Phật cũng có kiếp từng là kẻ bất hiếu nhưng Ngài vô cùng hối hận

Thứ Tư, 15/01/2020 11:56 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Phật cũng có kiếp từng là kẻ bất hiếu và bị đày xuống địa ngục để chứng kiến những cảnh tượng mà Ngài chưa từng nghĩ ra. Từ đó Ngài đưa ra những lời răn dạy vô cùng sâu sắc cho muôn đời sau đừng phạm phải lỗi lầm như mình.
  

Phật cũng có kiếp từng là kẻ bất hiếu


Hầu hết chúng ta ít người tìm hiểu về cuộc đời đức Phật nên không biết rằng Ngài cũng đã trải qua khá nhiều kiếp người, đã phạm không ít tội lỗi, sai lầm như chúng ta. Thậm chí, Phật cũng có kiếp từng là kẻ bất hiếu, bị đọa vào địa ngục khi qua đời.

Khi tới đại ngục, chứng kiến chúng sinh đau đớn đang kêu la thảm thiết, người họ như cây đuốc sống với  đầu đội vòng lửa, Ngài hỏi cai ngục “Họ chịu tội gì mà lại nhận hình phạt đáng sợ như vậy?”.

Quỷ ngục cho biết: “Họ đã phạm tội bất hiếu”.

Ngài sợ hãi, hỏi trong lo lắng: “Đến bao giờ những người này mới hết bị tội báo”.

Quỷ đáp: “Chừng nào có một người con bất hiếu khác xuống thay thì nó sẽ hết”.

Vừa dứt lời, vòng lửa liền bay chụp lên đầu Ngài. Dù đau đớn, hoảng sợ nhưng Ngài không quên phát đại nguyện: “Tôi nguyện chịu thay tất cả những thống khổ này. Nguyện trên đời này đừng ai bất hiếu để phải đọa vào đây nữa”.

Lời nguyện ấy dường như đã rung cảm cả đất trời, vừa dứt suy nghĩ thì vòng lửa cũng vừa mất. Cảnh địa ngục cũng biết mất trước sự bất ngờ của đức Phật.
 
Đã từng có trải nghiệm hãi hùng ấy nên Phật dạy rằng trong tất cả các đức hạnh của con người thì đạo Hiếu là hàng đầu. Ngài chỉ cho chúng ta rằng rằng hiếu thảo với cha mẹ là cách cải thiện số mệnh tốt nhất. Cha mẹ đã dày công sinh thành nuôi dưỡng gầy dựng cho chúng ta một cuộc đời, một sự sống.
 
Cha mẹ là người hết lòng với chúng ta, cả đời họ luôn lo lăng, quan tâm tới con cái cho dù ta đã 60 tuổi còn họ đã 80. Trong thâm tâm của họ, đấng sinh thành luôn muốn chúng ta trưởng thành, ấm no, sung túc. Uớc nguyện của cha mẹ luôn hướng về các con nhưng chúng ta mấy ai có thể đáp lại được dù là chút ít chân tình ấy? 
 
 
Dù cha mẹ đã qua đời, chúng ta cũng không quên tu tạo công đức, hồi hướng cho họ. Nếu cha mẹ vì nghiệp dữ phải đọa vào ác đạo, chúng ta cần thành tâm thiết lễ trai nghi cúng dường Tam Bảo và phúng tụng kinh kệ để chuyển hóa nghiệp dữ cho cha mẹ.
 
Trong kinh Địa Tạng, Bồ tát Địa Tạng đã phát nguyện, nếu còn một chúng sinh khổ thì ngài nguyện không thành Phật. Còn một chúng sinh ở địa ngục thì ngài còn ở đó cứu vớt. Chỉ khi chúng sinh hết khổ, Ngài mới lên ngôi vị chánh giác. Với lời nguyện to lớn đó, Ngài là vị đại Bồ tát thường thị hiện trong cuộc đời, ở những chốn khổ đau để cứu vớt chúng sinh. Trong đó có cha mẹ nhiều đời của chúng ta. 

Không thể ai giúp mình bằng chính chúng ta với tâm hối cải vì Phật dù có muốn giúp chúng ta cũng không thể giúp hết mọi người khi mà họ vẫn đang ở trong mê lầm, lạc hối không muốn lắng nghe. 

Chúng ta có quyền cầu nguyện nhưng chủ yếu vẫn là tự mình tu tập bất kể là ở nhà hay ở chùa vì dù ở chùa bao nhiêu năm mà không định tỉnh, không sáng suốt, không tự tu tập để khắc phục những khuyết điểm của mình thì cũng chẳng được gì.
 

Quan trọng nhất là phát tâm giác ngộ


Điều hay ho và tuyệt vời nhất của cuộc sống này đó là mọi thứ đều có thể xoay chuyển, thay đổi nghĩa là mọi lỗi lầm của chúng ta gây ra vẫn có thể được sửa đổi nếu sớm hồi tâm, chuyển ý.

