Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Kiếp là gì? Hiểu rõ để thấy kiếp người như hạt cát bé xíu giữa đại kiếp của Vũ trụ này

Thứ Tư, 20/03/2024 18:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hiểu được kiếp là gì ta càng nhận ra rằng phúc đức sẽ kéo dài tuổi thọ của chúng ta tới mức tối đa là 84.000 tuổi. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm quá nhiều việc thiếu đạo đức thì tuổi thọ cảm giảm đi theo thời gian.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Kiếp là gì?


Kiếp từ chữ Phạn là Kappa, đọc lên âm thanh giống kiếp-ba có nghĩa là một khoảng thời gian, một thời kỳ dài vô tận, hơn bất kỳ con số hay sự tưởng tượng nào của con người.

Một số điều cần biết về kiếp:
  • Trong tiếng Anh từ aeon được dùng để dịch từ Kappa.
  • Kappa không phải khái niệm do Phật giáo sáng tạo, đó chỉ là tên gọi chung một đơn vị thời gian của Ấn Độ cổ đại, để tính những khoảng thời gian dài.
  • Trong hệ thống tính thời gian của Phật Giáo, Kappa có nghĩa là một chu kỳ hay một aeon được dùng để chỉ những giai đoạn thời gian hay thời kỳ nào đó theo thứ tự chu kỳ. 
  • Tiếng Việt chúng ta dùng từ “kiếp” để tạm dịch, mặc dù ở đây không có nghĩa như chỉ là một “kiếp người” như ta vẫn thường dùng.
Nhìn chung từ “kiếp” được dùng để chỉ khoảng thời gian dài của thế giới ta bà - nơi chúng ta ở. Bốn chu kỳ thời gian liên quan đến kiếp được phân biệt như sau:
  • Đại kiếp (maha-kappa),
  • A tăng kỳ kiếp (asankheyya-kappa),
  • Trung kiếp (antara-kappa),
  • Một kiếp sống hay một kiếp người là vòng đời hay khoảng thời gian tuổi thọ của con người (ayu-kappa).  
Kiep la gi?
 

2. Kiếp người là gì?


Kiếp người (Ayu Kappa - tiếng Pali) theo nghĩa gốc có nghĩa là vòng đời hay tuổi thọ. Nếu vòng đời là 100 năm, thì tuổi thọ là một thế kỷ. Nếu vòng đời là 1.000 năm, thì tuổi thọ là một thiên niên kỷ. 
 
Nói về kiếp người, Đức Phật từng dạy cho ngài Ananda rằng: "Này Ananda, ta đã phát triển được bốn năng lực thần thông (Tứ Thần Túc). Vì vậy, nếu ta muốn sống thêm một kiếp (kappa)", thì chữ kappa có nghĩa là một kiếp người hay một vòng đời của con người (ayu-kappa), đó là 100 năm vào thời Đức Phật tại thế.  
 

3. Tiểu kiếp là gì?


Tiểu kiếp là là kiếp nhỏ được tính theo thọ mệnh của loài người trên địa cầu này. Theo đó, các kinh Đại và Tiểu thừa đều có chép, một tiểu kiếp có hai thời: thời giảm và thời tăng.
  • Thời giảm hay còn gọi là giảm kiếp khởi đầu từ thọ mạng dài nhất của người được 84.000 tuổi, cứ quá 100 năm, giảm một tuổi, giảm tới khi thọ mệnh người chỉ còn 10 tuổi. Hết cái khoảng trăm năm mà người ta chỉ sống được đến 10 tuổi, thì sang thời tăng.
  • Thời tăng hay còn gọi là tăng kiếp: Bắt từ đây trở đi, từ thọ mệnh 10 tuổi, qua 100 năm, tăng thêm một tuổi, tăng mãi đến khi thọ mạng của người ta tới được 84.000 tuổi như lúc đầu thì lại quay lại giảm kiếp. 
Quá trình thời gian một lần giảm một lần tăng như vậy gọi là một kiếp nhỏ (Tiểu kiếp).

