Bồ Tát theo phiên âm tiếng Phạn có nghĩa là Đại sĩ, một chức danh mang tính biểu trưng của Phật giáo. Yếu tố cơ bản nhất của Bồ Tát là từ bi và đại hệ. Từ bi biểu hiện cho tấm lòng, đại huệ biểu hiện cho trí tuệ. Bồ Tát là những người dùng tấm lòng và trí tuệ của mình để giáo hóa chúng sinh, hướng tới Phật pháp.
Quan Thế Âm Bồ Tát được xếp vào hàng một trong những vị Bồ Tát có vị trí cao nhất của Phật giáo, là đời trước của Phật. Phật giáo Trung Hoa xếp Ngài là một trong tứ đại Bồ Tát cùng với Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát và Tạng Vương Bồ Tát.
Quan Thế Âm hay Quán Thế Âm, Quan Âm đều là danh xưng để chỉ vị Bồ Tát có vị trí quan trọng nhất trong Phật giáo. Danh xưng này xuất phát từ một truyền thuyết nhà Phật, tin rằng những người đã tu thành chính quả sẽ đạt tới cảnh giới ngũ giác đồng quy tức là cả năm giác quan hòa vào làm một. Dùng tai để “thấy” hình ảnh, dùng “mắt” để nghe âm thanh, dùng lưỡi để “ngửi” mùi hương,….
Quan Âm Bồ Tát có nghĩa là vị Đại sĩ luôn “nhìn” thấy “cảm” thấy, “nghe” thấy tiếng ai oán khổ đau thầm kín nhất của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp, độ pháp khi cần. Dùng sự thần thông quảng đại của mình để đưa chúng sinh tai qua nạn khỏi, vượt ngàn tai ách.
Sức mạnh lớn nhất của Quan Âm nằm ở lòng từ bi, với lòng từ bi của mình, Ngài nghe thấu tất cả những ai oán khổ đau của chúng sinh, bao dung những khốn khó bất hạnh của chúng sinh. Hình tượng của Quan Thế Âm thường là phụ nữ, giống như người mẹ hiền che chở và giúp đỡ những đứa con của mình.
Quan Âm Bồ Tát bảo trợ cho bà mẹ trẻ em, cho phụ nữ, người mang thai và tất thảy những ai gặp bất hạnh trên đời, nhất là khi lâm nạn nước, lửa, đao kiếm. Phụ nữ chậm duyên muộn chồng tới cầu Bồ Tát, phụ nữ không con tới cầu Bồ Tát, người đi biển cầu Bồ Tát phù hộ bình an.
Trong Phật giáo, Quan Âm có thần lực chỉ đứng sau Phật Tổ, dùng sức mạnh của mình để độ hóa chúng sinh. Không chỉ nghe thấu tiếng lòng ai oán khổ đau mà Ngài còn dùng lòng từ bị, đại hùng đại lực của mình hướng dẫn chúng sinh đi theo con đường tốt đẹp, giải thoát bản thân, xa rời cái ác, gắn với thiện tâm.
Thông thường, tượng Quan Âm được tạo hình là một người phụ nữ có gương mặt hòa ái nhưng trên thực tế, Phật giáo không phân biệt nam nữ. Quan Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ? Chính xác là không có giới tính, Ngài đại diện cho sự từ tâm, xuất hiện để trợ giúp khổ nạn, khi thì có tạo hình là nam, khi thì có tạo hình là nữ.
Với mỗi tình huống, mỗi trường hợp Ngài sẽ hiện lên với tạo hình khác nhau để cho người được cứu giúp cảm thấy tin tưởng nhất, gần gũi nhất. Vì đối tượng phụ nữ, trẻ nhỏ thường yếu đuối và cần giúp đỡ nhiều hơn nên hình tượng Quan Âm theo đó cũng hướng về nữ giới – người mẹ hiền từ. Vì thế mà không ít người hiểu lầm Quan Âm Bồ Tát là phụ nữ,
Các tạo hình Quan Âm thường thấy là Quan Âm tống tử - Quan Âm trên tay bế một đứa bé, mang ý nghĩa cầu con; Quan Âm ngồi trên đài sen, tay cầm bình nước Cam Lồ, tay cầm cành liễu – dùng sự tinh khiết của đất trời cứu vớt, giác ngộ chúng sinh; Quan Âm nghìn mắt nghìn tay – thấu hiểu cõi trần, nghe thấy tiếng lòng của muôn vạn chúng sinh. Ngoài ra còn rất nhiều hình tượng khác như Quan Âm cưỡi mây, Quan Âm cưỡi rồng, Quan Âm cứu nạn trên biển,….
Mỗi hình tượng là một cách thể hiện về một phương diện nhất định của Quan Âm trong cách phổ độ chúng sinh, biểu thị cho sức mạnh của lòng từ bi mà Ngài sở hữu. Sức mạnh này cũng là tinh thần cao nhất của Phật giáo: từ bi và giác ngộ. Từ bi với vạn vật và tìm cách giác ngộ vạn vật.
