Nhân duyên nào mà Đức Phật tắm cho người bệnh hôi hám?

Thứ Tư, 19/08/2020 14:36 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Điều tưởng như không thể xảy ra khi Đức Phật tắm cho người bệnh hôi hám được Ngài giải thích đó cũng là từ một câu chuyện nhân duyên từ tiền kiếp mà thành.


Câu chuyện Đức Phật tắm cho người bệnh hôi hám


Có lần Đức Thế Tôn cùng các học trò mình tới thăm một Tỳ kheo bị bệnh nhưng không một ai chăm sóc. Đức Phật hỏi: "Khi còn khỏe mạnh, Thầy có từng viếng thăm, chăm sóc người nào không?". Người này đáp: Bạch Thế Tôn, thưa không ạ!
 
Đức Phật giải thích trước đây Thầy không gieo nhân lành cho nên nay nhận quả như vậy. Sau đó Ngài phân công đệ tử tới chăm sóc cho vị tỳ kheo nhưng vì người này nằm đã lâu mà không được tắm rửa nên cơ thể dơ bẩn, hôi hám, mọi người không muốn lại gần. 

Ngài biết sự việc nên nhờ Đế Thích mang nước nóng, chính tay Đức Phật tắm rửa sạch sẽ cho vị tỳ kheo. Có người không hiểu Đức Phật tắm cho người bệnh hôi hám trong khi Ngài là bậc đạo sư tôn quý của thế gian, là thầy của trời người trong ba cõi.

Đức Phật mới ôn tồn cho hay: "Ta ra đời không phải để hưởng thụ mà là để cứu độ cho những ai cô độc, khổ nạn không nơi nương tựa. Nếu có ai có thể chăm sóc người xuất gia tu hành, người già neo đơn, thì người đó sẽ hưởng phúc đức vô lượng, tâm mong cầu điều gì, đều có thể viên mãn. Giống như sông Hằng được hình thành từ năm dòng sông khác; phúc đức của người đó cũng như vậy, do huân tập mà có được, công đức dần dần viên mãn, đến một ngày không xa thành tựu được đạo quả".
 
Đức Phật giải đáp thêm:
 
- Xưa kia có vị vua tàn bạo tìm một kẻ cai ngục (còn có tên là Ngũ Bách) bạo tàn để khi có tội nhân, liền gọi quan cai ngục này đến hành hình. Ngũ Bách rất lộng quyền, có lúc rất độc đoán, có lúc lại nhân từ rộng lượng.

Ông thường đòi hối lộ các phạm nhân và sẽ nhẹ tay với những ai đút lót cho mình, còn nếu không, sẽ đánh người ta đến nỗi rách da nát thịt. Lúc đó, có vị hiền nhân đức hạnh bị nvu oan.

Khi bị Ngũ Bách đánh, ông ta liền nói: "Ta là đệ tử của Phật, vốn không phạm tội gì, mà bị người khác vu khống, mong ông tha cho". Lúc đó Ngũ Bách bỗng khởi từ tâm, giả vờ đánh nhưng không phát nào trúng vị hiền nhân.
 
 

Sau này khi Ngũ Bách qua đời vì tội hối lộ cùng vô số tội ác khác nên bị đọa vào địa ngục, phải chịu cảnh đau đớn, thống khổ vì roi da. Khi đã trả hết tội báo ở địa ngục, lại chuyển làm súc sinh cũng bị đày đọa đánh đập. 

Trải qua năm trăm kiếp như vậy, tội báo làm súc sinh trả hết thì được làm người nhưng cũng phải chịu nhiều sự đau khổ, bệnh tật liên hồi.
 
Đức Phật bảo rằng:
 
- Vị quốc vương lúc bấy giờ là Đề Bà Đạt Đa, còn Ngũ Bách chính là vị Tỳ kheo lâm bệnh, còn vị hiền giả chính là ta.
 
Ngũ Bách đã vì ta mà nương nay nên do tiền kiếp đã kết chút thiện duyên, đời này ta đích thân tắm cho vị tỳ kheo này.
 
Bấy giờ, thầy tỳ kheo lâm bệnh nghe Đức Phật nói như vậy về tội nghiệp trong đời quá khứ, hiểu được nhân duyên giữa mình và Thế Tôn, liền khắc cốt ghi tâm, khẩn thiết phản tỉnh. Ngay lúc đó, tất cả các bệnh khổ, đau đớn đều tiêu tan, thân tâm an định, chứng quả A La Hán. 

Lòng tham khiến ta độc ác và nặng nghiệp


Người quan cai ngục trên kia nếu không lộng quyền để phục vụ lòng tham thì kiếp người của ông ta đã không phải chịu cảnh bệnh tật, hôi hám, chẳng ai chăm sóc hay lại gần.

