Tả Ao hay Tả Ao tiên sinh là thầy phong thủy địa lý cao tay nổi tiếng nhất nhì Việt Nam. Những giai thoại về Tả Ao được lưu truyền rộng rãi cho đến tận ngày nay, trở thành những câu chuyện hết sức li kì.
Dạy dỗ kẻ tham lam
Một hôm Tả Ao đang đi đến vùng đất nọ. Thấy ngôi đình làng ở đây đặt hướng bị thất cách, ông đứng ngắm mãi rồi đến gần để xem cho rõ. Các vị chức sắc trong làng biết danh Tả Ao nên khẩn khoản nhờ ông đổi lại hướng đình làng để cả làng phát khoa bảng rầm rầm, nhằm đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho họ biết tay.
Tả Ao nghe xong chỉ cười, sau đó ra trước sân đình đặt tróc long định hướng, rồi cắm hướng mới cho ngôi đình. Xong cáo biệt đi thẳng. Mấy tháng sau khi đình đã được xoay ngôi đổi hướng, các vị chức sắc kỳ mục không nói cho dân làng nghe chuyện, mà chỉ dặn con cháu ra công đèn sách nay mai ứng thí.
Nhưng không hiểu sao, tất cả đám con trai, từ lớn đến bé hễ cầm quyển sách định học, nhưng học mãi mà chữ nghĩa chẳng vào đầu. Các thầy đồ được mời đến dạy cũng thở dài ngao ngán. Rồi thay vì sách vở bút nghiên, càng ngày càng có nhiều anh con trai con các chức sắc kỳ mục rủ nhau đi sắm hòm đồ nghề thợ cạo, xách đi khắp nơi hớt tóc dạo. Trong lúc hành nghề, họ tha hồ mà “đè đầu đè cổ” thiên hạ.
Các cụ chức sắc lúc ấy mới hiểu ra cái thâm ý của thầy Tả Ao trước đây. Nhưng cũng hiểu rõ, tại họ quá tham lam, chỉ biết tư lợi cá nhân, nên mới bị Tả Ao dạy dỗ. Từ đó có giai thoại Tả Ao chuyên dùng phép trị kẻ tham, kẻ ác.
Phá trấn yểm của Cao Biền
Tương truyền, Cao Biền là thầy phong thủy cao tay được vua Đường phái sang nước Nam trấn yểm các long mạch, nhằm cắt đứt chân khí nước ta. Nhưng Tả Ao – bậc thầy địa lý phong thủy nước Việt nhiều lần khiến âm mưu của Cao Biền thất bại.
Dân gian truyền lại, Cao Biền xem địa thế biết núi Tản là nơi long mạch khởi nguồn của nước Việt, bèn đào 100 cái hố xung quanh núi để chặt đứt long mạch, nhưng đào đến đâu là lún tới đó. Người ta cho là do Tả Ao đứng ở trên núi làm phép ngăn cản.
Một lần khác, Cao Biền ngang qua núi Hàm Rồng (Thanh Hóa), thấy huyệt Hàm Rồng bèn nói là thế đất tuy không phải hung địa “xương long vô túc” (con rồng không chân) nhưng cũng là con rồng què, không phải đất cực quý nên bỏ đi.
Miệng nói vậy nhưng y âm thầm trở lại, mang mộ cha định táng vào chỗ ấy để sau này phát đế vương. Nhưng nhiều lần mà xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra. Biền quyết tâm tán nhỏ xương cốt cha để tung lên cho bám vào long huyệt thì bỗng đâu xuất hiện muôn con chim nhỏ cùng bay đến vỗ cánh khiến tro cốt tứ tán khắp nơi, đành phải chịu thua. Người ta đồn, ấy là do Tả Ao tiên sinh cao tay hơn nên ngăn được y. Giai thoại Tả Ao "trên cơ" Cao Biền cũng là từ chuyện này.
Táng mộ Huyết thực thành Phúc thần
Không chỉ xem giỏi cho người, còn có giai thoại Tả Ao xem chỗ đặt mộ cho mình để sau khi chết thành Phúc thần. Khi già yếu, Tả Ao chọn cho mình chỗ đất táng kiểu Nhất khuyển trục quần dương (chó đuổi đàn dê) ở xứ Đồng Khoai, chỉ ba ngày là thành Địa Tiên. Đến ngày gần mất, ông bảo con khiêng ra chỗ đất ấy để nằm xuống mộ rồi chôn khi chưa chết hẳn. Nhưng nửa đường, biết sẽ chết trước khi đến nơi, Tả Ao bèn xem quanh rồi chỉ con khi mình chết táng vào một gò đất bên đường, thực chất là ngôi Huyết thực, về sau sẽ được thờ cúng. Quả nhiên, sau đó Tả Ao trở thành Phúc thần, được nhiều người thờ phụng.
ST