Mục Kiền Liên là ai? Vì đâu đắc đạo những vẫn bị thiệt mạng trong tay ngoại đạo?

Thứ Tư, 27/12/2023 17:29 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mục Kiền Liên là ai mà được xem là Đệ Nhất Thần Thông nhưng vẫn không thể tránh được việc bị gây hại, qua đời trong tình trạng rất đáng thương.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Thời niên thiếu và duyên lành xuất gia


Tôn giả Mục Kiền Liên là con trai của trưởng giáo Bà la môn giàu có và mẹ là người thuộc dòng dõi chuyên nghiên cứu về Thiên văn học cổ.

Sau chục năm kết hôn, hai vợ chồng ông không có con nên suốt ngày cầu nguyện, cho tới khi nguyện vọng của hai vợ chồng cũng được cảm ứng trong niềm hân hoan của cả xóm làng.

Đúng ngày Mục Kiền Liên chào đời thì ở làng bên cạnh cũng đang tổ chức tiệc hội vui mừng về sự chào đời của tôn giả Xá Lợi Phất. Được biết, hai gia đình của họ có mối quan hệ tốt đẹp đến bảy đời.
 
Tên ngôi làng Kolita được dùng để đặt tên cho đứa bé, người con phải theo họ mẹ nên đứa bé được gọi đầy đủ là Câu li ca Mục Kiền Liên.
 
Là cậu quý tử duy nhất của trưởng giáo danh tiếng nên Mục Kiền Liên được chăm sóc tận tình, được học hành đến nơi đến chốn. Có thể nói, tất cả niềm tin yêu, kỳ vọng cũng như sự giàu sang danh tiếng của gia đình, dòng tộc đều dồn hết vào Mục Kiền Liên.

Mục Kiền Liên đã được cha dạy những mật chú vỡ lòng, những bài kinh khấn nguyện cũng như những phương pháp tế lễ, cúng thần… từ khi mới ba, bốn tuổi. Lên 6-7 tuổi, cậu được học từ những vị thầy nổi danh về những môn học về luận lý, số học, triết học…

Nhờ thế mà Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất dù mới có 8 tuổi đã có những hiểu biết hơn người, nổi tiếng khắp nơi. Mục Kiền Liên tuy không nổi tiếng về trí tuệ như người bạn của mình nhưng tư chất lại cực kỳ dũng mãnh.

Mục Kiền Liên có đến cả trăm môn đệ đi theo học hỏi và vui chơi cũng như thực tập các nghi thức tế lễ của làng từ khi mới bước sang tuổi 17. Và khi cậu 18 tuổi đã chính thức bắt đầu gánh vác những trọng trách của làng khi được cha giao phó.

Ở tuổi thanh niên, cậu bắt đầu trở thành một đạo sư nhưng kể từ đó cậu có nhiều câu hỏi hơn về cuộc đời khi chứng kiến những buổi đại lễ tế thần và sự hi sinh của hàng trăm cừu non vô tội bị chặt đầu, cắt cổ. Cậu chia sẻ những suy nghĩ của mình với Xá Lợi Phất.

Cuối cùng cả hai chọn cách xuất ly, từ bỏ gia đình, tài vật, dòng tộc tôn quí lâu đời… để ra đi tìm chân lý. Từ đó học hỏi được từ rất nhiều vị thầy giỏi khác nhau suốt thời gian 20 năm bôn ba xứ người, thế nhưng mãi vẫn chưa tìm ra cách để giải thoát những khổ đau cho đời người.

Sau đó, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên muốn từ bỏ đời sống của hai đạo sĩ du phương và quay về quê hương Ma Kiệt Đà (Magadha) đúng vào sau khoảng thời gian khi Đức Phật bắt đầu Thuyết pháp lần thứ nhất tại vườn Lộc Giã.
 
Trở lại quê năm 40 tuổi nhưng họ vẫn chia ra mỗi người một đường để tầm sư học đạo, họ ước hẹn với nhau rằng ai tìm ra con đường giải thoát trước thì sẽ lập tức thông báo cho người kia.
 
Một hôm Xá Lợi Phất vô tình gặp được đệ tử của Đức Phật và nghe được giáo lý duyên sinh quá thuyết phục. Khi Xá Lợi Phất yêu cầu vị Sa môn giải thích thêm thì Ngài cho biết không thể thuyết pháp được nhiều, vì ngài mới thọ Cụ túc giới mấy tháng và hứa giới thiệu ông tới Đức Thế Tôn. Xá Lợi Phất vui mừng thông báo cho Mục Kiền Liên biết đã gặp được người có thể làm thầy của họ.

Thế là hai người bạn thân quyết tâm tìm tới Đức Phật xin được quy y ở Tinh Xá Trúc Lâm. Đức Thế Tôn quán chiếu biết rằng họ đủ duyên nên nhận hai vị vào Tăng Đoàn của Ngài. Hai người bản thân hoàn thành tâm nguyện và đã trở thành đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Chỉ trong một thời gian rất ngắn cả hai đã trở thành đệ tử hàng đầu của Đức Phật.

2. Sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ
 

Một sự tích gắn liền với cuộc sống hành đạo của Mục Kiên Liên đó là quá trình cứu mẹ khỏi Địa ngục, thể hiện rõ chữ “hiếu” của người làm con.

Vì lúc còn sống mẹ của Mục Kiền Liên - bà Thanh Đề là người vô cùng lãng phí, mỗi bữa ăn thường có rất nhiều món, đồ ăn không hết thì đổ bỏ không thương tiếc, cơm của họ ăn rơi vãi khắp nơi và Mục Kiền Liên luôn nhặt những hạt cơm rơi, rửa sạch bằng nước sau khi ăn. 
 
Mục Kiền Liên sau khi tu tập chứng quả A La Hán với sức mạnh thần thông và việc đầu tiên ông muốn là cứu mẹ khỏi Địa ngục. Ông dùng thần thông để đi đến địa ngục nhưng đi khắp nơi vẫn không tìm thấy mẹ của mình. Cho tới khi ông tới được nơi giam giữ con người tội lỗi ghê tởm, ông thấy một nhóm đói gầy trong đó có người giống mẹ của mình. Mục Kiền Liên lại gần để xác nhận và biết rằng đó là mẹ. 
 
Ông quá đau xót khi nhìn mẹ tóc dài dơ bẩn, người gầy trông như chỉ có miếng da đắp vào xương. Bà đang úp mặt trên mặt đất, dường như không thể ngẩng đầu lên nổi. Thấy cảnh đói khát của mẹ nên Mục Kiền Liên lập tức chạy đến ôm và dâng bát cơm cho mẹ ăn đỡ đói.

Lúc này bà vồ lấy bát, tay kia lấy vạt áo che vội bát cơm rồi chạy đến chỗ không có ngạ quỷ để bắt đầu ăn. Thế nhưng, bát cơm vừa đưa đến miệng hóa thành than đỏ. Sau lần đó, Mục Kiền Liên vẫn nỗ lực muốn giúp mẹ nhưng cũng không thành. Tuy là thần thông đệ nhất nhưng ông cũng không có cách nào để cứu lấy mẹ mình.
 
Cuối cùng Ngài mới về thưa với Đức Phật và được giải thích rằng mẹ Ngài từng hủy báng Tam bảo, tội nghiệp nặng nề, sức của mình ông thì không thể giải cứu được.

Muốn cứu mẹ mình thì vào ngày rằm tháng bảy, lúc chư tăng Tự tứ, chư Phật hoan hỷ, hãy thiết lễ Vu Lan Bồn, là lễ cúng giải cứu cái khổ bị treo ngược. 

Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời dạy của đức Phật, thành tâm chí kính thỉnh mười phương chư Phật và chúng tăng, chuẩn bị xếp sắp phẩm vật thiết lễ cúng dường trai tăng để cầu nguyện cho mẹ của ngài. Ngài đã tổ chức một buổi đại lễ trai tăng trang nghiêm vào ngày lễ Tự tứ mãn hạ của chư tăng.

Theo lời Đức Phật, vào ngày rằm tháng bảy năm đó, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. 
 
Sau này, hình ảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ nơi địa ngục đã trở thành hình tượng hiếu đạo trong Phật giáo. Từ đó Đức Phật đã dạy chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ hãy làm theo cách của ngài là Vu Lan Bồn Pháp. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
 
 

3. Vì sao Mục Kiền Liên là Đệ Nhất Thần Thông


Mục Kiền Liên là một trong thập đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca và được mệnh danh là Đệ Nhất Thần Thông, thường song hành với Tôn giả Xá Lợi Phật để cùng hỗ trợ Đức Thế Tôn hoằng hóa chúng sinh. Chỉ sau khi xuất gia được 7 ngày, ngài đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A La Hán.

Ngài Mục Kiền Liên là một trong những đại đệ tử của Đức Phật có thần thông đệ nhất. Thần thông của Ngài cực kỳ vĩ đại: Ngài có thể lên trời, xuống biển hoặc là biến hóa trong tích tắc ở những nơi mà Ngài cần đến. 

Sở dĩ Mục Kiền Liên đắc Thánh quả một cách nhanh chóng vì Ngài đã trải qua nhiều kiếp tu hành, cho nên trong hiện đời được gặp Phật, căn lành đời trước của Ngài liền được khai mở và phát tâm xuất gia theo Phật.

Trong Kinh ghi lại rằng Mục Kiền Liên và Đức Phật đã gặp nhau ít nhất 31 lần trong nhiều kiếp. Đối với thời gian vô lượng kiếp, con số này quá nhỏ, so với cái chuỗi luân hồi “bất tận” mà cả hai vị đã trải qua. 
 
Cũng chính nhờ vào căn lành sâu dày với Phật đạo bộc phát đã thôi thúc Mục Kiền Liên quyết tâm tiến bước theo Tứ Thánh đế của Đức Phật chỉ dạy và nỗ lực thể nghiệm thành tựu được những pháp đầu tiên của 37 trợ đạo phẩm, Ngài đã chứng đắc được pháp Không.

