(Lichngaytot.com) Chỉ có duy nhất một câu Thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh nhưng dường như mỗi người lại có cách hiểu khác nhau nhưng đều dựa vào tính Không.
Trọn bộ
Kinh Bát Nhã
mà ngài Pháp sư Huyền Trang dịch có 600 cuốn, chỉ có một thần chú mà Phật tử Việt Nam thường đọc là:
Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế Ba La Tăng Yết Đế Bồ Đề Tát Bà Ha.
Trong phần sau đây chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa câu thần chú này.
Câu thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh
- Nguyên văn tiếng Phạn là:
Gate Gate Pāragate Pārasaṃgate Bodhi Svāhā
Người Việt chúng ta đọc theo âm Hán Việt thành: Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế Ba La Tăng Yết Đế Bồ Đề Tát Bà Ha
- Nếu chúng ta phiên âm trực tiếp từ câu tiếng Phạn ra tiếng Việt thì câu chú được viết thành:
Ga-tê Ga-tê Paa-ra-ga-tê Paa-ra-xân-ga-tê Bô-đi Xoaa-haa
Bản thân Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh là Đại thần chú. “Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chơn thật, không dối” - trích từ Kinh Bát Nhã.
Như vậy bản thân Tâm Kinh có năng lực và diệu dụng rất lớn trong quá trình tu hành đến giác ngộ. Tâm kinh cần thiết cho mọi đối tượng tu hành. Ngay cả Phật đã thành mà vẫn còn tiếp tục sử dụng Bát Nhã Tâm Kinh.
Bát Nhã Tâm Kinh có chữ dễ đọc dễ học thuộc để trì tụng hàng ngàyBát Nhã Tâm Kinh có chữ thuận lợi cho việc các Phật Tử đọc, trì tụng hàng ngày mang lại sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn.
Ý nghĩa của thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh
Căn cứ trên ý nghĩa của ngôn từ
- Gate: suy ra từ động từ “gam”, nghĩa là đi.
- Pāragate: pāra là danh từ giống đực, có nghĩa là sự mang qua; sự băng qua; khi giống trung, có nghĩa là bờ bên kia, sự đạt đến mức xa nhất. Cho nên pāragate là đã đi qua bờ bên kia.
- Pārasaṃgate: tiền tố “saṃ” trước động từ có nghĩa là cùng nhau hay hoàn toàn, trọn vẹn. Như thế pārasaṃgate là đã đi hoàn toàn qua bờ bên kia.
- Bodhi: danh từ giống cái, có nghĩa là sự giác ngộ.
- svāhā (ind) là tán thán từ, nguyên là từ dùng trong lễ hiến tế lên thần linh trong nghi thức tôn giáo ở Ấn độ, có thể hiểu như tiếng reo mừng, cảm thán.
bodhi svāhā = “Giác ngộ, Ôi ! Xin chào!” hay “Giác ngộ, Ôi! phước lành thay !” hay “Giác ngộ, A! Là như vậy đó!” hay “Giác ngộ, Ôi ! Tuyệt vời”
Như thế câu thần chú nầy có thể hiểu như là :
“Kính ngưỡng Trí Tuệ Bát Nhã, ngài đã đi, đã đi, đã đi qua bờ bên kia, đã đi hoàn toàn qua bờ bên kia. Giác ngộ. Là vậy đó!".
Ý nghĩa câu thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh theo các Thánh tăng
- Ngài Pháp Tạng viết: "Có hai cách hiểu ý nghĩa đối với câu thần chú. Thứ nhất, câu thần chú là ngôn ngữ bí mật của các vị Phật và không phụ thuộc vào tầm hiểu biết của chúng ta. Chúng ta chỉ tụng hay niệm nó trong tâm, và nó giúp loại trừ những chướng ngại và gia tăng những ân huệ và che chở.
Thứ hai, nếu vẫn muốn cắt nghĩa thì thì gate có nghĩa là “đã đi” hay “đi đò ngang qua”, mà đó là tác dụng của trí tuệ thâm sâu. Sự lặp lại của gate có nghĩa là “chở đò chính mình và cũng chở đò những người khác”. Pāragate có nghĩa “bờ bên kia”, mà đó là nơi người ta được chở tới bằng đò. Và saṃ trong pārasaṃgate có nghĩa “cùng nhau”, “mọi người cùng nhau được chở qua bằng đò”.
