Thứ Ba, 05/07/2022 13:50 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Không ít người phân vân: Niệm thần chú có cần phải hiểu nghĩa hay không vì họ ngại cảm giác đọc thuộc lòng từng câu mỗi ngày mà không hiểu gì thì sẽ bị chê cười hoặc sợ sẽ không có tác dụng.
Niệm thần chú có cần phải hiểu nghĩa hay không?
Mục đích chính của việc niệm thần chú chủ yếu để điều khiển tâm trí trở nên tĩnh lại, đầu óc sáng suốt hơn. Vì thế không cần phải hiểu hết ý nghĩa của thần chú một cách rõ ràng mới có thể sử dụng.
Thực tế là quá nhiều bài thần chú ta thực hành trì chú mỗi ngày nhưng không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của nó. Nếu bắt buộc phải hiểu nghĩa mới được dùng thì đó lại trở thành rào cản khiến ít người có thể tiếp cận với các câu thần chú.
Nhìn chung, không cần cố gắng dịch nghĩa thần chú, người trì tụng chỉ cần đọc với sự nhập tâm, có niềm tin mà không cần hiểu nghĩa thì cũng đã có thể phát huy công năng của thần chú.
Nên lưu ý là thần chú khác với pháp môn đọc tụng kinh điển, cần phải hiểu rõ nghĩa mới có thể thực hành.
Chỉ lẩm nhẩm trên miệng mà chẳng hiểu nghĩa sẽ có nhiều người cảm thấy mông lung, thế nên mới có nhiều người đặt câu hỏi: Niệm thần chú có cần phải hiểu nghĩa hay không?
Ta nên tạm hiểu thế này, thần chú là những mật mã bí ẩn hàm chứa chân lý và năng lượng tinh hoa của Vũ trụ, được các đức Phật và các vị Bồ Tát dùng trí tuệ của các ngài dồn nén lại trong những ngôn ngữ, âm thanh ngắn gọn, súc tích để tạo ra những câu thần chú hoặc những bài thần chú.
Vì thế, ý nghĩa trong từng câu chữ vô cùng sâu xa, hơn nữa, thần Chú là lời nói bí mật của chư Phật có thể gọi là Mật ngôn hay Phật ngôn, lời nói đặc biệt này chỉ có các đức Phật trong mười phương nghe biết.
Đó vốn không phải là thứ ngôn ngữ thường tình của các chúng sinh nên chúng ta không thể dùng tư duy của phàm phu mà hiểu được, chỉ có trí tuệ của các đức Phật, các vị đại Bồ Tát mới hiểu đầy đủ và đúng nghĩa của thần chú.
Cuối cùng, thay vì hỏi: Niệm thần chú có cần phải hiểu nghĩa hay không thì ta nên học cách gieo niềm tin của mình vào từng câu chú.
Thực ra, việc này giống như khi chúng ta bị bệnh, gặp được thầy thuốc giỏi, đã kê cho ta đơn thuốc thì hãy cứ uống để chữa bệnh. Nếu mà hỏi kỹ phương thuốc ta sẽ phát hiện ra có quá nhiều ngôn ngữ y khoa mà ta đọc hay nghe xong chỉ càng cảm thấy rối hơn. Do đó, điều quan trọng là tin tưởng người đưa cho ta phương thuốc và làm theo hướng dẫn.
Việc này giống như việc mỗi sáng bạn đến công ty check vân tay mà không cần hiểu cái máy đó hoạt động thần kỳ tới mức nào. Nếu trước đây nói về việc một cái máy giúp ta mở cửa mà không cần khóa chắc chắn sẽ chẳng ai tin.
Thế mà ngày nay, chỉ cần có vân tay của mình là lập tức cánh cửa mở ra. Việc chúng ta cần làm là bỏ đúng vị trí tay là được. Việc cố gắng để hiểu cái máy một cách rõ ràng như bao nhiêu ốc vít, có bộ cảm ứng gì,... chỉ nên dành cho người có chuyên môn, kỹ thuật làm ra cái máy này mà thôi.
