Tháng cô hồn có đáng sợ đến mức không nên làm bất cứ việc gì?

Thứ Hai, 09/08/2021 10:22 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tháng cô hồn có đáng sợ hay không là do góc nhìn của mỗi người, nhưng khi sống trong thời kỳ hiện đại thì không nên bám víu vào những điều gì không có cơ sở rồi tự gây thêm hoang mang cho bản thân và những người xung quanh.


1. Tháng cô hồn có đáng sợ?


Trong quan niệm của hầu hết mọi người, tháng 7 Âm lịch được xem là tháng cô hồn, rất đáng sợ và chỉ toàn những chuyện xui xẻo đều xảy ra trong tháng này. Đó là lý do chúng ta được khuyên tháng cô hồn kiêng mua vàng, tránh các giao dịch làm ăn, dừng mua bán, cưới hỏi, khai trương. Không những thế nhiều nơi còn tổ chức thực hiện nhiều nghi lễ cúng bái rườm rà như là cách để giải đen cho bản thân và gia đình.

Việc thực hiện việc cúng bái chủ yếu xuất phát từ nguồn gốc của quan niệm người Trung Quốc cho rằng Ngọc Hoàng cho Diêm Vương mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để ma đói, quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho ma quỷ đói để ma quỷ không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.

Ngoài ra, sở dĩ không nên cưới hỏi vào tháng này vì đây là tháng Ngâu nên họ sợ gia đình chẳng khác nào như vợ chồng Ngâu, mỗi năm gặp nhau có 1 lần thì không tốt chút nào. Ngoài ra, việc làm nhà, kinh doanh, buôn bán… mà lại chỉ tạm bợ kiểu “vàng mã” thì khó mà bền vững, thành công nên người ta kiêng.

Tuy nhiên, những kiêng cữ này hoàn toàn xuất phát từ tập quán, tiềm thức, niềm tin, mà không có bất kỳ cơ sở nào. Đó hoàn toàn là thói quen tâm lý của đám đông. Đáng tiếc là cái sai lại được đám đông thừa nhận, nó trở thành cái đúng.

Tương tự như thế, quan niệm ăn chè đậu đỏ ngày Thất tịch để thoát ế là một phong trào của mạng xã hội trong thời gian gần đây cũng được "tự phong" là quan điểm dân gian mới thấy chúng ta dễ tin tới mức nào.

Mê tín, dị đoan cũng giống như tung tin đồn nhảm. Điều không thật nói hàng trăm hàng nghìn lần sẽ thành sự thật.

Ví dụ như ai cũng gieo rắc cho bạn niềm tin tháng 7 là tháng không may mắn, cứ làm ăn là thất bát, thì việc này sẽ trở thành "tự kỷ ám thị" hóa việc sai thành đúng. Việc này tương tự như khi chữa bệnh, có phương pháp động viên bệnh nhân tin rằng họ nhanh hồi phục thì họ nhanh khỏi bệnh hơn, ngược lại nghĩ mình có bệnh sắp chết, thì có khi bệnh lại trở nặng khó cứu chữa.

Khi có quá nhiều người có niềm tin sai lầm này và dừng hết mọi việc buôn bán, kinh doanh, mua sắm,... chỉ khiến nền kinh tế chững lại. Thậm chí một số ít người không tin dường như bị lạc lối, nếu họ vẫn có mong muốn ký kết hợp đồng, mở rộng làm ăn trong tháng sẽ gặp khó khăn trong việc hợp tác. Điều này cho thấy những suy nghĩ có phần tiêu cực về tháng 7 nên sớm được loại bỏ để giảm bớt ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Theo Đạo Phật, ai cũng có phần tốt, phần xấu, và mỗi người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước thì ma quỷ cũng phải sợ. Ví dụ như tâm thanh tịnh thì cắt tóc tháng cô hồn có gì phải lo. Thay vì những kiêng kị không có cơ sở, không dám làm gì lãng phí thời gian cả 1 tháng quá đi, mọi người nên làm điều thiện, tích đức. Nếu làm được như vậy, ai cũng được điều lành, điều tốt, tâm lý bình an.
 
