Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Áp dụng Phật giáo vào cuộc sống: Làm gì khi gặp điều bất hạnh, cảm giác như rơi xuống vực thẳm?

Thứ Năm, 27/10/2022 17:43 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Làm gì khi gặp điều bất hạnh? Bạn nên chuẩn bị cho cả điều nghe có vẻ tiêu cực này vì nó sẽ xảy ra với bất cứ ai trong cuộc sống này dù bạn muốn hay không.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Làm gì khi gặp điều bất hạnh trong cuộc sống?


Cuộc sống luôn có những điều bất như ý xảy ra khiến ta cảm thấy đau đớn, mệt mỏi, thậm chí hoảng loạn trong những tình huống như người nhà bị bạo bệnh, người thân mất, hoặc chính ta đang bị bệnh nan y,...

Lúc đó dường như cả thế giới trước mắt chúng ta như sụp đổ, vậy làm thế nào đây? Ta nên sống những ngày tiếp theo như thế nào?... là câu hỏi thường trực của những ai đang rơi vào cảnh bĩ cực như thế.

Dường như không có gì có thể xoa dịu sự đau đớn mà chúng ta đang chịu đựng. Những thông tin như "trời giáng" khiến chúng ta như tê liệt, tuyệt vọng, không biết phải làm gì. Vậy thì hãy thử áp dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống của mình xem sao.

Áp dụng Phật giáo vào cuộc sống là cách hay để ta sáng tỏ tình hình mà mình cần xử lý để tìm giải pháp cho vấn đề, tránh trường hợp hoang mang quá dễ bị kẻ xấu dẫn dụ và trở nên mê tín, hoặc có quyết định sai lầm khiến bản thân hối hận.
 
lam gi khi gap dieu bat hanh

Làm gì khi gặp điều bất hạnh trong cuộc sống?

1.1 Quán sát ý nghĩ và các cảm xúc


Hãy đối diện với nỗi đau đang tồn tại, người đau khổ phải nhìn nhận trung thực những cảm xúc mà mình đang chịu đựng. Điều này rất quan trọng vì họ không thể chối bỏ chúng.

Việc quan trọng khi đối diện với các cảm xúc tiêu cực đang diễn ra trong đầu mình đó là quán sát ý nghĩ. Bạn sẽ thấy có vô số suy nghĩ nảy sinh trong đầu mình và hầu hết chúng là những thông tin nhiễu loạn khiến cho ta lo lắng nhiều thêm.

Thay vì cố gắng sắp xếp lại phân tích chúng thì hãy ghi tất cả chúng xuống một trang giấy. Việc này là để bạn đỡ phải "lưu trữ" chúng quá lâu trong đầu khiến tâm thêm mỏi mệt.

Hãy thành thật với cảm xúc, suy nghĩ của mình, viết ra tất cả cảm giác mất mát, đau khổ, sợ hãi, giận dữ cũng như hy vọng và ước mơ của bản thân.

Không cần đánh giá là bạn nghĩ như thế là đúng hay sai, tốt hay xấu hãy đơn giản là viết hết chúng ra lên những trang giấy để bạn không phải tiếp tục giữ chúng trong đầu nữa. Những gì viết ra là những điều thực sự từ cảm xúc.

Đó là khi bạn thừa nhận những cảm xúc vốn có của mình, nhận diện sự có mặt của nó. Thế nhưng đừng vì vậy mà sống mãi ở đó.

Bạn chấp nhận các cảm xúc mình đang trải qua nhưng đừng đắm chìm trong đó hay cố giải thích, phân tích hay thanh minh. Điều quan trọng hơn nữa là dừng việc chống lại chúng. Mỗi khi trốn tránh hay chống lại nó, ta đang tạo thêm khổ đau cho mình.

Ta hiểu rằng khổ đau là điều đang hiện hữu, và rằng mất mát hay đau đớn mình đang trải qua là điều không tránh khỏi.

Chỉ cần một bước nhỏ đó thôi bạn sẽ cảm nhận rõ sự bình an trong tâm, nếu không cứ bám chấp thì việc này không khác gì những con tằm kéo kén để rồi tự ràng buộc mình vào trong tổ kén bịt bùng và chật chội ấy, càng vũng vẫy càng chẳng thấy lối ra.
 

