Chăm chỉ bái Phật nhưng vẫn phạm 3 hành vi CẤM KỴ này mỗi ngày, chẳng Thần Phật nào che chở

Thứ Ba, 06/09/2022 09:39 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đối với những người thường xuyên đến chùa thắp hương, lễ Phật thì không nên vi phạm 3 hành vi cấm kỵ khi bái Phật này, nếu không sẽ dễ bị hao tổn phúc khí, không được chư thần Phật phù hộ độ trì, thậm chí bỏ tiền bỏ bạc cúng dường cũng đều tốn công vô ích.

1. Bái Phật đơn giản nhưng không phải ai cũng chu toàn

 
 
Hầu hết mọi người khi đến chùa thắp hương bái Phật đều tỏ ra rất kính cẩn, thận trọng, luôn lo sợ chẳng may mình sơ sẩy gây ra điều gì đó sai trái sẽ xúc phạm đến Bồ tát, ảnh hưởng tới phúc khí của bản thân và gia đình.
 
Có nhiều quan điểm được lưu truyền rộng rãi về một số điều kiêng kỵ khi dâng hương bái Phật như: có người nói rằng vào chùa thắp hương thì không được dùng tay phải để thắp hương, khi vào chùa thì nên bước chân phải trước, phụ nữ đàn trong kỳ kinh nguyệt thì không được đến chùa... Vậy những ý kiến này có đáng tin cậy không?
 
Thực tế, giáo lý nhà Phật vốn không cấm đoán hay căn dặn những điều cụ thể như vậy. Các nhà sư cũng nói rằng thực ra không có quá nhiều điều cấm kỵ trong Phật giáo, bởi vì chư Phật và chư vị Bồ tát không hề không phân biệt đối xử với bất cứ ai. Các Ngài luôn đối xử bình đẳng với tất cả chúng sinh.
 
Chư Phật và Bồ tát sẽ không trách bạn nếu bạn không dâng hương cho Bồ tát, họ cũng không bảo vệ bạn chỉ vì bạn thường xuyên tới dâng hương hay bỏ nhiều tiền của, công sức để cúng dường, càng không gây phiền phức cho bạn vì điều gì đó bạn làm không tốt.
 
Những quan điểm được lưu truyền đó chỉ là những người bình thường có tâm kỳ thị vì sự thiếu hiểu biết của mình.
 
Khi đi chùa lễ Phật, trước hết chúng ta phải thoát khỏi những suy nghĩ phàm tục, càng không nên bái Phật chỉ vì muốn làm vui lòng thần Phật vì muốn đạt được một điều kiện vật chất hiện hữu nào đó trong cuộc sống thực của mình.
 
Phải đối xử bình đẳng với tất cả chúng sinh, bởi khi bạn đối xử công bình và tốt đẹp với tất cả chúng sinh là bạn cũng đang chăm chút cho cuộc đời của mình. Khi đó, bạn sẽ được các vị thần Phật ban phước và may mắn đến một cách tự nhiên.
 
Vậy nên mới nói bái Phật tuy là việc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện và bất cứ lúc nào cũng có thể tiến hành, nhưng để chu toàn, loại bỏ tạp niệm trong tâm thì không phải ai cũng làm được.
 

2. Ba hành vi CẤM KỴ khi bái Phật

 
 
Khi đi chùa lễ Phật, đừng chỉ tập trung vào việc quỳ lạy, niệm Phật, dâng đồ thờ cúng đắt tiền ra sao, quan trọng nhất là tấm lòng và cách sống thường ngày của bạn có đúng như giáo lý nhà Phật thường hay răn dạy hay không.
 
Dù có cúng bái tốt đẹp trước Phật thế nào, nếu sau đó bạn vẫn phạm phải những hành vi dưới đây sẽ bị coi là bất kính với thần Phật.
 
Sự thể hiện của chúng ta trước mặt Đức Phật thực ra không phải là điều quan trọng nhất, bởi vì chúng ta không thờ phụng Đức Phật bằng số lần vái lạy. Điều thực sự quyết định phúc khí, vận rủi của bạn chính là phong độ bình thường của bạn trong cuộc sống.
 
