(Lichngaytot.com) Theo Phật giáo, nhân quả chính là cán cân công lý chuẩn xác nhất và không bị con người lũng đoạn. Thay vì chạy vái tứ phương, đạo Phật dạy con người nắm vững và sống theo luật nhân quả để sớm được hạnh phúc, an nhiên ở đời.
1. Luật nhân quả là gì?
Giải nghĩa theo chữ Hán, “nhân quả” có nghĩa là hạt giống và bông trái. Ở đây chúng ta nên hiểu nghĩa nhân quả là hành động và kết quả của hành động.
Ví dụ: Khi ta lấy một hạt cam gieo trồng xuống đất, hạt cam lên thành cây cam, cây cam lớn lên cho ta những quả cam NGỌT, đó là nhân và quả của cây cam. Nếu ta lấy một hạt chanh đem ươm trồng, hạt chanh lên thành cây và cho những trái chanh CHUA, đó là nhân và quả của cây chanh. Hai ví dụ trên cho chúng ta thấy nhân nào thì quả nấy, hạt cam sẽ cho trái cam ngọt, hạt chanh sẽ cho trái chanh chua.
Liên tưởng tới hành động của con người cũng vậy, nếu hành động ác là nhân ác, kết quả của hành động ác thì chúng ta sẽ phải thọ chịu quả khổ đau như chúng tôi đã nói ở trên. Ngược lại, hành động thiện sẽ mang đến hạnh phúc, an vui cho chúng ta.
Từ góc độ tâm linh, nếu chúng ta làm một điều ác, thì kết quả sẽ đem đến không những cho chúng ta, mà còn cho nhiều người khác những sự khổ đau, phiền muộn, tức giận, hận thù, oán ghét, tạo ra nhiều điều tội lỗi… Nếu chúng ta làm một điều thiện, thì kết quả sẽ mang đến không những cho chúng ta, mà còn cho nhiều người khác sự an vui, hạnh phúc.
Do hành động chúng ta làm ra, thì chúng ta phải chịu lấy trách nhiệm về hành động đó, nên gọi là luật. Chứ ở đây không có một Đấng Tạo Hóa, một ông Ngọc Hoàng, Thượng Đế, hay bất cứ một con người nào chế ra định luật nhân quả này, để bắt buộc chúng ta phải thi hành.
Luật nhân quả là cán cân công lý, không có người thi hành bắt bớ, phải phạt vạ hoặc giam cầm tù tội ai cả, nhưng nó phán xét rất công minh và xử phạt rất công lý do toà án lương tâm của mỗi người. Vì thế, luật nhân quả rất công bằng, không thiên vị bất cứ ai, là cán cân công lý chuẩn xác để duy trì trật tự xã hội, quân bình trật tự vạn vật trong vũ trụ.
2. Đặc tính của luật nhân quả
Nhân thế nào thì quả thế ấy
Quá trình diễn biến từ nhân cho đến quả còn tùy thuộc vào chữ “duyên”. Nhân quả báo ứng có thể đến liền tức khắc như việc chúng ta đang đói chỉ cần ăn vào thì được no và kết quả của nó cũng có thể xảy ra ở một tương lai gần hoặc xa.
Chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát những việc xảy ra trong hiện tại thì chắc chắn ta sẽ dễ dàng nhận ra quả báo trước mắt của những việc làm xấu hay là tốt.
Cũng theo nhân quả, thành công hay là thất bại đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nếu chúng ta muốn đạt được nhiều kết quả tốt đẹp thì ắt phải biết gieo nhân thiện ích cứu vật giúp người.
Theo quan điểm của đạo Phật luật nhân quả báo ứng chính là nền tảng sống của muôn loài vật không một ai có thể tách rời luật nhân quả mà tồn tại. Theo lời Phật dạy về luật nhân quả trong tình yêu đến sớm lắm, đừng coi nhẹ.
Phật dạy chính chúng ta là chủ nhân của mọi điều họa phúc nếu ta làm ác sẽ phải chịu quả khổ đau còn làm lành chắc chắn được hưởng phước tốt đẹp.