Ngoài ra, không phải cứ đọc thuộc thần chú mới phát huy được tác dụng. Nếu mới đọc thì bạn vẫn có thể nhìn giấy, cũng không phải cố gắng đọc ngân nga theo bất cứ giai điệu nào, miễn đọc rõ ràng là được. Tốc độ đọc bạn tự điều chỉnh nhanh chậm sao cho phù hợp với mình.
Nhưng lúc đọc, cần chú ý lắng nghe âm thanh thần chú của mình vì như thế mới nhập tâm. Niệm Phật và tụng kinh cũng có cách dụng tâm giống như vậy, mình đang niệm gì, tụng gì, tâm biết rõ như vậy, không nghĩ ngợi chuyện khác. Đó là điều khó nhất khi niệm thần chú hay đọc kinh.
Tìm hiểu ý nghĩa của Thần chú trong Bát Nhã Tâm KinhChỉ có duy nhất một câu Thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh nhưng dường như mỗi người lại có cách hiểu khác nhau nhưng đều dựa vào tính Không.
Quá nhiều câu thần chú nên chọn câu nào?
Cuộc đời luôn có những nhiễu nhương, xui rủi có thể ập tới khi nào không hay, điều ta cần làm đó là giữ cho tâm tĩnh mới có thể nhìn ra vấn đề và xử lý chúng một cách sáng suốt nhất.
Thế nên, mỗi cá nhân nên chọn cho mình một thần chú nào đó để hành trì thường xuyên, chúng sẽ giúp ta tĩnh tâm khi cần. Không ai giống ai, mỗi người sẽ phù hợp với một câu thần chú khác nhau chứ không có bất kỳ quy định mang tính áp đặt nào.
Việc chọn câu thần chú nào phù hợp với mình cũng là cái duyên vì có thể niềm tin của bạn phù hợp với một giá trị mà mỗi thần chú mang lại. Có người thích đọc Chú Đại Bi,
chú Lăng Nghiêm, thần chú Dược sư, nhưng có người lại hay đọc thần chú Om Mani Padme Hum...
Vậy nếu bạn tin và thường xem, nghe, đọc Chú Đại Bi cho rằng nó hiệu quả và có tác dụng thay đổi cuộc sống của mình thì cũng đừng vì thế mà ép người khác phải làm theo. Có những người họ không thấy phù hợp và có những lựa chọn riêng.
Thậm chí nếu ai đó không tin những câu trì chú của đạo Phật, họ cũng có thể chọn một pháp môn khác. Ngoài kia còn có rất nhiều pháp môn khác nhau cho chúng ta lựa chọn, nếu không hợp pháp môn này ta có thể chọn cái khác. Điều quan trọng nhất là nó phải mang lại lợi ích cho bạn là được.
Các tôn giáo khác, các tín ngưỡng dân gian cũng có thần chú với nhiều công dụng khác nhau mà không phải ai cũng có cơ hội tìm hiểu hết được. Các loại thần chú này có lợi, hại đi cùng với nhau vì mức độ sử dụng không quá phổ biến.
Nhưng có thể khẳng định rằng, thần chú trong Phật giáo chỉ có lợi, không có hại, luôn đem tới những điều tốt lành cho người trì tụng và luôn chứa đựng tâm yêu thương, khiến người trì tụng luôn luôn tăng trưởng duyên lành.
Điều bạn cần làm là tham khảo, tìm hiểu về tính chất, lợi ích của nhiều thần chú khác nhau. Có thể thử trước khi chọn lấy một, hoặc nhiều thần chú mà bạn cảm thấy phù hợp nhất để đọc tụng hàng ngày.
Khi trì chú, chúng ta để cho thân thể được thả lỏng nhưng tâm trí cần tập trung và không nghĩ tới bất cứ điều gì khác. Chỉ cần nhập tâm vào từng câu chữ mình đang đọc ra thành tiếng.
Nên nhớ rằng, dù tu tập theo phương pháp gì đi nữa thì điều quan trọng nhất luôn được đề cập và nhấn mạnh trong Phật giáo vẫn là nên làm những điều thiện, mang lại lợi lạc cho chúng sinh.
Mỗi lần trì chú ta nên giữ cảm giác tích cực, hoan hỷ và cống hiến, hồi hướng công đức ấy cho tất cả chúng sinh được giác ngộ và an lạc, như là một hành động từ bi cao cả.