Đừng vội oán giận, hãy nghe Đức Phật lý giải về người đối xử tệ với ta

Thứ Năm, 19/08/2021 10:18 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đức Phật lý giải về người đối xử tệ với ta không hoàn toàn là sự ngẫu nhiên xảy ra, đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Khi hiểu ra vấn đề, ta cũng nên rút kinh nghiệm để kiểm soát tốt hơn thái độ của chính mình từ nay về sau nhé.
 

Đức Phật lý giải về người đối xử tệ với ta

 
Có lần Đức Phật cùng hai môn đồ thân cận của mình là Ananda và Mahakasyapa cùng đi khất thực, đúng lúc nắng nóng nhất, họ nghỉ chân gần một khu vườn trồng rất nhiều dưa hấu.

Đức Phật yêu cầu Ananda đến xin chủ nhà một quả dưa hấu, đệ tử vâng lời bước tới chào hỏi:

- Chào cô, tôi cùng thầy mình là Đức Phật đã đi cả buổi sáng và rất khát nước, cô có thể cho chúng tôi một quả dưa hấu được không?
 
Ananda vừa dứt lời đã bị mắng té tát:

- Đi ngay. Tôi không có gì để cho cả!
 
Ananda cảm thấy vô cùng lúng túng, ngại ngùng quay về chỗ Đức Phật để thuật lại mọi chuyện, nhưng Ngài chỉ mỉm cười và nói Mahakasyapa:

- Mahakasyapa, giờ đến lượt con xin dưa hấu rồi đấy.
 
Mahakasyapa không tự tin với khả năng của mình lắm nhưng vẫn nghe lời Phật, ông không nói gì, chậm rãi đi tới khu vườn. Lạ kỳ là khi nhìn thấy Mahakasyapa bước tới, cô chủ vườn tươi cười rạng rỡ, chủ động chào hỏi và chọn một quả dưa hấu to, ngon nhất đưa cho ông rồi nói:

- Đây là quả dưa hấu ngon nhất vườn của tôi. Xin ngài hãy nhận lấy mà ăn cho đỡ khát.
 
 
Cả Mahakasyapa và Ananda vô cùng ngạc nhiên về cách cô gái nọ đối xử với hai người họ trong cùng một tình huống. Nhân đây, Đức Phật lý giải về người đối xử tệ với ta nhưng lại đối xử tốt với người khác dù cùng một hoàn cảnh thông qua một câu chuyện cũ.
  
Khá lâu rồi có hai vị sư thân thiết cùng nhau đi khất thực trong một ngày nóng nực, họ vô tình nhìn thấy một con mèo nằm chết ở bên đường đang bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nhà sư trẻ hơn nhìn thấy thế liền nhăn mũi rồi chạy đi trước, nhà sư lớn tuổi điềm tĩnh hơn, ông bày tỏ sự thương cảm và cầu chúc cho nó sớm được tái sinh ở một nơi khác tốt đẹp hơn, sau đó ông đào một cái hố rồi chôn con mèo tội nghiệp.
 
Nhiều kiếp sau, chú mèo được tái sinh để làm người và giờ đây là cô gái chủ vườn dưa hấu nọ, còn vị sư trẻ tuổi đó từng là kiếp trước của Ananda, vị sư già là kiếp trước của Mahakasyapa.
 
Mahakasyapa đã không những chôn con mèo, còn gửi lời chúc tới nó nên kiếp này vừa nhìn thấy Mahakasyapa, cô gái đã có cảm tình, chẳng cần nói lời nào cô ấy đã tặng quả dưa hấu ngon nhất.

Trong khi đó Ananda bị đối xử tệ hơn, bị đuổi đi vì kiếp trước nhìn thấy mèo chết mà chẳng có lòng trắc ẩn, còn tỏ ra ghê tởm, vô tình gieo ác duyên, khiến cô gái vừa nhìn thấy đã cảm thấy chán ghét, giận dữ.
 
Khi nghe xong câu chuyện mà Đức Phật kể, hai vị đồ đệ của Ngài đã nhận ra rằng trên đời này không có chuyện gì là ngẫu nhiên, mọi việc đều là kết quả tích tụ lại của rất nhiều những việc tốt hay việc xấu ta đã từng thực hiện trước kia. 
 

Hãy luôn tử tế và tôn trọng mọi người


Không ít người trong cuộc sống cảm thấy bất công vì không được đối xử tốt hoặc hay bị người khác hắt hủi, chê bai, điều này có thể vì chính họ đã từng gieo rắc điều tương tự với mọi người từ trong quá khứ hoặc trong những kiếp trước.

