LỄ CẦU AN ĐẦU NĂM: Hiểu đúng để bản thân và gia đình bình an, may mắn cả năm

Thứ Tư, 20/02/2019 09:27 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lễ cầu an đầu năm, nghi thức được nhiều người quan tâm, thậm chí tham gia nhưng chưa thực sự hiểu về ý nghĩa cũng như lợi ích thiết thực của nó.
 
 

1. Ý nghĩa của lễ cầu an đầu năm là gì?

 
Theo quan niệm tâm linh Phật giáo, lễ cầu an đầu năm được tổ chức nhằm mục đích để bản thân và gia quyến thành tâm sám hối tội lỗi, tiêu trừ nghiệp chướng, bỏ ác làm lành và thực hiện những thiện sự như phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo…
 
Đồng thời, cầu an là để phát nguyện hồi hướng công đức của những thiện sự, Phật sư đó để cho mình và gia đình được bình an, tai qua nạn khỏi, tăng khả năng tiêu tai, giảm tội, tăng phúc, bình an, thân tâm được an lạc. 
 
Xét ở phạm vi rộng hơn – toàn dân tộc – đại lễ cầu an mang ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn. 
 
Không chỉ mang ý nghĩa tiêu trừ, giải nghiệp như đã nói ở trên, những việc làm tốt đẹp trong lễ cầu an sẽ tạo nghiệp thiện, vì thế mà mọi người được chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho mình và người thân được sống lâu thêm, sắc thân tươi đẹp hơn; được hưởng nhiều phước lành từ ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Phật. 
 
Tất cả những điều đó đều nằm trong triết lý nhân quả của đạo Phật và bám rễ sâu vào tư tưởng, suy nghĩ, lối sống của dân ta từ bao đời.

 

2. Lợi ích thiết thực của lễ cầu an đầu năm là gì?

 
Khi tham gia lễ cầu an với tâm thành kính, mọi người sẽ được sống trong những giây phút chính niệm, quán tưởng và làm theo những lời răn dạy của đức Phật. 
 
Mọi  người đều biết nói lời ái ngữ, làm việc thiện lành, giàu lòng nhân ái giúp mọi người thì cuộc sống sẽ được phúc, được an lành ở những giây phút hiện tại.
 
Từ đó, nghi lễ cầu an đầu năm giúp mọi người hiểu và thực hiện một cách rất tự nhiên về đạo lý nhân quả, nghiệp báo. Từ đó, tránh suy nghĩ và hành động những điều xấu, ác để một năm mới gặp được những quả ngọt, điều lành.
 

3. Theo đạo Phật, không có “Sao xấu”

 
Mọi người đầu năm đi lễ chùa lễ Phật, cúng sao hạn, tiến hành dâng sao giải hạn, giải oan kết từ nhiều đời trước, mong được bình an cả năm.
 
Tuy nhiên, nên xem xét xem việc nào đúng với chánh pháp, thực sự đem lại cho chúng ta bình an, chúng ta cần suy nghĩ cho kỹ.
 
Nếu cứ nghĩ năm nay mình sao Thái Bạch, sao La Hầu, sao Kế Đô… là những sao xấu chiếu, tâm bất an nên trí tuệ không phát huy được. Đi lễ cầu an dịp đầu năm chính là giúp mọi người hiểu được vấn đề này theo giáo lý nhà Phật.
 

4. Làm thế nào để nghi thức cầu an đầu năm phát huy hiệu quả?

 
Để buổi lễ cầu an có sức gia trì cần có tinh thần:
 
Tán Phật
Tán Pháp
Tụng Bát nhã
Sám hối
Phát nguyện
Hồi hướng công đức

 
 
- Tán Phật: Bất kỳ buổi lễ nào đại chúng cũng đều tán thán công hạnh của đức Phật đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, rồi đảnh lễ tam bảo với tâm chí thành.
 
- Tán Pháp: Là tán thán pháp màu vi diệu của Phật, ai có duyên lành sẽ gặp. Nguyện tu tập, gìn giữ chánh pháp, tiến tới giải thoát. Tán Pháp bằng tâm chí thành, hiểu được chư Phật là mong chúng sinh giác ngộ, giải thoát. 
 
- Tụng Bát Nhã tâm kinh:
 
Bát nhã tâm kinh là lời cảnh tỉnh cho ta thấy được giá trị pháp Phật, giúp được bình an, hạnh phúc trọn vẹn. 
 
- Sám hối
 
Ở đây, “Sám” là ăn năn những lỗi lầm đã tạo, “Hối” là hổ thẹn, phát nguyện dứt trừ những tội lỗi đó, không tái phạm nữa. Sám hối, giúp người là phương pháp giải hạn bằng cách áp dụng luật nhân quả.
 
Tinh thần sám hối đầu năm là yếu tố cơ bản để có được bình an. Bởi cả năm ai cũng có nhiều lỗi lầm, đó là điều khó tránh.
 
Lễ cầu an đầu năm phải chí tâm chí thành sám hối thì tội nghiệp từ thân miệng ý từ bao đời của mình cũng được tiêu trừ.
 
- Phát nguyện
 
Những lời nguyện giúp chúng ta có được năng lực kiểm soát và làm chủ chính mình. 
 
Có câu “1 đống lửa sân hận có thể đốt cả rừng công đức”, cần phát nguyện để bình tĩnh, tỉnh táo, không “cả giận mất khôn”.
 
Đầu năm đi lễ cầu ăn hãy chí thành phát nguyện suốt năm nay không để sân hận nổi lên, phát huy tâm từ bi, cởi mở với những điều bất như ý khi nó xảy đến. 
 
- Hồi hướng công đức
 
Xét về ý nghĩa, “hồi” là quay về tâm hướng thiện, phát huy điều lành, còn “hướng” cho mọi người đều làm việc thiện, nguyện cho chúng sinh và bản thân đều làm việc tốt đẹp.
 
- Tâm thành
 
Nghi lễ cầu an dịp đầu năm cần nhất ở tinh thần linh thiêng và thành kính. Đó không đơn giản chỉ là cúng dường chư Phật… mà nhiều người lầm tưởng giao cả để sư thầy cúng bái làm hết là xong. 
 
Vì thế, để buổi lễ có sức gia trì của Tam Bảo, Long Thiên Hộ Pháp, giúp thành tựu tâm nguyện lễ cầu an dịp đầu năm, mọi người cần soi lại tâm của mình để làm sao năm mới tâm từ bi hỷ xả phát huy, làm nhiều điều tốt đẹp giúp người, giúp đời.
 
 
T.H