Có tin được không: Tháng Cô hồn là tháng may mắn?

Thứ Năm, 15/08/2019 11:12 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mặc cho nhiều người đổ tại những xui xẻo, run rủi của mình là do tháng 7 Âm lịch nhưng có khá nhiều người nhận định tháng cô hồn là tháng may mắn.
 

1. Vì sao quan niệm tháng cô hồn xui xẻo


Theo quan niệm dân gian của Việt Nam và một số nước châu Á, mọi người sẽ dễ gặp phải những chuyện xui xẻo hơn trong tháng cô hồn nên cần phải kiêng cữ cẩn thận.

Theo đó, người ta cho rằng Diêm Vương sẽ mở cửa ngục để những linh hồn lang bạt, không được thờ tự hay đầu thai đi lại tự do. Mọi người lo sợ bị ảnh hưởng, để tránh không bị các cô hồn quấy nhiễu cuộc sống, người dân thường cúng lễ vật cho các vong hồn.

Con người có hai nhóm linh hồn: ba hồn, bảy vía (hay bảy phách). Đàn bà có nhiều hơn đàn ông hai phách. Những linh hồn này ở trong thân thể. Con người tiếp nhận những linh hồn vào ngày sinh ra đời hay ngày thụ thai.

Bạn có biết: Cô hồn là gì? Tại sao phải cúng cô hồn?

 Sư thầy Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam)
 
Sau khi chết đi rồi, những vong hồn chưa được siêu thoát này vẫn lai vãng ở trần gian, họ cũng có những nhu cầu và ước muốn như người sống. Để soi sáng bước đi của hồn vía khi rời khỏi thân thể, người ta thắp nến sáng; người ta cho hồn tiền để trả tiền đò xuống âm phủ; người ta cúng hồn đồ ăn thức uống để làm dịu cơn đói khát của hồn. 
 
Nhưng trong thế giới huyền bí, có những hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc, hay chẳng có thân thích và bạn bè. Đấy là hồn của những người bất hạnh, chết vì tai nạn hoặc nghèo khổ trên các nẻo đường, mà xác không được mai táng và chẳng có ai trông nom.
 
Để làm nguôi ngoai tất cả những linh hồn khốn khổ đó, trong tháng cô hồn người ta thờ cúng để các vong linh được ăn, tránh cảnh đói khát. Vì nhiều vong hồn lai vãng nên mọi người đã chỉ ra khá nhiều kiêng kỵ để tránh gặp xui xẻo trong tháng cô hồn.

Qua thời gian, những quan niệm này trở thành nỗi ám ảnh không tốt và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân. Mọi người cho rằng vì không may mắn nên người ta thường tránh né làm những việc đại sự như: cưới hỏi, dựng nhà, ký kết, đi xa...

Thực ra, một số kiêng kị trong tháng này cũng khá phù hợp, vì tháng 7 Âm lịch cũng được xem là tháng Ngâu là tháng mưa gió thất thường nên việc đi lại phải dè chừng cẩn trọng, nhất là đi thuyền bè, tàu xe... Hơn nữa, tháng có nhiều âm khí nhất trong năm nên ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần, tâm lý của mọi người, vì thế, không nên có những quyết định quan trọng trong thời gian này.

2. Tháng cô hồn là tháng may mắn?


Nhưng ngược lại, có nhiều quan niệm cho rằng tháng cô hồn là tháng may mắn với những lý do sau đây:

- Noi gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả, đây là lúc mọi người nên dành tình cảm yêu thương cho gia đình, người thân. Dù ai đi xa cũng nên quay về tri ân, báo hiếu hai đấng sinh thành, bởi đó là những vị Phật tại gia.

Sau đó, mỗi người hãy mở rộng tình thương để đền ơn những người đã mang lại điều tốt đẹp cho mình trong cuộc sống. Lối sống đẹp biết làm ơn và đền ơn này rất đáng để ca ngợi trong dịp Rằm tháng 7. 

