Thứ Ba, 05/05/2015 17:04 (GMT+07)
Quan lại, những người giàu có ngày xưa thường sở hữu khối tài sản khổng lồ, một kho báu giá trị vô cùng lớn. Để bảo vệ của cải khỏi sự nhòm ngó của những tay trộm và tai mắt người xung quanh, họ thường chọn một nơi kín đáo để giấu chúng. Họ chọn một mảnh đất tốt, chôn của cùng với một “trinh nữ” làm thần giữ cửa với mong muốn kho báu đó bất khả xâm phạm.
Với những quy tắc tâm linh kì dị cùng giá trị tại sản cực lớn chôn theo nên những người làm lễ đặc biệt cẩn trọng trong khâu lựa chọn thần giữ cửa và quá trình chuẩn bị cho buổi lễ. Gia chủ mời một thầy phù thủy cao tay, am tường thiên văn, địa lý, lịch pháp, kinh dịch, thậm chí phải giỏi cả nghề thuốc để chủ trì buổi lễ. Đặc biệt, đây phải là người mà gia chủ tuyệt đối tin tưởng giao phó cho bí mật lớn này. Theo sự chỉ dẫn của thầy phù thủy, gia chủ tìm một mảnh đất tốt, hợp tuổi, nhiều linh khí và phải có vận chuẩn. Kế đến là chọn một cô gái còn trinh làm vật tế, chôn theo cùng để làm thần giữ của.
Buỗi lễ chôn của thường diễn ra ban đêm, lấy bóng trăng làm dấu đưa đường vừa tránh tai mắt người đời, vừa thuận lợi cho con cháu đời sau đến lấy kho báu ông cha. Bởi giấu của vào thời điểm nào trong năm thì khi lấy cũng phải đúng thời điểm đó. Chôn ngày 14 thì phải lấy ngày 14, lệch đi một ngày, một giờ thì bóng cây, bóng núi đã dịch chuyển sang địa điểm khác.
Của chôn đi phải có thần canh giữ để bảo vệ, nên sau đó tiến hành xây hầm mộ cho thần. Của và thần không nhất thiết phải nằm cùng một chỗ, chỉ cần của nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thần là được. “Đất có thổ công, sông có hà bá”, khi động thổ thì biện lễ xin phép thổ công, để thần chứng cho mà đồng ý, không thì xây không thành. Cách thức xây dựng hầm mộ phụ thuộc vào nguồn gốc, truyền thống cũng như trình độ của thầy phù thủy. Nhưng mục đích chung vẫn chỉ có một là ngăn chặn những kẻ bên ngoài hóa giải lời nguyền.
Những cô gái được chọn làm thần giữ của rất trẻ, từ 13 đến 18 tuổi, có khi chỉ 9, 10 tuổi; đều còn trinh trắng để đảm bảo sự tinh khiết của thần. Những người giàu có thường mua các cô từ khi còn nhỏ rồi nuôi đến lớn hoặc giả cưới những cô gái nghèo khó về làm vợ lẽ, nhưng thực chất là để làm thần giữ của. Cô gái càng xinh đẹp càng tốt, bởi theo quan niệm, càng đẹp thì chết oan càng ấm ức, bùa càng linh nghiệm. Cô gái được chọn được chăm sóc đặc biệt ở một nơi riêng, tuyệt đối không tiếp xúc với đàn ông. Trước khi đưa đi làm lễ, họ được tắm rửa sạch sẽ, xức dầu thơm, ăn đồ chay tịnh.
Đến ngày đã chọn, để tránh cô gái chống cự, họ cho uống một loại thuốc gây tê khiến dù vẫn tỉnh táo nhưng không cử động, nói năng được. Cô gái bất động được đưa lên kiệu, khiêng đến căn hầm đã xây dựng sẵn. Lễ bắt đầu, người ta đặt cô nằm trong quan tài, miệng ngậm sâm, phù thủy làm phép để cô sống được đúng 100 ngày mà không cần ăn uống.
Cô gái trẻ trung, xinh đẹp phải sống mòn mỏi trong cảnh chờ chết, rất oan ức, tuyệt vọng, hận thù nên khi chết thành thần giữ của. Chỉ những ai biết thần chú, được thần giữ của cho phép mới được vào. Bất kỳ ai cố tình xâm phạm đều mất mạng hoặc tâm thần điên loạn. Nếu vì lý do gì mà lấy được của cải trong kho thì thần cũng sẽ đeo bám, hành hạ đến khi trả lại thì thôi.
|
Những cô gái trinh trắng chết oan trở thành thần canh giữ kho báu |
Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện ly kì mà người ta thường truyền tai nhau về những kho báu có thần giữ của là gái trinh. Nhiều người dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội kể dưới chân ngôi miếu nằm trên bốn tảng đá trắng ở đỉnh núi Bạch Tuyết có đến hàng tấn vàng bạc châu báu được chứa đầy trong một cái hầm đá rộng bằng gian nhà. Kho báu đó do người Tàu để lại từ hàng ngàn năm trước, nhưng không ai có thể đột nhập để lấy đi bất cứ cái gì vì nó đã được yểm bùa bằng “linh hồn trinh nữ” 13 tuổi và một con rùa ngay cửa hầm. Có người bạo gan hám của, thuê thợ thuyền đào bới, truy tìm, lúc đào thấy một con rùa đang nằm với hàng tấn vàng bạc chói lóa, sáng lòa dưới hố nhưng mang lên chỉ toàn bùn đen đất đỏ. Từ đó, gia đình mấy anh thợ khoán vì cách này hay cách khác đều suy kiệt, đau ốm liên miên. Cũng có người kể lại từng thấy trăn rắn, gà vàng, cóc bạc chui ra từ kẽ đá dưới chân ngôi miếu vào những hôm trời nổi gió, mưa dông.
Hay như quá trình tháo dỡ ngôi nhà cổ gần 100 tuổi của cụ Nghị Dong ở làng Si, thị trấn Nam Sách, tỉnh Hải Dương để xây dựng công trình của huyện cũng gặp nhiều chuyện kì quái. Vị cán bộ huyện kí quyết định tháo dỡ ngôi nhà chết bất đắc kì tử, máy xúc thi công chết máy rồi gãy răng ở gầu xúc dù nền đất rất mềm. Khi nhồi cọc bê tông, công nhân phát hiện ra 3 cái chum đựng xác người, máy xúc vào đào nhưng gầu xúc cứ chạm đất là khựng lại. Chủ công trình mời thầy cúng về làm lễ thì thầy cho hay, dưới mảnh đất này có 8 cái chum đựng 8 xác trinh nữ theo trận đồ bát quái để “yểm” long mạch. Vì động vào đất của thần nên thần “vật”, gây cản trở.
Những câu chuyện trên truyền đi khiến người ta tin rằng việc dùng trinh nữ làm bùa chú là có thật và linh thật. Nhưng đó mãi chỉ là những câu chuyện đồn thổi, kể cho nhau nghe, còn thực hư thế nào thì chẳng có ai dám khẳng định. Những điều mà người ta cho là “mắt thấy tai nghe” cũng chỉ qua lời kể của đôi ba người, không rõ đúng sai. Vì thế, dùng trinh nữ làm thần giữ của dẫu có cũng là chuyện của những thế kỉ trước, khi còn mê tín lạc hậu, giờ kể cho nhau nghe như câu chuyện tâm linh rùng rợn mà thôi.