Muốn được thần Phật chứng giám cho lòng thành của mình, quan trọng là bạn phải sống tốt đời đẹp đạo, hiếu kính cha mẹ, đối xử công bằng với chúng sinh, tu tập giữ giới, tránh xa tà dâm... Phật ở trong tâm, bạn sống sao đều có trời xanh chứng kiến, đừng chỉ biết tu Phật bằng miệng mà bỏ qua việc tu tâm.
 
Dưới đây là 3 hành vi cấm kỵ khi bái Phật, hãy tự lấy đó để răn dạy bản thân, tích lũy phúc khí sâu dày cho mình và gia đình.
 

- Không hiếu kính cha mẹ

 
Đạo Phật khẳng định: "Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật". Chữ Hiếu tròn trịa đong đầy yêu thương với những ai kính cha lễ mẹ - đấng sinh thành đã tạo kiếp người cho ta.

Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.
Đạo Phật
 
Đức Phật vốn là một người con đại hiếu. Trong các bản kinh, Ngài thường dạy các thiện nam tín nữ ngoài việc chăm sóc chu đáo mọi mặt còn phải khuyên cha mẹ quy y Tam bảo hoặc xuất gia tu hành giác ngộ, giải thoát mới thật sự là người con đại hiếu.
 
Biết ơn và đền ơn là giáo lý nền tảng của đạo Phật. Phật dạy người Phật tử chân chính trước tiên phải biết hiếu dưỡng, cung kính đối với cha mẹ; sau mới quý kính, tôn trọng Tam bảo; kế đến là bố thí cúng dường, phóng sinh, giúp người cứu vật và cuối cùng là ăn chay, làm lành lánh dữ.
 
Một con người nếu không biết hiếu thảo với cha mẹ thì khó lòng thành đạt, vì ơn nghĩa hai đấng sinh thành mình còn chối bỏ, thử hỏi người đó có bao giờ sống tốt với mọi người được không. Đối với cha mẹ mà mình còn làm ngơ không chút thương xót, không biết hiếu nghĩa, hiếu kính, hiếu hạnh, hiếu tâm; một người như thế thì việc ác nào cũng có thể làm, sao họ có tâm giúp người, cứu vật mà làm lành lánh dữ.
 
Một con người không có những chất liệu của tình thương yêu chân thật nếu có sống cũng chẳng giúp ích gì được cho ai, ngược lại còn làm tổn hại cho nhân loại.
 
Phật dạy, niềm vui của bậc hiền Thánh là biết hiếu kính với cha mẹ, nhiều người không hiểu cứ nghĩ cúng dường cho người tu là có phước nên nghe đồn ở đâu có linh ứng một chút thì đùng đùng kéo đến cúng dường, bỏ mặc cha mẹ ở nhà khổ sở, thiếu thốn. Tu như vậy là đi ngược lại lời Phật dạy.
 
Giáo lý nhà Phật có câu: "Tu đâu bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu" - việc báo hiếu cha mẹ vốn không cần phải đao to búa lớn gì. Báo hiếu cha mẹ chính là từ lời nói, hành động thường ngày.

Tu đâu bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.
Đạo Phật
 
Hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất đời người, là phúc báo mà Phật giáo khuyên nên làm nhất ở đời.
 
Sách “Luận ngữ” có viết: “Hiếu đễ là cái gốc làm người”. Trăm đức hạnh thì hiếu đứng đầu. Một người dù có được thành tựu vĩ đại như thế nào, trên đầu đội bao nhiêu vòng nguyệt quế đi nữa, nếu bất hiếu với cha mẹ, thì tất cả vinh quang kia đều trở nên vô nghĩa. Nếu bất hiếu với cha mẹ, cho dù có thành kính, kính cẩn với Thần Phật như thế nào chăng nữa, tất cả đều là giả dối cả.
 
