Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Hành thiện dễ dàng hơn với 3 điều được Đức Phật lưu ý sau đây

Thứ Ba, 15/06/2021 10:10 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy cùng học hỏi từ cách Phật hướng dẫn trở thành người lương thiện để chúng ta bớt cảm thấy khó khăn, nản chí trong quá trình tìm cách tích đức, hành thiện giữa cuộc sống nhiễu nhương này.


Trong hầu hết những lời Phật dạy, Người đều định hướng cho chúng ta trở thành người lương thiện trong cuộc sống này. Thế nhưng làm thế nào để trở thành một người lương thiện không hề dễ vì đó thực sự là quá trình tu luyện bản thân trong suốt thời gian dài, kiên nhẫn, nỗ lực tranh đấu với tâm lý của mình, thậm chí kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác.

Người đời thường ca ngợi những người khôn lỏi, túc trí đa mưu và chê những người hiền lành là yếu đuối. Thế nhưng đừng nghĩ khờ khạo có nghĩa là ngốc nghếch, bởi có đôi khi, thông minh khôn khéo quá cũng đồng nghĩa với việc gieo rắc tội lỗi mà không hay.

Phật giáo cho rằng, lương thiện đỉnh cao của trí tuệ bởi điều đó thể hiện người đó có sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân, không bị hoàn cảnh xung quanh làm ảnh hưởng. 

Vì thế Phật hướng dẫn trở thành người lương thiện bằng những việc quán chiếu bản thân như sau, ta có thể học hỏi:
 

Không tự hãm bản thân

 
Nhân chi sơ, tính bản thiện - lương thiện chính là bản chất nguyên sơ của sinh mệnh nguyên thủy của con người. 

Sinh ra ta là một đứa trẻ lương thiện, đó là bản chất của ta, vì thế không cần cố gắng cũng lương thiện, do đó đừng tự hãm mình bằng những tham lam dục vọng, lợi lộc, tiền bạc, danh vọng... Đừng vì thấy người ta khen ngợi mấy kẻ khôn ngoan, gian dối mà cố bắt chước làm theo cho bằng được. Thực tế họ tưởng mình có nhiều nhưng họ đang mất nhiều lắm đấy!

Lương thiện là bản tính vốn có trong mỗi con người, giữ gìn hay đánh mất nó là do sự lựa chọn của mỗi người. Hãy nghĩ cách tự biến mình thành người lương thiện, hoặc ít ra là giữ vững sự lương thiện vốn có.
 
Chọn lối sống lương thiện, tức là giải thoát chính ta khỏi những ràng buộc khổ đau, trở về với bản ngã nguyên sơ, tốt đẹp buổi ban đầu.

Làm người lương thiện ta có thể sống ung dung, tự tại, không phải lo lắng nhiều khi đã tự mình hóa giải những muộn phiền trong đời.

Sống lương thiện là cách sống dễ nhất nhưng cũng là khó nhất, người lương thiện là người thiệt thòi nhất nhưng cũng hưởng nhiều phúc báo nhất.

comment leftThông minh là một loại thiên bẩm còn lương thiện lại là lựa chọn.
Khuyết danh
comment right
 
Phật hướng dẫn trở thành người lương thiện
 

Không dồn ép người khác

 
Hiện tượng mà chúng ta thấy rất nhiều hiện nay trên mạng xã hội đó là, hễ cứ có sự việc gì xảy ra, mọi người không cần biết rõ thực hư, chỉ cần đọc vài dòng trên báo mạng là vội vàng đưa ra nhận định ai đúng, ai sai một cách mù quáng.

Họ cho rằng mình cần đứng về lẽ phải và dồn ép người "được cho là sai" tới đường cùng, cố tình triệt đường sống của người ta một cách nhẫn tâm.

Phật dạy làm người quan trọng nhất là có “tâm”, tâm ấy không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh. Người đã đi tới đường cùng, không nên dồn ép, hãy luôn chọn cách cho người ta một đường lui vì người đã thấy được cái sai không nên vạch mặt, quyết liệt tới cùng, người đã nhận ra lỗi lầm không nên hạch sách. 
 
Đừng để tới khi bản thân rơi vào hoàn cảnh tương tự có muốn thoát ra cũng không được, chỉ mong giữa người với người có được sự cảm thông cần thiết. 

