Nhét tiền vào tay Phật có tạo nên phước duyên nơi cửa Phật?

Thứ Ba, 12/02/2019 13:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hiện nay, việc rải tiền tại chốn linh thiêng như chùa, đền, miếu… đang trở nên phổ biến. Người ta đặt tiền từ bệ thờ, bát hương, tháp chuông, hay thậm chí còn nhét tiền vào tay "hối lộ" Phật. Việc này là đúng hay sai, nên hay không nên?
 
 

Lý giải việc rải tiền, nhét tiền vào tay Phật


Phó Giáo sư – Tiến sĩ Thành Phần – Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho biết, đây không phải câu chuyện mới mà là câu chuyện được phản ánh từ nhiều năm nay.

Theo ông Phần, về mặt tâm linh, trước hết là do con người hiện tại cần tìm thứ gì để tin, tin để họ được bảo trì, phù hộ nhưng niềm tin này không có hướng dẫn, không có hướng đi nào, nên nó hoàn toàn ảo tưởng, mông lung.

Người dân ai cũng nghĩ “cho tiền thần linh”, nhét tiền vào tay Phật thì sẽ được lợi lộc vào mình nên ra sức rải tiền. Họ tin rằng, việc làm của họ sẽ giúp gia đình họ an khang, êm ấm, an toàn hơn, tài lộc dồi dào hơn, chức vị cao hơn.... Nếu đi chùa về thì an tâm ngủ ngon, còn không thì cứ nằm thấp thỏm. Thậm chí, nhiều người còn lo lắng ai là người giúp mình giữ chiếc ghế cho mình hiện nay, nên đi nhờ cậy cửa Phật.
 
Với quan điểm của những người đó, khi nhét tiền vào tay vào Phật thì xin gì cũng được, mong gì cũng ứng nghiệm. Họ có tâm lý muốn Phật nhớ tới họ, đừng quên họ, họ chen nhau cố nhét tiền vào tay Phật, với suy nghĩ phải đưa tận tay.
 
Điều này cũng như câu chuyện người ta mang quà, mang tiền mua quan bán chức, nếu không đưa tận tay lãnh đạo thì họ không nhớ, họ không cân nhắc, bổ nhiệm. Nghĩa là nó trở thành suy nghĩ, nhiều lần thì thành tiềm thức và rồi vô thức sẽ áp dụng mọi trường hợp.
 

"Hối lộ" Phật: đúng hay sai, nên hay không nên?


Xoa tiền lên tượng khi đi lễ chùa liệu có may mắn? Đi lễ chùa, người dân  đặt tiền từ bệ thờ, bát hương, tháp chuông, hay thậm chí còn gài tiền khắp mình tượng Phật, là biểu hiện của sự suy thoái về tín ngưỡng, tâm linh.

 


Những đồng tiền lẻ rơi đầy bệ tượng, chân tượng, cá biệt có người vơ tiền rồi lẩm nhẩm: “Con xin lộc ạ”. Tất cả những hiện tượng đó tạo nên hình ảnh không đẹp.

Nhiều đền, chùa đã để sẵn hòm tiền công đức nhưng hầu như mọi người cứ thích phải “nhét" tận tay Phật chứ không ai muốn âm thầm cúng tiến.
Người ta nhét tiền vào tay Phật như một sự đảm bảo: “Đây, con cúng cho Ngài tiền, Ngài phải bảo hộ con tai qua nạn khỏi, làm ăn phát tài nhé, Ngài nhận tiền rồi nhé”.

Ở nhiều chốn tâm linh, người ta còn nhét tiền lẻ vào tay La Hán, xoa tiền vào bụng Phật Di Lặc mong được nhiều lộc. Nhưng thực chất, "hối lộ" Phật là hành vi “mê tín, dị đoan”.

Thần Phật là những đấng giác ngộ, đã ra khỏi vòng danh lợi, liệu có thể động lòng trước mấy đồng tiền lẻ kia không? Chỉ có những thứ tà linh, loạn quỷ bát nháo mới giúp họ thôi vì những thứ ấy vốn cũng thường đi lại, ẩn nấp trong đền chùa, nhiều vô kể. Chỉ có chúng mới động lòng tham với những món lễ vật kia mà thôi.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng về thời mạt Pháp. Đó là thời mà các ngôi đền, nhà chùa đều không còn giữ được sự thanh tịnh nữa. Các loại ma quỷ sẽ chiếm cứ đền chùa và tăng ni thì hầu như chẳng còn biết đến thực tu.

Đó cũng là thời kỳ mà con người mê loạn, chạy theo vật chất, đánh mất hết lòng tin chân chính. Chuyện “hối lộ” Thần Phật kia chẳng phải chính là biểu hiện rõ nhất của sự khủng hoảng tín ngưỡng.

"Đi lễ chùa mà đặt tiền vào tay tượng Phật, trên Tam bảo... là không đúng với văn hóa truyền thống", TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết.

Nói chung, không nên đặt tiền hay hóa vàng ở các ban thờ Phật, bởi nghiệp quả đến từ nhiều việc thiện chứ không phải ở sự mê tín. Cái quan trọng nhất khi đi lễ chùa là phải thành tâm, phải ý thức được từ việc ăn mặc sao cho đúng, kín đáo và sạch sẽ.

"Phật tại tâm" chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy, nhét tiền vào tay tượng phật hay hóa nhiều vàng mã thì mới là tốt, thực sự đó là sai lầm rất lớn mà mọi người đi lễ hiện nay đều mắc phải.

Thủy Nguyễn (TH)

Ngoài nội dung về nhét tiền vào tay Phật phía trên, bạn đọc đừng bỏ lỡ: