Trí tuệ của Đạo Phật là gì mà ai cũng ngợi ca? Thông minh rồi có được xem là kẻ có trí huệ?

Thứ Tư, 25/08/2021 10:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ai cũng có thể sở hữu được trí tuệ của đạo Phật nhưng bởi vì vô minh, chúng ta không sử dụng trí tuệ vốn có của mình nên cứ bước trong mê lầm rồi khổ đau mãi không thôi.


Trí tuệ của Đạo Phật


Trong Đạo Phật luôn đề cao hai yếu tố TỪ BI và TRÍ TUỆ, theo đó Bi là đem lòng từ bi làm việc lợi ích, tế độ chúng sinh. Trí là đoạn diệt các phiền não nơi mình, giúp ta thoát khỏi mê lầm. Tăng Trí tức là tu Huệ; tăng Bi tức là tu Phước; gia tăng cả hai là phước huệ song tu.

Có thể thấy, vấn đề trí tuệ luôn được Phật nhắc nhở và luôn được đề cao trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, giáo dục là giá trị cốt lõi của Đạo Phật cũng vì đó là cách để nâng cao trí tuệ cho hết thảy chúng sinh.

Không ai có thể phủ nhận được vai trò của trí tuệ khi mà chúng ta hơn vạn vật, làm chủ được muôn loài là nhờ trí tuệ, nền văn minh tiến bộ về vật chất của nhân loại như ngày nay cũng nhờ trí tuệ.

Trí tuệ theo Phạn ngữ gọi là "Prajna" (tiếng Trung Hoa dịch âm là Bát nhã, hay Đại trí tuệ) chỉ rõ cái rộng lớn, linh diệu, hiệu quả của trí tuệ. Đôi lúc trong kinh còn gọi là Bát nhã Ba la mật, nghĩa là trí tuệ sáng suốt cùng tột và chắc chắn sẽ đưa người tu hành trở thành Phật.

Trong Kinh Di Giáo, Phật dạy: "Người có trí tuệ không tham trước, tự tại sáng suốt, tránh khỏi hầm hố tội lỗi; trí tuệ chân thật là chiếc thuyền kiên cố, đưa chúng sinh khỏi biển khổ sông mê, là ngọn đèn sáng soi miền hắc ám, là liều thuốc chữa được muôn ngàn bệnh tật, là chiếc búa sắt đập tan rừng phiền não, là lưỡi dao bén cắt đứt lưới vô minh".
 
Sống giữa cõi ta bà này, chúng ta chỉ vì sự vô minh của mình mà luôn cảm thấy đau khổ khôn nguôi, khi thì buồn bực về bệnh tật, lúc là phiền não, hết chuyện này tới chuyện kia ập đến khiến ta không biết làm thế nào cho hết khổ. Nhưng theo Đạo Phật thì khi có trí tuệ ta sẽ có ánh sáng để thoát khỏi những phiền não đó.

Chỉ có trí tuệ mang cho ta sức mạnh, là công dụng giúp ta có thể phá tan được màn vô minh ấy. Cho ta cơ hội mở mang tầm mắt, thấy rõ được sự thật vũ trụ vạn hữu, và có thể hòa vào nó để sống một cuộc sống an vui, tốt đẹp mà không còn chấp trước nữa.

Điều đó có nghĩa là không phải ta chống đối hay trốn tránh nỗi đau, nỗi khổ của mình mà ta hiểu và tìm cách đồng hành với chúng. Thế nên dù nỗi đau vẫn còn đó nhưng ta hiểu nó nên không còn vướng mắc vào nó chút nào nữa.

Thế nhưng nhiều người cho đến nay vẫn giữ những hiểu lầm về Đạo Phật, thần thánh mọi thứ lên nhưng thực ra Phật chỉ giúp ta khai mở trí tuệ, đưa cho ta những chỉ dẫn để ta học tập theo. Ngài cũng không bao giờ "hố biến" để giúp ai đó hết khổ.

Theo tinh thần của Phật Giáo, đọc tụng, nghiên cứu kinh điển được xem là cách để ta tìm hiểu về lý thuyết, là để hiểu biết, mở mang trí tuệ rộng lớn như biển cả. Do đó, tụng kinh quan trọng phải hiểu, chứ kinh điển Phật Giáo không phải là một thứ bùa mê làm lu mờ trí tuệ, khiến người ta mê tín cho rằng đó là "phép màu" của cuộc đời.

Phật không xem mình là đạo duy nhất để mọi người đi theo, nhưng Ngài mong chúng ta tránh xa tà đạo. Và để phân biệt chánh đạo hay tà đạo ta có thể soi xét về khía cạnh trí tuệ của chúng. Ví dụ như Đạo Phật nhằm khai mở trí tuệ cho con người cho nên Đạo Phật không lợi dụng tình cảm yếu đuối, không lợi dụng những hoàn cảnh khốn khó cũng không dùng quyền lợi vật chất trước mắt của người để truyền đạo. 
 
 

Sự khác biệt giữa thông minh và có trí tuệ của Phật

 
Nói đến người ngu và kẻ trí, Đức Phật từng dạy các đệ tử của mình: "Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các Tỳ kheo, tất cả sự sợ hãi đó khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí...

Như vậy người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỳ kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí". (Tăng Chi, III-1). 

