Nếu đang muộn phiền đọc ngay 7 lời Phật dạy để lại vui vẻ, tràn đầy nhiệt huyết

Thứ Năm, 22/07/2021 10:03 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy lắng nghe lời Phật dạy khi buồn để thấy vấn đề của mình là quá nhỏ bé, chẳng đáng gì, từ đó lấy lại tinh thần để sống vui vẻ, chan hòa trở lại.
 

Dù bạn cố động viên bản thân phải sống lạc quan, tích cực nhưng không phải khi nào bạn cũng giữ được tinh thần ấy, có những lúc bạn cảm thấy buồn, dù là nỗi buồn thoảng qua đi chăng nữa. Mỗi lần như thế, hãy nhìn xung quanh để thấy rằng vẫn còn nhiều người khổ hơn mình mà họ vẫn vượt qua được để lấy động lực. 
 
Dưới đây là 7 lời Phật dạy khi buồn để bạn sớm tỉnh thức, tìm lại sự cân bằng để trong lòng cảm thấy yên an hơn:
 

1. Nhân từ với tất thảy mọi người

 
Dù nỗi buồn đang xâm lấn trong lòng mình nhưng cũng đừng vì thế mà xem đó là cái cớ để đi trút giận lên người khác. Hãy đối tốt với mọi người xung quanh mình, bạn sẽ cảm thấy lòng thanh thản, an hòa hơn.

Tình yêu thương theo lời Phật dạy không chỉ giới hạn ở tình yêu trai gái mà còn là tình yêu với tất cả nhân loại. Sự rung cảm với bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào đó cũng mang lại cho bạn sức mạnh. Ví dụ như bạn đang buồn nhưng vô tình gặp một người ăn xin bên đường thì bạn vừa thấy tội nghiệp họ vừa cảm thấy ta đang may mắn đến nhường nào khi có được cuộc sống như hiện tại.

Sống trên cuộc đời này, đừng chỉ biết mỗi mình mình, hãy động lòng trắc ẩn với mọi người vì ai cũng có nỗi buồn đau riêng, kẻ giàu cũng có nỗi khổ người giàu và người nghèo cũng vậy.
 
Do đó, hãy trải tâm yêu thương với tất thảy chúng sinh, khi đó nỗi buồn khổ đang ngự trị bên trong bạn cũng sẽ sớm vơi đi ít nhiều.
 
 

2. Tức giận chỉ làm đau chính mình


Cuộc sống luôn xảy ra những điều bất như ý, lúc đó ta không chỉ buồn mà còn có xu hướng nổi nóng, cáu bẳn. Thế nhưng, hãy sớm nhận ra rằng tức giận chỉ khiến bạn rước họa vào thân, không kiềm chế được cơn giận trong lòng càng có nguy cơ thiêu rụi hết những gì bản thân từng xây dựng.
 
Thường khi ta nóng giận ta sẽ cáu gắt với mọi người, nói ra những lời không hay, bạn đã không biết rằng điều đó lại làm hại chính bản thân mình. Lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận đã chỉ ra rằng dù bạn có tốt hay cố gắng hành thiện nhiều tới đâu nhưng khi nổi nóng đã làm tiêu hao rất nhiều phước báu của chính mình.

3. Thay thế đố kị bằng ngưỡng mộ

 
Buồn phiền vì ai đó giàu có, thành công, có cuộc sống hạnh phúc hơn ta cũng chẳng thể khiến ta có được tiền bạc, lợi danh hay gia đình hạnh phúc. Thậm chí có những người còn đi nói xấu, gây chuyện để "dìm" người ta xuống cho bằng mình nhưng kết quả là họ càng sầu muộn thêm vì lòng đố kị sinh đau khổ.

Trong cuộc sống này nên biết vui với niềm vui của người khác, buồn với nỗi buồn của người khác. Do đó, chi bằng hãy chúc mừng cho sự thành công, giàu có hay hạnh phúc của họ. Hãy thể hiện sự ngưỡng mộ và xem họ là tấm gương để bản thân có thể noi theo. Tinh lực của con người là có giới hạn, thay vì ghen tỵ với người khác, hãy dùng chút tinh lực hữu hạn của mình tập trung làm những điều bản thân mong muốn.

