Chúng ta đã từng gặp Phật chưa? Làm sao để gặp được Phật?

Thứ Năm, 26/11/2020 11:18 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Phải chăng khi chết đi rồi, vãng sinh Tây phương cực lạc mới có thể được gặp Đức Phật cao quý? Nếu không, vậy làm sao để gặp được Phật?

1. Làm sao để gặp được Phật


Phải chăng khi chết đi rồi, vãng sinh Tây phương cực lạc mới có thể được gặp Đức Phật hoặc có chăng tất cả chúng ta đều có thể gặp Ngài, ngay trên thế gian này, trong cõi đời này, bất kể là người Phật tử hay không, có xuất gia hay không? Có vẻ như ai cũng thắc mắc điều này. 
 
Qua hình tướng tìm Phật
Qua âm thanh tìm Phật
Làm vậy là sai đường
Làm sao gặp được Phật?
 

- Tìm Đức Phật nơi đâu?


Nói về cuộc đời Đức Phật, ai cũng biết rằng Đức Phật Thích Ca được đản sinh ở  vườn Lâm Tỳ Ni, được gọi là Thái Tử Tất Đạt Đa, con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ, thuộc nước Ấn Độ bây giờ.

Phải chăng để tìm được Phật, ta phải đi thật xa, cần phải qua Ấn Độ hay vào chùa mới gặp? Thực ra, Phật luôn luôn ở trong cuộc đời, ngay trên thế gian này, hiện hữu khắp nơi, nhưng chúng ta không thấy, vì chúng ta chỉ nhìn đời bằng đôi mắt thịt, mà quên xử dụng con mắt trí tuệ, để quan sát những gì tiềm ẩn bên trong, hoặc ý nghĩa của những việc làm.

Nơi các tôn tượng chư Phật, con mắt trí tuệ được tượng trưng bởi viên ngọc qúy ở giữa chặn mày, luôn luôn chiếu sáng, mang ý nghĩa: tuệ đăng thường chiếu, tức là ngọn đèn trí tuệ thường chiếu sáng, còn đôi mắt thịt, luôn luôn khép lại, không duyên theo cảnh trần.

Tuệ đăng thường chiếu nghĩa là con người sống luôn luôn tỉnh thức, không bị mê mờ, không bị dục lạc thế gian lôi cuốn, sống trong thế gian, nhưng không phiền lụy, cũng chẳng khổ đau.

Chúng ta có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất cả mọi loài chúng sinh. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian và thời gian, không hạn hẹp trong trăm năm của một kiếp con người.

 

- Nhìn đời bằng cặp mắt thịt

 
Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp xúc giao thiệp với mọi người xung quanh, chúng ta thường nhìn người đời bằng cặp mắt thịt, trong kinh sách gọi là nhục nhãn. Vì thế, ta chỉ nhìn thấy được hình tướng bên ngoài của con người, phân biệt nam nữ, cao thấp, đẹp xấu, già trẻ, lớn bé, giàu nghèo, mập ốm.

Chính vì con người có cái nhìn phân biệt như vậy, cho nên cảm thấy phiền não và khổ đau nhiều hơn là an lạc và hạnh phúc. Tại sao vậy?
 
Bởi vì, khi có cái nhìn phân biệt như vậy, con người chỉ thấy xung quanh toàn là chúng sinh, cho nên khởi tâm thương ghét, làm cho cuộc sống đảo điên, tâm trí bất an.

Chẳng hạn như khi gặp người nào đẹp đẽ, hợp nhãn, hay gặp vật gì qúy giá, hiếm hoi, thì sinh lòng tham lam, ưa thích ngắm nhìn, muốn chiếm hữu làm của riêng. Toại nguyện thì hả hê, thích thú, bằng không được như ý, thì sinh tâm oán thù, ghét bỏ, bực dọc, tức tối.

Chẳng hạn như gặp người nghèo hèn, ít học, thì sinh tâm khinh khi, kỳ thị, rẻ rúng, còn gặp người giàu sang, học thức, thì thèm muốn, ước mơ, nịnh bợ.

Chẳng hạn như gặp người mập ú thì cười, gặp người gầy yếu thì chê...

Con người thường có ước mơ muốn được bình yên, nhưng tâm trí cứ chạy theo cảnh trần đời như vậy, lăng xăng lộn xộn cả ngày, suốt tháng, quanh năm, làm sao cuộc sống bình yên, an vui cho được?