Bodhi nói cho chúng ta biết loại “bờ bên kia” là gì, đó chính là bờ giác ngộ. Và svāhā có nghĩa “ngay bây giờ”.
- Ngài Huệ Trung nói rằng: "Thần chú chỉ trực tiếp vào tâm. Bởi vì tâm là không động cũng không tịnh, nên không thể dùng tâm để tìm tâm. Bởi vì tâm không có khởi đầu cũng không có kết thúc, nên bạn không thể dùng tâm để đặt một mức cuối cho tâm. Bởi vì không có bên trong, bên ngoài hay ở giữa, nên nếu bạn tìm tâm thì không có nơi nào để tìm nó.
Nếu không có chỗ để tìm nó, thì bạn không thể tìm nó. Vì vậy, bạn nên nhận thức rằng không có tâm nào cả. Và bởi vì không có tâm nào cả, cõi ác quỷ không thể gây ảnh hưởng chúng ta.
Các ngài Ấn Độ và Tây Tạng có xu hướng tìm ý nghĩa ẩn tàng của thần chú, đó là biểu lộ mức độ am hiểu về Tánh Không liên quan với năm chặng tu trên con đường đến Phật quả như thế nào.
Năm từ gate, gate, pāragate, pārasaṃgāte, và bodhi svāhā của câu thần chú lần lượt tương ứng với năm giai đoạn trong quá trình tu đến Phật quả: Tư Lương Đạo, Gia Hanh Đạo, Kiến Đạo, Tu Tập Đạo và Vượt Thoát Đạo hay Phật Đạo. Năm giai đoạn này ứng với năm phần nội dung trong Tâm Kinh và năm mức am hiểu về Tánh Không. Sự chuyển từ giai đoạn kế tiếp chỉ thật sự xảy ra khi ta đang an lạc trong chánh định.
- gate thứ nhất: là sự cổ vũ, thôi thúc hành giả nhập vào chặng đường tích lũy công đức, gọi là Tư Lương Đạo. Lúc này, mức am hiểu về Tánh Không chỉ là phần thô của cách trình bày bốn mặt về Tánh Không qua các câu “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Không chẳng khác Sắc, Sắc chẳng khác Không” trong Tâm Kinh.
Và rồi nhờ công phu thiền quán trên những gì đã học mà sự hiểu biết của hành giả càng ngày càng sâu sắc hơn, cho đến cuối cùng đạt được cái hoàn toàn sáng tỏ trong sự hiểu biết sâu sắc. Lúc này, hành giả đã tích lũy đủ cơ bản để sẵn sàng chuyển qua giai đoạn Gia Hạnh Đạo.
- gate thứ hai: là sự cổ vũ, thôi thúc hành giả bước vào giai đoạn chuẩn bị tâm để am hiểu sâu sắc về Tánh Không, gọi là Gia Hạnh Đạo. Sự am hiểu về Tánh Không trong giai đoạn Gia Hạnh Đạo ứng với phần tinh của các câu “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Không chẳng khác Sắc, Sắc chẳng khác Không”.
Phần tinh ở đây có nghĩa là trong khi sự am hiểu của hành giả về Tánh Không vẫn chưa được trực tiếp, thì nó không còn dựa trên trí năng hay nhận thức, mà đúng hơn là dựa trên thực chứng.
Trong giai đoạn Gia Hạnh Đạo, sự am hiểu về Tánh Không của hành giả càng lúc càng trở nên sâu sắc hơn, vi tế hơn. Việc sử dụng các khái niệm trong khi Thiền quán dần dần giảm đi. Cho đến khi tất cả những nhận thức đối đại nhị nguyên về chủ thể và đối tượng, về thực tại thông thường và về sự hiện hữu có tính bản chất đều bị loại bỏ, sau đó mới bước vào gai đoạn Kiến Đạo.
- pāragate: nói về giai đoạn thấy thực tại, am hiểu Tánh Không một cách trực tiếp và không qua Thiền quán, gọi là Kiến Đạo. Vào giai đoạn này hành giả bước vào mức tu chứng thứ nhất của Bồ tát.
