Phật hướng dẫn cách dạy con: Bố mẹ thông thái học tập ngay để áp dụng

Thứ Sáu, 11/06/2021 16:44 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Phật hướng dẫn cách dạy con không phải bằng những lời chỉ dẫn quá cụ thể mà chủ yếu chúng ta học hỏi thông qua câu chuyện Ngài giáo huấn con trai La Hầu La - cậu bé trẻ người non dạ.



1. Dạy con sống đạo đức

 
Thường những cha mẹ từng có cuộc sống khó khăn thì cố gắng có cuộc sống giàu có, sung túc để con cái mình bớt khổ. Nhưng đó không phải là sự tập trung cần được khuyến khích. Không nên vì cái mình từng thiếu mà "nghĩ hộ" là muốn bù đắp cho con, bản chất là bù đắp cho chính mình chứ không phải cho ai khác.

Việc trước hết vẫn là phải lo cho con có đức. Sự nghiệp của cải không đảm bảo đời sống của chúng sau này, chỉ có tài đức mới thật là một bảo đảm hữu hiệu. Do đó, cha mẹ phải lấy đức hạnh để lại cho con vì đó mới là món quà quý giá nhất.

Từ tấm bé, các bậc phụ huynh hãy để ý đến khả năng, đạo đức của con, cha mẹ phải tập tành cho con thuần thục. Thấy con làm việc bất thiện cần can ngăn và răn dạy. 

Thấy người bệnh tật, nghèo đói, dạy chúng thương xót cứu giúp. Kể cho chúng nghe những gương đức hạnh, hiếu thảo, tiết nghĩa. Dạy chúng biết chọn bạn tốt chơi, bạn xấu lánh xa.

Cách Đức Phật dạy con mình qua câu chuyện kể về La Hầu La được đức Phật giáo huấn về lòng chính trực lúc cậu bé mới 8 tuổi, cho thấy Ngài rất nghiêm khắc, không hề dung túng cho bất cứ sai phạm nào của con.

Với trẻ, nếu không chỉnh sửa sớm chúng sẽ tưởng rằng những gì mình đang làm là tốt, là hay nên tiếp tục làm theo. Vì thế, nếu không có sự hướng dẫn, chỉ bảo kịp thời của người lớn thì trẻ rất dễ lạc hướng.

Cũng như cây bonsai vậy, nếu để cành lá mọc bất quy tắc thì chúng chẳng đáng giá gì cho đến khi có bàn tay chăm chút, tỉa cành, lá tỉ mỉ theo một khuôn khổ nhất định để nâng giá trị nó lên.

Câu chuyện còn nhắc nhở chúng ta rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con.   
 
 

2. Dạy con tránh xa việc có hại cho người khác

 
Trong một lần nhắc nhở con trai La Hầu La, Đức Phật lại dạy: “Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm”. 
 
Vì thế, chúng ta thay vì nói chuyện Đúng - Sai với con - đó là khá niệm không rõ ràng, ta nên dạy con trước khi làm gì cần suy ngẫm về Có ích - Có hại. Điều này đòi hỏi cả tư duy, suy ngẫm, lẫn lòng từ bi.

Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên Có ích - Có hại cho người, cho mình giúp giải thoát đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng mà trẻ con không hiểu được. 
 
Từ việc học hỏi Phật hướng dẫn cách dạy con có thể thấy chúng ta cần gieo xuống nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng từ bi tốt đẹp chứ không phải những lời đe nẹt: Con không được làm việc này, con không thể làm việc kia...
 

3. Cha mẹ hãy là một tấm gương tốt cho con

 
Cha mẹ là tấm gương sáng gần nhất để con cái hằng ngày noi theo. Nếu cha mẹ toàn làm những điều sai quấy, tội lỗi, bất hòa, nhưng muốn con được hòa thuận thì thật là vô lý. Cha mẹ luôn phải nhớ câu này: “Cha lành con thảo.” Cha có lành con mới thảo được. Khi nghĩ tới giáo dục con cái, cha mẹ phải nhớ mình là tấm gương của chúng.

Theo Đức Phật, dù cha mẹ có dùng những lời hay ý đẹp thế nào để dạy con mà bản thân mình lại không làm gương thì cũng không có tác dụng gì.
 
Trẻ nhỏ không học từ 1000 điều chúng ta nói suông, mà sẽ học từ cách chúng ta cư xử với mọi người xung quanh, cách chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đó sẽ là những bài học trực quan và sinh động nhất.
 
Chính vì vậy, trước khi kỳ vọng có một đứa con trung thực, hiểu chuyện, biết kính trên nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, luôn phấn đấu và nỗ ʟực hết mình, cha mẹ nên nhìn lại bản thân xem mình đã là một tấm gương tốt cho con hay chưa.
 
 
 

4. Cha mẹ hãy để con tự lập

 
Dạy con tự lập không phải là lối tư duy hiện đại mà nó vốn đã được Đức Phật hướng dẫn chúng ta từ rất sớm. Theo lời chỉ dạy của Ngài thì trước khi mong ai đó cứu giúp thì ta tự cứu mình trước. Cuộc đời này cuối cùng là chỉ có ta tự bước đi trên con đường của mình mà thôi.

Vì thế, nếu ta không hướng dẫn con cách tự lập từ sớm thì cuộc sống của chúng sẽ cực kỳ vô định khi bố mẹ buông tay, không thể ở bên để chăm sóc, che chở, bảo vệ chúng.
 
Do đó, càng thương con càng cho con tự lập sớm bao nhiêu thì càng giúp cho phần đời về sau của con càng trở nên dễ dàng bấy nhiêu.
 

5. Cha mẹ hiểu đúng vai trò của mình

 
Vai trò của cha mẹ cực kỳ quan trọng trong việc quan sát, điều hướng cho con đi đúng lối chứ không phải giống như một số bố mẹ tự cho mình có lối tư duy hiện đại cho rằng: Để chúng sống tự nhiên như cây cỏ.

Trước hết, ta cần biết rằng có con nghĩa là ta hi sinh thú vui của bản thân khi cần thiết, từ bỏ sự thoải mái thời son rỗi để dành nhiều thời gian hơn cho con, để có một cuộc sống mới vui tươi và phù hợp hơn.
 
Đặc biệt là những năm đầu đời của trẻ, hãy dồn hết tâm huyết và tình yêu thương cho trẻ, nhất định thành quả bạn đạt được sẽ không khiến bạn thất vọng. Bạn đừng quên việc tập trung nuôi dạy con cái nên người, rồi sau này chúng chắp cánh đi xa bạn lại thèm bận rộn như bây giờ cũng không được đâu.

Đức Phật nói, trái tim con người cũng giống như một khu vườn. Nó có thể gieo trồng hạt giống của lòng trắc ẩn, nỗi sợ hãi, sự oán giận hoặc tình yêu. Bạn trồng hạt giống gì thì sẽ ra thứ đó.
 

6. Cảm thông cho cách nghĩ của con


Vì một nhân duyên nào đó con được sinh ra trong nhà bạn nhưng điều đó không có nghĩa là phải tuân theo mọi mệnh lệnh của mình. Cuối cùng, con cũng có cuộc sống độc lập riêng. Với vai trò là người làm bố, làm mẹ nên tìm cách cảm thông, thấu hiểu cho con, nếu con có khả năng nào, lớn lên cho học theo ngành đó.

Con lớn lên, cha mẹ đừng bao giờ lấy quyền cha mẹ bắt con phải làm thế này, thế nọ. Phải hiểu tư tưởng tâm lý chúng, tùy theo đó hướng dẫn chúng. Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn. Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.

Những gì cha mẹ hiểu và biết thường chỉ theo cái tuổi và nếp sống xưa cũ của mình, họ cũng không chịu tìm hiểu hoàn cảnh xã hội của con hiện tại theo lứa tuổi của chúng. Cha mẹ phải khéo quan sát tinh tường hoàn cảnh tư tưởng của con mà giáo dục chúng. Có như thế con mới lắng nghe lời của bạn nói.
 
Đừng nhắc chuyện quá khứ của bố mẹ rằng bạn từng khổ sở thế nào vì sự thiếu thốn, còn con thì hiện tại sung sướng nhường nào. Mọi sự so sánh đều không phù hợp. Trẻ con luôn biết tận hưởng mọi khoảnh khắc mà chúng đang có vì thế, bố mẹ không hướng dẫn được cho con thì cũng nên học cách tư duy này để làm mới chính mình.