Nguyên nhân Đức Phật bị mắc bệnh
Trong cuốn “Hưng khởi hành kinh” từng ghi chép rằng một trong 10 đại nạn mà Tất Đạt Đa gặp phải trong cuộc đời đó là bị bệnh đau khớp hành hạ. Thế nhưng Ngài vẫn âm thầm chịu đựng những cơn đau ấy trong suốt cuộc đời của mình.
Rất nhiều người không hiểu vì sao Ngài sống tốt, lương thiện lại có thần thông mà có thể bị bệnh. Để giải đáp những nghi ngờ này, Phật Thích Ca đã kể cho mọi người nghe câu chuyện về nghiệp kiếp trước còn sót lại mà kiếp này phải trả giá, gánh chịu cho sai lầm của mình.
Có lần, con trai của trưởng lão giàu có trong vùng lâm bệnh nặng, đột nhiên bị sốt cao, nguy cấp. Mắc bệnh nên anh nghĩ tới ngay vị danh y nổi tiếng và cho mời ông về để chữa bệnh cho mình.
Mạng người quan trọng, nên trong lúc an nguy nằm trong tay vị danh y, anh ta đã hứa hẹn:
- Xin ngài hãy chữa trị bệnh cho ta. Nếu như ta có thể khỏi bệnh, ta nhất định sẽ tặng cho ngài thật nhiều vàng bạc châu báu.
Trong lúc nguy nan, vị danh y không nói gì nhiều, ông chỉ tập trung dốc lòng dốc sức chữa trị bệnh cho anh ta.
Một thời gian sau, người con trai của vị trưởng lão giàu có lại bị nhiễm bệnh trở lại. Anh ta biết rằng vẫn chỉ có vị danh y trước đây mới cứu được mình nên lại gọi ông tới và tiếp tục hứa tặng vàng bạc châu báu.
Nhưng lần này cũng tương tự như lần đầu, khỏi bệnh anh lại tiếc của, lại nổi lòng tham và không đếm xỉa gì tới lời hứa của mình.
Rồi tới lần thứ 3 cũng không khác gì hơn, anh này lại ốm, lại nhờ vị danh y chữa bệnh cùng lời hứa hẹn để mong nhận được sự chăm sóc tận tình nhưng cuối cùng lại vong ân bội nghĩa, quay lưng như không có chuyện gì xảy ra.
Những lần sau đó khi tới chữa bệnh cho con trai của vị trưởng lão, ông hòa lẫn một loại dược liệu có độc, từ từ khiến con trai trưởng lão chết không rõ nguyên nhân.
- Có thể lúc này mọi người đã đoán được vị danh y xưa kia là ta ở kiếp trước. Còn người con trai của trưởng lão giàu có bị bệnh kia chính là Đề Bà Đạt Đa ở kiếp này.
Cho nên ta là bậc tu hành của kiếp này nhưng nghiệp chưa hóa giải hết, nay vẫn phải chịu đau đớn do những gì mình từng gây ra. Nghiệp lực do mình từng tạo tác thì phải trả, không ai gánh hộ được, vì thế đời này mọi người luôn phải thời thời khắc khắc mà tu dưỡng thân, khẩu, ý của bản thân mình!
Bài học: Có thể thấy, nguyên nhân Đức Phật bị mắc bệnh cũng là vì từng hại người mà ra. Thế nên, ân oán của Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa mãi không thể hóa giải và hai người quay sang hận thù làm hại nhau từ kiếp này cho tới kiếp khác.
Chỉ đến khi Đức Phật đắc đạo, Người mới hoàn toàn buông bỏ oán thù này, thế nên không biết bao nhiêu lần anh họ rắp tâm hãm hại Đức Phật thậm chí muốn lấy mạng Ngài nhưng Phật vẫn bình lặng đón nhận, không một chút mảy may trả thù.
Tha thứ mới hóa giải oán thù
Điều này cho thấy nghiệp báo hết sức rõ ràng: có công được ghi công, có tội bị ghi tội, ta không thể dùng công mà bù đắp hết được tội lỗi mình gây ra.
Nguyên nhân Đức Phật bị mắc bệnh trong kiếp cuối cùng làm người cũng là vì sai lầm mà Ngài đã phạm phải trong quá khứ. Hiểu rõ nhân duyên này, thế nên khi bị đau đớn vì bệnh tật, Ngài chẳng có một nửa câu oán thán, chỉ ung dung đón nhận, tập trung chữa bệnh.
Vậy nên một khi đã giúp người thì ta hãy giúp vô tư, đừng tính toán, xem như bản thân đã hoàn thành tâm nguyện, còn ai đối đãi với ta thế nào cũng không thực sự quan trọng. Nếu họ mang ơn, giúp được ta thì tốt, còn không được cũng không sao.
Sống giữa cuộc đời này, giúp người và sau đó được người báo đáp lại là điều quá may mắn. Thế nhưng phần đa là lấy oán trả ân giống như con trai của vị trưởng lão giàu có kia, vậy nên xem ra việc ta tức giận, nóng nảy, có tâm lý muốn "chơi xấu" lại họ là điều dễ hiểu.
Nhưng người tỉnh táo, khôn ngoan sẽ biết nghĩ xa hơn, nghĩ tới hậu quả có thể gây ra cho chính ta và họ. Nếu ta trả thù thành công đi chăng nữa thì dù chưa nghĩ tới chuyện kiếp khác nhưng ngay kiếp này, ta cũng đâu có được sống yên ổn, cái tâm thiện ai cũng có, chúng sẽ lại trỗi dậy dằn vặt ta mỗi ngày. Vậy nên dù trả thù xong rồi ta đâu có vui, đâu được hả hê như ta từng nghĩ.
Thực tế là không ít người bốc đồng làm theo suy nghĩ "chơi xấu" lại kẻ từng mang ơn mình thôi thúc, nên đã có kết quả rất đáng buồn. Ví dụ như vụ án ở Thái Nguyên, anh trai truy sát cả nhà em gái vì khoản nợ 3,2 tỉ đồng. Trong lúc tức giận, không làm chủ được bản thân, người đàn ông đã giết cả nhà em mình vì số tiền đó là mồ hôi nước mắt ông làm ra nhưng đòi mãi không được trả.
Người em đã sai khi lấy oán trả ân nhưng người anh lại đi trả thù tàn độc, ông ta từng là người tốt lại hóa thành kẻ xấu trong tích tắc. Ông có thể bị pháp luật xét xử đấy, nhưng ở ngoài kia, không ít người vẫn có thể trốn được những bản án tương tự thì họ cũng không tránh được "lưới trời", nghiệp ác đã gây ra thì nhất định phải trả không kiếp này thì tới kiếp khác.
Thế nên, câu chuyện của Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc nhở chúng ta rằng, khi người khác có lỗi với chúng ta, thì tìm cách điều chỉnh lại tâm mình để không nên đi trả thù đối phương dù bất cứ lý do gì. Làm tổn thương họ cũng lại là làm tổn thương chính ta.
Bởi vậy, suy cho cùng, hại người cũng chính là đang hại mình, gây đau khổ cho người thì bản thân ta cũng chịu đau đớn tương tự mà không biết khi nào mới dứt, thế nên ta chọn cách tha thứ cho nhẹ lòng.