Hiểu lầm về quy y Tam bảo khiến nhiều người ngại đến Chùa, ngại quy y

Thứ Năm, 19/04/2018 09:23 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những hiểu lầm về quy y tam bảo đã tạo thành những nghi ngờ, ngộ nhận, gây ra rào cản cho việc bước vào ngôi nhà của Chánh Pháp.
 
Giai đoạn đầu tiên mà người học Phật cần phải làm đó chính là quy y Tam Bảo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có những ngộ nhận về quy y Tam Bảo một cách lệch lạc, không đúng Chánh pháp. 
 
Quy y Tam Bảo là thời khắc thiêng liêng thể hiện sự cam kết được trở thành người Phật tử. Nhờ những gì được chỉ giáo sau đó, chúng ta được học hỏi theo năm giới mà Đức Phật truyền lại nhằm giúp bạn biết cách tự tạo ra và gìn giữ phước báu cho riêng mình.
 
 

1. Càng quy y với nhiều vị thầy càng tốt

 
Người càng có quyền thế, cầu toàn lại càng cho rằng muốn quy y phải tìm gặp cho được vị cao tăng, có tiếng mới được.

Thế nhưng nên hiểu thế này, nghi thức quy y sẽ gồm: người phát tâm quy y, vị thầy làm lễ quy y và phải được chứng minh trước Tam Bảo.

Vị thầy làm lễ quy y được gọi là vị Bổn Sư thế độ, người có trách nhiệm làm lễ quy y và truyền giới để bạn chính thức là người Phật tử tại gia. Vì thế, ai thực hiện nghi lễ này không quan trọng vì bạn quy y vào Tam Bảo, không phải vì một cá nhân nào đó cụ thể.
 
Theo kinh điển, quy y chỉ một lần và người Phật Tử chỉ có một vị Bổn Sư thế độ do đó suy nghĩ quy y càng nhiều là làm sai giá trị và ý nghĩa của quy y.
 

2. Quy y là vào chùa, phải ăn chay, niệm Phật


Người đời thường cho rằng chỉ những người không biết dành thời gian làm gì như người già, người thất tình, những người thất bại mới tìm tới cửa Phật.

Đó là lý do khi ai nghe tin rằng có người trong nhà quy y, họ có cảm giác thương xót cho người này, thậm chí họ có ý ngăn cản, cho rằng: Đã hết đường sống đâu mà quy y cửa Phật.

Đây cũng là một trong những hiểu lầm về quy y tam bảo mà người này cứ truyền qua người kia một cách thiếu căn cứ. Thực tế, đi chùa, quy y Tam bảo là nguyện nương theo Phật Pháp Tăng để học theo hạnh trí tuệ và từ bi, trở thành người có ích cho đời.

Quy y có hai hình thức: Tại gia và xuất gia, suy nghĩ người quy y thường xuyên vào chùa phải ăn chay, đọc kinh, gõ mõ, bỏ hết những việc của thế gian là một trong những hiểu lầm về quy y Tam bảo mà nhiều người đang mắc phải. 

Niệm Nam Mô A Di Đà Phật có tác dụng gì?
Nhiều khi bất an chúng ta chỉ biết Niệm Nam Mô A Di Đà Phật nhưng chưa hiểu hết những tác dụng thực sự của việc này.
 
 
Thực tế ngày này cho thấy, việc bạn hướng đến đạo Phật giáo để phát tâm an lành, học tập điều hay từ Phật là việc nên làm. Những người quy y không phải là bỏ hết việc của thế gian, mà đối mặt với những vấn đề của thế gian với tâm bình thản hơn khi ta hiểu cuộc sống này vô thường. Nhiệm vụ của người đã quy y:
 
- Đối với Tam bảo: Trao trọn niềm tin, chuyên tâm học hỏi, rời xa cái ác, cái xấu và có thể dùng sự hiểu biết của mình để giúp đỡ nhiều người hơn nữa. 
 
- Đối với xã hội: Học thôi chưa đủ, chúng ta còn phải thực hành, áp dụng những gì đã học vào cuộc sống. Dựa trên giá trị tốt lành mà học được từ đức Phật, chúng ta hết lòng phục vụ và xây dựng xã hội, làm cho cuộc sống giữa xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
 
- Đối với gia đình: Lấy chữ Hiếu làm đầu, cố gắng hoàn thiện bản thân, học cách thấu hiểu để sống hòa thuận với vợ chồng, anh em họ hàng thân thích... 
 