Thay vào đó, ta cần dùng tình thương, sự cảm thông, suy nghĩ thiện lương của mình để sưởi ấm lòng người mới là đúng cách.

Có câu chuyện về hai vị hòa thượng như sau: Có một tiểu hòa thượng và lão hòa thượng sống trong một ngôi chùa cũ nát trên núi. Một hôm, tiểu hòa thượng bộc bạch với lão hòa thượng:
 
- Con và thầy đang phải sống trong ngôi chùa rách nát này nên mỗi lần xuống núi, mọi người đều là nói những lời ác ý, thậm chí gọi con là hòa thượng hoang. Họ càng ngày càng không muốn cho chúng ta tiền hương khói nữa, không biết sau này phải sống sao? 

Hôm nay con đi khất thực giữa trời lạnh như vậy mà họ bố thí chút đỉnh, cũng không ai muốn mở cửa cho con. Thầy nói rằng rồi ta sẽ xây một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt nhưng con nghĩ chắc việc này khó thành.
 
Vị sư phụ vẫn im lặng lắng nghe nhưng vì tiểu hòa thượng cứ nói không ngừng nên người đàn mở mắt ra hỏi: 
 
- Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?
 
Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói:
 
- Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!
 
Lão hòa thượng nói:
 
- Vậy hôm nay chúng ta đi ngủ sớm cho đỡ lạnh. 
 
Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn, trùm vào trong chăn ngủ.
 
Một lúc sau, lão hòa thượng hỏi:
 
- Bây giờ con có thấy ấm không?
 
Tiểu hòa thượng đáp lời:
 
- Con đã thấy ấm rồi, giống như đang ngủ dưới ánh mặt trời vậy!
 
Lão hòa thượng nói:
 
- Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?
 
Sống lương thiện là một loại lựa chọn
 
Tiểu hòa thượng nghe xong tưởng sư phụ nói đùa, cậu cười:
 
- Sư phụ, người thật là hồ đồ đó, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!
 
Lão hòa thượng hỏi tiếp:
 
- Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?
 
Tiểu hòa thượng nghĩ một lát rồi nói:
 
- Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái.

Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười:
 
- Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao?
 
Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết.
 
Bắt đầu từ ngày hôm sau, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi khất thực, cậu vẫn gặp phải những lời ác ý như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng vẫn giữ vững thái độ nho nhã, bình tĩnh.
 
Mười năm sau…
 
Chùa đã trở thành một ngôi chùa lớn, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới không ngớt. Tiểu hòa thượng cũng đã trở thành vị sư trụ trì.
 
Thực ra, chúng ta cũng là người đang nằm trong chăn bông, người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta dùng sự thiện lương của mình sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta.
 

Không tranh cãi với người khác

 
Khi sống lương thiện, nhiều người sẽ cảm thấy bị thiệt thòi vì bạn dễ bị chèn ép. Nhưng nghĩ mà xem, ta sẽ được gì khi cứ suốt ngày đi so đo, tính toán từng li từng tí một? Nếu ai đó muốn thắng, cứ cho họ thắng và hả hê đi, bạn cũng chẳng mất gì phải không nào, cuộc sống vẫn cứ thế lặng lẽ trôi qua cho dù bạn có là kẻ thua cuộc trong việc tranh cãi với họ.

Ta sẽ ra sao khi phải đối diện với những hiểu lầm, những nỗi oan ức trong cuộc sống? Có những lúc, cứ lặng lẽ mỉm cười cho qua, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Tranh cãi với người không cùng tầng cũng như việc bạn nói tiếng Ý nhưng người ta nói tiếng Anh nên không ai hiểu ai vậy, không ít người cố gắng giải thích, phân bua lại còn bị suy diễn cho sai lệch tình huống theo cách nghĩ tiêu cực của họ, càng khiến sự việc đi quá xa, vậy nên chẳng cần phải tranh giành đúng sai, hãy biết nhẫn nhịn và bỏ qua vì đó là cảnh giới cao nhất của tu dưỡng.
 
Tranh cãi làm mất tu dưỡng, làm giảm phước báu vì khi đó ta dễ tạo khẩu nghiệp trong lúc nổi nóng, tức giận, mất đi tính đúng đắn của lời nói. Hãy cứ tin rằng: “Thanh giả tự thanh” việc đúng đắn trước sau vẫn là việc đúng đắn, mình chẳng cần chứng minh, rồi thời gian sẽ phơi bày tất cả. 
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X