Ly nhất thiết thướng, thị danh thực tướng
Kinh Kim Cang
 
Lời Phật dạy có nghĩa là: Khi nào lìa bỏ được tất cả các hình tướng bên ngoài, không chấp vào nhân dáng thế này thế khác, chúng ta mới có thể nhận ra thực tướng của tất cả mọi người.


- Thực tướng đó là gì?


Thực tướng đó chính là con người chân thật của tất cả mọi người trên thế gian này. Con người chân thật đó đồng nhất, không khác, không phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn bé, màu da, sắc tộc, quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, giai cấp, xuất xứ, kiến thức, học lực, bằng cấp.
 
Mọi người đều có thực tướng đồng như nhau, chỉ vì mê ngộ không đồng, nghiệp chướng khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài có khác.
 
Chẳng hạn như:

Người tham gian thì cặp mắt láo liên, đảo điên, đảo qua, đảo lại.
Người sân hận thì cặp mắt trợn trừng, tóe lửa, dữ dằn.
Người si mê thì cặp mắt lờ đờ, khờ khạo.
 
Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có, cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, cầu an cầu siêu, cầu được bình an, cầu sang cực lạc, cầu đủ thứ chuyện, cầu cho sung sướng, biểu diễn hình tướng, không còn gì khác! Không phải như vậy!
 
Tu theo đạo Phật là phải thúc liễm thân tâm, là phải tìm ra con người chân thật, hay giác ngộ thực tướng của chính mình.

Thực tướng đó bất sinh bất diệt. Ngộ được thực tướng thì thoát ly sinh tử luân hồi, theo đúng lời dạy của tam thế thập phương chư Phật.

Còn con người bằng xương bằng thịt, trong kinh sách gọi là tấm thân tứ đại, chỉ tồn tại hơn kém trăm năm là nhiều!
 
Khi nhìn 2 người khởi đầu tính tình giống nhau, hòa đồng, nhã nhặn, vui vẻ, lịch sự, không khác. Nhưng khi có biến cố xảy đến, người biết tu tâm dưỡng tính, giữ gìn được sự bình tĩnh thản nhiên, không khởi tâm tham lam, không khởi tâm sân hận, không khởi tâm si mê.


- Người chính là Phật?


Nếu người nào hoàn toàn giữ gìn được bản tâm thanh tịnh, trong mọi hoàn cảnh trên thế gian, trước những bát phong của cuộc đời, dù được hay mất, dù khen hay chê, dù vinh hay nhục, dù sướng hay khổ, tâm tánh vẫn luôn luôn bình tĩnh thản nhiên, luôn luôn mỉm nụ cười an nhiên tự tại, người đó chính là một vị Phật.
 
Một vị Phật không phải từ trên trời giáng xuống, không phải từ lòng đất chui lên.

Một vị Phật tùng địa dũng xuất, như trong Kinh Pháp Hoa dạy, nghĩa là từ nơi tâm địa của mỗi con người chuyển hóa mà thành, chuyển hóa từ xấu xa thành tốt đẹp, chuyển hóa từ tâm tham sân si ô nhiểm, trở về bản tâm vốn thanh tịnh.

Một vị Phật thành đạo từ nơi con người biết tu tâm dưỡng tính, đi đúng Chánh Đạo, hành đúng Chánh Pháp. Người nào chưa đạt được hoàn toàn như vậy, chính là những người đang trên bước đường tu tập, công phu được bao nhiêu, người đó được an lạc và hạnh phúc bấy nhiêu. Chứ không phải van xin cầu nguyện mà đặng đâu!
 
 

2. Mọi chúng sinh đều có tính giác

 
Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật Tánh. Nghĩa là: Tất cả mọi chúng sinh đều có tánh giác.
Kinh Hhoa Nghiêm
 
Tất cả mọi người đều có tính giác, sáng suốt đồng nhau, không khác, trong kinh sách gọi là Chân Tâm hay Phật Tính, nhưng chỉ vì nghiệp lực khác nhau, tâm tham sân si khác nhau, cho nên bị phiền não khổ đau cũng khác nhau, hình tướng bên ngoài cũng khác nhau.
 
Chẳng hạn như mặt trăng lúc nào cũng sáng tỏ, không khác, nhưng đêm nào có nhiều mây đen, chúng ta trông thấy mặt trăng mờ nhạt nhiều hơn.

Chẳng hạn như mặt biển lúc sóng yên gió lặng, thanh bình, rộng rãi, bao la, trông xa, thấy rộng, mênh mông, bát ngát, nhưng lúc cuồng phong nổi lên, sóng to gió lớn, bầu trời đen kịt, không còn trông thấy được gì cả.