- Đối với bản thân: Kiên trì tu học đúng theo giáo pháp Phật dạy, dần dần áp dụng cho cuộc sống của mình, tập sống cuộc đời giải thoát. Tin đúng nhân quả nhận rõ tất cả sự vật đều vô thường để sớm định hướng cuộc đời đi đúng vào con đường giác ngộ. 
 

3. Quy y mà làm sai lời Phật dạy mang tội nặng hơn


Khi ta Quy y nghĩa là ta muốn tìm cách sửa mình nhờ vào lý thuyết của lời Phật dạy và ta lo sợ rằng nếu không làm đúng theo Ngài thì bị trừng phạt, lãnh chịu hậu quả. Thế nhưng tội lỗi đó tuân theo quy luật Nhân Quả chứ không phải là Phật có thể phạt ai, điều này xuất phát từ hiểu nhầm rằng Đức Phật có quyền năng ban phước hay giáng họa cho con người.
 
Đó là họ có những hiểu lầm về đạo Phật, thực tế Phật chỉ là người, không có khả năng, năng lực siêu nhiên nào cả. Cuộc sống của chúng ta luôn vận hành theo luật nhân quả vốn có của nó, bất di bất dịch. Đức Phật hiểu rõ luật nhân quả nên đưa ra những lời khuyên dạy cho mọi người mà thôi.

Còn nghe theo và thực hiện hay không là do bạn và bạn phải chấp nhận hậu quả trước mọi hành động của mình. Cũng giống như một vị bác sĩ, hiểu rõ căn bệnh nên khuyên bệnh nhân, còn kết quả là do người bệnh có thực hiện hay không.

Vị bác sĩ đó không có quyền ban sức khỏe của một ai, họ chỉ đơn giản là người chỉ dẫn. Đức Phật cũng như thế và việc quy y Tam Bảo cũng như thế.
 
Tạo ác phải nhận nghiệp ác và tạo thiện nhận được nghiệp thiện. Luật nhân quả không phân biệt bạn là Phật Tử hay không.
 
 

4. Quy y Tam Bảo là không phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh

 
Những suy nghĩ có phần thiếu sót này xuất phát từ hiểu nhầm khi người ta nói tới lợi ích của việc quy y Tam bảo.
 
Việc này không có gì sai khi bạn làm đúng được những điều răn dạy của Phật. Cơ hội của người đã quy y với người không quy y là khác nhau, việc nương nhờ Tam bảo theo thời gian sẽ giúp bạn thức tỉnh, giữ đúng ngũ giới sẽ không đọa vào ba đường dữ.

Bởi khi giác ngộ sẽ không còn vô minh để rơi vào ngục tù u tối hay ngạ quỷ. Khi học hỏi được những điều hay từ Tam Bảo, ta có sự hòa hợp sẽ không đọa vào sự si mê nữa.
 
Thế nhưng đó hoàn toàn không phải phép màu trên trời rơi xuống, muốn có được thành quả trên ta phải tu tập mới chuyển hóa được thân tâm, không gây tạo nên tội ác để đọa vào ác đạo.

Quy y không phải là tự nhiên nhạn được phước báu, đó chỉ là gieo duyên với đạo Phật và thực hành theo những chỉ dẫn của Ngài. 
 
Phải đề cao việc thực hành kết hợp với lý thuyết đã nghe được trong quá trình tu để chỉnh sửa bản thân, gieo những hạt giống an lành mới mong có ngày nhận được quả ngọt sau quá trình khổ luyện.
 

5. Quy y rồi không được kết hôn, sinh con


Nghe tới cụm từ Quy y Tam Bảo là nhiều người lo lắng nghĩ rằng, người Quy y sẽ cạo đầu, bôi vôi, rời xa nhân tình thế thái.

Thế nhưng không hẳn là chỉ có thế, sau khi quy y, bạn vẫn có thể trở thành Phật tử tại gia, nên việc lập gia đình, sinh con đẻ cái là bình thường như những người khác.
 
Sau khi quy y, nếu được, người Phật tử nên phát tâm thờ Phật, mỗi tháng thực hành ăn chay ít nhất hai ngày, đi lễ chùa vào các ngày 14-15 và 30-1 âm lịch, sắp xếp thời gian tham dự các khóa tu.

Trong đời sống hàng ngày, người Phật tử luôn cố gắng giữ năm giới: không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không rượu chè, ma túy, cùng với sự tu tập như bạn đã hành trì lâu nay “hiểu, tin và sống theo giáo lý của Đức Phật” là được.

Kate Nguyễn