Trong kinh Phật có ghi “Khi thọ mệnh người giảm đến 10 tuổi, thì phụ nữ mới sinh được 5 tháng đã đi lấy chồng. Lúc ấy trong thế gian, không còn có các thức ăn có vị ngọt như dầu bơ, đường trắng, mật”.

Trường A Hàm có chép: “Khi thọ mệnh người đạt 8 vạn tuổi thì phụ nữ 500 tuổi mới lấy chồng. Lúc bấy giờ, đất đai trên địa cầu bằng phẳng, không có gò đống, hang hố, gai góc, cũng không có rắn rết, ruồi muỗi, côn trùng độc; gạch, ngói, đá đều biến thành ngọc lưu ly; nhân dân giàu có thóc gạo giá rẻ, hạnh phúc cùng cực”.

Trong A tăng kỳ thứ tư hay “Kỷ nguyên Đã Phát Triển”, vòng đời hay tuổi thọ của con người có tăng hay giảm tùy thuộc đức hạnh hay mức độ luân lý của loài người.
  • Nếu đạo đức của con người đang phát huy, thì tuổi thọ của con người sẽ tăng lên đến mức siêu thọ 80.000 tuổi khi đó chúng ta đã đạt đỉnh cao đức hạnh của loài người.
  • Nếu mức độ đạo đức con người ngày cảm giảm đi thì sẽ có lúc tuổi thọ loài người chỉ còn 10 năm, đó là tuổi thọ thấp nhất của giống loài người. 
Theo sách Phật, địa cầu nơi chúng ta ở, diễn biến qua bốn giai đoạn lớn: Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại (hủy hoại), Không (thành hư không). Mỗi giai đoạn lớn như vậy, dài bằng 200 tiểu kiếp.

+ Kỷ Nguyên Hoại Diệt (Hoại Kiếp) là thời kỳ hủy hoại hay tiêu hủy thế giới, trái đất bị phá hoại kịch liệt, dữ dội, người cũng không thể ở được. Trong “Kinh Mặt Trời” thuộc “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara IV, 99), Đức Phật đã miêu tả sự hủy hoại thế giới bằng lửa, thậm chí tiêu hủy đến những cõi trời Đại Phạm Thiên.

Kỷ nguyên hay A tăng kỳ kiếp bắt đầu bằng những trận mưa lớn bắt đầu dập tắt tất cả biển lửa trên thế giới nếu thế giới bị tiêu hủy bằng lửa, hoặc bắt đầu bằng việc rút nước lũ lụt, nếu thế giới bị tiêu hủy bằng Nước; hoặc bắt đầu bằng việc ngưng bão tố nếu thế giới bị hủy diệt bằng gió. Ở giai đoạn này, trái đất phải trải qua 49 lần hỏa tai lớn, 7 lần thủy tai lớn, một lần gió bão lớn (phong tai), sau đó đất bị băng hoại.
 
+ Kỷ Nguyên Hoàn Toàn Hủy Diệt (Tận Hoại kiếp hay Không kiếp): Sau khi “Hoại kiếp” kết thúc thì bắt đầu Tận Hoại kiếp là thời kỳ tất cả hệ thống trên thế giới đã bị tiêu hủy hoàn toàn hay trong tình trạng là Không Trơ. Đây là thời kỳ bắt đầu từ lúc mà thế giới đã bị tiêu hủy bởi lửa, nước hay gió rồi cho đến khi bắt đầu những trận mưa lớn báo hiệu một chu kỳ một quá trình tiến hóa mới bắt đầu một thế giới mới. Đây là kiếp không có vật gì tồn tại, kéo dài 20 tiểu kiếp nữa. Rồi một địa cầu mới lại dần dần hình thành.
 
+ Kỷ nguyên Phát Triển (Thành kiếp) là giai đoạn tiến hóa. Đây là giai đoạn từ lúc có những trận mưa phát động sự tiến hóa một thế giới mới nói trên cho đến khi xuất hiện mặt trời, mặt trăng, những ngôi sao và những hành tinh. Trong giai đoạn sơ Thành địa cầu có thể lỏng và thể khí, và từ thể lỏng khô cứng dần dần. Vì vậy mà người không thể ở được.
 
