Nếu đang đau đớn vì mất người thân nhất định phải nghe lời Phật dạy sau đây

Thứ Sáu, 09/07/2021 22:42 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Câu chuyện về Đức Phật giúp người phụ nữ thoát khỏi nỗi đau mất con để lại tính nhân văn sâu sắc cho tất cả chúng sinh nhưng vì mất mát quá lớn nên không phải ai cũng hiểu ra được.
 

Chuyện bà mẹ mất con mong Đức Phật cứu giúp


Có lần Đức Phật đi giảng pháp, có bà mẹ ôm đứa con thơ vừa mới mất đòi gặp và cầu xin Ngài làm phép để con mình sống lại, bà nói:

- Con của con đã chết, con làm sao bây giờ, Ngài hãy giúp con. Hãy cứu nó sống dậy! Ngài là chúa tể của sự sống chết, đã vượt qua sự sống chết. Hãy cứu chúng con.

Nó là niềm vui của gia đình. Từ nhiều năm nay, chúng con không mong gì hơn là được đứa con. Bây giờ nó chết vì một thứ bệnh hiểm nghèo. Hãy mang ánh sáng lại trong mắt của nó. Hãy công bằng. Đứa con nhỏ tuổi này chết đi quá sớm.
 
Ngài ôn tồn nói:

- Hãy nghe ta, nàng hãy đi từ nhà này qua nhà khác trong đô thị này và hãy xin một hạt cải của một nhà chưa có ai chết. Hãy mang hột cải về đây và để xem ta có thể làm gì được không?
 
Với niềm tin và lòng thương con vô bờ bến, bà dành cả ngày để gõ cửa từng nhà, gần như không có ngôi nhà nào bà không hỏi xin hạt cải và không quên hỏi xem nhà họ có ai qua đời không. Có người vì quá cảm động về tình mẫu tử này đã cho vài hạt cải với lời đề nghị giấu chuyện trong nhà có người chết.
 
Trời nhá nhem tối, bà vẫn không tìm được nhà nào thỏa mãn yêu cầu của Đức Phật, bà chợt hiểu ra rằng chẳng có hạt cải nào được cất chứa trong một ngôi nhà chưa có ai chết vì sự thật là ai cũng như bà, từng chịu cảnh đau đớn vì người thân qua đời. Vì thế, bà mới bắt đầu chấp nhận sự thật rằng mình đã mất đứa con thơ, không còn cách gì cứu nổi.

Đức Phật giúp người phụ nữ thoát khỏi nỗi đau mất con để bà hiểu rằng cuộc sống này luôn có những điều bất như ý và ta vẫn phải chấp nhận, phải tiếp tục sống, không để những mất mát khiến ta tự hủy hoại đi cuộc sống của chính mình.
 
 

Thôi bám víu quá khứ để ta có thể bước tiếp

 
Nỗi đau mất người thân và đặc biệt là mất con sẽ không có gì so sánh nổi, là một trong những áp lực quá đáng sợ khiến trạng thái thần kinh căng thẳng nhất mà con người phải chịu đựng.

Hoặc có trường hợp người thân ra đi đột ngột, khi tuổi đời còn quá trẻ hoặc chết trong hoàn cảnh đau đớn, bi thảm luôn khiến người ở lại cảm thấy đau khổ, dằn vặt thậm chí là oán hận, trách móc. Nỗi đau thấu trời, xé ruột xé gan tưởng rằng lúc đó ta có thể chết theo, không thể sống nổi nữa.

Thế nhưng nên hiểu rằng ta buông xuôi không có nghĩa là ta bỏ cuộc, chịu thua cuộc sống này. Trong khi đâu phải có duy nhất ta từng rơi vào tình cảnh đó, trong cuộc đời, chắc hẳn ai cũng từng trải qua nỗi đau này và họ vẫn có thể vượt qua đấy thôi. Họ làm được thì ta cũng nhất định sẽ làm được.

Hơn nữa, khi ta hiểu sâu về nhân quả, ta biết rằng, luật nhân quả là cán cân công lý, do đó không có gì là ngẫu nhiên hay xui xẻo. Tất cả là do duyên nghiệp của chính người đó đã tạo ra trong quá khứ và cả hiện tại. Do đó, thay vì thái độ đối kháng, oán hận thì nên biết chấp nhận hoàn cảnh của mình.

