Giải mã "lời nguyền chết chóc" trong hầm mộ các Pharaoh

Thứ Hai, 25/05/2015 16:53 (GMT+07)

Ai Cập cổ đại không chỉ để lại những tàn tích của một nền văn minh rực rỡ, có giá trị văn hóa to lớn mà còn tạo nên những câu chuyện, những lời nguyền đáng sợ trong hầm mộ của các Pharaoh. 

 
Những cái chết liên tiếp, kì bí của những nhà khảo cổ học, những người trộm mộ đã làm dấy lên nghi ngờ về “lời nguyền chết chóc” mà người xưa để lại. Theo chân các nhà khoa học để làm sáng tỏ điều này.
 
Theo Jennifer Wegner, một nhà Ai Cập học tại bảo tàng Đại học Pennsylvania ở Philadelphia nhận định, bên trong hầm mộ Pharaoh Ai Cập, ngoài những xác chết còn có cả thực phẩm gồm thịt, rau, và hoa quả được mai táng trong hành trình sang thế giới bên kia.
 
Những thứ này chắc chắn đã thu hút côn trùng, vi khuẩn, mốc và những thứ tương tự như vậy. Những vật liệu thô như thế này nằm im ở đó đã hàng nghìn năm và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
 
Các nghiên cứu gần đây trong phòng thí nghiệm đã tiết lộ rằng một vài xác ướp cổ đại quả thực bị mốc, trong đó chứa ít nhất hai loài nguy hiểm tiềm năng là Aspergillus niger và Aspergillus flavus. Những loại nấm mốc này có thể gây ra phản ứng dị ứng nhiều cấp độ, từ sung huyết đến chảy máu phổi. Chúng đặc biệt nguy hiểm đối với những người vốn có hệ miễn dịch kém.
 
Các nhà khoa học cũng tìm thấy khí ammoniac, formaldehyde và H2S bên trong những chiếc quách bịt kín. Ở nồng độ cao, những chất này có thể gây bỏng mắt và mũi, làm xuất hiện các triệu chứng giống như viêm phổi và trong những trường hợp bị nhiễm nặng có thể gây chết người. 
 
Ngoài ra, hiện tượng dơi trú ngụ trong nhiều ngôi mộ đã bị khai quật và phân của chúng mang theo những loại nấm có thể gây bệnh về đường hô hấp giống như bệnh cúm. Trong những điều kiện phù hợp, các tác nhân này có thể đủ độc lực để giết người.
 
Lại có ý kiến lý giải, nền văn minh Ai Cập cổ đại đã phát triển tới mức có thể lợi dụng những côn trùng và chất độc cực mạnh bố trí trong lăng mộ của Pharaoh, coi chúng như thứ vũ khí phòng vệ rất hiệu quả. Loại vũ khí này có nhiệm vụ đối phó với những kẻ phá hoại hầm mộ, đánh thức giấc ngủ ngàn thu của người xưa.
 
Một số nhà khoa học khác thì nhận định, lời nguyền của Pharaoh xuất phát từ chính kết cấu của lăng mộ. Thiết kế lối dẫn xuống hầm mộ và mộ huyệt có thể sản sinh và tập trung những từ trường hoặc sóng năng lượng đặc thù gây chết người.
 
Và một điều đáng lưu ý là Howard Carter, người đầu tiên khám phá ra lăng mộ của vị vua trẻ nhất Ai Cập - Tutankhamun, lại không chịu chung số phận như những người khác. Sau khi hoàn thành công việc khai quật lăng mộ vua Tut, ông vẫn sống bình an và mất vì bệnh ung thư ở tuổi 65.
 
Ngay bản thân ông cũng không tin vào lời nguyền của Pharaoh. Ông nhấn mạnh, cơ bản, truyền thống tôn giáo của người Ai Cập không cho phép sự tồn tại của lời nguyền như vậy, trái lại, họ hy vọng chúng ta sẽ dành cho người đã khuất những lời cầu chúc tốt đẹp.