Thấy có cơ hội kiếm tiền là hầu hết chúng ta đã lóa mắt vì cái lợi trước mắt mà bất chấp việc đó đã hại người tới mức nào. Vì lòng tham mà người cai ngục đã gán tội cho người vô tội, đổi trắng thay đen nên bao nhiêu kiếp làm súc sinh cũng không trả được hết tội lỗi.

Thế mà ngày nay, nhiều người vẫn mờ mắt vì đồng tiền nên tìm đủ mọi cách để lường gạt người khác, họ không cần biết đó là nhân dẫn đến tù tội và nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Họ đang gieo tội ác mà cứ làm ngơ vì có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảo mà túng quẫn dẫn đến tự sát.

Tham lam muốn chiếm lấy của người khác, để làm của riêng cho mình là do thói quen thâm căn cố đế của những người không tin hoặc không sợ nhân quả vì đối với họ đó là điều chẳng sờ nắm hay thấy ngay được.
 
 

Sống lương thiện đoạn trừ bệnh tật


Vị Tỳ kheo lâm bệnh nặng cũng chẳng ai quan tâm cũng một phần là do nghiệp của mình gây ra khi vô lượng kiếp trước ông đã cố ý đánh đập, hủy báng, gán tội cho người lương thiện. Vì thế, để đoạn trừ bệnh tật ta cũng phải tập sống thiện lương ngay từ bây giờ trước khi quá muộn.

Những người làm điều ác, sau khi chết chắc chắn phải thọ khổ trong địa ngục, còn tạo nghiệp ác nhẹ hơn, sẽ bị tái sinh vào loài quỷ đói và các loài súc vật để chịu khổ báo. Sau khi thọ hết tất cả thống khổ trong các đường này rồi, sẽ được chuyển sinh trở lại làm người, mà làm người thấp kém và tiếp tục phải trả nốt nghiệp những gì mình còn chưa hoàn thành.

Thử ngẫm mà xem, khi dịch bệnh kéo đến, không ngẫu nhiên trong một nhà, một tỉnh thành, một đất nước mà người thì bị, thậm chí bị nặng dẫn đến thiệt mạng trong khi người khác thì vẫn không hề bị bệnh.

Có thể tạm hiểu là tất cả đều do nhân quả từ kiếp trước mà hình thành nên điều gì ta phải chịu đựng ở hiện tại.

Ví dụ như nhân trộm cướp trong hiện đời sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt hay nợ đời không trả tự hóa vận hèn… và tiếp tục chịu quả báo xấu trong tương lai. Do đó, hễ mượn là phải trả và thậm chí đồ dùng của người khác, khi chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc về tội trộm cướp.
 
 

Ai cũng có thể chọn lối sống thiện lương bất chấp hoàn cảnh


Sẽ có nhiều người cho rằng cuộc sống của tôi bấp bênh, không no đủ, không thể sống thiện được và đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng thực tế đó chỉ là do trí tuệ của họ chưa đủ sáng suốt mà thôi.

Lương thiện cũng là một loại trí tuệ để đủ sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân. Làm người ai cũng có nỗi khổ riêng và mỗi cá nhân đều phải tìm cách "giải bài toán" của riêng mình.

Ðức Phật dạy: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Tất cả mọi người ai cũng có khả năng thành Phật như nhau, vì ta đã có nhân Phật trong người, cái vì biết khi thấy, cái vì biết khi nghe….
 
Nguyên nhân đưa đến khổ đau, không phải do hoàn cảnh, không phải do người khác, mà chính tự nơi mình đã gây ra. Vì mải chạy theo vật chất, tham đắm sắc dục, chúng ta lãng quên tâm linh sáng suốt, không tin nhân quả, không học cách sống để thương yêu, bằng trái tim hiểu biết.
 
Lời Phật dạy về đạo làm người đã chỉ ra rằng chúng ta phải biết quay lại chính mình mà sống với tâm Phật sáng suốt, thì mọi bệnh khổ sẽ được tiêu trừ. Sự diễn biến từ nhân đến quả cũng không nhất định, có thể báo ứng liền trong hiện tại hoặc xảy ra sau một thời gian, khi làm ác chúng ta có thể qua mặt được luật pháp. Nhưng luật nhân quả sẽ không chừa bất cứ một ai, khi nhân duyên chín mùi.
 
Chúng ta hãy sợ hãi quả báo xấu trong đời này để biết cách tránh xa những điều tội lỗi, hay làm các việc thiện ích vì tình người trong cuộc sống.