Ta chọn thái độ sống tỉnh thức, an trú trong hiện tại sẽ mở ra chân trời mới được khơi nguồn từ tình yêu bất tận, tự do khôn cùng, và hạnh phúc tràn ngập, không nên truy tìm quá khứ làm gì. Vì một cuộc sống không bằng chết thì quả là phí hoài cả đời người chỉ vì một việc đã qua hay người thân đã mất.

Sự thật là nếu ta có dừng lại, cuộc sống luôn tiếp diễn với những điều kỳ diệu đang và sẽ xảy ra xung quanh chúng ta. Cách duy nhất để giúp những người thân yêu đã mất của mình được thanh thản là làm các việc phước thiện để hồi hướng công đức cho họ. Việc chúng ta chìm trong đau khổ, than khóc, oán hận không giúp ích được những người đã mất mà còn làm chính mình bị tiêu hao sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và những người xung quanh.
 

Hiểu những điều này chúng ta sẽ giảm đi nỗi đau mất mát

 
 
Đức Phật giúp người phụ nữ thoát khỏi nỗi đau mất con thông qua việc tìm hạt cải trong nhà của những ai chưa từng có người thân qua đời cũng đã giúp ta nhận ra rằng, cuộc sống này thật giả khó tỏ tường vì thế đừng bám chấp quá lâu với nỗi đau đang hiện hữu là do:
 

1. Mọi thứ đều là vô thường

 
Lời Phật dạy về vô thường đã chỉ cho chúng ta thấy rõ bản chất của sự vật không hề như cách chúng ta biết, mọi thứ đều liên tục thay đổi và trạng thái hình dáng ban đầu sẽ liên tục biến đổi. Ví dụ nay ta có thể đau đớn tưởng chết đi được nhưng ngày mai nỗi đau đó đã nguôi ngoai, thời gian sau thì chúng chỉ là kỷ niệm buồn đã qua. 

Vì thế, đừng bị đánh lừa bởi sự cố định tạm thời, không nhìn thấy được tính vô thường của sự vật, từ đó mà bám chấp, tự gây phiền não cho chính mình. 

2. Khỏe mạnh nhưng rồi cũng phải qua đời

 
Ai trong chúng ta cũng mong mình khỏe mạnh, cố gắng tập luyện để duy trì vóc dáng đẹp nhưng ta có khỏe, có cường tráng thế nào, cuối cùng đều có một ngày ta cũng phải vĩnh biệt cuộc sống này.

Một người được ca ngợi là sống thọ cũng không trường sinh bất lão, cuối cùng vẫn phải đối diện với cái chết.
 

3. Của cải chất chồng rồi cũng tan biến
 

Con người vì quá tham lam mà trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến tiền, cố gắng vơ vét của cải về mình mà họ quên rằng nếu chết đi rồi họ cũng chẳng mang được theo. Dù người giàu hay kẻ nghèo đến lúc lâm chung thì cũng trắng tay như nhau mà thôi.

Có người lấy của cải thuộc về người khác tưởng rằng để sung sướng ai ngờ khuynh gia bại sản. Đó chính là sự vô minh khiến họ gieo rắc thêm tội lỗi cho mình nhưng kết cục thì chẳng được gì. Vì thế, càng tham thì càng dễ mất mà có khi khù khờ lại được Thánh nhân che chở.

Cho nên, ngay khi còn sống trên cõi đỡi này, hãy bố thí hành thiện, giúp người cứu nguy, điều bạn đạt được còn quý hơn cả tiền bạc, của cải nữa đấy.
 

4. Có hợp ắt có tan
 

Trong cuộc đời này có hợp ắt sẽ có tan, dù ta cố nắm giữ điều gì cũng không được, kể cả, cha mẹ vợ chồng, bạn bè thân hữu, hợp rồi lại tan. Vì thế, hãy thôi đau khổ vì điều đó mà nên chấp nhận nó, suy nghĩ lạc quan về nó để cuộc sống thêm nhẹ nhàng, an nhiên.

Nhất là trong chuyện tình cảm lại càng như thế, duyên đến duyên đi hãy thuận theo tự nhiên mà đối đãi, duyên đến thì đón mà duyên đi thì cũng nhẹ bước tiễn đi.