+ Kỷ Nguyên Đã Phát Triển (Trụ kiếp) là giai đoạn liên tục tiếp theo. Giai đoạn này bắt đầu từ lúc xuất hiện mặt trời, mặt trăng, những ngôi sao và những hành tinh cho đến khi có những trận mưa lớn báo hiệu bắt đầu sự hủy diệt của thế giới (bằng lửa, nước hay gió…). Đây là thời kỳ duy nhất có con người ở.

4. Trung kiếp là gì?

 
Trung Kiếp (Antara-kappa) là kiếp trung bình (trung kiếp). Một trung kiếp được gộp từ 20 tiểu kiếp. 
  
Khoảng thời gian của một chu kỳ trong đó tuổi thọ của loài người được tăng từ 10 tuổi đến siêu thọ 84.000 tuổi và rồi giảm từ siêu thọ xuống còn 10 tuổi trở lại thì được gọi là một chu kỳ Trung kiếp (antara-kappa) nằm trong A tăng kỳ kiếp “Đã Phát Triển” thứ tư nói trên. 
 
Như vậy tuổi thọ trung bình trong Trung kiếp này của chúng ta hiện nay khoảng 100 năm là thuộc giai đoạn đang giảm xuống từ siêu thọ đến 10 năm. 
 
Trong quyển “Cẩm Nang Về Trật Tự Vũ Trụ” (Manual of Cosmic Order) đã dùng số lượng cát sông Hằng để so sánh với Trung kiếp như sau:
 
“Nếu một người phải đếm số năm của một Trung Kiếp bằng số hạt cát, bốc đếm từng hạt cát của tất cả các chi lưu của sông Hằng, thì con số hạt cát sông Hằng có lẽ hết trước khi số năm của một Trung Kiếp được đếm hết”.
 
Có thể tạm hiểu rằng tổng số lượng hạt cát ở sông Hằng cũng còn ít hơn tổng số năm của một Trung Kiếp. 
 
Sau khi trải qua hoàn thành 64 kỷ nguyên, thì Kỷ Nguyên Đã Phát Triển đến sau cùng. Vì hoàn toàn không có sự sống hay chúng sinh nào sống trong 3 kỷ nguyên (A tăng kỳ kiếp) kia, nên 3 kỷ nguyên đó không thể được suy ra là một Trung Kiếp theo cách diễn giải trên đây.

Nhưng tất cả 4 kỷ nguyên hay A tăng kỳ kiếp đó có độ dài như nhau và trong tất cả Luận Giảng, mỗi A tăng kỳ kiếp (Asankheyya-kappa: tức một trong 4 kỷ nguyên Không Thể Tính Được) được chia đều thành 64 kỷ nguyên Trung Kiếp.  
 
cach tra het mon no an tinh nhieu kiep
 

5. A tăng kỳ là gì?

 
A tăng kỳ kiếp (Asankheyya-kappa) còn được phiên âm là A Tăng Xí Da, Tăng Kỳ, dịch nghĩa là Bất Khả Toán Số, Vô Lượng Số, hoặc Vô Ương Số.

Trong một số Kinh Điển Pali, một A tăng kỳ kiếp được ghi lại là bao gồm 64 Trung kiếp của cảnh giới con người hay bằng tương đương với 20 Trung kiếp của cảnh giới Địa Ngục A Tỳ.   

Điều này là bởi vì có một kỷ nguyên khác được cho là một Trung kiếp, đó là vòng đời hay “tuổi thọ” ở cảnh giới địa ngục A Tỳ (Avici), được cho là bằng đến 1/80 của một Đại kiếp hay bằng 1/20 một A tăng kỳ kiếp.
 
