Thứ Năm, 17/09/2015 14:41 (GMT+07)
Sài Gòn là nơi có những ngôi chùa nhiều cái “nhất” ở Việt Nam, với đời sống tâm linh phong phú, đặc sắc, trải qua nhiều thế hệ.
1. Giác Lâm – chùa “già” nhất Sài Gòn
Chùa Giác Lâm là ngôi chùa ở Sài Gòn thành lập năm 1744 là một trong những ngôi chùa có mặt sớm nhất ở đất Gia Định còn tồn tại đến nay, do cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương (người Trung Quốc) xây dựng.
Chùa là ngôi Tổ đình danh tiếng bậc nhất, chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tôn giáo như hoành phi, câu đối, bàn thờ, đồ thờ cổ… Riêng bộ tượng Thập Bát La Hán là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình phát triển của Phật giáo ở Nam Bộ.
2. Chùa Vĩnh Nghiêm – Nơi có tháp đá cao và công phu nhất Việt Nam
Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa lớn và nổi tiếng của Sài Gòn. Chùa được ghi nhận là nơi có tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam, với 7 tầng, cao 14m được khánh thành vào năm 2003. Tháp được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc phủ kín, tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý – Trần.
3. Chùa Xá Lợi – Chùa có tháp chuông cao nhất Việt Nam
Chùa Xá Lợi ở Sài Gòn không chỉ được biết đến với kiến trúc và cảnh quan tuyệt đẹp mà còn khá nổi tiếng với những dấu chứng lịch sử về cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo.
Chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật tổ nên được đặt tên là chùa Xá Lợi. Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của thành phố được xây dựng theo lối kiến trúc mới, trên là bái đường, phía dưới là giảng đường. Chùa nổi tiếng là nơi có tháp chuông cao nhất Việt Nam gồm 7 tầng, cao 32m, khánh thành vào năm 1961.
4. Chùa Vạn Đức – Chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam
Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, là toà chánh điện cao nhất hiện nay. Công trình mất 2 năm với hơn 60 thợ xây để thực hiện. Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, thâm nghiêm, ngôi chùa ở Sài Gòn này còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại.
ST