Có thể thấy người ngu thường tự gây ra nguy hiểm và tai họa cho mình và người khác trong khi đó người trí lại bình tĩnh, đĩnh đạc, không có gì khiến họ cảm thấy sợ hãi vì họ đủ khả năng xử lý mọi việc.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người cho rằng mình được khen là thông minh, hiểu biết đủ hiểu các lý thuyết của Phật giáo rồi thì có nghĩa là mình có trí tuệ của Phật. Quan niệm này có đúng không? Sự thật thì không đơn giản như vậy.

Một người thông minh hay còn gọi là có trí tuệ thế gian thì có thể là một người thông thái hơn người, trong lúc này có hai trường hợp xảy ra:

+ Người này dùng sự mưu mẹo, khôn lỏi, tìm cách vơ vét của cải, lợi ích về mình. Họ được xem là thông minh đấy nhưng lại sẵn sàng hại người, tư lợi cho mình, kẻ này rất đáng sợ, họ còn nguy hiểm hơn cả một kẻ khờ. Họ cùng sự hiểu biết của mình để hại người thì quả là ác hơn cầm thú. Cho nên Đức Phật cho rằng cái thông minh này là một cái nạn lớn trong tám nạn.

+ Một người được xem là thông minh nhưng sống lương thiện biết điều gì nên làm hay không nên, biết làm những điều lợi ích cho mọi người và xã hội. Tuy thế cái biết này cũng chỉ ở mức giới hạn nào đó mà thôi.

Sự thông minh đó có thể giúp họ có thể kiếm tiền, giàu có, cuộc sống sung sướng nhưng vẫn có những cố chấp sai lầm thông thường, không giúp cho con người thoát ra ngoài vòng khổ não, cứ trôi lăn mãi trong luân hồi. Vì thế cho nên gọi đó đơn thuần là trí tuệ thế gian mà thôi.

Trí tuệ trong Đạo Phật có hai loại:

+ Loại thứ 1: Trí hữu lậu, là biết là thấy là hiểu đó nhưng vẫn còn chút vướng bận với đời. Cái tâm trí của họ còn luyến ái, còn ưa ngôi vị trong tam giới, cái tâm trí chưa giải thoát, còn bị phiền não hữu lậu lấn áp, không thể phá trừ được.

+ Loại thứ 2: Trí vô lậu, là không chỉ biết, thấy và hiểu mà cái tâm trí của họ qua rèn luyện, tu tập đã có thể dứt phiền não, không còn phải luân chuyển trong tam giới, lục đạo, cái tâm trí của hàng đắc đạo như La hán, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Trí này đã phá trừ các phiền não hữu lậu, đạt đến chỗ rốt ráo thanh tịnh, nhưng chỉ khi đặng thánh quả mới có.

Có thể thấy, trí tuệ thế gian có thể thu lượm từ kiến thức, học hỏi được, như một vị thầy hay giáo sư có thể sử dụng những nghiên cứu của những người đi trước để giảng dạy, phát triển kiến thức đó lên. Họ cũng được xem là những người thông thái.

Thế nhưng trí tuệ của Đạo Phật không phải là nhờ sự học tập, sự thành tựu kiến thức nào đó.

Theo Phật giáo, người có trí đã chứng ngộ chân lý của vạn pháp, nhờ vào kiến thức và tư duy đó ứng dụng vào việc chuyển hóa thân tâm giúp đoạn trừ được vô minh, phiền não, đem đến sự an lạc, giải thoát ở cuộc sống trong hiện tại cũng như trong tương lai, còn tri thức ở thế gian chỉ là phương tiện mà thôi, chưa có thực hành mà nhất định đó phải là thực hành nhuẫn nhuyễn đến mức mọi thứ diễn ra tự nhiên, không có chút khó chịu nào trong thân và tâm.
 
Tất cả những gì mà trí tuệ Đạo Phật nhấn mạnh đó là tự mình chứ không ai khác hỗ trợ cho. Đạo Phật là đạo xây dựng trên nền tảng trí tuệ, tức dùng sự giác ngộ, hiểu biết và sức mạnh của lý trí để giải quyết vấn đề tâm linh của con người cùng những vấn nạn của xã hội mà không dựa vào Thần Linh.

Đạo Phật lấy con người làm gốc, lấy sức mạnh của con người - trí tuệ của con người để giải quyết những vấn đề của con người. Hạnh phúc do con người kiến tạo. Khổ đau do con người tự gây ra cho nhau và cho chính mình. Khi dùng trí tuệ làm nền tảng thì ai cũng như ai, mọi người đều bình đẳng vì ai cũng đều có trí tuệ, ai cũng có Phật tánh. 

Trí tuệ theo lời dạy của đức Thế Tôn, không nhất thiết là có tri thức cao, bởi tri thức không đủ năng lực chuyển hóa được phiền não. Người có trí tuệ trong Phật giáo luôn biết nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận sự thật dù đau thương nhưng vẫn nỗ lực, tinh tấn, chuyển hóa để thăng hoa trên bước đường tu học.

Với thế gian, thì góp nhặt những kiến thức, hiểu biết của người khác để làm phong phú thêm trí tuệ, thông minh của mình, còn trong Đạo Phật thì chúng ta lại bỏ hết những lăng xăng, phiền não, quấy nhiễu của tâm thức để có được tâm an định.

Tâm an định thì tánh giác hiện ra tròn đầy. Được trí tuệ vô lậu rồi, chúng ta sẽ không còn rớt lại, không còn chìm trong luân hồi sinh tử nữa, đó mới là mục đích cuối cùng của Đạo Phật giúp chúng ta thoát khỏi mọi loại khổ đau, phiền não.