Thứ Năm, 15/10/2015 17:22 (GMT+07)
Đức Phật dạy bàn về bản chất cuộc đời chỉ bằng 3 luận đề, ngắn gọn, súc tích và sâu sắc.
Luận đề thứ nhất – Vị ngọt:
Đức Phật bàn về bản chất cuộc đời thừa nhận cuộc đời có vị ngọt, nghĩa là cảm giác thích thú hân hoan hay tâm lý hạnh phúc khi các giác quan của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với các đối tượng cảm quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo hân hoan, thích thú.
Luận đề thứ hai – Sự nguy hiểm: Trong khi thừa nhận cuộc đời có vị ngọt, Đức Phật cũng thẳng thắn chỉ rõ rằng cuộc đời là nguy hiểm, tức mặt trái của sự hiện hữu. Con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và những gì con người cảm nhận được (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều do duyên sinh, vô thường, khổ, chịu sự biến hoại.
Nói khác đi, tất cả mọi thứ trên cuộc đời này, dù tốt hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh, đều phải thay đổi và không có tính cách trường cửu. Như vậy, sự nguy hiểm ở đây được hiểu theo nghĩa một quy luật tự nhiên, có sinh tức có diệt.
Mặt khác, sự nguy hiểm của cuộc đời cũng được thấy rõ bởi lòng tham lam ích kỉ của con người, tức là do khao khát muốn chiếm hữu và thoã mãn các vị ngọt hay lạc thú ở đời mà con người bất chấp đạo lý, rơi vào các hành vi ác, bất thiện như tranh chấp, chiến tranh, xâm lăng, mưu hại lẫn nhau, khiến gây khổ đau cho mình và cho người khác. Đây là những gì đang diễn ra hầu như khắp nơi trên thế giới.
Luận đề thứ ba – Sự xuất ly: Từ thực tế này, nghĩa là sự vô thường, nguy hiểm của cuộc đời, Đức Phật nêu luận đề thứ ba, sự xuất ly cuộc đời, nhấn mạnh sự điều phục lòng tham hay dục vọng trên cơ sở thực hành Bát Thánh đạo, tức một nếp sống trung dung tiết độ có khả năng giúp con người phát huy các năng lực đạo đức
tâm linh và trí tuệ để sống an lạc giữa cuộc đời.