Theo kinh Tăng Nhất A Hàm, một A tăng kỳ kiếp là một ngàn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu (chín chữ vạn) kiếp. Mỗi kiếp tính bằng 432 triệu năm ở cõi đời. Thế nhưng, theo Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 177, lại có ba loại A tăng kỳ: 
  • Kiếp A tăng kỳ lấy một kiếp làm một  A tăng kỳ.
  • Sanh A tăng kỳ tức là trong mỗi một kiếp trải quả vô số đời.
  • Diệu hạnh A tăng kỳ tức là trong mỗi một kiếp tu hành vô số diệu hạnh. 
Luận Tỳ Bà Sa cho rằng hành nhân phải tu tập trọn đủ cả ba loại  A tăng kỳ như thế mới thành Vô Thượng Chánh Giác. Do vậy, ngoài cách giải thích thông thường “tam  A tăng kỳ là thời gian tu tập trải qua 3  A tăng kỳ”, còn có quan điểm giải thích “tam kỳ” chính là tu tập trọn đủ ba loại  A tăng kỳ như luận Tỳ Bà Sa đã giảng. 
 
Theo Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara II, 142), có 4 giai đoạn được gọi là 4 thời kỳ hay “kỷ nguyên không thể nào tính được” được gọi là  A tăng kỳ kiếp (Asankheyya-kappa), ngắn hơn một đại kiếp (maha-kappa). 
 
Khoảng thời gian của một trong 4  A tăng kỳ này không thể nào tính ra được, ngay cả lấy 100.000 năm = 1 lakhs làm đơn vị để tính. Vì thế nên  A tăng kỳ có nghĩa là “một khoảng thời gian không bao giờ đếm được”. Bốn A tăng kỳ này là: Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại (hủy hoại), Không (thành hư không).  
 
Kiếp sống hiện tại của chúng ta là một trong vô lượng kiếp của  A tăng kỳ thứ tư này, trong một chu kỳ đại kiếp. 
 

6. Đại kiếp là gì?

 
Đại kiếp (Maha-kappa) là một kiếp lớn so với Tiểu Kiếp và Trung kiếp. Một Đại Kiếp có bốn lần Trung kiếp là một chu kỳ tạo lập của thế giới. Vậy một chu kỳ tạo lập và tồn tại của một thế giới có đến 1.344.000.000 năm.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh II, Chương XV, Đức Phật đã dùng một ví dụ núi đá hay một số lượng hạt cải để miêu tả so sánh về định nghĩa của “kiếp” như sau:
 
"Giả sử có một khối núi đá cứng, chiều dài một yojana*, rộng một yojana và cao một yojana và cứ mỗi 100 năm, một người đến lau chùi bằng miếng vải lụa Kasika. Cho đến khi khối núi đá này được chùi mòn hết, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó vẫn còn ngắn hơn một đại kiếp (maha-kappa). 
 
Hay giả sử có một khu được bao bọc bởi tường thành bằng sắt, chiều dài một yojana, rộng một yojana và cao một yojana và được đổ đầy hạt cải bên trong lên hết chiều cao tường thành và cứ 100 năm, một người đến lấy một hạt cải. Cho đến khi không còn hạt cải nào ở đó, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó cũng chưa bằng một đại kiếp (maha-kappa)".  

Theo lời Đức Phật:
 
“Này người anh em, một đại kiếp là rất dài. Và những đại kiếp như vậy thì dài hơn một đại kiếp đã trôi qua, nhiều hơn một trăm đại kiếp đã trôi qua, dài hơn một trăm ngàn đại kiếp đã trôi qua. Điều này như thế nào? Này người anh em, sự khởi thủy của một quá trình này là không thể tính được. Thời điểm đầu tiên không thể nhìn thấy được trong quá trình trôi tiếp và trôi xa hơn nữa từ lúc chúng sinh bị che khuất trong vô minh, vì trói buộc vào dục vọng”.

Nói cách khác, một lần sinh diệt của địa cầu là một đại kiếp (kiếp lớn). Thế nhưng, trong giai đoạn Hoại kiếp, mỗi lần xảy ra hỏa tai lớn, thì thiêu cháy từ địa ngục vô gián đến cõi trời sơ thiền của sắc giới. Mỗi lần xảy ra thủy tai lớn, nước tràn ngập từ địa ngục vô gián đến cõi trời nhị thiền của sắc giới. Và cuối cùng, một trận bão lớn, gió thổi mạnh suốt từ địa ngục vô gián đến cõi trời tam thiền của Sắc giới.

