. Còn ai không có điều kiện chỉ cần 5 bộ áo dài 5 màu gồm đỏ xanh trắng vàng và xanh lam hay mượn khăn áo của người khác, hoặc của đồng thầy vẫn hầu được. Riêng khăn áo công đồng (do tiên thánh sang khăn sẻ áo cho) không được mượn và cũng không được cho ai mượn khăn áo đó.
 
Chuẩn bị đàn mã trong lễ trình đồng vô cùng quan trọng. Xưa các cụ thường dùng mã họa Hàng Trống là tranh vẽ để đơn giản hóa và tiết kiệm, bay giờ thường dùng vàng mã hình: Hoa man tài mã gồm voi, ngựa (long chu, mã tượng), các loại mũ; vàng hoa, bài vị; hia ngựa, thuyền rồng; Tòa sơn trang, núi giùm, hải sảo; hình tam đầu cửu vỹ, sớ tấu..... 
 
Ngoài ra, đại lễ không thể thiếu lễ vật khao thỉnh Sơn trang gồm vật tiến cúng các loại đồ mặn, đồ mã, tiền vàng.

Lễ tiến đàn Sơn trang là lễ quan trọng của ngày mở phủ. Cúng tiến Sơn trang gồm: Hoa quả thành tòa, động, đồ ăn, hải sản, bánh kẹo. Việc sắm lễ tùy tâm vì các cụ thường nói: “Giàu làm kép, hẹp làm đơn”, cốt ở tâm người chủ lễ. 
 
Trong các tráp lễ Tứ Phủ, không thể thiếu gương lược, bút, sách, khăn, trà, cau trầu, trà, thuốc, gạo, tiền, quạt…

- 7 (cho nam) hoặc 9 (cho nữ) quả trứng gà sống bọc trong giấy mã đỏ - xanh – trắng – vàng ứng với từng phủ.

- 4 chóe nước thanh tịnh ứng với từng Phủ (mâm phủ ở trên - giữa là dải cầu, dưới là chóe nước) với ý nghĩa các Thánh về ngự sẽ tắm mát cho tân đồng bằng nước được phù phép.
 
- Các mâm quạt, lược, gương soi dâng cô Bơ Thoải Cung.

- Mâm hoa quả như ớt, ổi, táo, lê, gừng, chanh dâng cô Bé Thượng Ngàn xin lộc Sơn Trang. Mâm trứng, oản, thịt sống dâng quan hạ Ban như Ngũ Hổ, Thanh Xà, Bạch Xà.
 
Nghi lễ mở phủ được truyền từ các bậc tiền bối như cụ đồng Xuân, cụ Trang Công Thịnh, cụ Cao Sơn Hải… nối tiếp về sau như ông Lưu Ngọc Đức, ông Hùng Hoàng Mai… đều theo một quy tắc nhất định. 
 
Trước khi mở phủ đều cho đệ tử tôn nhang, đội lệnh Tứ phủ. Sau khi pháp sư thực hiện khóa (phát tấu, cúng Phật - tụng kinh, cúng Thánh Mẫu, khao thỉnh Sơn Trang, Trần Triều, cúng chúng sinh) thì quan thầy vào khai đàn mở phủ. 
 
Đàn mở phủ đồng thầy thường hầu 5 quan lớn và đến Chầu bà sang khăn cho tân đồng. Bốn vị quan lớn về chứng đàn, chứng sớ, mở bốn phủ: Thiên - Địa- Nhạc - Thoải. Chầu đệ nhị hoặc Chầu lục sang khăn chứng đàn mã của tân đồng trong lễ mở phủ.
 
Trong đàn duyên trình đồng không thỉnh Trần Triều và các Chúa bói ngự đồng để chứng lễ Tứ phủ. Sau khi được Đồng thầy sang khăn, đội cơi trầu, đồng tân sẽ hầu lần lượt từ thỉnh bóng Tam tòa Thánh Mẫu, mở khăn hầu từ các giá quan lớn trở đi.  
 
 

Không trình đồng mở phủ có được không?

