Thứ Ba, 09/02/2016 19:03 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lễ chùa đầu xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt, không chỉ mang tính chất tâm linh mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn cùng đạo đức cao cả. Đáng tiếc, ngày nay nhiều người hiểu không đúng, không đủ về phong tục này, khiến nét đẹp dần bị mai một.
Đạo Phật du nhập vào nước ta từ những năm đầu công nguyên và nhanh chóng “hội nhập” với tín ngưỡng bản địa, đi sâu vào đời sống của quần chúng nhân dân. Với lịch sử lâu đời cùng những học thuyết phù hợp với tâm lý của người Việt, Phật giáo nhanh chóng có chỗ đứng đặc biệt trong đời sống tâm linh.
Chính vì vậy, lễ chùa đầu xuân đã trở thành một phong tục cổ truyền, được người Việt coi trọng và gìn giữ qua nhiều thăng trầm, biến cố của thời đại.Xuất phát từ mong muốn đầu năm đi lễ cầu cho một năm gia đình bình an, bản thân khỏe mạnh và gặt hái được nhiều thành công.
Phong tục này không chỉ là điểm tựa về tâm linh mà còn là chỗ dựa về đạo đức, tinh thần của người Việt. Đầu năm đi lễ chùa, cả năm thanh tịnh, sống tốt hơn, thiện hơn và lành hơn. Ông bà, cha mẹ cùng con cháu đi lễ chùa như một sự trao truyền văn hóa, trao truyền sự tĩnh tại và biết ơn trong đời sống.
Nhưng ngày nay, những giá trị khởi nguyên tốt đẹp đó đã dần bị mai một, bóp méo, hiến tướng, gây ra không ít suy nghĩ sai lệch về việc đi chùa năm mới. Những cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau để vào lễ bái, tranh giành lộc diễn ra thường xuyên ở các chùa thực sự trở thành vấn nạn.
Infographic: Đón may trong Xuân mới cho 12 con giáp(Lichngaytot.com) Chỉ còn vài ngày nữa mùa xuân năm mới sẽ tới từng căn nhà của
12 con giáp. Lichngaytot cũng mong mỏi ai ai cũng vạn sự như ý tỉ sự như mơ
Nhiều người đi lễ mâm cao cỗ đầy, hết chùa này đến phủ nọ để cầu danh, cầu tài, cầu làm ăn phát đạt, cầu thăng chức, cầu trúng số… Điều này không sai, xuất phát từ nhu cầu chính đáng nhưng lại không đúng với tinh thần của nhà Phật và những chốn linh thiêng.
Hãy luôn nhớ rằng, Phật tại tâm, nhà Phật theo triết lý nhân quả luân hồi, sống thiện thì nhận được điều tốt, sống ác thì phải chịu quả báo. Nếu bản thân đi lễ mà tâm không tịnh, lòng không an, chỉ chăm chăm tranh giành và chèn ép nhau thì Phật nào chứng cho?
Phật dạy chúng sinh bình đẳng, không vì người này lộc hậu mà chứng cho, người kia lễ ít mà bỏ qua. Vì thế, cầu lễ nhiều, sắm lễ cao mà bản thân sống lỗi, sống ác, không có lòng thành tâm thiện đức thì cầu cũng như không, thậm chí còn phải chịu tội nghiệt nặng nề hơn.
Đi chùa ngoài cầu an, cầu may còn là nơi để tu tâm dưỡng tính, thấu hiểu Phật pháp và tinh thần Phật pháp. Đến đình, đền, miếu mạo ngoài xin công xin danh còn là nơi thể hiện sự trân trọng, biết ơn và học hỏi những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu đến chùa mà vẫn xô bồ, đến đình miếu mà không biết bên trong thờ ai thì hẳn nhiên đi cũng vô dụng.
Một người hiểu sai kéo theo nhiều người hiểu sai, ông bà cha mẹ hiểu sai thì ắt con cháu cũng không thể hiểu đúng. Vì thế, đây không chỉ còn là
chuyện tâm linh tín ngưỡng, mà còn ảnh hưởng tới cả văn hóa truyền thống cùng những giá trị đạo đức của xã hội.
Hiểu đúng để làm đúng, xuân này, hãy đi chùa theo đúng những giá trị khởi thủy tốt đẹp và lành mạnh của nó.
Trình Trình
Xem Clip Hướng dẫn cúng Tất niên đúng chuẩn