Tại sao lại có tháng cô hồn và lễ cúng cô hồn?

Thứ Năm, 03/08/2017 10:32 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, đã là người Việt thì không ai không biết. Nhưng cô hồn là gì? Tại sao tháng 7 lại là tháng cô hồn? Để hiểu thêm về những khái niệm tâm linh này, xin mời theo dõi bài viết dưới đây.
 

1. Cô hồn là gì? 


 
Khi nhắc tới cô hồn theo nghĩa tâm linh, người ta nhớ tới ngay ma quỷ. Cô hồn giải nghĩa là những linh hồn cô đơn, không nơi nương tựa, vất vưởng chưa được siêu thoát. Những linh hồn này là không có nơi trú ngụ nhưng lại chưa muốn rời dương gian nên nay đây mai đó.
 
Cô hồn thường đi cùng dã quỷ, nên người xưa thường nhắc cô hồn dã quỷ. Những linh hồn tha phương cùng những con quỷ sống vật vờ, có thể quấy nhiễu tới con người. Do có điều oan khuất hoặc điều còn nuối tiếc nên những linh hồn vẫn lưu lại dương gian thành ma quỷ, đây giống như nguồn năng lượng kì bí mắc kẹt giữa cõi trần và cõi âm, thuộc về cõi âm nhưng lại lưu ở cõi trần.
 

2. Tại sao có tháng cô hồn và cúng cô hồn

 
Với người phương Đông, tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là tháng cô hồn. Theo truyền thuyết, ngày Rằm tháng 7 mở cửa địa ngục, trần gian và dương thế thông suốt, kết nối, ma quỷ có thể đi lại tự do nên đây là thời điểm ở cõi trần có nhiều vong âm nhất, cũng là thời điểm những vong âm vất vưởng có thể siêu thoát để về cõi âm.
 
Linh hồn đã khuất trở về dương gian thăm hỏi người thân, thăm lại chốn cũ, nhận lễ từ gia đình. Linh hồn cô đơn nơi trần thế nhân cơ hội này quay lại đúng nơi đúng chốn dành cho mình, chấm dứt sự lang thang, nhanh chóng siêu thoát đầu thai.
 
Vong âm muốn siêu thoát cần phải loại bỏ được những tiếc nuối chốn dương gian đồng thời có người cúng vong, tiễn vong siêu độ. Nhưng cô hồn dã quỷ là những vong linh không nơi nương tựa, không chốn quay về, có thể là người tứ cố vô thân, người chết đường chết chợ, người quên nhà quên cửa, không ai phụng thờ.
 
Vì thế mà trong tháng cô hồn, người ta bày lễ cúng cháo, gạo, muối, quần áo giấy và tụng kinh siêu độ. Một mặt dành cho những người thân đã khuất của gia đình mình, mặt khác để bất cứ cô hồn dã quỷ nào ngang qua cũng đều nhận được lễ mà không bị đói khát, không bị thiếu thốn, có thể quên đi nỗi day dứt ở dương gian, trở về cõi âm và đầu thai kiếp khác. Cúng cô hồn cũng là cách để bảo vệ bản thân và gia đình, tránh cho cô hồn dã quỷ quấy nhiễu, làm phiền hà. 

 
Một cách giải thích khác về cúng cô hồn Rằm tháng 7 lịch âm là để thí thực cho ngạ quỷ - quỷ đói. Theo Phật giáo, con người khi sống tạo nghiệp lành thì đầu thai sẽ lại được làm người hoặc cao hơn là tiến tới cõi Trời, tới thế giới cực lạc. Nhưng sống gieo nghiệp ác, làm nhiều điều xấu thì chết đi bị đày xuống địa ngục, có thể biến thành ngạ quỷ đói khát.
 
Mỗi năm một lần vào dịp xá tội vong nhân, kể cả những con quỷ đói này cũng được trở lại dương gian nhận đồ cúng thí. Vì thế mà người ta bày cúng, mời quỷ đói tới, mời những linh hồn lang bạt quanh năm bị bỏ bê tới để có một dịp no đủ, được nhận đồ cúng lễ.
 
Cô hồn là gì? Cô hồn là những người đã khuất, thể xác chôn vùi nhưng linh hồn chưa tiêu tán, còn nặng nợ dương gian. Cúng cô hồn tháng 7 chính là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, không chỉ dùng đồ cúng để “đút lót” cho ma quỷ khỏi quấy nhiễu nhà mình mà thực chất, là một cách xoa dịu, chia sẻ cho những linh hồn đói khổ, có một ngày được tưởng nhớ và giúp chúng nhanh chóng siêu thoát.
 
Trải qua rất nhiều thăng trầm biến cố của lịch sử, người Việt vẫn gìn giữ được tục cúng cô hồn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là lời nhắc nhở thiết thực về lòng nhân hậu, vị tha và tinh thần bao dung, nhân ái, biết sẻ chia giữa con người với con người, kể cả khi âm dương xa cách, sống chết ngăn trở.
Tâm Lan