Phật chỉ cách phân biệt người xấu người tốt chỉ bằng 5 tiêu chuẩn cơ bản

Thứ Sáu, 02/07/2021 10:10 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Học hỏi từ việc Phật chỉ cách phân biệt người xấu người tốt để ta biết ai đang làm điều thiện, ai đang làm điều ác để răn mình, răn người rời xa tội ác, hướng tới cuộc sống thiện lành.
 

Phật chỉ cách phân biệt người xấu người tốt

 
Theo Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tà tư, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.357 đã ghi lại rất cụ thể cuộc hội thoại của Đức Phật và các Tỳ kheo của mình:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
 
- Nếu có người ở trong nhóm tà thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?
 
Các Tỳ kheo bạch Thế Tôn:
 
- Như Lai là vua của các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Lành thay Thế Tôn! Nên thuyết nghĩa này cho các Tỳ kheo. Chúng con nghe rồi sẽ vâng làm.
 
Thế Tôn dạy:
 
- Các Thầy khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.
 
Các Tỳ kheo đáp:
 
- Xin vâng, Thế Tôn!
 
Các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn dạy:
 
- Người ở nhóm tà sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này ở nhóm tà. Thế nào là năm? Đáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà. Nếu có chúng sinh ở nhóm tà, nên dùng năm việc mà biết.
 
Lại nữa, có chúng sinh ở trong nhóm chính, có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?
 
Các Tỳ kheo bạch Thế Tôn:
 
- Như Lai là vua các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Cúi mong Thế Tôn hãy thuyết nghĩa này cho các Tỳ kheo. Chúng con nghe xong sẽ vâng làm.
 
Thế Tôn dạy:
 
- Các Thầy khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.
 
Các Tỳ kheo đáp:
 
- Xin vâng, Thế Tôn!
 
Các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
 
- Người ở nhóm chính, sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này trụ ở nhóm chính. Thế nào là năm? Đáng cười thì cười, đáng hoan hỷ thì hoan hỷ, đáng khởi tâm từ thì khởi tâm từ, đáng xấu hổ thì xấu hổ, nghe lời lành thì để ý. Nên biết người này đã ở nhóm chính, trụ ở nhóm chính. Như thế, các Tỳ kheo, nên học điều này.
 
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
 
Bài học: Những lời Phật dạy luôn cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và lần này cũng vậy, Phật chỉ cách phân biệt người xấu người tốt với 5 tiêu chuẩn rất cụ thể và chúng là những tiêu chí quan trọng để chúng ta xem xét về một con người cũng như để tự thẩm định lại chính mình.
 
Sự thật là cho đến nay, ranh giới thiện - ác vẫn còn rất mong manh, không rõ ràng vì không ít người tự cho rằng mình tốt, sống thiện lành nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Nên điều cần thiết là luôn lấy 5 tiêu chuẩn của Thế Tôn để kiểm tra những người xung quanh hoặc soi lại chính mình nhằm tự điều chỉnh và tìm cách hoàn thiện bản thân. 
 
 

Dùng 5 tiêu chuẩn của Đức Phật để soi lại chính mình

 
Đức Thế Tôn không chỉ giúp chúng ta phân biệt người xấu, người tốt để biết mà kết bạn hay chọn đối tác kết hợp làm ăn, kinh doanh mà còn có thể dùng các tiêu chuẩn đó để soi chiếu lại chính bản thân mình.

Nhận xét người ta thì dễ nhưng để quán sát lại bản thân là điều không dễ dàng gì nhưng từ đây, ta có thể nhìn cái sai của người cũng là cách để ta học tập, tự tu sửa chính mình bằng việc áp dụng 5 tiêu chuẩn của Đức Phật để sống hướng thiện, tránh xa điều ác:
 

Đáng cười thì cười


Lối sống tiêu cực có sức hấp dẫn đặc biệt khiến chúng ta chỉ tập trung vào những điều tiêu cực, điều mình không có mà quên cả chuyện vui ở hiện tại. Thế nên, nụ cười ở hiện tại không còn cũng chỉ vì bạn sống cho quá khứ, mải suy nghĩ về tương lai mà thôi.

Vì thế, xung quanh bạn toàn là năng lượng tiêu cực, chẳng ai muốn gần bạn nữa vì dường như bạn đang hút đi hết sức mạnh, năng lượng của những người bên cạnh mình vậy.

