Tụng kinh Pháp Hoa - Giải thoát chúng sinh giữa dòng đời hiểm ác

Thứ Ba, 19/03/2019 16:55 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Kinh Pháp Hoa hay kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bài kinh phổ biến của Phật giáo Đại Thừa, mang nhiều ý nghĩa tốt lành.


Tải trọn bộ Kinh Pháp Hoa dạng văn bản TẠI ĐÂY!
 
Nghe file audio Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do thầy Thích Trí Thoát tụng:


1. Kinh Pháp Hoa có nguồn gốc từ đâu?


 
Theo các tài liệu về lịch sử, Phật giáo Đại thừa có mặt tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch. Sự phát triển Phật giáo Đại thừa là tất yếu để đáp ứng nhu cầu tâm thức và tâm linh của thời đại. 
 
Kinh Pháp Hoa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ II. Trước Diệu Pháp Liên Hoa, kinh điển Đại thừa đã xuất hiện khá phong phú như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật v.v… Kinh Phật Pháp Hoa xuất hiện như là bước tiếp nối tổng hợp tư tưởng Đại thừa của các kinh trên.
 
Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa cổ nhất được tìm thấy năm 1932 ở vùng Kashmir nối liền với Afghanistan, thường được gọi là bộ Pháp Hoa Gilgit. Bộ kinh này gồm có hai phần ba bằng chữ Phạn và một phần ba chữ Magadhi là loại chữ cổ nhất của nước Ma Kiệt Đà.
 
28 bộ kinh phật Pháp Hoa tìm được rải rác khắp nơi ít nhiều có sự khác nhau, bởi  nó được tìm thấy ở nhiều địa điểm, giai đoạn khác nhau, ở những nhóm người có trình độ không đồng nhau. Tuy nhiên, tư tưởng căn bản của kinh không thay đổi và trọng tâm của kinh ở những phẩm thứ 2, 11 và 16 tất cả bản kinh nào cũng đều có.

2. Ý nghĩa danh hiệu và cách tụng kinh Pháp Hoa

 

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh được nhiều người trên thế giới đọc tụng, lễ bái, thậm chí có người kính lạy từng chữ, từng câu trong bộ kinh.
 
Bộ kinh ẩn chứa nhiều ý nghĩa thâm sâu cao tột trong hệ thống kinh điển Đại thừa, tùy theo trình độ tu chứng của từng người mà hiểu ý nghĩa và lý giải bộ kinh này ở những khía cạnh khác nhau.
 
Theo Bồ tát Thế Thân, Pháp Hoa kinh là tối thượng thừa, vì kinh này chuyển tải áo nghĩa siêu tuyệt vượt hơn tất cả các kinh và là mục tiêu của hàng tam thừa phải đạt đến trên lộ trình Phật đạo. 
 
Ngài Trí Giả đại sư (Trung Quốc) cho kinh này là pháp mầu nhiệm có thể thống nhiếp tất cả các pháp. Ngài Nhật Liên Thánh nhân (Nhật Bản) cho kinh này là môn đại Đà la ni, người tu chỉ cần niệm đề kinh Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh là tiêu trừ được tất cả tội chướng và thành tựu Vô thượng Bồ đề. 

 
Ngoài ba vị Thánh tăng trên, các pháp sư, thiền sư và cư sĩ khắp nơi trên thế giới cũng đều đọc tụng, lễ bái, ứng dụng trong cuộc sống.
 
Đối với chư vị Bồ tát hiện thân trên cuộc đời để giáo hóa độ sinh, hay với những người đặt trọn niềm tin nơi chư Phật, dòng lịch sử kinh Pháp Hoa là dòng thác trí tuệ tỏa sáng miên viễn. 
 
Bất cứ vị Phật nào trên lộ trình Bồ tát đạo muốn thành tựu quả vị Phật, đều phải học và thể nghiệm kinh Diệu Pháp Liên Hoa có kết quả tốt đẹp thật sự trong cuộc sống. 
 
Chính vì đặt trên nền tảng sống thực một cách hoàn mỹ, kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh vô văn tự mà chư Phật và chư vị Bồ tát trong mười phương Pháp giới đang an trụ và giữ gìn.

Đọc ngay: 2 loại người và 5 thời điểm nhất định đừng quên tụng kinh niệm Phật
 

3. Nội dung cơ bản của bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

 

a. Giới thiệu chung
 

Kinh Pháp-Hoa là bộ kinh đại thừa gồm hai mươi tám phẩm, hơn sáu vạn chữ, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát.
 
Tâm nguyện của Phật là tâm nguyện khắp độ chúng sanh đạt thành đạo quả giác ngộ. Bởi thế, ngay quyển đầu của kinh về phẩm phương tiện đã nói: Phật ra đời là vì một nhân duyên lớn duy nhất là khai thị chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật. 
 
Thế nghĩa là Phật rộng mở phương tiện pháp môn, chỉ bày tâm Phật để chúng sinh tin tưởng khả năng thánh thiện của mình mà tiến tu đến Phật quả.
 
Pháp Hoa kinh được trình bày dưới hình thức một vở kịch có nhiều màn, truyền đạt chân lý cao siêu qua cái bình thường thông tục nên nó mang tính đại chúng dễ hiểu.
 

b. Ý nghĩa nhan đề

 
Tên kinh là Saddharma – Pundarìka Sùtra. Pháp sư Pháp Hộ tịch là Chánh Pháp hoa kinh; Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch là Diệu pháp liên hoa kinh. Tên kinh nói gọn là Pháp hoa.
 
