Cùng tìm hiểu về sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ

Thứ Hai, 17/07/2017 14:39 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ xuất phát từ Trung Quốc nhưng ở Việt Nam cũng có một dị bản hoàn toàn khác, tuy nhiên cả hai sự tích đều đề cao tình yêu cao đẹp và đầy cảm động của Ngưu Lang và Chức Nữ.
 
Ngày Thất Tịch gắn liền với hiện tượng mưa ngâu vào đầu tháng 7 Âm lịch ở nước ta.

Để giải thích cho hiện tượng mưa ngâu này là sự tích Ngưu Lang Chức Nữ - chuyện tình cảm có sức mạnh cảm hóa lòng người. Sự tích đã được lưu truyền từ xa xưa và có khá nhiều dị bản khác nhau nhưng đều là câu chuyện về vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ và sự tích dải Ngân Hà, cầu Ô Thước và mưa ngâu. 
 

1. Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ của Trung Quốc
 

Chuyện kể lại rằng, ở làng Ngưu Gia nằm ở phía tây Nam Dương có một chàng trai cha mẹ mất sớm tên là Ngưu Lang. Anh sống cùng với anh trai và chị dâu độc ác họ Mã. Có lần, muốn đuổi Ngưu Lang nên chị dâu bắt anh phải đi chăn 9 con bò, nhưng lại yêu cầu Ngưu Lang lúc về phải có 10 con mới được về nhà, Ngưu Lang. 
 
Không còn cách khác, Ngưu Lang buộc phải cùng với đàn bò, rời khỏi làng, đưa bò lên núi gặm cỏ. Trong lúc buồn rầu lo lắng, không biết đến lúc nào mới có được 10 con bò, thì có một cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra trước mặt hỏi vì sao anh đau lòng đến vậy. Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, cụ già tiết lộ với anh rằng: “Cháu đừng buồn nữa nhé, ở núi Phục Ngưu có một con bò già ốm nặng, cháu hãy cố chăm sóc và nuôi nấng nó. Khi con bò khỏi bệnh, cháu có thể dẫn nó về nhà.”
 
Không quản xa xôi, hiểm trở, Ngưu Lang cuối cùng đã tìm thấy con bò già ốm nặng và cắt cỏ, chăm sóc nó suốt 3 ngày liền. Chú bò tỉnh lại và nói với Ngưu Lang rằng: "Ta vốn là bò tiên xám, vì vi phạm vào luật cấm trên thiên đình, bị đày xuống trần gian.

Vì bị ngã gãy chân, không động đậy được, muốn dậy được phải dùng giọt sương trên hoa rửa vết thương 1 tháng mới khỏi được". Suốt một tháng sau đó, Ngưu Lang chăm sóc cẩn thận bò già mỗi ngày bằng cách thu tập giọt sương, rửa vết thương cho bò già, buổi tối thì ngả vào bò già ngủ. Sau khi bò già khỏi bệnh, Ngưu Lang rất vui mừng, dẫn 10 con bò về nhà.
 
Chị dâu rất tức giận vì dù muốn đuổi Ngưu Lang nhưng không thành nên tiếp tục đối xử thậm tệ với anh nhưng đều được bò già cứu giúp. Chị dâu họ Mã không còn cách nào bèn thẳng tay đuổi anh ra khỏi nhà, trước khi rời đi, Ngưu Lang yêu cầu anh được mang theo chú bò già. 
 
Một ngày nọ, Ngưu Lang dắt bò ra đồng, anh vô tình nhìn thấy bảy nàng tiên đang tắm và nô đùa trong hồ nước gần đó. Cả bảy nàng tiên đều sắc nước gương trời nhưng Ngưu Lang không thể rời mắt khỏi khỏi nàng tiên xinh đẹp nhất.

Chú bò trò chuyện với Ngưu Lang: “Cô ấy là con gái út trong bảy người con của Ngọc Hoàng, tên nàng là Chức Nữ. Nếu anh lấy xiêm y của nàng, nàng sẽ không thể trở về và sẽ chung sống với anh.” Ngưu Lang thấy vậy liền làm theo lời chú bò và lén giấu xiêm y của nàng tiên nữ Chức Nữ đi. 

