Phật pháp ứng dụng - đạo không xa đời

Thứ Năm, 20/07/2017 14:19 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Không ít người cho rằng Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đều chỉ mang ý nghĩa tinh thần, xoa dịu và an ủi con người chứ không hề có tác dụng thực tiễn. Phật pháp ứng dụng chứng minh điều ngược lại bởi có nhiều trường hợp ý thức quyết định vật chất, nhờ định hướng tinh thần tốt mà con người có những hành động đúng đắn, thiết thực.

 
Phật giáo là tôn giáo hướng thiện, lấy nhân quả làm nguyên tắc hàng đầu, lấy từ bi làm chân lý tôn chỉ. Người theo đạo Phật bất phân tuổi tác, không kể giới tính, không xét dân tộc, không màng sang hèn, dưới chân Đức Phật chúng sinh bình đẳng. Phật pháp ứng dụng, có thể mang tới 4 lợi ích thiết thực, rõ ràng đối với cuộc sống.
 

1. Thân tâm an lạc

 
Người có đời sống tinh thần tốt là người có thể thanh thản và an vui trọn vẹn. Phật giáo là con đường dẫn tới thân tâm an lạc, không chỉ tâm vui mà thân cũng nhẹ nhàng. Tâm nặng thì thân cũng không yên ổn, khi không có đạo dẫn đường, mê lầm lạc lối rất dễ dẫn tới sai sót khiến thân tâm chìm đắm vào đau khổ.
 
Phật giáo thân tâm an lạc bằng cách nào? Bằng cách chỉ ra cho chúng sinh 3 điều cần phải tránh là tham, sân, si và hướng dẫn những việc nên làm như phóng sinh, hành thiện, tụng kinh niệm Phật. Khi theo học đạo Phật, những điều nên và không nên đều từ từ khai mở, con người sẽ biết rõ mình cần làm gì.
 
Trên đời có đúng có sai, có lúc vấp ngã có lần thành công nhưng quan trọng nhất là phải có định hướng chuẩn. Phật giáo là ngọn cờ chỉ đường, ứng dụng Phật giáo vào việc quyết định đường đi sẽ khiến con người cảm thấy an tâm và bình tĩnh. Nguyên tắc chỉ có một: hành thiện tích đức, tránh xa ác nghiệp; bất cứ hành động nào cũng theo đúng tôn chỉ ấy là được.


2. Hướng tới chân – thiện – mĩ


 
Con đường và mục tiêu cao nhất của Phật giáo là giác ngộ và giải thoát. Thế nào là giác ngộ? Hiểu rõ về cuộc sống, về những xấu ác tốt đẹp ở đời, dùng trí tuệ khai mở bản thân để hướng tới chân – thiện – mĩ. Thế nào là giải thoát? Là thoát khỏi bể khổ của ác nghiệp, của tham sân si, của những tối tăm u mê.
 
Phật pháp ứng dụng cụ thể nhất đối với mỗi người là biết giá trị của vẻ đẹp, của điều thiện, của sự chân thực. Mỗi khi tu Phật không chỉ để cải thiện cho bản thân mà còn tích phúc cho đời sau, không những gieo hạnh lành cho chính mình mà còn rộng rãi truyền thừa nghiệp thiện cho những thế hệ tiếp nối.
 
Định hướng về điều tốt và cái đẹp không những là bản thân tu dưỡng mà còn là sự lan tỏa chân tâm, lan tỏa những giá trị của hạnh phúc cuộc sống tới những người xung quanh. Có thể con người không toàn diện, không phải lúc nào cũng giữ vững được đạo lý nhưng ít nhất là trong thâm tâm luôn có định hướng tích cực dẫn đường, không sa đà vào tội lỗi.
 

3. Từ bi hỉ xả, ôn hòa với chúng sinh

 
Xã hội con người là xã hội cộng đồng, xã hội của những mối quan hệ, giữa con người với con người có thể nảy sinh muôn vàn rắc rối. Vấn đề không phải là giữ cho không va chạm mà là khi va chạm sẽ làm thế nào để giải quyết ổn thỏa nhất, tốt đẹp nhất.
 
Chính vì thế mà khi học đạo, theo Phật mỗi chúng ta sẽ tự tìm thấy cách đối nhân xử thế từ bi hơn, ôn hòa hơn. Làm người hướng Phật mà tranh đua với người, cãi cọ chấp nhặt thì chắc chắn chỉ là vỏ bọc. Phật tử thực sự tuyệt đối hiểu được đạo lý thiện giả thiện báo, dù đối diện với tình huống nào cũng có thể lấy lòng thiện mà đối đãi với người khác để giữ hòa khí.
 

4. Dưỡng sinh trị bệnh


 
Một trong những phương pháp tu hành của Phật giáo là ăn chay. Ăn chay để tránh sát sinh đồng thời tu tâm dưỡng tính, bảo vệ sức khỏe và trị bệnh. Người không theo Phật có thể ăn chay, người theo Phật nhất định phải ăn chay. Các món ăn chay thể hiện tinh thần đơn giản, hài hòa cùng tự nhiên và lối sống không cầu kì, không hưởng thụ, loại bỏ tối đa lòng tham và sự lười biếng.
 
Tư thế ngủ giấc ngủ của Đức Phật cho thấy việc ngủ cũng quan trọng như tu hành. Ngủ đúng cách chính là một dạng tu tập. Người học được thói quen tốt thông qua tu hành sẽ có giấc ngủ ngon, tinh thần tư thái, có lợi cho việc ngăn ngừa bệnh và trị bệnh. 
 
Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống quan trọng nhất là hiểu và tin. Hiểu để tiếp thu, tin để nhận đạo, mỗi người cần có một chỗ dựa cho riêng mình. Chỗ dựa ấy thể hiện trí tuệ, nội tâm và cả sự thiếu hụt đang cần bổ sung, bồi đắp. Biết Phật pháp ứng dụng thì đạo mới phục vụ đời, đời mới hoan nghênh đạo để cùng hướng tới mục đích cao nhất là khiến con người hạnh phúc.
Tâm Lan