Cách ta cư xử với người khác, nhất là những người ở vị thế kém may mắn hơn, thể hiện khá rõ tính con người mình. Có người tỏ ra khinh bỉ, tránh xa họ, nhưng ngược lại, một cử chỉ yêu thương hay một câu nói đồng cảm có thể để lại ấn tượng tốt đẹp không bao giờ phai.

Do đó, muốn mọi người hiền hòa, vui vẻ, tốt bụng với mình thì trước tiên ta cũng phải dành những điều tốt đẹp đó cho họ trước đã.

Từ câu chuyện trên có thể thấy dù là với bất cứ ai, con người hay động vật, chúng ta cũng phải đối xử tốt, không nên phân biệt đối xử. Hãy cứ sống tử tế ta sẽ gặp nhiều người tử tế.

Dù bạn là ai hãy chọn cho mình nguồn năng lượng đúng đắn để lan tỏa. Khi chọn cho mình nguồn năng lượng tích cực, khả năng dẫn dắt cũng như các mối quan hệ của bạn cũng cải thiện một cách đáng kể.

Đừng suy nghĩ mọi chuyện quá phức tạp rằng nếu ta giúp mà họ không giúp lại ta thì sao, hãy cho đi với tâm thế vô tư, thoải mái. Với sự tử tế trong cách ứng xử ở mọi tình huống, bạn có thể khởi đầu và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và sống một cuộc đời hạnh phúc.

Cần nhớ rằng, việc sống tử tế với mọi người còn quan trọng hơn là chuyện phân tích Đúng - Sai. Có phải do sự khát khao luôn luôn Đúng đã trở thành một quan niệm cố hữu trong tâm trí mỗi chúng ta nên không ít người đã sẵn sàng làm tổn thương người khác chỉ để khẳng định rằng mình Đúng?

Đức Phật đã dạy rằng: "Đôi khi, trở nên tử tế sẽ tốt hơn là trở nên đúng đắn. Chúng ta không cần đến một đầu óc thông minh để nói, mà cần một trái tim kiên nhẫn biết lắng nghe".

Nhưng theo lời Phật dạy về cách lắng nghe: Không đơn giản chỉ là vài ba âm thanh quen thuộc, đó còn là sự nhạy cảm, thấu hiểu. Điều quan trọng không chỉ là thông cảm hay thương hại người khác mà là hiểu được họ đang trải qua điều gì. Thấu cảm đóng vai trò quyết định. Đôi khi, chỉ vài câu động viên đúng lúc có thể mang lại cho họ sức mạnh để tiếp tục.
 
 

Không làm điều tốt cũng không khác gì làm điều xấu


Nhiều người rất sợ trách nhiệm vì sợ mình làm sai sẽ bị trách mắng, thậm chí có một số người làm từ thiện xong bị chê về cách thức thực hiện thì vội tức giận bảo: "Đã thế tôi không làm nữa".

Họ nghĩ rằng không làm gì thì khỏi phải lo lắng rằng mình làm điều tốt hay điều xấu, sẽ luôn là kẻ vô tội trong mọi tình huống. Nhưng thực ra nếu không làm điều tốt không khác gì làm điều xấu cả, ví dụ thấy chết mà không cứu cũng là tiếp tay cho kẻ thủ ác.

Hay bạn vô tình bị ngã vì hòn đá ngáng đường nhưng cứ mặc nó ở đấy vì nghĩ rằng việc chẳng liên quan tới mình. Thế nhưng chính thái độ thờ ơ đó mà hòn đã có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho những người tiếp theo nghĩa là bạn cũng đang vô tình làm điều xấu đấy thôi.
 
Ai cũng có sẵn lòng tốt nhưng cứ duy trì sự thờ ơ, lạnh lùng mãi như thế dần dần, ta đã chôn vùi hơi ấm của mình sâu trong tim, rồi thành kẻ ác lúc nào không hay.

Tương tự, những người chỉ biết nghĩ đến mình và nghĩ ai cũng chống lại họ thường có xu hướng tự bọc mình trong tấm áo giáp của sự tàn nhẫn và tự đại. Do đó, đừng so đo việc ai đó đánh giá về ta có đủ tốt, đủ vô tư hay không, hãy làm mọi thứ bằng cái tâm của mình, mặc kệ việc người đời phán xét. Nếu có những việc không ai nhờ cũng phải chủ động làm, chủ động lên tiếng để giúp người khác.
 
Hãy nhìn tấm gương của Đức Phật, Ngài luôn bắt đầu trò chuyện với mọi người để giúp họ đương đầu với những đau khổ của mình. Ngài không đợi người khác bắt chuyện với mình trước, cũng không lo lắng về việc họ có thể nghĩ gì về mình. Ngài chú tâm tới mọi người một cách ấm cúng và thoải mái.