1.2 Thử là một người khác đánh giá vấn đề của bạn 

 
Thông thường chúng ta đánh giá vấn đề của người khác tốt hơn là đánh giá chính mình. Vì vậy, hãy thử tách bản thân ra khỏi hoàn cảnh hiện tại.

Điều này giúp bạn chấp nhận bất cứ cảm giác gì của mình một cách khách quan và giải thoát bạn khỏi sự phán đoán chủ quan của bản thân. 

Thay vì dằn vặt: "Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi" thì nên dành thời gian để xem xét các ý nghĩ và cảm giác nào của bạn đang thuộc trạng thái tiêu cực của sự: Tham - Sân - Si để tìm cách giải thích cho vấn đề mình đang gặp phải.

Phân biệt giữa những ý tưởng và hiện thực giúp bạn không sa đà thêm vào những suy nghĩ tiêu cực. Sự thật là những chuyện không hay có thể xảy ra với bất cứ ai. Sau đó tự hỏi mình: “Có thể nhìn các hoàn cảnh này dưới khía cạnh khác không?”.
 
Qua câu chuyện về việc Đức Phật giúp người phụ nữ thoát khỏi nỗi đau mất con đã cho ta thấy rằng ta không phải là ngoại lệ, ai cũng phải trải qua nỗi đau tới cùng cực đó như là cách để mỗi người nhận về mình một bài học về sự vô thường của cuộc sống này.

Việc sinh - lão - bệnh - tử là việc không thể nào tránh khỏi của nhân sinh. Hãy tự hỏi bản thân rằng: Một người có tâm Phật sẽ đối diện với hoàn cảnh này như thế nào? Người đó sẽ phản ứng như thế nào? Họ sẽ nghĩ, cảm giác ra sao và sẽ giải quyết vấn đề theo cách nào?. 

Ngày từ việc đặt câu hỏi đúng là bạn đã bắt đầu cho ta một hướng nhìn nhận một việc khác quan hơn, cũng là lúc ta đã có cách xử lý cho tình trạng hiện tại của mình rồi. Vì thế, đừng bỏ qua việc đặt câu hỏi, chúng giúp bạn khai mở thông tin, xoa dịu nỗi đau mà bạn đang trải qua, nhìn nhận mọi thứ sáng tỏ hơn, không bị quá dính mắc vào những tư duy lối mòn trước đây.
 

1. 3 Hồi hướng công đức

 
Một khi tìm hiểu về việc vì sao nên hồi hướng công đức bạn cũng đã biết rằng đó là cách chúng ta kết nối với bản thân ta, với người thân yêu và cả thế giới này. Việc cầu nguyện cho họ được bình an, cho tất thảy chúng sinh được tốt đẹp cũng có thể giúp ta và người khác ở một góc độ nào đó. 
  
Nếu có thể hãy ngồi Thiền hoặc không thì có thể tưởng tượng về người thân, lan tỏa tình yêu của mình khiến họ cảm thấy tràn đầy tình thương và lòng bi mẫn. Hoặc đọc và quán niệm về Tứ vô lượng tâm - từ, bi, hỷ và xả - cũng rất hữu ích. 
 
Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để tạo sự kết nối với người thân hoặc chính cơ thể mình một cách có ý nghĩa. Hãy thương yêu và biểu lộ tình thương đó. Chính hành động đó sẽ giúp xoa dịu nỗi đau của của họ và chính mình.

Ví như với chính cơ thể mình ta cảm thấy yêu thương từng tế bào đang nuôi sống cơ thể ta mỗi ngày, nếu phần nào đó đang bị tổn thương thì ta càng yêu thương, nghĩ tới nó như một người bạn đang phải làm việc quá sức mà trước đây ta chưa từng quan tâm đủ tới nó.
 
Hay ví dụ như đối với người thân hãy nghĩ thầm trong rằng nếu trong các kiếp tương lai, dù còn được gặp nhau trong hình thể nào, cầu cho chúng ta giúp đỡ nhau để tạo nghiệp lành và giúp đỡ nhau trên con đường giác ngộ.