 
Từ góc nhìn của Phật giáo, tháng này được gọi là tháng Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc từ tích về ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Đó cũng là thời điểm các vong nhân được xá tội, nên còn gọi là tháng Xá tội vong nhân. Đây đã trở thành dịp lễ quan trọng của người Việt nói chung và với những người Phật tử nói riêng bởi ý nghĩa sâu xa và trân quý.

Noi gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả, mỗi người Phật tử chúng ta nên dành tình cảm yêu thương cho gia đình, người thân. Dù ai đi xa cũng nên quay về tri ân, báo hiếu hai đấng sinh thành, bởi đó là những vị Phật tại gia.

Sau đó, mỗi người hãy mở rộng tình thương để đền ơn những người đã mang lại điều tốt đẹp cho mình trong cuộc sống. Lối sống đẹp đó là luôn biết làm ơn và đền ơn. 
 
Phật giáo quan niệm phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ không mả, chết không thờ tự hay còn gọi là cô hồn. Nhân dịp này, ta có thể thiết lễ cúng kính ông bà cha mẹ đã quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn.

Hãy xem như đây là thời gian báo hiếu bởi có ý nghĩa trọng tâm là giáo dục lòng hiếu thảo cho con người rất nhân văn và cao cả của đạo Phật đang có nguy cơ bị không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín. 
 

2. Tháng 7 là tháng đẹp nhất trong năm

 
Cho tới nay, trong kinh điển Phật giáo cũng như chưa có một tài liệu chính thống hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh tháng 7 là tháng không may mắn. Không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong lý thuyết của Đạo Phật.

Theo quan điểm của Phật giáo, tập tục kiêng mua bán, kiêng hội hè, kiêng đi lại, kiêng đủ thứ trong tháng cô hồn là không đúng. Vì nó chỉ khiến mọi người trở nên lười lao động, trì trệ, việc kinh doanh, buôn bán bị chững lại thì không đáng một chút nào. Đức Phật tin vào nhân quả, ai gặp xui xẻo hay may mắn đều ở do duyên lành hay duyên ác mà họ đã gieo rắc từ bao lâu nay mà thôi.
 
 
Huống gì, theo quan điểm của Phật giáo, tháng 7 là tháng cực kỳ tốt lành. Tháng 7 và đặc biệt ngày Rằm tháng 7 là ngày chư Tăng tự tứ - ngày mà chư Tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ.

Không những thế, đây được xem như là mùa Xuân của những người trong hàng xuất gia của Phật giáo. Sau 3 tháng an cư, chư Tăng tịnh hóa thân tâm, quay trở về hội lực phụng hóa chúng sinh để làm đẹp cho đời.

Theo kinh Phật thì đây là tháng mười phương chư Phật đều hoan hỉ. Thêm nữa, rằm tháng 7 còn là ngày Tết Trung Nguyên (Tết giữa năm). Vì vậy, đây là tháng có nhiều khởi đầu mới tốt đẹp, nhiều hứa hẹn, nên không có cơ sở nào để nói rằng tháng 7 là không may mắn. 
 
Hơn nữa, ta phải hiểu rằng nếu là tháng xấu thì sao lại có xá tội vong nhân? Khi các vong linh được tha thứ, được yêu thương tức là tình người được lan tỏa khắp thế gian. Thay vì sợ hãi thì ta nên làm điều thiện, xem tháng 7 là dịp bỏ qua mọi hận thù, trải tâm yêu thương, để cuộc sống chỉ còn lại điều may mắn, tốt đẹp.

Do đó, đối với Phật tử thì tháng 7 là thời điểm để mỗi người có thêm ý thức để trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu. Còn đối với chúng ta thì đó là thời gian để chiêm nghiệm lại bản thân, cố gắng sống hiếu thuận và làm việc tốt nhiều hơn.

Hãy ghi nhớ một điều rằng, ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày, tháng nào xấu. Ngày xấu hay ngày tốt đều do quan niệm mà ra, cuộc sống của ta như thế nào là do cách ta đã tạo ra nó.