Có thể nói, trong một đại kiếp, vào giai đoạn Hoại kiếp, cả thế giới này từ địa ngục vô gián cho tới cõi trời tam thiền của sắc giới, đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của kiếp nạn, hỏa, thủy và phong tai.

Chỉ có cõi trời thiền thứ 4 của sắc giới và 4 cõi trời thiền của Vô sắc giới mới tránh khỏi được kiếp nạn. Thế nhưng, đến giai đoạn Hoại kiếp, các chúng sinh ở thế giới này đều là chuyển sinh sang các thế giới khác, hoặc là siêu thăng lên cõi trời thiền thứ 4 của Sắc giới. Có thể nói, không có chúng sinh nào là không có nơi an thân.

Kiếp (kappa) ở đây nếu đứng riêng một mình không có tính từ hay danh từ ghép đứng trước, thì có nghĩa là một Đại Kiếp (Maha-kappa). 
 

7. Phật kiếp là gì?

 
Phật kiếp (Buddha-kappa) là những chu kỳ thế giới hay những Đại kiếp có những vị Phật xuất hiện.

Một đại kiếp không có xuất hiện vị Phật nào thì được gọi là Kiếp Không (suñña kappa). Một kiếp nào có một hay nhiều vị Phật xuất hiện thì được gọi là một Phật Kiếp (Buddha kappa).  

Có 4 loại chu kỳ Phật kiếp, đó là: 
  • Sara-kappa: Kiếp có một vị Phật xuất hiện
  • Manda-kappa: Kiếp có hai vị Phật xuất hiện.
  • Vara-kappa: Kiếp có ba vị Phật xuất hiện.
  • Saramanda-kappa: Kiếp có bốn vị Phật xuất hiện.
  • Bhadda-kappa: Kiếp có năm vị Phật xuất hiện. 
Đại Kiếp hiện tại (hay thế giới hiện tại) là một kiếp lành, nhiều may mắn cho thế gian, tiếng Pali là: “Bhadda kappa”, vì có đến 5 vị Phật Toàn Giác xuất hiện. Bốn vị Phật đã xuất hiện trước, đó là:  
  • Đức Phật Kakusandha (Câu-Lưu-Tôn),
  • Đức Phật Konagamana (Câu-Na-Hàm),
  • Kassapa (Ca-Diếp),
  • Đức Phật Cồ-Đàm (Gotama) hay Phật Thích Ca Mâu-Ni (Sakyamuni).
  • Đức Phật Di Lặc (Mettaya), chưa xuất hiện trong đại kiếp này.  
Khoảng thời gian giữa một vị Phật Toàn Giác xuất hiện và một vị Phật khác xuất hiện có thể là một Đại Kiếp hoặc một A tăng kỳ kiếp. 
 
Đức Thế Tôn đã nhận được xác nhận hay thọ ký vào thời kiếp Người còn là tu sĩ Sumedha, Người đã có đại nguyện (trở thành Đức Phật Toàn Giác) dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara Buddha) cách đây 4 A tăng kỳ Đại Kiếp và một trăm ngàn đại kiếp (4 asankheyyas kappas và 100.000 kappas). 
 
Từ đó đến nay, đã có 11 Phật Kiếp (Buddha kappas), Phật Kiếp hiện tại là thứ 11.

Trong hơn 10 tiểu kiếp còn lại, sẽ có 996 vị Phật sẽ ra đời lần lượt trên địa cầu này, và vị Phật đầu tiên trong số này sẽ xuất hiện chính là Phật Di Lặc; vì vậy mà Phật giáo gọi “Di Lặc là Di Lặc tôn Phật hạ sinh”.

Sự kiện đức Di Lặc thành Phật trên địa cầu này diễn ra trong giai đoạn tăng kiếp của tiểu kiếp thứ 10, lúc thọ mệnh trung bình của loài người đạt 8 vạn tuổi, đại khái cách xa hiện nay đến 56 ức năm, ước tính bằng 10.000.000 năm (10 triệu), 56 ức năm là 560 triệu năm.

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X