Cách duy nhất để giúp những người thân yêu của mình đang trong cảnh khổ đó là làm các việc phước thiện để hồi hướng công đức cho họ. Ngược lại, nếu cứ mãi chìm trong đau khổ, than khóc, oán hận không giúp ích gì lại còn làm chính mình bị tiêu hao sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và những người xung quanh.
 
Con nguoi tuan theo luan hoi nhan qua
 

2. Tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời


Đi qua các bước trên bạn đã biết làm gì khi gặp điều bất hạnh thông qua việc áp dụng Phật giáo vào cuộc sống của mình.

Từ việc trải nghiệm nỗi đau ở hiện tại và quan sát những gì đang diễn ra trong tâm của mình khi có sự cố xảy ra chúng ta càng hiểu hơn về sự vô thường của cuộc sống. Chuyện nay có, mai mất âu cũng là chuyện đương nhiên của cuộc đời, ta chẳng thế nắm bắt, níu giữ bất cứ điều gì. Nếu càng cố bám chấp chỉ càng gia tăng đau khổ, không mang lại chút ích lợi nào.

Bạn có thể làm được điều đó bằng cách quán chiếu về sự bất lợi của luân hồi để phần nào hiểu rằng đôi khi kiếp này chúng ta gặp nhiều khổ đau phiền muộn, nhưng không phải do những việc làm trong hiện tại, mà còn có thể do quả báo từ những kiếp trước đến bây giờ mới trổ.
 
Vì thế đừng tự dằn vặt bản thân rằng: Tại sao chuyện tồi tệ này lại xảy ra với tôi mà không phải người khác? Thay vào đó là thái độ đón nhận mọi sự việc xảy ra với mình và tin rằng mọi chuyện rồi sẽ qua thôi.

Khi trải qua nỗi đau buồn, mất mát quá lớn, bạn cũng cần thời gian và không gian để hồi phục, thay đổi những thói quen và khỏa lấp khoảng trống.
 
Đừng nghĩ rằng cứ bận rộn là sẽ quên đi mọi chuyện, đó chỉ là cách ứng phó tạm thời và không phù hợp với quá trình hồi phục tinh thần một cách lành mạnh, tự nhiên. Nếu có thể, xin nghỉ phép ở nơi làm việc là cách phù hợp giúp mau lấy lại thăng bằng hơn. Khi tâm rối bời chúng ta hãy tạm lui lại một bước và trò chuyện với chính bản thân mình. 

Bên cạnh đó, khi đã tĩnh tâm hơn thì giữ liện lạc với những người quan trọng, nhất là dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình. Một lời an ủi, một ánh mắt yêu thương, một vòng tay ôm có thể mang lại cảm giác được an ủi.

Nếu có thể thiền hãy thực hành thiền sẽ giúp bạn hiểu những gì đang xảy ra cho bạn, dù không ưng ý, là số phận chung cho tất cả chúng sinh bị dính chấp trong luân hồi.

Vì chúng ta đều tuân theo vòng luân hồi sinh tử nên không tránh khỏi những vấn đề xảy ra nhưng tất cả sẽ trôi qua, tự tiêu biến theo một cách nào đó.
 
Thông qua lời Phật dạy về vô thường ta mới nhận ra rằng chẳng có gì tồn tại mãi mãi bao gồm tiền của, mối quan hệ, sức khỏe..., Vậy nên để thực sự thoát khỏi bệnh tật và đau buồn chỉ có thể xảy ra khi ta đã tự giải thoát tâm ta khỏi những chướng ngại tinh thần thông qua việc ý thức được bản chất thực sự của sự việc.

Hiểu được điều này sẽ giúp ta thêm năng lượng hướng đến sự giải thoát và làm giảm thiểu những tổn thương và khổ đau mà ta đang trải qua.

Cuộc sống luôn có nhiều ẩn số thú vị, vậy nên hãy lạc quan và tìm cho mình những tia hy vọng dù nhỏ nhất. Chỉ cần giữ tâm tĩnh lặng, bình thản, thì sức mạnh và trí tuệ tiềm ẩn bên trong sẽ giúp ta thoát ra khỏi nghịch cảnh, trở nên kiên cường, manh mẽ hơn với sóng gió cuộc đời.
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X