Tắm xong các nàng lên mặc đồ để ra về nhưng Chức Nữ tìm mãi mà vẫn không thấy xiêm y của mình. Sợ trễ giờ quay về trời nên các chị gái của nàng đành buồn bã để nàng ở lại. Chức Nữ một mình tìm kiếm, nàng cảm thấy vô vọng rồi bật khóc.

Ngưu Lang lúc đó bước ra khỏi lùm cây và trả lại quần áo cho nàng. Ngưu Lang cũng thành thật thú nhận là mình bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của nàng và xin cưới nàng làm vợ. Do Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận lời cầu hôn của chàng.

Nàng đã chứng tỏ mình là một người vợ tuyệt vời, còn Ngưu Lang là một người chồng tốt và họ đã sống bên nhau hạnh phúc. Chức Nữ còn mang tằm từ thiên đình xuống cho dân làng, và dạy dân làng biện pháp nuôi tằm, rút tơ, dệt vải lụa mịn màng và bóng đẹp.

 Cùng tìm hiểu về sự tích Ngưu Lang Chức Nữ đầy thú vị
 
Chẳng bao lâu sau, họ sinh được hai đứa bé đáng yêu, một trai một gái, cuộc sống của gia đình bé nhỏ cứ thế bình yên trôi qua. Thấm thoắt đã vài năm trôi qua nhưng với trên Thiên Thượng chỉ là một quãng thời gian rất ngắn. Nhưng cuộc sống hạnh phúc không thể kéo dài, chuyện này bị Ngọc Hoàng Đại Đế biết được, Vương Mẫu Nương Nương đích thân xuống trần gian, ép Chức Nữ về thiên đình.
 
Ngưu Lang không lên thiên đình được nên vô cùng sầu muộn, bò già cho Ngưu Lang biết, sau khi nó chết, Ngưu Lang hãy dùng da của nó làm giày, đi giầy da này thì có thể lên thiên đình. Nói xong bò già chết đi và anh nghe theo, lấy da làm giày, mang theo hai đứa con, cưỡi mây lướt gió lên thiên đình đi tìm Chức Nữ. Khi Ngưu Lang sắp đuổi kịp Chức Nữ, Vương Mẫu Nương Nương lấy trâm vàng cài trên tóc vạch một đường, bèn xuất hiện dòng sông Thiên Hà có sóng cuồn cuộn, Ngưu Lang và Chức Nữ bị ngăn cách ở hai bờ sông, hai người chỉ có thể nhìn nhau, rơi nước mắt.

Tình yêu chung thủy của họ đã làm chim khách cảm động, hàng nghìn hàng vạn chim khách bay đến và bắc cầu Thước Kiều, để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp mặt tại Thước Kiều. Vương Mẫu Nương Nương đành chịu, cho phép hai người gặp mặt tại Thước Kiều vào mồng 7 tháng 7 hàng năm.
 
Sau đó, cứ đến mồng 7 tháng 7 Âm lịch, ngày Chức Nữ và Ngưu Lang gặp mặt tại Thước Kiều, các cô gái lại rủ nhau nhìn trời ngắm sao, tìm sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ ở hai bờ dải Ngân Hà, mong được chứng kiến buổi gặp mặt một năm một lần của họ, cầu mong ông trời cho mình tài năng sáng dạ và khéo tay như Chức Nữ, cũng cầu mong mình có được mối lương duyên tốt đẹp. Do vậy, Tết Thất Tịch 7/7 đã hình thành.

Xem thêm:
8 phong tục cổ truyền độc đáo trong lễ Thất tịch ở Trung Quốc
Lễ Thất Tịch bắt nguồn từ Trung Quốc và từ đó lan truyền sang một số nước châu Á khác. Bạn có biết ở nơi khởi nguồn của Thất tịch có những phong tục truyền
 
 
 

2. Sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ của Việt Nam
 

Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. 
 
Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7 tháng Bảy Âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu. 
 
Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau.

Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong.

Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. 

Xem thêm: Xài 13 chiêu phong thủy hút đào hoa ngày thất tịch
 
 
Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu.

Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Tuy nhiên sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lệnh họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau.
 
Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được sống bên nhau. Có lẽ do sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ này mà vùng Bình Định (miền Trung Việt Nam) có từ "quạ làm xâu" nói về những con quạ vắng đi đâu một thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc trong rất khôi hài Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra… 

Minh Minh (tổng hợp)