- Phật giáo Việt Nam cũng gọi tháng Bảy là tiết “xá tội vong nhân” vì nhờ ơn của đức Phật mà tất cả các vong linh bị đọa trong chốn khổ đau được siêu thoát.

Vì thế, vào những ngày này, người ta thiết lễ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ... để tỏ lòng hiếu đạo, đồng thời cũng sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung) thường gọi là thí thực cô hồn là hành động đền ơn vô cùng tốt đẹp.

- Vì rằm tháng Bảy là lúc có tất cả các sư sãi tập hợp để cầu siêu cho các vong linh, người thường có nhiều cơ may hơn cả để cầu xin có kết quả sự đại xá rộng rãi cho những linh hồn đang bị đày ở địa ngục.

Hành động đẹp muốn giúp đỡ và bao dung với tội hỗi của các cô hồn, bóng quế sẽ mang lại năng lượng tích cực cho mọi người, đó chẳng là điều vui, điều tốt hay sao?

 
 
- May hay xui cũng phụ thuộc vào quan niệm của mỗi người. Một sự việc có thể nhìn từ nhiều mặt, nếu một người chỉ nghĩ đó là không may với mình thì khó có thể xem đó là may mắn. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến sợ hãi. Sợ hãi sẽ mất đi khi năng lượng của chúng ta là tích cực.

Ví dụ bị ai đó "chơi xấu" thì có người cho rằng xui xẻo, có người bạn tồi, nhưng người lạc quan sẽ cho rằng: May nhận ra sớm để còn tránh tổn thất nhiều hơn về sau. Vì thế, một cốc nước vơi một nửa hay đầy một nửa hoàn toàn cho cách nhìn nhận vấn đề của bạn.

- Sư thầy Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) giải thích về ý nghĩa rằm tháng 7: "Bên cạnh luật nhân quả, tôi còn tin có luật hấp dẫn. Cùng một vấn đề nhưng nếu một người chỉ nghĩ đó là không may với mình thì khó nhận ra được chút may mắn nào khác.

Còn nếu trước bất cứ sự việc nào, ta luôn nghĩ theo hướng tích cực, thấy mình vẫn là người may mắn, thì nhìn cuộc sống luôn thấy may mắn. Số phận của mỗi người phụ thuộc vào việc tự mình chuyển hóa nó. Chúng ta nên tin có số phận, nhưng cũng cần nhớ rằng có thể thay đổi được số phận". 

 - Theo quan điểm của nhà Phật thì tháng 7 đẹp nhất trong năm vì đây là là mùa Xuân của Phật giáo.

Sau 3 tháng an cư, chư Tăng tịnh hóa thân tâm, quay trở về hội lực phụng hóa chúng sinh để làm đẹp cho đời. Theo kinh Phật thì đây là tháng mười phương chư Phật đều hoan hỉ.

- Rằm tháng 7 còn là ngày Tết Trung Nguyên (Tết giữa năm). Một ngày Tết nghĩa là ngày vui trọn vẹn, vì vậy, không có cơ sở nào để nói rằng tháng 7 là không may mắn.
 
- Ngày xá tội vong nhân thì con người cũng được xá tội, vì thế, tháng 7 là dịp bỏ qua mọi oán hận cho nhau, để cuộc sống chỉ còn lại điều may mắn, tốt đẹp. Với lý do đó, mọi người cứ sinh hoạt bình thường và làm nhiều việc tốt để nhân nguồn năng lượng tích cực trong mỗi người lên. 
  
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ, việc có rất nhiều quan niệm cần kiêng cữ trong tháng cô hồn không nằm ngoài mong muốn hướng cuộc sống tới sự an lành, hạnh phúc. Rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, là dịp để thể hiện và giáo dục lòng nhân từ, vị tha, và vong nhân chứ không làm hại đến ai cả.

Hãy sống thánh thiện, nhân từ và vị tha, chúng ta sẽ sống an lành, hạnh phúc, sẽ chẳng phải lo sợ điều gì cả. 

Minh Minh (Tổng hợp)