Theo truyền thống Phật giáo, hoa sen là biểu tượng của chân lý, diệu pháp, vô nhiễm. Cũng thế, thật tướng của thế gian vốn ở ngoài tướng trạng của tham ái và chấp thủ. Thật tướng thường trú, vì thế được biểu tượng bằng Diệu pháp liên hoa. 
 
Tên kinh đã gói trọn nội dung cho rằng tất cả chúng sinh có thể giải thoát trọn vẹn giữa lòng đời hiểm ác, đã giới thiệu giáo lý Nhất thừa vượt khỏi các chủ trương quan điểm.

b. Cấu trúc của bộ kinh

 
Kinh Pháp Hoa có 28 phẩm :
  • Phẩm 1: Tự (phẩm mở đầu).
  • Phẩm 2: Phương Tiện (sự khéo léo).
  • Phẩm 3: Thí Dụ.
  • Phẩm 4: Tín Giải (niềm tin vững chắc).
  • Phẩm 5: Dược Thảo Dụ (thí dụ về cây thuốc).
  • Phẩm 6: Thọ Ký (xác nhận thành Phật).
  • Phẩm 7: Hóa Thành Dụ (thí dụ về thành phố biến hóa).
  • Phẩm 8: Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký (xác nhận cho 500 đệ tử thành Phật).
  • Phẩm 9: Thọ Học Vô Học Nhân Ký (xác nhận cho những người cần phải học và người không cần phải học thành Phật).
  • Phẩm 10: Pháp Sư (Thầy dạy pháp).
  • Phẩm 11: Hiện Bảo Tháp (hóa hiện tháp báu).
  • Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa.
  • Phẩm 13: Trì (giữ gìn kinh).
  • Phẩm 14: An Lạc Hạnh.
  • Phẩm 15: Tùng Địa Dõng Xuất (từ đất vọt ra).
  • Phẩm 16: Như Lai Thọ Lượng.
  • Phẩm 17: Phân Biệt Công Đức.
  • Phẩm 18: Tùy Hỷ Công Đức.
  • Phẩm 19: Công Đức Pháp Sư.
  • Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ-tát.
  • Phẩm 21: Như Lai Thần Lực.
  • Phẩm 22: Chúc Lụy (dặn dò).
  • Phẩm 23: Dược Vương Bồ-tát.
  • Phẩm 24: Diệu Âm Bồ-tát.
  • Phẩm 25: Quán Thế Âm Bồ-tát.
  • Phẩm 26: Đà-la-ni (Dharana – mật chú).
  • Phẩm 27: Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự (chuyện về vua Diệu Trang Nghiêm).
  • Phẩm 28: Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát (sự khuyến khích của Bồ-tát Phổ Hiền).
Các tựa đề nói lên toàn bộ hay một phần nội dung của một phẩm.
 

c. Nội dung Kinh

 
Diệu Pháp Liên Hoa - tên kinh đã gói trọn nội dung cho rằng tất cả chúng sinh có thể giải thoát giữa lòng đời hiểm ác và giác ngộ tâm Phật.
 
Nội dung Kinh Pháp Hoa thường được giới thiệu trình bày qua hai hình thức:
 

a. Trình bày qua chủ đề “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”

 
Phẩm Tựa trình bày tổng quát hiện tượng và bản thể của vũ trụ pháp giới. 
 
Phẩm 2 đến phẩm 10 mở bày cái thấy biết của Phật. 
 
Phẩm 11 đến 22 chỉ cho thấy chỗ thâm áo của Phật tri kiến. 
 
Phẩm 23 đến 28 nói về thể nhập Phật tri kiến.
 

b. Trình bày qua khái niệm về Tích môn và Bổn môn của tông Thiên Thai

 
Kinh Pháp Hoa chia làm 2 phần : 14 phẩm đầu thuộc Tích môn, 14 phẩm sau thuộc Bổn môn.
 
Phần Tích môn chia làm 3 phần : Dẫn nhập, chánh tông và kết luận. Phẩm 1 là dẫn nhập, phẩm 2 đến phẩm 9 là chánh tông, phẩm 10 đến 14 là kết.
 
Phần Bổn môn cũng chia làm 3 phần như trên. Nửa đầu phảm 15 là phần dẫn nhập. Nửa phần sau của phẩm 15 đến phẩm 16 và nửa đầu phẩm 17 là phần chánh tông, nửa sau của phẩm 17 cho đến phẩm 28 là phần kết.
 
Phần Tích môn là phần giáo lý của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có sanh ra, lớn lên, xuất gia, thành đạo, nhập diệt, dạy giáo lý thoát khổ ở cõi thế gian này. Trong kinh, phần nào thuyết pháp ở núi Linh Thứu thì thuộc về Tích môn, còn gọi là Chân lý tương đối.
 
Phần Bổn môn là phần gốc, là nền tảng của Tích môn. Nghĩa là Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Phật hiện hữu suốt chiều dài của thời gian và phổ biến cả không gian. Chân lý của Bổn môn là tuyệt đối. Nhờ giáo lý Bổn môn mà lý giải tất cả chúng sanh đều thành Phật, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đây là điểm đặc thù của Pháp Hoa.
 
Tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chúng ta thường đọc những bài tán thán công đức của kinh này để gợi cho chúng ta suy nghĩ về những tinh ba vi diệu của kinh và từ đó phát khởi được niềm tin trong sạch đối với Đức Phật.
 
Với một đường lối dung hòa, nghĩa lý sâu sắc, Pháp Hoa kinh đã tạo thành dòng lịch sử Phật giáo siêu tuyệt, nuôi dưỡng và phát huy tuệ giác cho hàng hàng lớp lớp người con Phật trên khắp năm châu bốn biển trải qua dòng thời gian hơn 2.500 năm, mãi còn sống động và là ngọn đuốc soi đường cho cả nhân loại.

Video về Kinh Pháp Hoa