Nguồn gốc chính xác của lễ cúng cô hồn tháng 7

Thứ Hai, 08/08/2016 08:08 (GMT+07)

Cúng cô hồn tháng 7 - cúng xá tội vong nhân là tục xa xưa truyền lại, có bắt nguồn từ Phật giáo. Càng ngày, tục này càng có nhiều biến chuyển, tích hợp và mang nhiều tầng ý nghĩa.


Nguồn gốc lễ cúng cô hồn tháng 7 
 
Cúng cô hồn tháng 7 là lễ cúng thường được tổ chức từ mùng 1 đến Rằm tháng 7 âm lịch. Phật giáo gọi đây đây là lễ phóng diệm khẩu, tức là lễ cúng cho quỷ miệng lửa, quỷ đói. Dân gian dần dần tích hợp và lan truyền thành lễ cúng cô hồn, cúng cho những linh hồn bơ vơ, vất vưởng, không người thân thích, không nơi nương tựa.
 
Tháng 7 theo lịch âm được coi là tháng quỷ lễ, quỷ môn mở cửa, vong hồn tìm về dương gian nên người trần mắt thịt cúng bái để những linh hồn này không làm hại đến mình, cũng là cách để an ủi vong hồn người đã khuất không có ai chu cấp. 
 
Sự tích của lễ cúng cô hồn tháng 7 bắt đầu từ chuyện giữa A Nan Đà và một con ngạ quỷ, được ghi chép trong kinh Phật.
 
A Nan Đà là một Phật tử, một tối, ông đang ngồi trong tịnh thất thì một con quỷ đói mình khô, cổ dài, miệng lửa bước vào báo tin, ba ngày sau A Nan Đà sẽ chết và luân hồi vào cõi ngạ quỷ, sống kiếp đầy đọa như nó.
 
Quá sợ hãi, A Nan Đà bèn nhờ quỷ bày cách để tránh khỏi kiếp khổ, Quỷ đói gợi ý rằng, nếu A Nan Đà thí cho chúng quỷ thức ăn và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì sẽ tăng thêm tuổi thọ, chưa phải chết ngay mà bọn quỷ thì no đủ, được tái sinh chuyển kiếp.

 
Sau đó, A Nan Đà đem chuyện này kể với Đức Phật, Ngài bèn cho bài chú “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni” để tụng trong lễ cúng, vừa tăng thọ tăng phúc cho mình lại cứu khổ cứu nạn, giúp quỷ đói sớm siêu thoát.
 
Từ đó, lễ phóng diệm khẩu tức lễ thả quỷ miệng lửa ra đời, lâu dần, thành lễ cúng cô hồn tháng 7. Người ta không chỉ thí cho ngạ quỷ mà còn cúng cho những vong hồn phiêu dạt và những người đã khuất còn mang tội nợ nơi dương gian. Vì vậy mà cúng rằm tháng 7 còn gọi là cúng cô hồn hay cúng xá tội vong nhân.