Hãy hiểu rằng nụ cười mang lại sự an lành, năng lượng sống, vì thế hãy cứ mỉm cười khi có chuyện vui, tìm cách giải phóng năng lượng của mình qua những nụ cười là lối sống lành mạnh nhất.
 

Đáng hoan hỷ thì hoan hỷ


Trái tim ta như một thỏi nam châm vậy, ta vui thích chuyện vui thì sẽ thu hút điều vui nhưng với những ai thấy chuyện vui của người khác mà xem như không liên quan tới mình thì quá lạnh lùng, vô tâm.

Với chuyện vui của người ta cũng phải cảm thấy vui và chúc phúc cho họ chứ không vì ghen ăn tức ở mà trong lúc họ vui thì mình đi mỉa mai, tệ hơn là đi nói xấu, thêu dệt chuyện để "dìm" người ta xuống cho bằng mình.
 
 

Đáng khởi tâm từ thì khởi tâm từ


Nếu thấy việc đáng thương, thấy người ta cần giúp đỡ mà ta cố tình ngó lơ, làm như không biết thì quả là độc ác. Người với người ở thế gian này cần nương tựa nhau để sống, bạn chẳng thể sống một mình một thế giới, do đó hãy luôn biết quan tâm, giúp đỡ người khác khi cần.

Tâm mỗi người đã thủng một lỗ lớn nên ta chỉ thích chuyện thị phi của người giàu có, người thành công, không tỏ ra đồng cảm hay thương xót cho người ta. Thực ra "sự khổ" không buông tha cho bất cứ ai, cho dù bạn là người giàu, kẻ nghèo, bạn là tiến sĩ hay là nông dân,... do đó, trước nỗi khổ của người khác hãy thể hiện sự thấu cảm.

Điều mà chúng ta có thể làm và nên làm là tin rằng: Làm ác thì không bao giờ có kết quả hạnh phúc và làm thiện thì không bao giờ có thể đưa đến kết quả khổ đau. 
 

Đáng xấu hổ thì xấu hổ


Kẻ đáng sợ nhất là kẻ không biết xấu hổ, họ cứ ngang nhiên làm điều xấu mà cứ như là không có chuyện gì, việc mình làm sai mà cứ ngang nhiên xem như không có chuyện gì cũng phản ánh phần nào trí tuệ yếu kém. 

Họ gây khó chịu cho người khác vì không biết điều, không đủ trí tuệ để nhận ra mình sai ở đâu. Một người còn không tự nhận ra lỗi sai thì chẳng có cơ hội hối lỗi. Một người như vậy sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được cả.

Thế nên có người cứ làm điều ác hết lần này tới lần khác vì họ không tự biết xấu hổ, biết tự hổ thẹn với bản thân mình. Thế nhưng điều này không có nghĩa là không thể thay đổi, khi họ đối mặt với lòng tốt vô tư, sự chân thành, thiện tâm thì cũng có thể khơi gợi được "người tốt" nằm sâu bên trong "kẻ ác".

Tâm từ vốn có sẵn trong tất cả chúng ta, chỉ cần đánh thức và nuôi dưỡng để ngày càng lớn mạnh. 
 

Nghe lời lành thì để ý


Không phải ai cũng biết nói lời hay ý đẹp, những lời ấy đều do tu dưỡng mà thành, chúng thực sự đáng giá vì được đúc rút kinh nghiệm từ người đi trước, từ sai lầm của họ, thậm chí họ đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới rút ra được 1 câu nói. Vì thế với những điều như vậy phải để ý, lưu tâm, phân tích, dùng nó để trang bị vốn sống cho mình. Biến kinh nghiệm của người khác thành của mình là cách nhanh nhất để bạn tránh sai sót trên con đường đi đến thành công.

Mỗi chúng ta như một cái cây, còn từng kinh nghiệm mà ta học hỏi trong quá trình vấp ngã, sửa sai như những chiếc rễ đang cần mẫn cố gắng cắm sâu vào đất mẹ, giúp cây vượt qua những dông bão của cuộc đời, còn kinh nghiệm của người khác như những hòn đá ở phía trên đang giữ cho bộ rễ yếu ớt, giúp cái cây có thể trụ vững trong bão tố khi rễ của ta vẫn chưa có thời gian bám đủ sâu, đủ chắc. Vậy nên, mỗi người hãy cố gắng nhặt thật nhiều "hòn đá" kinh nghiệm bỏ lên để giữ cho cái cây của mình được trụ vững.