Làm người cần phải tận tròn đạo hiếu, đây là bước đầu tiên để thay đổi vận mệnh. Bởi chúng ta làm người, ngay đến cả cha mẹ có ơn sinh thành dưỡng dục với mình cũng đều không bao dung được, vậy thì thử hỏi làm sao có thể có được tấm lòng bao dung được cả thiên hạ rộng lớn đây?

 

- Không giữ giới và bố thí

 
Đức Phật thấy rằng con người bị tham lam, sân hận và si mê làm chủ khiến họ làm hại bản thân và người khác - trở nên vô nhân đạo. Vậy nên việc thọ giới và giữ giới vô cùng quan trọng.
 
Đạo Phật có ngũ giới, tức là năm điều răn không được làm của hàng tu sĩ tại gia mà Phật tử xin phát nguyện thọ lãnh 5 giới này (Giới: là hàng rào ngăn cấm những việc xấu của thân, khẩu, ý).
 
Sở dĩ đức Phật đặt ra năm giới, vì Ngài mong muốn cho người Phật tử tại gia thọ hưởng được quả báo tốt đẹp. Người Phật tử không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới.
 
Năm giới ấy là: Không sát sanh ; Không trộm cướp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống rượu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập.
 
Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy.
 
Đức Phật dạy: “Nhờ giới được an lạc. Nhờ giới được của cải, tài sản. Nhờ giới được hạnh phúc tối cao”. Vậy hãy thọ trì giới cho trong sạch.
 
Giới luật của Phật giáo chú trọng tu thân làm người, điều này được gọi là “ngưỡng chỉ duy Phật-đà, hoàn thành nhân cách” (ngưỡng vọng và noi theo tấm gương Đức Phật để hoàn thành nhân cách), làm một con người tốt; tu thân hoàn thành mới có thể khai phá trí tuệ sáng ngời bên trong, chứng ngộ chân lý cao nhất.
 
Trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, tôn giả A Nam có hỏi rằng: "Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập niết bàn thì chúng con biết theo thầy nào?”
 
Phật Thích Ca có dặn lại một câu rằng: “Dĩ giới vi sư”, nghĩa là hãy lấy giới luật làm thầy.
 
Bao nhiêu lời giảng Pháp và lời dạy của Phật còn lưu truyền, lên tới hàng trăm hàng ngàn cuốn Kinh Phật như thế, sao Phật Thích Ca không bảo các đệ tử học theo bộ kinh nào đó mà lại nói “Lấy giới luật làm Thầy”?
 
Bởi vì giới luật là điều duy nhất đích thân Phật Thích Ca để lại. Còn kinh sách đều là do các đệ tử qua nhiều đời, nhiều thế hệ nhớ lại những gì được truyền dạy mà chép ra, không phải là điều đích thân Phật Thích Ca để lại.
 
Vậy mới thấy, giới luật là điều quan trọng nhất mà Đức Phật lưu lại, là điều bắt buộc các đệ tử phải nghiêm túc tuân thủ giữ gìn thì mới đạt tiêu chuẩn của người tu luyện chân chính. 
 
Thế nên, chỉ đọc kinh thuộc kinh mà không giữ giới thì bất kể người đó tu hành bao lâu, giữ chức vụ, địa vị gì trong Phật giáo, là hòa thượng hay cư sỹ, thì cũng đã không phải là đệ tử chân chính của Phật Thích Ca rồi.
 
Trong vũ trụ vô tận này, sinh mệnh con người quả rất bé nhỏ. Nhưng nên nhớ rằng, có tín tâm đối với thần Phật và cũng nhờ sự bảo hộ, gia trì của Thần Phật đối với con người, mà sinh mệnh mới có được những thăng hoa và kỳ tích trong tu luyện.
 
Người bình thường nghĩ rằng giữ giới là bị trói buộc thêm. Thực ra, hễ thân rơi vào lao ngục, con người mất đi tự do, rốt cục nguyên nhân của nó đều là vi phạm “ngũ giới”. Năm giới này chính là đạo đức căn bản của việc làm người, là mục đích đức dục cơ bản về luân lý, giữ giới là quyết định ở chỗ không xâm phạm mà tôn trọng chúng sinh hữu tình. Cho nên giữ năm giới chính là thể hiện của việc giữ gìn giáo pháp.

