Thứ Sáu, 29/09/2017 11:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đào Bá lộc là một trong số những sao Việt thẳng thẳn chia sẻ về việc mình là người đồng tính trong khi đó có rất nhiều người vẫn cố tình che giấu điều này vì sợ xã hội lên án.
Những ngày gần đây, khi ca sĩ Đào Bá Lộc tiết lộ chuyện tình cảm của mình với một nam ca sĩ nổi tiếng trong showbiz Việt gây xôn xao dư luận. Việc sao Việt công khai tình yêu đồng tính đã hiếm, nay Đào Bá Lộc còn úp mở mối tình trắc trở khiến dân tình không xôn xao bàn tán. Theo đó, mỗi lúc mọi người càng tò mò hơn về chuyện tình cảm, mối quan hệ đồng tính.
Nhân đây, lichngaytot.com chia sẻ một góc nhìn khác theo Phật pháp nhìn nhận về quan hệ đồng tính.
Nhà Phật không hề nhắc tới giới tính thứ 3
Đồng tính không phải bây giờ mới có, nhà Phật cũng không cho phép tu sỹ cùng giới tính ngủ chung một giường quá ba đêm. Rõ ràng vào thời của Đức Phật không phải không có những người đồng tính.
Thế nhưng, xuyên suốt những lời giảng dạy của Đức Phật trong kinh điển, vẫn không hề có việc Ngài phê phán về phương diện đạo đức đối với người có hành động tình dục đồng tính.
Dưới góc nhìn của nhà Phật, giới tính có thể thay đổi từ đời này sang đời khác theo thuyết luân hồi. Một số Phật tử quan niệm rằng đồng tính là kết quả của giới tính kiếp trước thể hiện trong đời sống hiện tại và vì nghiệp báo mà người nam trở thành người nữ và ngược lại…
Không có một giới luật nào của nhà Phật cấm người phật tử tại gia quan hệ tình dục đồng tính. Dù là người đồng tính luyến ái hay dị tính luyến ái, khi phát tâm muốn làm đệ tử của nhà Phật, họ đều được Chư Tôn Đức quy y (thọ Tam quy và Ngũ giới làm đệ tử nhà Phật).
|
Đào Bá Lộc thẳng thắn chia sẻ mình có nhiều mối quan hệ đồng tính |
Ngay thời tại thế, đức Phật cũng đã từng vạch ra ranh giới giữa quan hệ chăn gối hợp pháp và bất hợp pháp, tuy nhiên Ngài không hề đề cập đến bất cứ một điều gì về hương vị của quan hệ tình dục hoặc sở thích về giới tính. Đức Phật chỉ chú trọng nhiều đến khía cạnh luân thường đạo lý trong quan hệ tình dục hơn là vấn đề giới tính.
Đức Phật đã không cân nhắc về xu hướng giới tính của con người được thể hiện qua thông điệp của Ngài, mà là làm thế nào để thoát khỏi đau khổ và đạt được giác ngộ. Nếu nó không đủ quan trọng để đề cập đến, đồng tính luyến ái không thể được coi là một rào cản đối với sự phát triển đạo đức và tinh thần của con người.
Theo Phật Pháp, mọi người đều như nhau, có quyền lợi như nhau không phân biệt nghèo sang hay nam nữ. Hơn nữa, giới tính không ảnh hưởng đến việc người đồng tính rèn luyện về nhân cách sống để hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Trong quan hệ với gia đình, thân bằng quyến thuộc và xã hội, người đồng tính cũng cần hành xử theo tinh thần Đức Phật đã dạy trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singalovada Suttanta), như tôn kính cha mẹ, thầy dạy, vợ/chồng con, bạn bè, quyến thuộc, láng giềng, thợ thuyền, tu sĩ và đạo sư.
Hiện nay, người đồng tính luôn bị xã hội nhìn dưới đôi mắt kỳ thị, thiếu thiện cảm, khiến họ phải sống nép mình và chịu nhiều khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta cần hiểu đồng tính luyến ái không phải là bệnh thì làm sao chữa khỏi? Là nghiệp lực của mỗi người thì chỉ có người đồng tính mới có thể cải nghiệp của họ. Không ai có thể thay đổi được bản chất quan hệ đồng giới của họ được.