Trong đạo Phật có nói về cứu khổ, nhưng tinh thần của việc cứu khổ là tự mình phải có công đức. Đó là cách tự răn mình chứ không phải đợi ai đó nhắc nhở hoặc chỉ bị sợ phạt, sợ bị trách mắng mà không làm...

Mọi việc chính bản thân mình làm đã tự được ghi nhớ và lưu giữ thông tin, không bỏ qua chi tiết nào. Vì thế, cho dù ta tưởng người khác không biết nhưng chính tâm ta lại ghi nhớ và chúng đang gây phiền nhiễu cho chính mình mà không hay.

Hãy thử so sánh một người có tâm thanh thản và người có tâm loạn động sẽ hiểu ra rằng ai càng làm nhiều điều xấu dù là nhỏ nhưng quá nhiều thì họ ngày càng hay bị bất an cho dù họ không hiểu vì sao. Có ngồi trên đống tiền, nằm trên chiếc giường cao cấp nhất nhưng giấc ngủ không ngon thì cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa?
 
Kinh Địa Tạng ghi lại rằng: Có một nữ Bà la môn bị mẹ ngăn cản, không cho cô tin vào Phật và thậm chí bà chê bai, chống đối việc tu học của cô gái. Biết rằng mẹ sẽ bị đày xuống Địa ngục vì tội lỗi mình tạo ra nhưng vì không thể khuyên được mẹ nên cô không ngừng nỗ lực tu tập hồi hướng công đức cho bà, mong bà hồi tâm chuyển hóa. 
 
 
Trong suốt thời gian 49 ngày, cô tu hành và cúng dường Tam Bảo để hồi hướng cho mẹ mình, mong sao bà thoát cảnh khổ ngục.

Một hôm cô nằm mộng thấy mình đi đến một bờ biển, chúng sinh ở đó thì bị quăng xuống nơi nước sôi sùng sục, lửa đỏ trông rất kinh khủng. Cô bèn hỏi Quỷ ngục: “Những người kia bị mắc tội nghiệp gì mà mà bị đọa đày như thế?”.

Quỷ ngục cho hay: “Là tội không kính tin Tam bảo, sát hại chúng sinh, làm những việc bất nhân thất đức”.

Quỷ quay sang hỏi cô: “Cô đến đây để làm gì?”. Cô đáp rằng mình đang tìm mẹ. Quỷ hỏi: "Mẹ cô tên gì?". Cô nói tên họ cho Quỷ nghe và được nhận câu trả lời: “Những tội nhân ấy cách đây ba ngày đã được thác sinh về thế giới an lành rồi”.
 
Có thể thấy, tâm giác ngộ ấy của cô không chỉ cứu mình mà còn có thể cứu người. Phật dạy: “Tâm bồ đề là con đường dẫn đến trí tuệ, là suối thiêng có thể gột rửa tất cả, là cỗ xe chuyên chở các Bồ tát, là cánh cửa mở ra bồ tát hạnh”.

Cho nên, chúng ta luôn ý thức việc tự soi chiếu lại mình. Không hướng ra bên ngoài mà tìm cầu, chỉ cần tỉnh giác mọi lúc mọi nơi với mọi tâm niệm của mình, không để chúng dẫn chạy tạo nghiệp.
 
Nghiệp một khi tạo rồi, thì không có bất cứ ai có thể gánh dùm nhau được, do đó hãy bỏ ngay suy nghĩ ỷ lại, cho rằng chỉ cần lúc qua đời có người tụng kinh thì chúng ta siêu độ. Bản thân chúng ta không tiếp nhận những thông tin ấy thì không độ được cho mình bất kể có ai đang cố giúp mình đi chăng nữa.

Cho nên, chúng ta phải tự lo, không nên ỷ lại vào ai và nên hiểu rằng việc chúng ta nhờ tới Phật, Bồ tát, Tăng Ni… chỉ là những trợ duyên giúp chúng ta một phần nào đó mà thôi. Muốn giúp người đuợc tốt thì đầu tiên chúng ta phải tốt. Muốn hướng dẫn người đúng chánh pháp thì đầu tiên chúng ta phải tu đúng chánh pháp.
 
Đừng nghĩ niệm Phật thì được Phật cứu mà đó chỉ là cách nhờ uy lực Phật, nhờ bài học tỉnh thức của Ngài giúp mình dần dần chuyển hóa tâm thức của mình. Nhờ sự chuyển hóa đó mà mình thoát khỏi kiếp khổ. Như vậy, tự mình phải tu, phải cố gắng và không ngừng làm việc thiện mà tâm được thanh tịnh nữa thì công đức mới tròn đầy viên mãn.