Cùng với việc giữ giới, Đức Phật cũng rất đề cao việc bố thí cúng dường.

Bố thí và cúng dường là pháp tu phổ biến của người Phật tử tại gia. Người thực hành bố thí và cúng dường trước hết phải xuất phát từ sự tự nguyện với lòng vui vẻ hân hoan. Bố thí với tâm thanh tịnh, không thấy mình là kẻ ban ơn. Nếu bố thí với tâm lý ban ơn, mình sẽ cống cao ngã mạn sinh tâm tự đắc coi thường thiên hạ.

Bố thí sẽ mang lại phước báo thiện lành tốt đẹp trong hiện tại và mai sau. Tuy nhiên, ngoài việc mong cầu phước báo để có đời sống ổn định, bố thí còn là một phương pháp tu buông xả để chuyển hóa lòng tham lam ích kỷ và hẹp hòi.

Bố thí, cúng dường là hành động làm phước thiện, theo luật nhân quả, nó là điều kiện thiết yếu để ta tiêu trừ đau khổ, chuyển hóa nghèo cùng khốn đốn, không còn sợ nghèo đói và vượt qua nỗi bất an sợ hãi trong cuộc đời, như mũi tên chỉ đường, để ta không còn bị lầm đường lạc lối.

Đúng như lời Phật dạy: 

Nếu muốn trường thọ, hãy cứu mạng chúng sinh và thực hành bố thí.
Lời Phật dạy


- Không tránh xa tà dâm


Phật dạy rằng “vạn ác dâm cầm đầu”, trong vạn cái ác thì tà dâm đứng đầu, là nặng nhất, là nghiệp báo khiến cho hôn nhân đang hạnh phúc sẽ dẫn tới đổ vỡ.

Con người ta, chỉ một niệm dâm dục sẽ dẫn khởi nhiều ác niệm, làm ra những chuyện không còn liêm sỉ, thương thiên hại lý, đi ngược với luân thường đạo lý, các loại ác nghiệp cũng từ đó mà sinh ra.

Sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng tội nghiệp mang lại thì thật to như núi. Sự tà dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn.

Người nào tạo ác nghiệp tà dâm với vợ, chồng, con người khác; nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp tà dâm ấy cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy mới thoát được khỏi cõi ác giới.

Không tà dâm, bản thân ta khỏi phải lao thần tổn trí, khỏi sợ ai bàn tán dở hay, mọi người đều tín nhiệm và tin cậy ta. Bản thân ta trinh bạch, khiến người tự quí mến. Tự mình an ổn, gia đình cũng an ổn.

Những người luôn miệng niệm A-di-đà nhưng tâm trí vẫn còn nghĩ những chuyện tà dâm, không nghiêm khắc răn đe bản thân tránh xa ý niệm hay các hành động tà dâm thì thật khó để việc cầu khấn chư thần Phật được linh nghiệm.

Nhiều người cứ nghĩ bái Phật thật chăm chỉ, trì tụng kinh Phật mỗi ngày, cúng dường thật hậu hĩnh thì sẽ được thần Phật chứng giám, phù hộ độ trì. Nhưng thực tế, chính ba điều này mới quyết định phúc, họa của một người chứ không phải việc bạn thể hiện ra sao trước mặt Đức Phật.

Nếu một người không hiếu thảo với cha mẹ, không giữ giới, thường sát sinh, trộm cắp, phạm tội tà dâm, uống rượu và thường nói dối, nói lời ác, dù hằng ngày cúng dường chư Phật, Bồ-tát nhiều tới đâu, các Ngài cũng sẽ không ban phước cho người đó.

Chăm chỉ đến chùa lễ Phật, thay vì thắp hương nơi cao, nên báo hiếu cha mẹ nhiều hơn, thay vì cầu xin Bồ tát che chở, thà rằng đi làm những việc thiện lành, giúp đời giúp người, phúc khí bạn nhận được sẽ ngày càng sâu dày.