Ma chài - tâm linh vô hình và hệ quả hiện hữu

Thứ Sáu, 11/09/2015 11:05 (GMT+07)

Người Mông là một trong những tộc người thiểu số có đời sống tâm linh phong phú còn được lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, có những phong tục hết sức lạc hậu, mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng tới đời sống như tục “ma chài”.


Lịch ngày tốt gửi đến độc giả những câu chuyện về thế giới tâm linh huyền bí có thật

Người Mông ở Tây Bắc ngày nay vẫn duy trì tục cúng ma mỗi khi có người nhà đau ốm. Họ không chịu mời bác sĩ, không đi khám bệnh lấy thuốc mà mời thầy mo về cúng vì cho rằng đó không phải bệnh mà do bị ma nhập, ma hành, “ma chài”.
Theo quan niệm của người Mông, người bị “ma chài” thường là trẻ con; nam, nữ thanh niên độ tuổi dậy thì, thậm chí cả những người phụ nữ đã có chồng vẫn có thể bị “ma chài”. Người bị “ma chài” thường có biểu hiện ốm quặt quẹo, khó chữa và thường bị chết sau thời gian ốm, đau lâu ngày, hoặc lơ ngơ như người bị mất hồn, sống vất vưởng, khác người, làm theo ý người khác như có ma xui, quỷ khiến. 
Nguyên nhân dẫn đến “ma chài” là bị người khác chài, yểm ma vào người để giải quyết tư thù cá nhân hoặc chài để người khác phải lệ thuộc, làm theo ý người biết chài.
Cộng đồng người Mông thường có tâm lý nể, sợ người biết làm “ma chài”. Dựa vào tâm lý này, những năm qua, nhiều người Mông tự cho mình là “ma chài” để nhận sự nể, sợ của cộng đồng. 
Và để muốn biết người nào là “ma chài”, người Mông thử bằng cách để quả trứng gà lên ngưỡng cửa, trên cái chai hoặc để trên sống dao sau đó gọi tên người cần thử, tên người nào khi được gọi lên mà quả trứng rơi thì người đó không phải là “ma chài”, người nào khi gọi tên, quả trứng vẫn đứng im thì đó chính là “ma chài”. 
Cũng theo phong tục của người Mông, người nào bị “ma chài” thì phải cúng đuổi ma ra khỏi người, không cúng là ma không đi và không khỏi bệnh.
Đây là một trong những phong tục thể hiện đời sống tâm linh của tộc người. Tuy nhiên, hậu quả mà nó mang lại thì hiện hữu và thực tế hơn nhiều.
Hậu quả nhãn tiền là có hàng trăm người mất mạng bởi có bệnh mà không chạy chữa, chỉ cúng bái. Tới khi bệnh đã quá nặng, tới bệnh viện thì có biến chứng và không thể qua khỏi. Đến khi chết người ta vẫn cho rằng đó là do ma chài quá nặng, người chài quá cao tay chứ không hề nghĩ sự thiếu hiểu biết của mình dẫn tới mất mạng một cách đáng tiếc.
Mỗi lần mời thầy cúng và làm lễ đuổi ma tiêu tốn nhiều tiền của, gây tốn kém cho gia chủ. Đời sống của đồng bào người Mông trên núi cao gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi lần biện lễ đuổi ma chài đều phải có đầy đủ xôi, lợn, gà, thậm chí cả trâu, bò, là những món tài sản rất lớn. Có nhiều trường hợp vay nợ, tán gia bại sản vì cúng đuổi ma mà vẫn không cứu được người thân.
Hệ quả đau lòng hơn nữa từ hủ tục này là những vụ thảm án giữa những người đồng bản, đồng xóm với nhau vì nghi ngờ dùng ma chài làm hại gia đình mình. Đã có rất nhiều vụ giết người, nhiều cái chất đau lòng, nhiều người vướng vòng lao lý vì thứ tâm linh vô hình này.
ST