Các nghi thức trừ tà xuất hiện từ cách đây hàng triệu năm, trên khắp thế giới, cho thấy niềm tin vào ma quỷ của con người đã hình thành từ lâu và ngày càng phát triển, chứ không có dấu hiệu biến mất theo thời gian hay tiến bộ khoa học.
► Đọc thêm: Chuyện tâm linh huyền bí bốn phương có thật |
Trong Ấn Độ giáo, các kinh sách cổ gọi là Vệ Đà được biên soạn từ năm 1000 TCN, trong đó có đề cập đến các linh hồn quỷ dữ quấy nhiễu đến công việc của các vị thần Ấn Độ giáo và gây hại cho chúng sinh. Các vị thần đã ra tay trừ tà, xua đuổi ma quỷ bằng phép thuật để trừ hại cho dân.
Các câu chuyện từ thời Ba Tư cổ đại, có niên đại khoảng năm 600 TCN, cung cấp bằng chứng cho thấy nhà tiên tri Zoroaster, người sáng lập Hỏa giáo, đã thực hiện các nghi thức trừ tà bao gồm việc cầu nguyện, tiến hành nghi lễ, và sử dụng nước thánh.
Trong Công giáo, có rất nhiều ví dụ về việc Chúa Giê-su tiến hành các nghi thức trừ tà, và một đệ tử chân chính phải có khả năng xua đuổi tà ma. Trong một điển tích nổi tiếng, Chúa Giê-su đã gặp một người điên và ra lệnh cho những linh hồn xú uế rời khỏi anh ta; các linh hồn này sau đó đã tiến nhập vào một đàn lợn, chúng nhảy xuống một bờ vực rồi rơi xuống nước chết đuối.
Thời Trung cổ, nghi lễ trừ tà này được hồi sinh khi các bệnh tâm lý được quy là do ma nhập. Những cách thức man rợ nhằm chữa trị các chứng bệnh tâm thần chủ yếu được giao phó cho các giáo sĩ, và họ đã trừ tà cho bệnh nhân thông qua một loạt các biện pháp gây ra những đau đớn kinh khiếp về thể xác, như quất roi.
Qua nhiều thế kỷ, các nghi thức trừ tà thường dùng đến việc tụng kinh, ra lệnh ma quỷ tự trục xuất, xông hơi, nước thánh, cây lê lư, sự ăn năn, muối, và hoa hồng.
Tuy nhiên, nghi thức trừ tà bị nhiều người hoài nghi. Rất nhiều nhà khoa học tin rằng cái gọi là việc bị ma ám chỉ là một dạng bệnh lý tâm thần, như rối loạn tâm căn, hưng cảm, rối loạn tâm thần, hội chứng Tourette, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn nhân cách. Những người không tin vào các nghi thức này cho rằng ảo tưởng về hiệu quả của trừ tà đối với những người có triệu chứng bị ma nhập là do sự gợi ý, hay hiệu ứng placebo (giả dược), vốn cũng đã được viện dẫn để giải thích các hiện tượng như chữa bệnh bằng đức tin.
Liệu hiện tượng bị ma nhập là thật hay chỉ đơn giản là kết quả của sự mất cân bằng y học hay tâm lý thì vẫn là một câu hỏi được tranh luận rất sôi nổi. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng niềm tin vào hiện tượng ma nhập và các nghi thức trừ tà hầu như không thay đổi kể từ thời khai thủy của nền văn minh nhân loại và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
ST