Mặt trăng sáng tỏ, mặt biển thanh bình, tượng trưng cho bản tâm thanh tịnh của tất cả mọi người. Đó cũng chính là con người chân thật hay Chân Tâm Phật Tính của tất cả mọi người.

Mây đen hay sóng to gió lớn, tượng trưng cho những phiền não khổ đau, che lấp từng phần, hay che khuất hoàn toàn, tâm trí con người không còn sáng suốt trọn vẹn nữa.
 
Như vậy, câu hỏi làm sao gặp được Phật hay tìm phật ở đâu, thật là quá dễ, ai cũng có thể trả lời được.

Trước hết, Phật có nghĩa là Đức Phật Thích Ca, vị Phật có thực trong lịch sử, sinh ra ở Ấn Độ, tu hành và thành đạo, cách đây hơn 2500 năm, ngay trên thế gian này, ở ngay cõi ta bà này, không phải cõi nào khác, không phải tây phương cực lạc. Đó là câu trả lời gần nhất, đơn giản nhất, rõ ràng nhất.
 
Tuy nhiên, trong kinh sách có câu: "Phật biến nhất thiết xứ", nghĩa là Phật có ở khắp mọi nơi, Phật ở quanh chúng ta, nhưng chúng ta không hiểu biết, không nhận ra đó thôi.

Đó là nghĩa lý cao siêu mầu nhiệm của chữ "Phật". Đó là con đường thực tế, giúp đỡ cuộc đời được nhiều ánh sáng giác ngộ và giải thoát, cuộc sống được nhiều an lạc và hạnh phúc, con người được nhiều an nhiên và tự tại, giảm bớt phiền não và khổ đau.
 

Phật ở khắp mọi nơi

 
Chúng ta thường hay nghĩ rằng: Phật ở tây phương cực lạc, Phật ở trong chùa, Phật ở trong kinh sách, Phật ở trong các bức tượng bằng gỗ, bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng, hay bằng tranh vẽ. Còn xung quanh toàn là chúng sinh tất cả!

Chính bởi cái nhìn, cái hiểu biết, cái suy nghĩ, cái quan niệm như vậy, cho nên con người gặp nhiều phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi, không bao giờ dứt.
 
Con người không biết rằng: chính mình có Chân Tâm, Phật Tính, và mọi người xung quanh cũng y như vậy, không khác.

Con người đeo cặp mắt kính chúng sinh, tức nhìn đời qua tâm vọng động, cho nên nhìn ai cũng thấy chỉ là chúng sinh, nhìn ai cũng chỉ thấy tật xấu của họ, nhìn ai cũng thấy đáng ghét, nhìn ai cũng thấy đáng đề phòng, nhìn ai cũng thấy muốn xa lánh, nhưng không bao giờ, nhìn lại chính mình, xem tốt hay xấu, cho nên gặp nhiều, phiền não khổ đau, rồi chờ khi chết, lết về tây phương, nương về cực lạc, để tìm gặp Phật, làm sao gặp được?
 
Còn chư Phật và những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tính, đeo cặp mắt kính thanh tịnh, nhìn đời bằng bản tâm thanh tịnh, nhìn ai ai xung quanh cũng thấy được họ có Chân Tâm, Phật Tính, nhìn ai xung quanh cũng hiểu biết họ là vị Phật sẽ thành trong tương lai, gần hay xa tùy theo công phu tu tập của mỗi người.
 
Cho nên chư Phật và những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tánh, luôn luôn an nhiên tự tại, bình tĩnh thản nhiên, chứng được cảnh giới niết bàn hiện tiền. Chúng ta có giác ngộ, mới có cuộc sống an lạc và hạnh phúc như vậy, mới giải thoát khỏi phiền não và khổ đau. Cuộc đời có ý nghĩa, cuộc đời đáng sống, kể từ đây!
 
Vậy kết lại làm sao để gặp được Phật? Muốn tìm gặp được Phật, chúng ta chỉ cần hành trì các pháp môn, dù thiền tông, tịnh độ tông, hay mật tông, tức là: thiền quán, tọa thiền, thiền hành, tứ oai nghi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cho đến mức rốt ráo, đạt được trạng thái "nhất tâm bất loạn". Lúc đó, chẳng những chúng ta gặp được Phật, mà chính chúng ta vừa trọn thành Phật Đạo đó vậy.
 
* Tài liệu có tham khảo của Phật Giáo Việt Nam