Trên thế giới có rất nhiều phong cách ăn chay khác nhau xuất hiện phụ thuộc vào vấn đề tôn giáo, văn hóa, quan niệm, hay chỉ là để chăm sóc sức khỏe của bản thân.
1. Dựa vào THỜI GIAN ăn chay
Phân loại phương pháp ăn chay theo thời gian chúng ta có: ăn chay trường và ăn chay kỳ.
1.1 Phương pháp ăn chay trường là gì?
Theo đó, trong khẩu phần ăn của mình sẽ loại bỏ những thực phẩm từ động vật ra khỏi bữa ăn của bạn. Những trường hợp ăn chay trường thường là những Phật tử, những người đã xuất gia và những người yêu thích ăn thực vật.
- Ăn chay trường có uống sữa và ăn trứng.
- Ăn chay trường có uống sữa nhưng không ăn trứng.
- Ăn chay trường hoàn toàn, không đụng đến kể cả trứng và sữa.
1.2. Phương pháp ăn chay kỳ là gì?
- Nhị trai: Ăn chay 2 ngày trong tháng đó là mồng 1 và 15 âm lịch.
- Tứ trai: Ăn chay 4 ngày trong tháng đó là mồng 1, 14, 15, 30 âm lịch.
- Lục trai: Ăn chay 6 ngày trong tháng bao gồm 1, 8, 14, 15, 23, 30 âm lịch.
- Thập trai: Ăn chay 10 ngày trong tháng bao gồm 6 ngày lục trai và thêm 18, 24, 28, 29 (tháng thiếu thì là 27, 28).
- Nguyệt trai: Ăn chay tháng, hoặc ngày mồng 1, hoặc 3, hoặc 6 hàng tháng tùy theo sự phát nguyện.
2. Dựa vào LOẠI ĐỒ ĂN sử dụng ăn chay
Phân loại theo đồ ăn như thịt động vật, hải sản, trứng, sữa,... bạn sẽ nhận ra chúng thật đa dạng và phù hợp tùy theo sở thích, quan niệm sống của mội người.
2.1 Phương pháp không ăn động vật
Đây là những phương pháp mọi người thường nhắc đến như thuần chay, thuần chay tươi sống, thuần chay ăn trái cây, thực dưỡng.
a. Thuần chay là gì?
Kiểu ăn chay thuần hay còn có tên gọi là ăn chay ròng (Vegan) được xem là một trong những chế độ nghiêm khắc nhất của việc ăn chay.
Chế độ ăn sẽ không có thịt động vật, phụ phẩm từ động vật như sữa, mật ong và trứng, cũng như các mặt hàng trong quá trình sản xuất hoặc tinh chế gây tổn hại đến động vật như bột soda đã được thí nghiệm trên động vật, hay đường trắng được tinh lọc bằng than từ xương động vật,...
Họ cũng không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào được thử nghiệm trên động vật, hoặc sử dụng các trang phục có nguồn gốc từ động vật như da, lông, ngà, sừng, tơ... nên họ sẽ không đi giày da, áo da, áo lông thú, lông vũ.
b. Thuần chay tươi sống
Thuần chay tươi sống - Raw Veganism là phương pháp mà đồ ăn chủ yếu là rau củ có thể chỉ được nấu chín lên đến một nhiệt độ nhất định. Thường chúng được chế biến ở nhiệt độ dưới 48°C.
Những người theo trường phái này có niềm tin rằng thực phẩm được nấu chín sẽ phá hủy sự cân bằng của các vi dưỡng chất. Bên cạnh đó, họ cho rằng, trong quá trình nấu ăn, các hóa chất nguy hiểm sẽ được tạo ra bởi sự tương tác nhiệt với chất béo, protein và carbohydrate, từ đó gây hại đến sức khoẻ.
c. Thuần chay ăn trái cây
Trường phái ăn trái cây - Fruitarianism thường đồ ăn toàn bộ hoặc chủ yếu là các loại trái cây.
Họ sẽ ưu tiên những loại trái cây tự rụng hoặc sắp rụng vì chính một cách tự nhiên. Họ xem đó là cách có được thực phẩm của mình mà không giết chết hoặc làm hại cây. Ngoài ra, trường phái này có thể tiêu thụ các loại hạt và hạt giống.
Nhiều chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng chế độ ăn chay này nếu duy trì trong một thời gian dài có thể dẫn đến thiếu chất như canxi, protein, sắt, kẽm,... do đó, những ai đang theo đuổi phương pháp này nên tìm cách để cân bằng lại dinh dưỡng cho mình.
d. Ăn chay theo chế độ thực dưỡng
Ăn chay thực dưỡng là phương pháp chủ yếu ăn các loại ngũ cốc nguyên cám và đậu hoặc theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa. Họ vẫn có thể ăn cá và hải sản tươi, không ăn thịt động vật như lợn, bò,...