 
Hiểu được Trình đồng mở phủ là gì bạn cũng sẽ biết là việc này vô cùng tốn kém, chi phí từ mấy chục triệu cho tới cả nửa tỷ đồng. Thế nhưng nếu người có căn đồng không mở sẽ bị hành hạ như ốm đau bệnh tật, dở dại dở điên, công danh sự nghiệp lận đận, nhân duyên khó thành… 

Hoặc thậm chí có người bị dọa là nếu không mở phủ sẽ phải chọn cái chết, chỉ khi biết đến cửa Thánh, cúi đầu đội lệnh mới mạnh khỏe, cuộc sống thuận lợi từ đây.

Vì thế, hầu hết mọi người vì sợ mà vội làm theo và các thầy. Thế nhưng những người lớn tuổi trong giới thì sẽ khuyên nên cân nhắc rất kỹ, không nên vội vàng mở phủ vì chỉ khi có cuộc sống viên mãn, con cái đề huề... gọi là có phúc thì mở điện mới “mát tay”. Các Đồng già vẫn thường bảo: Đừng bao giờ nghe ai mà vội vàng lên sập công đồng con nhé.

Đó là chưa kể những người không có căn nhưng đi xem bói lại vội tin lời thầy bói nên vay mượn đề hầu đồng. Lưu ý là không vì mê muội mà trình đồng mở phủ tràn lan theo phong trào, vô tình làm mất đi tính linh thiêng và trong sáng của nghi lễ.

Lời khuyên này rất đáng để nghĩ bàn vì muốn nối quả (trình đồng mở phủ) cho ai bản thân thầy Đồng phải được bề trên giao nhiệm vụ soi căn nối quả và phải dùng cái Tâm sáng của mình để soi căn cho Đồng con, soi căn là soi những gì:
 
Thứ nhất: soi vị Thánh nào cầm bản mệnh (để trình cho đúng cửa cha cửa mẹ), nếu sai thì hầu đồng rồi vẫn bị quấy quả, không yên.
 
Thứ hai: cần xem xét căn quả của Đồng con đã đủ duyên mở phủ chưa hay chỉ cần: tôn nhang bản mệnh, trình trầu để cha biết mặt mẹ biết tên xin yên an bản mệnh, hoặc đồng con quá khó khăn thì xin sám hối để trình cha biết mặt mẹ biết tên và xin sám hối khất hầu.
 
Bên cạnh đó, người này phải tu tâm để đem tâm trong sạch ra để bắc ghế cha ngồi bắc ngôi mẹ ngự. Hầu thánh để xin được ơn trên gia hộ cho mình có cơ hội tích phúc trả nghiệp mà đã trả nghiệp thì sẽ gặp nhiều ngáng trở.

Nếu chưa đủ điều kiện thì vẫn có thể khất hầu, nhà thánh cũng không muốn con nhang đệ tử quá khó khăn, phải vay mượn để ra mở phủ, chỉ nên làm vừa sức, trường hợp nào đủ duyên trình đồng mở phủ thì thầy mới quyết định cho ra hầu. Sau khi soi căn, thầy sẽ trình đồng mở phủ cho.
 
Một khi đã có căn thì sẽ phải trả, vì thế, có thể làm lễ xin tạm hoãn, vì thế thay vì bạn chạy loạn lên tìm thầy khác hoặc nóng nẩy làm những việc khác, các bạn hãy thành tâm sám hối xin khai tâm khai trí cho bạn sai đâu sửa đấy. Đạo Mẫu không trách phạt ai, Mẫu như người Mẹ, Mẹ luôn từ bi thương con và luôn mở cho Đồng nhân một con đường thoát nếu biết thành tâm sửa đổi.
 
Còn về việc số tiền để mở phủ thì không nên hoang phí vì chẳng có Thánh nào khuyến khích sự xa hoa lãng phí cả. Giữa cái tâm linh vẫn phải sử dụng lý trí và khoa học để soi chiếu, tránh sa đà vào sự mê muội.

(Tổng hợp)