Do đó, các phụ huynh cần bình tĩnh sáng suốt nhìn nhận vấn đề đồng tính luyến ái của con cháu mình là hiện tượng bình thường. Nên chia sẻ, cảm thông với người đồng tính nhằm tránh cho họ những khổ đau, sợ hãi và thất vọng trước cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội. Đừng vì sĩ diện gia đình và các định kiến xã hội, vô tình đẩy họ vào chỗ đáng tiếc, không có lối thoát.
Nên tránh tội tà dâm dù là quan hệ đồng tính
Giáo lý nhà Phật cho rằng ái dục là một trong mười hai mắt xích nhân duyên quan trọng trói buộc chúng sinh trôi lăn trong
vòng sinh tử luân hồi.
Vì vậy, đối với người xuất gia tầm cầu sự giải thoát, giới luật nhà Phật hoàn toàn cấm các tu sỹ quan hệ tình dục dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả quan hệ tình dục đồng tính. Nếu vị xuất gia nào phạm giới dâm dục thì bị trục xuất khỏi tăng đoàn nhà Phật.
Tuy nhiên, giới luật nhà Phật không hề cấm người tại gia quan hệ tình dục. Nhà Phật chỉ khuyên răn họ nên giữ gìn giới tà dâm (không quan hệ chăn gối với người không phải là vợ hay chồng của mình, không quan hệ tình dục với trẻ em vị thành niên, không cưỡng dâm, không quan hệ với người cùng huyết thống và không loạn luân), một trong năm giới dành cho người phật tử tại gia, để đảm bảo hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Rõ ràng, những biểu hiện của hành vi sai trái tình dục có thể áp dụng như nhau đối với hành vi đồng tính luyến ái và quan hệ tình dục khác giới. Giới thứ ba không phải là một mệnh lệnh cấm chăn gối, cũng không phải sự mô tả đơn giản đối với hành vi được coi là sai và hành vi khác được coi là đúng.
Nếu người đồng tính là một phật tử, họ nên gìn giữ Ngũ giới, vì đối với Phật giáo, Năm giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc của gia đình và của xã hội, là những nguyên tắc căn bản dẫn mọi người về hướng an lạc, giải thoát, và giác ngộ. Thực hành theo Năm giới, người đồng tính có thể tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng cũng như tránh được cái nhìn thiếu thiện cảm của không ít người.
Dù là người đồng tính luyến ái hay dị tính luyến ái nếu phạm giới tà dâm thì đều nhận hậu quả bất hạnh như nhau. Do đó, người đồng tính luyến ái cần phải sống một đời sống tiết hạnh giống như người dị tính luyến ái mặc dù luật pháp Việt Nam hiện vẫn chưa có điều khoản nào cho phép người đồng tính kết hôn.
Mặt khác, giáo lý của Đức Phật không có chủ trương thúc đẩy chúng ta thụ hưởng một cuộc sống theo đuổi chủ nghĩa dục lạc, tình dục hoặc các hình thứ khác.
Trong khi Đức Phật không phủ nhận sự tồn tại của việc an hưởng trong thế giới này, Ngài chỉ ra rằng tất cả các niềm vui thế gian là ràng buộc với đau khổ, và nô lệ với cảm giác thèm khát của chúng ta sẽ đẩy chúng ta quay trong một cơn lốc của sự thất vọng và thỏa mãn. Mục tiêu của Phật giáo không phải là để loại bỏ sắc dục, nhưng nhận diện chúng qua sự thực hành có hệ thống của chánh niệm.
Một trong những tính năng của Phật giáo có thể tạo nên sự quan tâm cho những người đồng tính nam và đồng tính nữ là giáo lý không đặt giá trị đặc biệt đối với sự sinh sản. Hôn nhân và sinh con được xem là tích cực nhưng không có nghĩa là bắt buộc.
Ngược lại, đời sống độc thân là trong hầu hết các truyền thống được coi là một sự bắt buộc cho những người Phật tử tìm kiếm trình độ phát triển cao hơn. Tăng và Ni có lời phát nguyện sống độc thân một cách nghiêm ngặt, và thậm chí những người Phật tử thuần túy phát nguyện sống độc thân trong một thời gian nhất định để theo đuổi sự phát triển về tinh thần và tâm linh.
Điều này có nghĩa là từ quan điểm tôn giáo không có sự kỳ thị giữa nam và nữ hay người ở giới tính thứ ba, vì thế, chúng ta nên dành thái độ tôn trọng mọi người như nhau và không có thái độ phân biệt đối xử.
Minh Minh