4. Sự thanh tịnh nằm ở trong tâm

 
Nghe lời Phật dạy khi buồn để biết rằng nỗi buồn của ta chủ yếu xuất phát từ việc đã để người ngoài quyết định hạnh phúc của mình. Thậm chí, là lỗi của mình bạn cũng thích đổ tại trời nắng, trời mưa, tại người khác. Nếu còn tiếp tục thói quen như thế bạn chẳng thể nào có được tâm an.

Sự thanh tịnh ở ngay trong tâm bạn chứ không phải nơi nào khác. Nếu bạn biết cách cân bằng nó, loại bỏ hết những tiêu cực mà người đời đang cố gắn vào bạn thì chẳng có ai gây hại được bạn cả.

Chỉ khi tâm bình an bạn mới không bị cuốn theo những tham sân si, ganh đua, ghen ghét… của người đời, lúc đó lòng bạn sẽ thanh thản và an yên đến lạ.
 

5. Suy nghĩ sẽ định hình con người bạn

 

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, suy nghĩ trong từng giây, từng phút cũng đã tạo nghiệp, do đó hãy cẩn thận với suy nghĩ của chính mình đang diễn ra trong tâm, đừng lơ là, bỏ quên chúng.

Một khi bạn tin vào điều gì bạn nhất định sẽ làm được, nhưng ngược lại bạn chê trách bản thân, suy nghĩ tiêu cực về những gì mình làm thì cuộc sống cũng chẳng thể khá lên.

Hãy học cách suy nghĩ tích cực về cuộc sống, về mọi người xung quanh thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi! Ví dụ ai đó vừa hại ta thì tin rằng đó là vì họ đã đến để dạy cho ta một bài học, điều quan trọng là ta cần rút ra bài học gì cho mình để rút kinh nghiệm trong tương lai. 
 

6. Biết mình là sự giác ngộ

 
 
Người ta cứ tưởng bản thân mình hiểu mình rõ nhất, thực ra là hoàn toàn trái lại, có một nghịch lý ta không nhận ra khuyết điểm chính mình nên chuyện người thì tỏ tường, chuyện mình thì không hay biết gì.

Ta cứ mãi giữ suy nghĩ chủ quan ấy nên bản thân như đang lạc vào mê cung của buồn khổ mà không tìm ra lối thoát. 
 
Vì thế, thay vì cố gắng chạy theo vật chất, hư vinh ở bên ngoài thì cũng cần nhiều thời gian hơn để soi vào tâm mình, quan sát suy nghĩ và hành động của mình để điều chỉnh chúng cho phù hợp. 

Ta cần hiểu mình để tìm ra được gốc rễ của những phiền não khổ đau để mà chuyển hóa, để biết đâu là khuyết điểm của mình để thay đổi, và cả những điều tưởng chừng ta tốt nhưng thực ra không phải vậy.

Và khi hiểu được mình rồi thì ta hiểu người, hiểu đời rất rõ vì theo lời Phật dạy chúng ta cũng là một thể thống nhất, không có nhiều khác biệt.
 

7. Sống tùy duyên

 
Ta cũng chỉ là một thứ nhỏ bé tồn tại cùng vạn vật trên thế giới này nên ta chẳng thể điều khiển mọi thứ theo ý mình, vì thế đừng cố gắng kiểm soát mà nên biết tùy duyên, thích nghi với hoàn cảnh.

Có những thứ dù ta đã cố hết mình, bỏ nhiều công sức, thời gian, tiền bạc nhưng cũng không thành thì cũng nên nhẹ nhàng buông bỏ. Cái ta có thể tự hào ở đây là bản thân đã từng sống hết mình.
 
Trong lịch sử Trung Hoa ghi nhận Tào Tháo, một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, sống cách đây gần 2000 năm có một câu tâm đắc thế này: “Thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh”.

Đúng là trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông cũng từng bại trận rất nhiều, có lúc chỉ còn vài binh tốt, thất thểu, khổ cực không sao kể xiết. Thế nhưng ông lại chọn sống tùy duyên, không oán giận cố chấp, vì thế ông có thể vực lại tinh thần rất nhanh, hoàn toàn không day dứt, oán trách, chỉ nhìn về phía trước, nỗ lực không ngừng, bù đắp cho thất bại bằng ý chí của bậc quân tử không nản lòng.
 
Cuối cùng, thời Tam Quốc, thiên hạ chia ba, Tào Tháo đã chiếm hai phần, hoàn thành bá nghiệp, cuối đời làm đến vương công, vô cùng hiển hách.