Tiến sang công phu tu tập pháp Tứ chánh cần, Ngài đạt đến trạng thái tâm hoàn toàn yên tĩnh, thành tựu pháp Tĩnh và đi sâu vào Thiền định, Ngài chứng đắc Tứ như ý túc, đạt được pháp Xả, không còn vướng mắc với bất cứ pháp hữu vi nào.
 
Với Tam ma địa như ý túc, hay trong Thiền định, Mục Kiền Liên đã vận dụng tâm một cách kỳ diệu, nên Ngài đi lại hoàn toàn tự tại trong các thế giới, gọi là sử dụng được thần thông lực đến tuyệt đỉnh, nên Ngài mới được tôn danh là bậc Thần thông đệ nhất.
 

4. Tiền kiếp của Mục Kiền Liên


Khi biết Mục Kiền Liên là ai chúng ta rất ngưỡng mộ khả năng Thần Thông của Ngài. Thế nhưng vì sao Ngài lại chết thương tâm đến vậy?

Trong một tiền kiếp Mục Kiền Liên là một chàng trai trẻ chăm mẹ già ốm bệnh. Anh cực kỳ có hiếu, luôn yêu thương chăm sóc mẹ tận tình.

Sau đó anh lấy vợ và cùng chung sống với mẹ già. Nhưng khi bà càng lớn tuổi, càng nhiều bệnh tật, thậm chí bị liệt và nằm một chỗ cần chăm sóc mỗi ngày. Việc này dường như đang trở thành gánh nặng lớn của hai vợ chồng trẻ.

Lúc này vợ của anh mới thuyết phục chồng rằng:

- Này anh ơi, mẹ mình cũng đã rất già rồi, đang trở thành gánh nặng cho chúng ta. Hay là giờ hai vợ chồng mình chở mẹ lên núi vì trước sau gì mẹ cũng chết.
  
Thế nhưng anh không đồng ý, vậy nhưng cô vợ chưa chịu dừng lại. Mỗi khi gia đình rơi vào cảnh khó khăn, vợ lại thuyết phục anh đưa mẹ lên núi. Rồi cuối cùng nói nhiều lần, anh đành đồng ý làm theo vợ mình.

Theo kế hoạch, anh chuẩn bị một cái xe gỗ, họ cùng đẩy mẹ lên núi vì mẹ không còn nhìn thấy đường nên hai vợ chồng vờ hét lên là có cướp và bỏ chạy để bà ở lại.

Hai người làm theo kế hoạch, cùng cho mẹ già vào xe đẩy lên núi. Khi bắt đầu la lên là có cướp để mượn cớ bỏ chạy, lúc này bà tuy không thấy  nhưng nghe vậy, bà mới nói:

- Các con lo chạy đi, đừng có lo cho mẹ.

Thế là hai người đó chạy trốn để mặc mẹ chết trên núi.

Đây là ác nghiệp bất hiểu trong tiền kiếp của Ngài Mục Kiền Liên nên nhiều kiếp Ngài phải đọa lạc cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Có những kiếp Ngài được làm người, thì đầu bị vỡ làm bảy mảnh và mấy trăm kiếp như vậy.

Cho đến kiếp Ngài gặp được Đức Phật tu chứng thánh quả,  A La Hán, lậu hoặc đã đoạn tận nên Ngài không tạo nghiệp. Tuy nhiên, vì dư báo ác đời trước vẫn còn nên Ngài bị chọn làm đối tượng để bọn người xấu tấn công.

Dù Ngài là Đệ Nhất Thần Thông biến hóa khôn lường thế nhưng vẫn không ngăn được nghiệp quả xấu ác khi đã chín muồi. Vì thế Ngài chấp nhận trả quả, và bị những kẻ xấu giết hại. 

Nhưng mà khác một điều là đã chứng thánh quả rồi, Ngài thấy giống như cái nợ phải trả và trả một cách rất là hoan hỷ nhẹ nhàng, xem như là trả cho xong cái nợ mà Ngài cần trả.
 

5. Ngài Mục Kiền Liên viên tịch

 
Thời Đức Phật còn tại thế có rất nhiều đạo khác nhau cũng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Vì Mục Kiền Liên giúp nhiều người quay về đạo Phật cho nên kẻ ngoại đạo hết sức căm ghét, nhiều lần tìm cách hãm hại.

Có một lần đó, ngoại đạo canh Ngài vô thất xong định giết hại nhưng Ngài dùng thần thông bay lên nóc nhà. Chúng không thấy Ngài đâu nên không làm hại được. 

Lần thứ hai chúng còn canh Ngài vô tịnh thất, thì Ngài chui qua lỗ khóa biến mất luôn. Lần này chúng vẫn không thể thỏa mãn âm mưu độc ác của mình.

Thế nhưng ngài Mục Kiền Liên mới quán sát, Ngài biết là mình không thể trốn tránh được nữa vì Ngài thấy nghiệp đã trổ, đến lúc phải trả.

Lần đó, ngoại đạo mai phục, ám sát Ngài. Sau khi giết chúng Ngài có thần thông, sợ Ngài thu thân lại cho nên bọn chúng sau khi giết chết Ngài xong rồi thì băm chặt thành những mảnh nhỏ.