Theo kinh Phật, Quan Âm Bồ Tát là nam hay nữ?

Thứ Ba, 21/02/2017 10:52 (GMT+07)

(Lichngaytot.com) Quan Âm Bồ Tát là nam hay nữ? Có lẽ nhiều Phật tử và chúng sinh hướng Phật đều gặp khó khi trả lời câu hỏi này. Để cung cấp thông tin khách quan, tổng hợp cho quý độc giả, Lichngaytot.com xin đưa ra một vài dẫn chứng từ kinh sách nhà Phật.




 
Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, tay cầm bình nước tay cầm hoa sen, tọa trên đài sen, phổ độ chúng sinh, giải tai ách kiếp. Bất cứ ai cũng từng một lần quỳ trước Phật đài của ngài, cầu mong bình an, tốt lành, tai qua nạn khỏi, nhân duyên tốt đẹp. Quan Thế Âm Bồ Tát được nhiều người kính ngưỡng nhưng thực sự Quan Âm Bồ Tát là nam hay nữ?
 
Ở nhiều chùa, Quan Thế Âm được tạo hình nữ nên người ta mặc định vị Bồ Tát này là nữ giới, giống như mẹ hiền che chở chúng sinh, nghe thấu những ai oán khổ đau và hóa độ điều ác, kết thêm duyên lành. Phần khác là do trong Phật giáo, Quan Âm bảo hộ cho phụ nữ và trẻ nhỏ, lại thường được coi là vị Bồ Tát độ hóa nhân duyên cho nữ giới, giúp phụ nữ chậm duyên muộn chồng hay hiếm muộn đường con cái nên mặc nhiên được nhận định là nữ.
 
Tuy nhiên, không ít nơi tạo hình Quan Âm là nam, đặc biệt là các bức tượng Quan Thế Âm theo trường phái của Ấn Độ. Từ đó nảy sinh thắc mắc cho chúng sinh về giới tính của vị Bồ Tát được xưng tụng là một trong Tứ đại Bồ Tát của Phật giáo (cùng với Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát).
 
Theo kinh Bi Hoa, Đức Phật gọi Quan Thế Âm Bồ Tát là “Thiện nam tử”, vì lẽ này mà có ý kiến Đức Bồ Tát là nam giới. Để hóa độ chúng sinh, chuyển tâm ác thành tâm thiện, thể hiện sự từ bi và nhân từ của mình mà Quan Âm hóa thành dung mạo nữ giới.

 
Tuy vậy, theo đúng giáo lý nhà Phật, theo Kinh Phật thì Bồ Tát không phân nam nữ, không tách biệt giới tính. Phật giáo Mật tông giải thích, Quan Âm được dung hòa từ hai yếu tố, từ bi và trí huệ, được thể hiện thành hai hiện thân là nữ và nam. 
 
Theo Phẩm Môn, khi muốn cứu vớt hoặc giác ngộ chúng sinh, Quan Âm Bồ Tát có thể hóa thành 32 sắc tướng dưới diện mạo của cả nam và nữ tùy theo đối tượng chúng sinh cần độ hóa. Vì thế mới có chuyện lúc ngài là nam, lúc ngài là nữ, tùy duyên hiện thân, không phải là hình dạng cố định.
 
Ở Việt Nam, hầu hết tượng Quan Thế Âm tại các đền chùa đều được tạo hình nữ giới, một phần là do ảnh hưởng của đạo Mẫu. Tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ qua hàng ngàn năm, bất cứ tôn giáo nào khi du nhập vào đều phải tích hợp và dung hòa, kể cả một tôn giáo lớn như Phật giáo.
 
Khi Phật giáo gặp tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam, Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi với tấm lòng nhân hậu, rộng mở luôn che chở cho chúng sinh yếu thế cũng có những nét tương đồng với Mẫu – người mẹ bảo vệ đứa con, mang tới sự yêu thương, nguồn vui cho con trẻ. Vì vậy mà Quan Thế Âm Bồ Tát có tạo hình là nữ, hay còn gọi là Phật bà Quan Âm. 
 


Trần Hồng