Ngoài ra, phương pháp này tập trung vào việc lựa chọn các sản phẩm hữu cơ, được trồng tại địa phương và theo mùa.
Các phương pháp nấu ăn chính trong chế độ ăn thực dưỡng bao gồm hấp, áp chảo, ăn sống, luộc và nướng. Những người theo chế độ ăn thực dưỡng được khuyến khích ăn thường xuyên, nhai thức ăn thật kỹ trước khi nuốt, lắng nghe cơ thể, sống năng động và duy trì tinh thần hạnh phúc.
2.2 Phương pháp vẫn ăn phụ phẩm của động vật
Trong chế độ ăn chay có thể sử dụng phụ phẩm động vật như trứng, sữa, mật ong,... có các loại khác nhau đó là Lacto-ovo Vegetarianism, Ovo Vegetarianism, Lacto Vegetarianism.
a. Phương pháp ăn chay Lacto-ovo là gì?
“Lacto” dùng để chỉ sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa. Còn “Ovo” dùng để chỉ trứng. Hai từ này đều bắt nguồn từ tiếng Latinh. Chính vì vậy, chế độ ăn chay Lacto-ovo bao gồm trứng, sữa, pho mát, bơ, sữa chua, kem chua, kem và các sản phẩm từ sữa khác trong chế độ ăn uống của chúng ta.
Những ai theo đuổi kiểu ăn này sẽ không ăn thịt của động vật như thịt bò, cá, gà và thịt lợn... nhưng các sản phẩm từ chúng như trứng, sữa, bơ, pho mát.... vẫn được sử dụng. Phương pháp này cũng không nghiêm cấm sử dụng các sản phẩm từ da, lông thú…
Có thể thấy, chế độ ăn chay Lacto-ovo không quá hà khắc, vì thế nó khá phổ biến ở Ấn Độ giáo và những người theo Đạo Phật.
b. Phương pháp ăn chay có sữa là gì?
Lacto Vegetarianism là kiểu ăn chay có sữa. Từ “Lact” trong tiếng Latin cho nghĩa là sữa.
Cũng như chế độ ăn chay Lacto-ovo, chế độ ăn chay Lacto không sử dụng thịt động vật. Đây là loại ăn chay được phép ăn các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát, sữa chua, bơ, kem,.. nhưng không ăn trứng.
Chế độ ăn chay này thường được những người theo đạo Kỳ Na giáo, đạo Hindu và đạo Phật lựa chọn.
c. Phương pháp ăn chay có trứng
Ovo Vegetarianism là phương pháp ăn có trứng. "Ovo" xuất phát từ tiếng Latin có nghĩ là trứng. Đây là một loại ăn chay không ăn thịt động vật và không uống sữa nhưng lại dùng thêm trứng.
2.3 Phương pháp có thể tiêu thụ động vật
a. Ăn được động vật trừ động vật có vú
Có thể gọi đây là "phương pháp bán trường chay hoặc “phương pháp ăn chay linh hoạt". Họ không ăn động vật có vú, nhưng vẫn ăn theo phương pháp kết hợp thực vật cùng với cá, hải sản hoặc gia cầm.
b. Ăn chay cá và hải sản
Được biết đến với cái tên Pescetarianism là chế độ ăn chay dù tránh xa thịt động vật như bò, lợn hoặc gà... nhưng vẫn ăn các loại cá hoặc hải sản.Chế độ ăn chay Pescatarian cũng có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa và trứng, nhưng điều này phụ thuộc vào sở thích cá nhân của mỗi người. Chế độ ăn chay này cho cơ thể khả năng tiếp nhận axit béo omega-3 lành mạnh từ cá.
c. Ăn chay thịt gia cầm
Chế độ ăn thịt gia cầm Pollotarianism có chế độ ăn gần giống với ăn chay Lacto-ovo, tức là họ có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa và trứng. Ngoài ra, bữa ăn của họ vẫn có thể thịt gia cầm như gà, vịt,... Những người theo đuổi kiểu ăn này chỉ không ăn các chế phẩm từ thịt từ động vật có vú, thường là vì lý do môi trường, sức khỏe hoặc nguồn thực phẩm.
d. Ăn chay hải sản và thịt gia cầm
Pollo Pescetarianism là phương pháp ăn cháy kết hợp giữa Pescetarianism và Pollotarianism. Theo đó, những người theo đuổi phong cách này có thể ăn hải sản và thịt gia cầm, họ chỉ không ăn động vật có vú. Nhìn chung, có rất nhiều cách phân loại các phong cách ăn chay khác nhau mang lại lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, các phương pháp ăn chay cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng nhất định nếu ăn sai cách. Lưu ý là đa số các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật cung cấp chất đạm có giá trị sinh học không cao, hàm lượng sắt, kẽm cũng thấp hơn thực phẩm nguồn gốc động vật. Thế nên phải tìm hiểu kỹ để có cách bổ sung sự thiếu hụt này nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân.