Lời Phật dạy không đánh giá qua vẻ ngoài vì có khi bạn đang tự cười nhạo chính mình

Thứ Tư, 03/03/2021 17:29 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Phật dạy không đánh giá qua vẻ ngoài vì Ngài biết rõ rằng chúng ta không đủ an tĩnh, thấu hiểu để dành thời gian hiểu một ai đó. Vì thế, đừng vội vàng kết luận điều gì.


Đức Phật bị chê trách vì cách cư xử với người quét rác


Chuyện kể lại rằng ở thành Xá Vệ có một người phụ nữ quét rác, dọn đường rất chăm chỉ nhưng vì tính chất công việc nên người bà thường dơ bẩn, không ai muốn đứng cạnh bà. Thường thì người ta tỏ vẻ khó chịu, bịt mũi rồi tránh xa khiến bà rất buồn. 

May mắn thay Đức Phật vẫn có thiện cảm đối với người phụ nữ này, còn khuyến khích bà đến nghe Pháp, thường xuyên khuyến khích bà nỗ lực hơn trong cuộc sống.
 
Một số người bắt đầu xì xào vì cách cư xử này của Ngài với người quét rác, họ không đồng tình và cho rằng người phụ nữ không xứng đáng với điều đó.

Thậm chí, có người tìm tới Đức Phật để bày tỏ sự phẫn nộ:

- Tại sao chúng tôi tôn kính Ngài đến vậy mà Ngại lại nói chuyện với người phụ nữ bẩn thỉu. Trong khi đó Ngài thường thuyết pháp những lời thanh sạch, dạy mọi người phải làm được hành vi thanh tịnh? 
 
Đức Phật sau khi nghe xong và nghiệm nghị đáp lời:

- Người phụ nữ đó làm việc chăm chỉ với mục đích giữ gìn sạch sẽ cho thành Xá vệ nên có thể nói, cống hiến của bà ta đối với xã hội cực kỳ lớn. Không những thế bà lại khiêm nhường, ham học hỏi, tại sao mọi người lại có ý nghĩ đó chứ?

Ngài vừa ngừng lời thì cùng lúc đó người phụ nữ nọ đã tắm rửa sạch sẽ, lại thay một bộ y phục sạch sẽ, rạng rỡ tiến đến diện kiến mọi người.
 
Đức Phật tiếp lời:

- Mọi người tự nhận mình sạch sẽ, nhưng thể hiện lại kiêu ngạo vô lễ, tâm trí dơ bẩn. Hãy ghi nhớ, bẩn thỉu bên ngoài có thể dễ dàng tẩy rửa, nhưng nếu trong tâm dơ bẩn, đó mới là điều khó thay đổi”.
 
Những người này nghe xong cảm giác hổ thẹn, từ đó về sau không dám cười nhạo người khác như thế nữa.
 
 

Chớ vội dùng con mắt trần tục của mình đánh giá sự việc
 

Ai cũng có góc nhìn thiên vị


Dù không chịu thừa nhận nhưng ta vẫn luôn có tính thiên vị một người nào đó có cá tính, khuôn mặt giống mình. Người hiểu biết thì cố kiểm soát nó nên hạn chế tối thiểu được tác hại của nó nhưng không hoàn toàn loại bỏ được thói quen này.

Góc nhìn trần tục của chúng ta đơn giản chỉ là góc nhìn có tính thiên vị nên nhìn những thứ mình thích, những người mình thương với cặp mắt kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen.

Thế nên mới có những người ta gặp một lần đã thích, nhưng kẻ khác nhìn thấy mặt thôi đã thấy khó chịu. Nhưng nếu khi bình tĩnh lại, nhìn nhận, đánh giá về kẻ ta ghét thì họ vẫn có những ưu điểm, những điều đáng yêu cơ mà.

Qua Phật dạy không đánh giá qua vẻ ngoài từ câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu rằng: người có thể không lấy lợi ích bản thân làm thước đo để cân nhắc, không lấy ý nghĩ trần tục để nhìn sự vật.

Suy cho cùng, những người bị tâm trạng dẫn động, hay thiên vị thì còn làm gì phân biệt được đúng sai? 
 

Hay vội đánh giá là biểu hiện của kẻ hời hợt

 
 
Ta thường vội vàng kết luận cũng chỉ vì những thông tin ta biết chỉ dựa vào trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân chúng ta mà thôi. Thế mà ta tưởng rằng mình sâu sắc, thực ra cũng chỉ là kẻ hời hợt, nông nổi mà thôi.

Cũng như câu chuyện về cô vợ sau đây, luôn đánh giá vấn đề một cách hời hợt:

Có đôi vợ chồng vừa dọn đến ở trong một khu phố mới, có lần khi hai người đang ăn sáng, cả hai cùng nhìn thấy người hàng xóm phơi tấm vải trắng. Cô vợ thốt lên: "Tấm vải bẩn thật".

Cô vợ nói tiếp: "Chắc bà ta không biết giặt, có lẽ cần thay xà phòng thì mới sạch sẽ hơn".

Người chồng lúc này giữ im lặng. Và chuyện lại tiếp tục lặp lại như thế vào một ngày khác cùng lời chê bai của cô vợ vào buổi sáng.

Một tháng sau, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải đã sạch: "Chồng ơi, hình như bà ta đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?"
 
Người chồng đáp: "Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy".

Qua câu chuyện trên mới thấy ta chỉ biết đánh giá mọi thứ qua lăng kính của mình. Khi chúng ta chưa tích trữ đủ nhận thức chính xác, không đủ khả năng lắng nghe, thấu hiệu thì phải tự nhắc nhở bản thân, tránh phạm phải những sai lầm như vậy!

Nếu chúng ta có may mắn hiểu được điều trên thì hãy sớm ngộ ra, hối lỗi và thay đổi. Làm được vậy mới không bị chìm đắm trong sân hận phẫn nộ, vốn là tấm lưới ràng buộc con người khó mà tự thoát ra được.

(Tổng hợp)