Câu chuyện về hòn đá sang được sông
- Bây giờ nếu ta ném hòn đá này xuống sông, nó sẽ chìm hay nổi đây?
Các đệ tử đồng thanh trả lời:
- Thưa Đức Thế Tôn, hòn đá sẽ chìm ạ.
Đức Phật cho hay:
- Vậy là hòn đá này không có thiện duyên rồi.
Đệ tử của Ngài càng tò mò vì sao Đức Phật lại nhắc chuyện thiện duyên với một hòn đá vô tri bên sông. Lúc này Ngài tiếp lời:
- Vậy các con hãy cho ta biết vì sao khối đá tảng rộng ba thước vuông, đặt trên nước mà không bị chìm, không bị dính một giọt nước nào mà lại còn có thể đi qua sông?
- Chuyện này xem ra rất đơn giản. Tảng đá ấy có thiện duyên nên mới qua được sông mà không chìm. Thiện duyên của nó là gì? Chính là con đò ngang. Tảng đá được đặt trên con đò, nó qua sông dễ dàng, không bị chìm, cũng chẳng bị ướt.
Phải chăng đá kia chính là nhờ đã từng gieo nhân thiện mà gặp được quả lành? Vậy là thiện duyên có thể khiến những điều tưởng chừng không bao giờ xảy ra cũng có thể trở thành sự thật.
Làm thế nào để có thêm thiện duyên
Luôn ý thức về việc mở rộng thiện duyên
Mỗi ngày, tháng qua đi, ta gặp gỡ không biết bao nhiêu là người và đó chính là nhân duyên trong cuộc sống. Người ta chia ra 2 loại nhân duyên bao gồm: Thiện duyên và ác duyên.
Ta tạm hiểu rằng ác duyên là những mối quan hệ theo kiểu “oan gia”, gặp ta để cản trở, gây khó dễ, chuốc thêm thù hận. Còn thiện duyên thì chính là mang đến cho người ta sự tốt lành, may mắn, hỗ trợ.
Nói đến nhân duyên có người quan niệm rất sâu, có người quan niệm hời hợt. Nhưng Đức Phật khuyến khích chúng ta kết thiện duyên rộng rãi thì tương lai mới tốt đẹp.
Khi bạn trao đi thiện lương, có thể bạn sẽ không nhận được sự báo đáp ngay trước mắt, nhưng nhất định vào một thời điểm khi duyên lành hội đủ... bạn có thể gặp được quý nhân của mình, những lúc ấy có khi tiền bạc, châu báu hay của cải chất đầy cũng chẳng thể giúp được ta nhưng thiện duyên lại hoàn toàn có thể.
Do đó, cần ý thức về việc mở rộng thiện duyên vì khó khăn, tai họa luôn có khả năng ập đến với chúng ta bất cứ khi nào nhưng người đã kết thiện duyên rộng rãi thì thường được giúp đỡ, gặp họa hóa lành.
Lời Phật dạy về kết thiện duyên nhắc nhở chúng ta nên xem trọng các mối quan hệ diễn ra xung quanh mình. Nên lựa chọn cho mình một người thầy tốt, một người sếp tốt, đồng nghiệp tốt, bạn bè tốt,... đấy cũng chính là thiện duyên rồi.
Thiện duyên của một người không phải truy cầu rồi mà có, hoặc ngồi im đợi là đến. Nó là một mối quan hệ qua lại. Bạn cho đi tấm lòng thiện lương thì sẽ kết được những mối thiện duyên không ngờ nhất.
Không nên nóng vội trong mọi tình huống nhất là khi muốn hóa giải ác duyên theo lời Phật để vợ chồng hạnh phúc bạn phải hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề
Cách có thêm thiện duyên
1. Chớ nên tuyệt tình
Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa. Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn. Tình cảm trong đời, có thể sâu, cũng có thể cạn. Đừng mong cầu mọi người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.
Thông thường, khi người ta nói mình, chửi mình một câu thì phải nói lại, chửi lại hai, ba câu mới là giỏi. Thật ra, chỉ có người yếu đuối mới làm như vậy. Còn người nhịn được, không nói, không chửi lại, đó mới là người có bản lĩnh.
Sẽ có không ít người vì ác duyên trước kia mà nay làm điều sai quấy với ta nhưng đáp lại điều đó ta vẫn nên thể hiện sự an nhiên, cũng chớ nên tuyệt tình. Người với người gặp nhau cũng là cái duyên, đừng vì một sự cố mà trở nên tuyệt tình hay thậm chí là dồn họ tới đường cùng.
Đôi khi không cần trắng đen quá rõ ràng vì điều này thường gây ra tổn thương cho người khác. Có một số người, giận hờn vài ngày đã quên hết sạch trơn. Có những nỗi đau mới đó mà đã tan biến. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.
Bởi kết oán thù thì dễ mà vun xới tình tương giao mới khó biết bao. Ai cũng có điểm mà ta không ưng ý, không vừa lòng, vì thế, chuyện gì cũng cần biết cảm thông, bỏ qua, đừng nên cố chấp trong lòng làm gì, có như vậy mới dễ kết thiện duyên, có cơ hội xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
2. Chính bạn cũng mang tới thiện duyên cho người khác
Thiện lương dẫu không thể mang lại bất cứ hồi báo vật chất nào, cũng không thể khiến bạn sau một đêm trở thành vĩ nhân, nhưng lại có thể đem đến cho bất cứ ai một cảm giác bình yên và thanh thản trong lòng.
Thiện lương là đỉnh cao của trí tuệ vì đó không phải là việc cứ muốn là có thể làm được, nhất là khi ta gặp ác duyên, gặp những kẻ gieo cho ta buồn bực, khổ đau. Nếu không có trí tuệ soi sáng ta sẽ lầm đường lạc lối vì trong tâm sẽ toàn là hận thù, muốn báo oán, cứ thế ác duyên cứ lặp đi lặp lại hết đời này sang đời khác.
Do đó, giữa người với người thêm một chút cảm thông, thêm một phần thấu hiểu thì tự khắc tâm rộng rãi, lòng bao la, trời đất cũng ứng theo mà giao hòa, cuộc sống cũng nhẹ nhàng, thanh đạm, an yên.
3. Biết trân trọng nhân duyên
Khi tìm được nhân duyên tốt, nhất định phải giữ lấy họ bên mình, trân trọng từng người đã xuất hiện trong cuộc đời của ta. Ngược lại nếu duyên ác thì ta cũng cần biết tìm cách hóa giải chứ chớ nên xem thường.
Khi ở cùng người khác cho dù chỉ là trong một khoảng thời gian bằng “cái chớp mắt” cũng phải đem tấm lòng lương thiện truyền cho đối phương. Đây chính là cách quý trọng duyên tốt nhất.
Lời Phật dạy về kết thiện duyên trên đây giúp ta ý thức được rằng trong hành trình của cuộc đời, chúng ta gặp rất nhiều người khác nhau rồi cuối cùng họ trở thành “khách qua đường”, cũng có người trở thành người quen biết, bạn thân, thậm chí là người yêu...
Đời người có quá nhiều điều không thể biết, chỉ một ý niệm trong đầu, một lần quyết định sẽ có thể nắm được hoặc bỏ qua một lần nhân duyên.
Tiếp nhận một ai, một điều gì đều là vì duyên, mà bỏ qua cũng là vì duyên. Hết thảy đều là do duyên đã định trước, trong sinh mệnh là như vậy và trong cuộc sống cũng là như thế, nhưng dù sao cũng phải trân trọng, đối xử tốt với họ, biết đâu có ngày họ trở thành quý nhân của ta không chừng.