Lăng mộ Võ tắc Thiên - bức màn bí ẩn khó lý giải

Thứ Năm, 14/05/2015 16:20 (GMT+07)

Võ Tắc Thiên là nữ Hoàng Đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, bà nổi tiếng không chỉ bởi tài năng, sự độc ác mà còn nổi tiếng về tình sử có một không hai. Bọn trộm mộ thường dòm ngó đào bới hôi của; triều đại mới nổi lên, trả thù triệt “long mạch” của triều đại cũ; các nhà khảo cổ khai quật để nghiên cứu,… Thế nhưng lăng mộ của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên thì không ai đào không nổi.

 
Lần đầu tiên, lăng mộ Võ Tắc Thiên bị đào bằng cuốc xẻng là do Hoàng Sào, lãnh tụ đại quân tạo phản thời Đường mạt chỉ huy. Ông ta huy động tới hơn 40 vạn binh sĩ, đào bới mé tây đồi Lương Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng đào bới đã vạc hẳn một nửa quả đồi, từ đó để lại một “hố Hoàng Sào” sâu tới 40m.
 
Thế nhưng cung điện ngầm Càn Lăng dường như không có cửa vào. Về sau, quân đội vương triều Đường tập trung binh lực tổng phản công Tràng An. Hoàng Sào buộc phải bỏ dở công trình cướp mộ, bỏ chạy.
 
Kẻ thứ hai sờ vào Càn Lăng với mưu đồ hôi của là Ôn Thao, tiết độ sứ tại Diệu Châu thời Ngũ Đại. Thời Ngũ Đại kéo dài từ năm 907 đến năm 960. Trước khi đào Càn Lăng, Ôn Thao đã đào trộm 17 ngôi hoàng lăng nhà Đường, chỉ chừa lại có Càn Lăng. Nhưng ý đồ đào Càn Lăng của hắn cũng hoàn toàn phá sản.
 
Giống như Hoàng Sào, hắn cũng huy động đến mấy vạn người ngang nhiên đào bới giữa thanh thiên bạch nhật. Không ngờ trước sau ba lần, cứ lên tới đồi định “động thổ” thì lập tức trời nổi giông bão, sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước. Nhưng khi binh mã của hắn rút về thì trời lại quang, mây lại tạnh. Ôn Thao lấy làm lạ, chẳng hiểu thần linh báo ứng thế nào, sợ quá liền bỏ hẳn ý định đào mộ. Nhờ vậy mà Càn Lăng thoát được kiếp nạn lần thứ hai.
 
Nhưng nguy hiểm nhất là lần thứ ba. Lần này, một sư đoàn quân đội hiện đại, dùng bộc phá, thần công đại bác để phá Càn Lăng. Kẻ chủ mưu là tướng quân đội Quốc Dân đảng thời Trung Hoa Dân quốc tên là Tôn Liên Trọng. Hắn ngụy trang chuyện trộm cướp này bằng một cuộc diễn tập quân sự, dùng bộc phá cực mạnh phá bung, để lộ ra đường hầm mộ bằng đá dựng.
 
Cả bọn chuẩn bị chui vào thì đột nhiên tỏa ra một luồng khói đặc mù mịt cuồn cuộn bốc lên cao, tạo thành một cột vòi rồng lốc xoáy, tối đất đen trời, lăn đá cuốn cát. Bảy tên lính người gốc Sơn Tây hoảng loạn bỏ chạy, đập đầu vào tảng đá, gốc cây, hộc máu miệng chết tốt. Những kẻ còn lại sợ hãi, không còn dám tiến lên. Một tên hét lên kích động, lập tức cả ngàn tên quay đầu, co giò chạy thục mạng. Nhân đó bọn lính cũng đào ngũ gần hết. Nhờ vậy mà Càn Lăng lần thứ ba thoát nạn.
 
Cho tới nay, diện mạo Càn Lăng vẫn còn nguyên vẹn. Người ta không khỏi đặt câu hỏi: Mậu Lăng của Hán Vũ đế bị vét sạch bách, Chiêu Lăng của Đường Thái tông cũng bị càn quét như chùi, Khang Hy đại đế ngay cả xương cốt nhặt gom lại xếp không đầy một cái quách nhỏ. Vậy mà với Càn Lăng, huy động cả hàng chục vạn người đào khoét vẫn còn nguyên vẹn là vì sao ? 
 
Tháng 7/1971, Mỹ phóng thành công phi thuyền Apollo. Khi bay vào quỹ đạo Mặt Trăng, các phi hành gia bất ngờ phát hiện ở 40° vĩ Bắc, 107°11 kinh Đông thuộc phía Nam Vạn Lý Trường Thành có 9 điểm đen xếp thành hàng ngang, trong đó điểm đen ở mé cực Tây là rõ nhất.
 
Các phi hành gia cho rằng đó là địa điểm thiết lập vũ khí bí mật kiểu mới nên lập tức chụp ảnh và báo về Lầu Năm Góc. Năm 1981, một phi hành gia Mỹ đến Trung Quốc du lịch đã tìm đến 9 điểm đen trên ở Vị Bắc. Thì ra đấy chẳng phải là vũ khí bí mật gì mà là một hệ thống lăng mộ đế vương thời Hán Đường với hơn 20 tòa, điểm sáng nhất ở mé cực Tây chính là Càn Lăng.
 
Theo các nhà khảo cổ Trung Quốc, Càn Lăng không chỉ là một kho tàng hấp dẫn, cất giấu nhiều báu vật cổ mà nó còn ẩn chứa một bức màn thần bí khó lý giải.