Quan Âm Bồ Tát là hình tượng, cũng là nơi gửi gắm tâm nguyện của con người. Vì sao Quan Âm lại được kính ngưỡng như vậy? Vì sâu thẳm trong bất kì ai đều cần một chỗ dựa, một nơi để cứu vợt sự khổ đau, mong muốn vào lúc tuyệt vọng nhất vẫn có người để bám víu và trợ giúp mình vượt qua cơn bĩ cực. Hình tượng Quan Âm pháp lực vô biên vừa cao xa, thần bí nhưng cũng hết sức chân thật và ấm á, tồn tại trong đời sống tâm linh của người Việt từ bao đời nay.
Theo kinh sách nhà Phật, có 3 ngày được gọi là ngày vía Quan Âm: ngày đản sinh, ngày xuất gia và ngày thành Phật. Ngày đản sinh của Quan Âm là 19/2 âm lịch. Ngày xuất gia là 19/6 âm lịch. Ngày thành Phật là 19/9 âm lịch.
Trong những ngày này, Phật tử và người hướng Phật thường tổ chức lễ cúng long trọng với nhiều nghi lễ để cầu mong bình an, may mắn, được Bồ Tát che chở. Đây cũng là dịp tốt để những gia đình hiếm muộn tới cửa Quan Âm cầu con, những cô gái chàng trai chậm duyện muộn chồng tới làm lễ xin duyên, cha mẹ làm lễ bán khoán con lên cửa chùa, người có khổ đau tới cửa xin thỉnh nguyện,…
(Lichngaytot.com) Nhân ngày vía Quan Âm (19/2 âm lịch), hãy cùng tìm hiểu về Quan Âm Bồ Tát – vị Bồ tát nổi tiếng trong giới thức tâm linh Phật giáo.
Chú đại bi là bài chú thường sử dụng trong những lễ cúng Quan Âm Bồ Tát hoặc bất cứ khi nào muốn thỉnh tới sự trợ giúp của Ngài. Mỗi khi có khó khăn hay trở ngại, hãy nghe hoặc niệm bài chú này, trong lòng sẽ thấy bình yên hơn, thanh thản hơn, hướng tới sự giác ngộ Phật pháp để vượt qua chướng ngại thực tại.
Theo Phật giáo, chú đại bi có các tác dụng như sau: Chúng sinh yên vui; Trừ mọi tai bệnh; Sống lâu khỏe mạnh; Giảm trừ tai nạn; Diệt trừ nghiệp ác; Xa rời chướng ngại; Tăng cường công đức; Củng cố thiện căn; Lánh xa uế tạp; Thỏa mãn mong mỏi. bài chú này gắn liền với pháp lực của Quan Âm, là cầu nối để chúng sinh bày tỏ thiện tâm với Bồ Tát đồng thời chứng cho tấm lòng hướng thiện, giác ngộ điều tốt của mình.
12 đại nguyện của Quan Âm Bồ Tát là 12 điều Ngài nguyện sẽ thực hiện, dùng pháp lực vô biên cùng lòng từ bi vô hạn của mình để cứu giúp chúng sinh, hoàn thành những trọng trách của mình đối với nhân sinh trên con đường giáo hóa, độ hóa và phân phát Phật tính, Phật pháp.
Cụ thể tham khảo bài viết: Khắc ghi 12 đại nguyện nhớ ngày Quan Thế Âm Bồ Tát xuất gia 19/9 âm lịch.
Các hình thức lễ nghi của Phật giáo đều hướng tới sự chân tâm. Đi chùa cầu khẩn Quan Âm, cung dưỡng cho Quan Âm, tụng chú đại bi và niệm 12 đại nguyện là những con đường để đưa chúng sinh thỉnh nguyện tới Bồ Tát, bày tỏ nỗi lòng của mình, tìm sự giải thoát và giúp đỡ trong đó.
Nhưng, ý nghĩa cơ bản nhất của Quan Thế Âm Bồ Tát không phải là giải quyết những rắc rối, khổ đau của con người mà là cứu vớt linh hồn, trợ giúp về tinh thần để con người tự vượt qua sóng gió. Một khi thực sự hướng tới Bồ Tát, nương theo những điều tốt đẹp mà Bồ Tát chỉ dạy, hóa độ bản thân theo con đường Bồ Tát hướng dẫn thì tự khắc sẽ yên bình, không còn cảm thấy tuyệt vọng nữa.
Chân chính nhất của việc thỉnh nguyện Quan Âm là chân thành, thực tâm, làm nhiều việc thiện, tích lũy phúc đức. Những việc nên làm là phóng sinh, giúp đỡ người khác, không phạm khẩu nghiệp, không sát sinh, không dối trá,… Người cầu Bồ Tát nhưng lòng không thiện, tâm không sáng thì cũng bằng không.
Cầu Bồ Tát chỉ để lợi mình hại người, mưu cầu công danh tiền tài thì chắc chắn không bao giờ có được. Đến cửa chùa, cửa Bồ Tát để trông chờ sự giúp đỡ vật chất, phàm tục thì quả là sai lầm, không hiểu về đạo lý và ý nghĩa. Đó là những kiểu bái Phật chỉ phí hương đèn.
Vì thế, đúng như câu nói “Phật tại tâm”, trong tâm có Quan Âm ắt Quan Âm xuất hiện, làm người trước hết tu thân, sau mới tu Phật. Noi gương Ngài để tu dưỡng những đức tính tốt đẹp, thể hiện cái nhìn từ bi với cuộc sống và lúc nào cũng lấy giúp người làm vui.
Tâm Lan