Giai đoạn Kiến Đạo ứng với lời dạy về Tánh Không của mọi hiện tượng trong Tâm Kinh, qua các câu: "Tất cả các pháp đều là Không, không có tính chất đặc trưng, không dơ, không sạch, không giảm, không tăng". Cho nên trong
Tính Không trong Bát Nhã Tâm Kinh không có sắc cho đến không có ý thức giới.
Giai đoạn này, dường như kinh nghiệm chủ thể và đối tượng tức là nội tâm và ngoại cảnh đã trở nên hòa nhập, giống như nước chảy vào trong nước, và sự am hiểu về Tánh Không của hành giả trở nên trực tiếp, không cần qua Thiền quán nữa, và sẵn sàng chuyển qua giai đoạn Tu Tập Đạo.
- pārasaṃgate: chỉ giai đoạn tu tập trong đó hành giả trở nên quen thuộc sâu sắc với Tánh Không nhờ qua thực hành liên tục, gọi là Tu Tập Đạo. Sự am hiểu Tánh Không của hành giả trong giai đoạn Tu Tập Đạo được chỉ ra qua lời dạy của các câu trong Tâm Kinh: "Không có vô minh, không có hết vô minh,... , không có trí tuệ, không có chứng đắc, không có không chứng đắc”.
Trong giai đoạn Tu Tập Đạo, vì kinh nghiệm trực tiếp về Tánh Không đã sâu sắc hơn nên hành phá vỡ nhiều phiền não tinh thần khác nhau một cách có hệ thống.
Hành giả tiến sẽ tiến qua chín mức tu chứng từ Bồ tát địa thứ hai (gotra-bhūmi) tới Bồ tát địa thứ mười (buddha-bhūmi), nhưng bảy mức tu chứng đầu tiên của Bồ tát, gọi là “bảy mức bồ tát chưa thuần = bảy địa bồ tát chưa thuần”.
Các mức tu chứng này gọi là chưa thuần vì những phiền não vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ cho đến mức tu chứng thứ tám (địa thứ tám = tratyekabuddha-bhūmi).
Vào mức tu chứng thứ tám, chín (bodhisattva-bhūmi) và mười (buddha-bhūmi), hành giả phá vỡ ngay cả những chiều hướng và những tác động lâu dài do phiền não gây ra. Sau khi an trú trong mức tu chứng thứ mười, hành giả sẵn sàng qua giai đoạn Vượt Thoát Đạo hay Phật Đạo.
- bodhi svāhā: là lời cổ vũ hành giả tự an trú chính mình một cách vững chắc trong miền giác ngộ, hay đạt Phật quả hay Nhập Cứu Cánh Niết Bàn, gọi là Vượt Thoát Đạo, hay Phật Đạo. Giai đoạn tương ứng với các câu trong Tâm Kinh: "Do đó, này Xá Lợi Phất, vì không có chứng đắc cho nên Bồ tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa... vô thượng chánh đẳng chánh giác”.
Đây là giai đoạn mà Bồ tát thập địa loại bỏ chướng ngại cản trở nhận thức đồng thời cả về chân đế lẫn tục đế trong một cùng một niệm, và khi đó, trí toàn giác của một vị Phật tỏa rạng trong hành giả. Hành giả đã trở thành vị Phật.
Tóm lại, những phân tích trên đây dù có vẻ logic, có vẻ hợp lý đến đâu thì vẫn có những hạn chế, chưa hẳn đúng với ý hoàn toàn của người tạo ra câu thần chú, thường được hiểu là Phật hay Bồ Tát. Cho đến nay chưa một ai dám nói rằng phân tích ý nghĩa của mình là đúng.
Dù là thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh hay trong Chú Đại Bi.... công năng và tác dụng của thần chú không phụ thuộc vào sự hiểu biết ý nghĩa thần chú của người tụng niệm chú, bởi mỗi thần chú có giá trị tác dụng riêng, và tác dụng còn tùy thuộc vào cách thức tụng niệm và tâm thái của người tụng niệm.
Minh Minh