Nhân quả chi phối tất cả
Sở dĩ mọi thứ trên đời khác nhau vì được cấu tạo bởi nghiệp nhân khác nhau, luật nhân quả chi phối tất cả các sự vật, hiện tượng trên đời này.
Luật này không thiên vị và không bênh vực bất cứ ai hay thế lực nào. Không ai có thể phủ nhận hoặc sửa đổi định lý tất nhiên này.
Nhân - Quả, nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại là định luật rất phức tạp. Sự liên hệ tương quan giữa nhân và quả thường tạo nên sự phức tạp và khó hiểu. Chính vì vậy mà những ai chưa nhận rõ sự tương quan này thường khó nhận thức được sự chính xác của luật nhân quả và gây nên những ngộ nhận.
Nhân quả xảy ra cả ở vật chất và tinh thần
Về phương diện thể chất thì thân con người được cha mẹ sinh ra, hoàn cảnh nuôi dưỡng. Có thể thấy cha mẹ và hoàn cảnh chính là nhân còn bản thân người con khi đã trưởng thành là quả. Cứ tiếp nối như thế mãi nhân sinh quả không bao giờ dứt.
Về phương diện tinh thần, những tư tưởng và hành vi trong quá khứ sẽ tạo cho ta tính tình tốt hay xấu, một nếp sống trong hiện tại tư tưởng và hành động quá khứ được xem là nhân còn tính tình nếp sống tinh thần trong hiện tại là quả.
3. Luật nhân quả luôn hiện hữu trong cuộc sống
Quy luật nhân quả cho rằng những kết quả trong cuộc sống của con người chắc chắn đều có một nguyên nhân nào đó. Nó còn gọi là quy luật sắt của vũ trụ.
Theo luật này thì mọi thứ diễn ra đều có lý do dù cho bạn có biết lý do đó hay không. Luật nhân quả luôn luôn hiện hữu, nhưng chúng ta lại không thể hoặc chưa thể nhìn ra.
Nhưng đừng vì không thể nhìn ra mà chúng ta đánh mất niềm tin ở những điều cao cả. Hãy sống với niềm tin và sống xứng đáng, không chỉ cho bản thân mà còn cho thế hệ con cháu sau này.
Hãy nhìn cuộc đời bằng con mắt khác đi. Khi thực sự hiểu được luật nhân quả thì ta nắm giữ được chìa khóa mở cửa tự do trong đời ta và giúp ta làm chủ lấy cuộc đời.
Không hiểu nhân quả thì chắc chắn chúng ta sẽ sống trong mê tín dị đoan hay trong sự lo âu của cuộc sống vô định, bấp bênh.
4. Lợi ích của luật nhân quả dành cho con người
Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan cũng như những tin tưởng sai lầm vào thần quyền và cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật không có gì là mơ hồ, bí hiểm. Giúp ta ý thức rằng buồn vui, đau khổ hay hạnh phúc do mình nắm giữ.
Nhân quả cũng phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương vạn vật do một vị thần sinh ra và có uy quyền thưởng phạt muôn loài.
Vì thế, khi con người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích và không ỷ lại thần quyền.
Luật nhân quả đã phần nào giúp con người có sự tin tưởng nơi chính mình. Khi đã biết cuộc đời của mình do nghiệp nhân của mình tạo ra và bản thân mình chính là người sáng tạo nên cuộc đời mình.
Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản không trách móc. Người hay chán nản trách móc là vì đã có thói quen ỷ lại ở kẻ khác. Nhưng khi đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi sự thất bại hay thành công sẽ lo tự sửa mình, không gieo nhân xấu để khỏi phải gặt quả xấu và tránh tạo giống ác.
Nhân quả cho chúng ta thấy rõ, con người làm chủ chính mình và không ai có quyền can thiệp vào sự thưởng hay phạt của chính bản thân mình. Luật nhân quả giúp ta tin tưởng ở kết quả của những hành động mà chúng ta gây ra. Áp dụng luật nhân quả vào cuộc sống sẽ giúp chúng ta trừ đi những bi quan, bất hạnh trong cuộc đời và đem lại cho chúng ta một đức tính can đảm và chịu đựng và mở rộng chân trời giải thoát giác ngộ cho chính mình.
T.H